Đăng nhập

 

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Về nhu cầu và nội dung công tác thông tin, nghiên cứu phục vụ Quốc hội

VỀ NHU CẦU VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC
THÔNG TIN, NGHIÊN CỨU PHỤC VỤ QUỐC HỘI

------------------

                                                                                                TS. NGUYỄN ĐÌNH LỘC

                                                                         Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

 

            MỘT VÀI  LỜI MỞ ĐẦU

            Tôi nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội chúng ta, những người đang đảm đương một nhiệm vụ, một sứ mệnh có thể nói rất cao cả và hoàn toàn không dễ dàng trước cử tri của mình và chắc cũng không chỉ các vị Đại biểu Quốc hội mà tất cả những ai quan tâm đến vấn đề hiện nay mang tính thời sự rõ rệt - vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội chung cũng như hiệu quả hoạt động của từng đại biểu trong gần 500 đại biểu của cơ quan đại biểu cao nhất, đều không thể không hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội thảo như thế này.

            Sáng kiến tổ chức Hội thảo đã chứng tỏ các cơ quan phục vụ Quốc hội, trong đó có Trung tâm Thông tin, Thư viên và Nghiên cứu Khoa học – Văn phòng Quốc hội đang rất nỗ lực và có những cố gắng cụ thể, thiết thực tìm kiếm những con đường đổi mới cung cách hoạt động nhằm phát huy ngày càng tốt hơn vai trò nhiệm vụ tham mưu, phục vụ của mình. Nhân dân ta có câu: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”, thể hiện một ý tưởng rất lớn về vai trò của các cơ quan tham mưu, phục vụ. Trong điều kiện cụ thể về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam hiện nay, câu nói tưởng như đã lỗi thời, xa lạ đó lại càng xác đáng, thích hợp. Cũng phải nói rằng, đây cũng đã trở thành một đòi hỏi, một yêu cầu, cũng có thể nói là một yêu sách không thể thoái thác đối với các cơ quan phục vụ từ phía các cơ quan của Quốc hội.

            Thực tế cho thấy các cơ quan của Văn phòng Quốc hội không chỉ  làm tốt chức năng phục vụ hoạt động của Quốc hội mà đồng thời phát huy một cách có hiệu quả vai trò tham mưu trong việc chủ động tìm kiếm những giải pháp, phưong thức đề cao vai trò của Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước trong điều kiện xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.

            1. Đề cập đến nhu cầu và nội dung thông tin, nghiên cứu phục vụ Quốc hội, cụ thể hơn đối với từng vị Đại biểu Quốc hội đương nhiệm, trước hết phải xuất phát từ vị trí, vai trò của Quốc hội trong đời sống một đất nước, quy mô, tầm vóc của những trọng trách mà Quốc hội phải đảm đương, những chức năng mà Quốc hội phải thực hiện, đưa vào vận hành và điều không kém phần quan trọng là phải thấy được các đặc thù của phương thức, cung cách hoạt động của Quốc hội.

            Hơn nữa, cần phải hình dung thật rõ: Quốc hội là một thiết chế phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đó là biểu hiện của một xã hội dân chủ và Quốc hội, hay thường gọi là Nghị viện, ở một số nước đã tồn tại hàng trăm năm thì khi nói đến cơ quan đại biểu cao nhất này, không thể chỉ nói đến một kiểu Quốc hội chung chung, trừu tượng mà không tính đến đặc thù, hoàn cảnh điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể của từng quốc gia, từng cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước đó.

            Quốc hội Việt Nam với lịch sử tồn tại hơn 50 năm (19460-2004), tuy chưa đến độ thâm niên như cơ quan đại biểu cao nhất của nhiều nước, nhưng xét về mặt thể chế, có thể nói đã có đủ một cơ sở pháp lý ở mức độ lập pháp, nhất là ở tầm hiến định khá đầy đủ, hoàn chỉnh cho hoạt động của mình.

            Tất nhiên, xét ở tầm đại nghị dân chủ, cũng đang có những ý kiến và cả những băn khoăn về mặt lập pháp, lập hiến đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội nước ta, chẳng hạn có câu hỏi thường xuyên được nêu ra: đến bao giờ Quốc hội Việt Nam mới chuyển qua hoạt động thường xuyên là chủ trương được đề ra tương đối sớm của thời kỳ đổi mới ở tầm một Hội nghị trung ương của Đảng cầm quyền - Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai, khóa VIII từ năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam, hoặc cũng có ý kiến đặt vấn đề nên chăng, trong tinh thần và phù hợp với yêu cầu xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân đã đến lúc Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong tinh thần thuộc bản chất của một xã hội thực sự dân chủ đại diện phải thiết định một thiết chế chuyên trách làm chức năng bảo hiến - bảo vệ Hiến pháp và đó là thiết chế được gọi là Tòa án Hiến pháp hoặc Tòa án bảo hiến bảo đảm thể hiện vị trí thượng tôn tối cao của Hiến pháp.

            Đương nhiên, đó đều là những vấn đề đã và đang được dư luận đặt ra cần có sự xem xét nghiêm túc và đều trực tiếp có quan hệ đến công tác thông tin, nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội. Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể cầu toàn. Hơn nữa, nói đến công tác thông tin, nghiên cứu khoa học phục vụ Quốc hội, cũng phải có tầm nhìn xa, vì mọi thứ thông tin không bao giờ có thể có ngay một lúc, một cách tức khắc, vì thông tin – đó là kết quả của một quá trình tích lũy hàng ngày, có khi hàng giờ, năm này qua năm khác và có những thứ gom góp, cóp nhặt hôm nay là để cho mươi, mười lăm năm sau, 20 năm sau, có khi thế kỷ sau. Tuy nhiên, nói đến công thông tin phục vụ Quốc hội nói chung cũng như cho từng Đại biểu Quốc hội, trước hết trực tiếp bao giờ cũng phải ưu tiên cho nhu cầu trước mắt của Quốc hội, của đại biểu đương nhiệm và nhiều lắm cho một, hai khóa tới.

            Trong tinh thần trên đây, có thể thấy, Quốc hội Việt Nam về mặt hiến định như quy định tại Điều 83 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001, là cơ quan đại biểu ca nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, nhưng nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

            Qua sự quy định một cách khái quát vừa chức năng, nhiệm vụ vừa đặc trưng tính chất vị trí của Quốc hội trong đời sống của đất nước,có thể thấy Quốc hội giữ vai trò quan trọng như thế nào đối với vận mệnh của cả một dân tộc. Và ở đây có thể nói ngay: đối với một cơ quan giữ một vai trò, vị trí, thực hiện những chức năng thuộc loại như vậy thì cần có những thông tin như thế nào để giúp một cách có hiệu quả cho cơ quan đó có thể thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, thể hiện đúng đắn vai trò vị trí của mình trước cử tri, đất nước – đây là những vấn đề không hề dễ dàng.

            Có thể thấy, thông tin mà Quốc hội cần cho hoạt động của mình rất bao quát, không có lĩnh vực nào của đời sống một đất nước mà không trở thành mối quan tâm, không nằm trong tầm ngắm của đôi mắt bao quát ở tầm vĩ mô của Quốc hội.

            Ở đây phải thấy ngay rằng, một trong những đặc trưng tiêu biểu trong phương thức hoạt động của Quốc hội là ra quyết định ở tầm quyết sách, dù đó là một đạo luật hay một nghị quyết, mà xét theo tính chất,ý nghĩa, thường được xem là “quốc gia đại sự”. Và để Quốc hội có thể ra được những quyết định như vậy, các thông tin mà Quốc hội được cung cấp và phải xử lý mang tính chất bao quát, tổng hợp, cập nhật như thế nào. Mỗi quyết sách được Quốc hội biểu quyết thông qua là một lời giải, một đáp án cho vấn đề bức xúc, có khi có tính vấn nạn mà cuộc sống ở tầm vĩ mô đang đặt ra, đang đòi  hỏi phải được giải quyết và Quốc hội đưa ra được quyết sách như vậy một phần không nhỏ phụ thuộc vào việc xử lý đúng đắn các thông tin được cung cấp.

            Xử lý thông tin và đưa ra quyết định – Đó là một công việc không dễ dàng, nhưng không ai có thể làm thay Quốc hội, không thể làm thay nhưng có thể tham mưu, đề xuất, tư vấn và đó cũng là chức năng của cơ quan phục vụ, cung cấp thông tin. Có thể thấy, cung cấp thông tin không đơn thuần chỉ là cung cấp những bản tổng hợp tình hình một cách đơn thuần. Trong cung cấp thông tin phải nhấn mạnh công tác nghiên cứu, phân tích, nhận định, đánh giá, đề xuất phương án, có khi là những phương án khác nhau.

            Tất nhiên, không nên hình dung một cách ngộ nhận rằng chỉ một mình cơ quan thông tin có thể làm hết việc này. Trong cơ cấu, bộ máy của Quốc hội có cả một hệ thống các cơ quan có chức năng chuyên trách tư vấn, tham mưu trên từng lĩnh vực thuộc chức năng, trách nhiệm của Quốc hội. Khi cần, Quốc hội còn thành lập các thiết chế hoạt động nhất thời phục vụ nhu cầu của Quốc hội. Hơn nữa, từ nhiều mối quan hệ phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện ba quyền, có thể thấy các cơ quan nhà nước khác bên ngoài Quốc hội cũng đều có chức năng, khi cần thiết làm nhiệm vụ cung cấp thông tin, làm tham mưu, tư vấn cho Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

            Có vấn đề cần lưu ý là không nên lo về sự trùng lặp vì về mặt thông tin, tham mưu, tư vấn nói chúng là “đa đa ích thiện”, trong những trường hợp nhất định có khi lại cần đến những thông tin có vẻ như trùng lặp, nhưng đồng thời cũng phải hình dung để xác định được quy mô, tính chất của bức tranh chung, để xác định phạm vi, mức độ và có khi là cả điểm dừng trong cung cấp thông tin, tham mưu, đề xuất. Vấn đề cơ bản ở đây là chủ động xác lập, duy trì được mối quan hệ, bảo đảm được mối liên lạc, liên hệ để cập nhật, kịp thời thành một mạng, bấm nút là có thể có được thông tin, kể cả các thông tin về mặt tham mưu, tư vấn.

            Nói đến công tác thông tin cũng phải tính đến tình hình, xét về mặt cơ cấu tổ chức, Quốc hội là cả một hệ thống tổ chức nội bộ. Quốc hội có Ủy ban thường vụ Quốc hội, có Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, có các Đoàn Đại biểu Quốc hội, công tác thông tin cần đặt ra như thế nào? Khi đề cập đến vấn đề này, không thể không tính đến tình hình là Hội đồng Dân tộc và Ủy ban – mỗi thiết chế phụ trách một lĩnh vực vừa rộng, vừa chuyên sâu. Trong công tác thông tin, có lẽ không nên để các thiết chế này bơi trong biển thông tin.

            Tất nhiên, ở mỗi cơ quan của Quốc hội, theo tổ chức hiện nay đều có một bộ phận giúp việc – các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội. Các cơ quan này đương nhiên cũng là nơi tích lũy, thu thập thông tin để phục vụ, tham mưu cho cơ quan của Quốc hội mà họ là bộ máy giúp việc, vừa phục vụ vừa tham mưu, nhưng cũng vì vậy, Trung tâm thông tin phải đặt mối quan hệ và liên hệ chặt chẽ với các cơ quan này và trong kho thông tin của Trung tâm phải là nơi có khả năng cung cấp các thông tin cần thiết, có hệ thống cho các cơ quan của Quốc hội và phải đặc biệt lưu ý đến một đặc trưng tiêu biểu trong hoạt động của Quốc hội với tính cách của một cơ quan dân cử, đại diện là hoạt động theo nhiệm kỳ. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm và sau một nhiệm kỳ 5 năm không phải mọi công việc, nhưng rất nhiều công việc của Quốc hội như được bắt đầu lại từ đầu, rồi đổi mới thành phần đại biểu thường là ¾ và đổi mới cả lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.

            Hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm đặt ra những vấn đề gì cho công tác thông tin, tham mưu, tư vấn là một đề tài rất lý thú, xứng đáng cho một chủ thể khoa học cần được đặt ra.

            Sơ bộ có thể thấy 2 loại vấn đề cần được quan tâm:

            - Thứ nhất, xét về mặt tổ chức và hoạt động triển khai công việc theo chức năng, có những công việc có tính chất như bắt đầu lại từ đầu – đó là công việc tổ chức, thành lập các cơ quan của Quốc hội, lại có những công việc như không hẳn bắt đầu lại từ đầu, nhưng dù sao, vào đầu một nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội mới 5 năm, phải có một cái đích nhằm đánh giá cái đã làm được của nhiệm kỳ qua và tính đến những cái chung cho cả nhiệm kỳ mới từ chương trình lập pháp đến chương trình giám sát, chương trình kế hoạch 5 năm xây dựng kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật.

            - Mặt khác, việc đổi mới thành phần đại biểu và cả thành phần lãnh đạo, chắc chắn cũng đặt ra những vấn đề rất cụ thể cho công tác thông tin, tham mưu, tư vấn.

            Hoạt động đại biểu trong điều kiện cụ thể của Quốc hội Việt Nam phải làm sao giải tỏa sớm được sự bỡ ngỡ buổi đầu đối với phần đông các đại biểu lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại Hội trường, trong họp đoàn, họp tổ và ở cả đơn vị bầu cử, sớm phát huy được sự tự động và chủ động làm nhiệm vụ đại biểu, kết hợp công tác đại biểu với công tác chuyên môn là vấn đề rất thực tế đặt ra, tránh cho tình trạng cá biệt đối với một số đại biểu là đã qua vài ba kỳ họp mà vẫn thấy còn bỡ ngỡ, ngỡ ngàng, dè dặt hoặc thậm chí trong suốt nhiệm kỳ không một lần chủ động bấm nút phát biểu tại Hội trường.

            2. Việc cung cấp thông tin, tham mưu, tư vấn cho Quốc hội nói chung cũng như cho từng đại biểu lại không thể không đặt trong tình hình điều kiện cụ thể của Quốc hội Việt Nam – chưa hoạt động thường xuyên mà theo kỳ họp, dù so với trước, mỗi kỳ họp đã được kéo dài thì về cơ bản vẫn là một Quốc hội “xuân thu nhị kỳ”.

            Một Quốc hội – cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước mà không hoạt động thường xuyên đặt ra những vấn đề cần được quan tâm xử lý về mặt thông tin.

            Điều 43 Luật tổ chức Quốc hội năm 2002 ghi rõ: Đại biểu Quốc hội… là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Nhưng Quốc hội chưa hoạt động thường xuyên thì quyền lực nhà nước giữa hai kỳ họp thường cách nhau 4,5 tháng ai thực hiện? Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội được Quốc hội trao thực hiện một số quyền của Quốc hội trong trường hợp Quốc hội không họp, nhưng cũng không thay thế được Quốc hội. Đây là một vấn đề lớn cần được đặt ra xem xét. Nhưng vấn đề này chỉ có thể tham mưu, phục vụ các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chức trách của mình là thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước tại Quốc hội trước tình hình trên đây phải làm gì để góp phần khắc phục.

            Một tình hình rất đáng băn khoăn là giữa hai kỳ họp, Đại biểu Quốc hội thường chỉ nhận được Công báo và một vài tờ báo cá biệt mới nhận được dự án này dự án nọ, nhưng đến kỳ họp thì số lượng tài liệu được cung cấp để đọc, nghiên cứu, xử lý thông tin lại quá lớn. Trong kỳ họp, Đại biểu Quốc hội ngày 2 buổi 8 tiếng phải họp ở Hội trường, ở tổ, thì giờ nghiên cứu cá nhân không nhiều, tạo nên tình trạng thừa ứ thông tin, nhưng không hấp thụ, tiêu hóa đủ thông tin có thể giúp vươn lên đúng tầm để quyết đoán, bấm nút. Công tác thông tin có thể làm gì để giúp sức đại biểu Quốc hội khắc phục tình trạng bất cập này?

            Lại cũng phải tính đến tình hình ¾  Đại biểu Quốc hội là không chuyên. Mỗi đại biểu có thể nói đến một công tác chính, theo chuyên môn và giữa hai kỳ họp mỗi người đều phải tập trung vào công tác chuyên môn, chỉ đến kỳ họp thì xét một cách khách quan, Đại biểu Quốc hội mới có thời gian dành cho trách nhiệm đại biểu. Tình hình này đòi hỏi công tác thông tin phải có những hình thức thích hợp giúp cho Đại biểu Quốc hội thu thập, tích lũy thông tin về nội dung của mỗi kỳ họp, tránh tình trạng đến kỳ họp Đại biểu Quốc hội mới tranh thủ nắm bắt những vấn đề cần xử lý để biểu thị thái độ và làm điều cực kỳ hệ trọng: bấm nút thông qua những quyết sách quốc gia đại sự.

            Bên cạnh đó một tình hình không thể không tính đến là các đại biểu Quốc hội Việt Nam chưa như đại biểu, Nghị sĩ nhiều nước, có bộ máy giúp việc đối với từng đại biểu. Mọi công việc liên quan đến hoạt động đại biểu, Đại biểu Quốc hội Việt Nam đều phải tự đảm đương tự thu thập, xử lý thông tin, tiếp xúc cử tri, chuẩn bị những vấn đề cần tham gia, phát biểu ý kiến, Đại biểu Quốc hội đều phải “tự lực cánh sinh”.

            Công tác thông tin, tham mưu, tư vấn của Văn phòng Quốc hội có thể làm được rất nhiều để giám nhẹ gánh nặng “tự lực cánh sinh” này của các đại biểu Quốc hội không chuyên trách. Các hình thức như tóm tắt nội dung các đề án, nêu những vấn đề chính, cốt yếu của các dự án luật, giới thiệu những vấn đề và ý kiến khác nhau, đạo lý của sự khác nhau; cung cấp những tài liệu tham khảo các nước dưới dạng tóm tắt, nêu bật những vấn đề cần quan tâm, chú ý là những điều rất quý đối với các đại biểu này. Và không nên chờ đến kỳ họp mới cung cấp mà gửi đều về địa phương cho từng đại biểu.

            Có thuận lợi, mỗi đại biểu chưa có văn phòng nhưng từng đoàn ở mỗi địa phương đều có văn phòng với một số chuyên viên nhất định. Nên có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và có hình thức phát huy vai trò phục vụ, tham mưu của các văn phòng đối với từng đại biểu.

            Trong khi đa số các đại biểu Quốc hội đều không chuyên thì lại có 125 đại biểu làm nhiệm vụ chuyên trách. Công tác thông tin, tham mưu, tư vấn nên xem đây như là một đối tượng đặc thù cần có hình thức cung cách riêng cung cấp thông tin, bồi dưỡng cho đối tượng đại biểu này. Cho đến nay, đại biểu chuyên trách chỉ khác đại biểu không chuyên trách là không còn phải làm  một công tác chuyên môn nào khác, ngoài trách nhiệm đại biểu tức là họ có thời gian và dành toàn bộ tâm trí cho hoạt động đại biểu. Họ cũng được hưởng một chế độ có thể nói là đãi ngộ có tính chất ưu ái về lương bổng, nhưng họ chưa có bộ máy, chưa có người giúp việc và trong khi làm nhiệm vụ đại biểu chuyên trách họ cũng “tự thân vận động” là chính. Tình hình đó đòi hỏi họ cũng phải được có một chế độ cung cấp, xử lý thông tin riêng, có khi cập nhật hàng ngày để giúp cho họ tận dụng tối đa hoàn cảnh chuyên trách về mặt thời gian và trách nhiệm.

            3. Đề cập đến công tác thông tin trong tình hình hiện nay khi các phương tiện thông tin cực kỳ phát triển còn bản thân thông tin thì đang bùng nổ, trong lúc đó đại biểu Quốc hội ta đang khá khó khăn trong nắm bắt, cập nhật, xử lý thông tin, được trang bị còn rất sơ sài, khiêm tốn. Tình hình đó có nguyên nhân của nó. Từ góc độ cung cấp thông tin, đặt ra vấn đề là ch ính trong tình hình đó đặt cho cơ quan cung cấp thông tin trách nhiệm không chỉ nặng nề mà còn có phần không bình thường: làm sao, làm như thế nào để giúp cho từng đại biểu khắc phục được điều tưởng như không thể khắc phục: giúp các đại biểu và từng đại biểu có điều kiện tiếp cận được các thông tin cần thiết đúng với tầm của người đại biểu nhân dân ở cơ quan đại diện cao nhất trong thời đại bùng nổ thông tin. Khi đi vào cụ thể, chắc chắn sẽ có phương án cụ thể, khả dĩ, phù hợp với tình hình và hoàn cảnh của các đại biểu Quốc hội ta. Vấn đề là không thể bằng lòng với tình hình thông tin như hiện nay đối với các đại biểu của cơ quan đại diện cao nhất.

            Trên đây là một số ý kiến, đương nhiên, rất sơ bộ, không phải là của chuyên gia về thông tin, chắc có những suy nghĩa có thể ngộ nghĩnh, nhưng điều có thể khẳng định – rất chân thành. Xin đóng góp với Hội thảo. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

 

--------------------------------

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


Liên kết website
Số lượt truy cập
07844145




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn