Đăng nhập

 

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Về phát triển văn hóa của thành phố theo hương văn minh, hiện đại, giải quyết tốt các vấn đề xã hội , thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế

VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ

THEO HƯỚNG VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, GIẢI QUYẾT TỐT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI, THỰC HIỆN CÔNG BẰNG VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI ĐỒNG BỘ VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ

                       

                                                                                                Huỳnh Thành Lập

 

Kính thưa:

                        - Đoàn chủ tịch đoàn đại hội;

                        - Các đồng chí khách mời và các đồng chí đại biểu đại hội.

Tôi bày tỏ sự nhất trí cao Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội. Tôi cho rằng đó là công trình tập thể, nội dung thể hiện trí tuệ, tâm huyết của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Để phát triển văn hóa của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế như báo cáo chính trị đại hội Đảng bộ đề ra, xin được tham gia một số ý kiến như sau:

Trước hết, vấn đề Phát triển văn hóa thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa có lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu, có sự chăm lo của Đảng bộ và Chính quyền làm cho lực lượng được phát huy; hoạt động ngày càng lớn mạnh, đã góp phần tích cực vào những thành tựu về văn hóa của thành phố; cùng với các phong trào của các tổ chức, cơ quan, mặt trận, đoàn thể đã làm cho đời sống văn hóa, xã hội của thành phố từng bước được nâng lên. Sự thành công có sức lan tỏa nhanh của nhiều phong trào xã hội rộng lớn của thành phố như: xóa đói giảm nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; bảo trợ bệnh nhân nghèo; nụ cười cho trẻ thơ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng…, đã minh chứng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của thành phố như lòng nhân ái, nghĩa tình, giúp đỡ người nghèo, năng động sáng tạo được chú ý phát huy. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện rộng khắp, các chương trình “năm trật tự đô thị”, “năm kỷ cương, văn minh đô thị” đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa đô thị và văn hóa mới cho thành phố: Hơn 769 nghìn hộ gia đình được bình chọn đạt tiêu chuẩn “gia đình văn hóa” với trên 63 nghìn điển hình “người tốt việc tốt”, đã cơ bản xóa được hộ nghèo; thực hiện chương trình mục tiêu ba giảm, đã có hơn 30 nghìn đối tượng được tập trung cai nghiện và đang được giáo dục, dạy nghề và bước  đầu tái hòa nhập cộng đồng. Việc ngăn chặn ma túy thâm nhập vào học đường, giảm thiểu người ăn xin, lang thang trên địa bàn thực hiện có kết quả bước đầu. Chương trình nước sạch, điện, cầu, đường, trường học, trạm xá, bưu điện,… đã góp phần làm cho bộ mặt văn hóa ở nông thôn được cải thiện đáng kể; truyền thống nhân ái trong nhân dân luôn xuất hiện với những nghĩa cử cao đẹp như: hiến xác, hiến máu nhân đạo; giúp đỡ người khuyết tật, vá hàm ếch- sứt môi, đem lại ánh sáng cho người mù nghèo. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế đúng như nhận định trong Báo cáo Chính trị của Đại hội. Trình trạng một số tệ nạn xã hội kéo dài đi liền với sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, và một bộ phận nhỏ người dân trong xã hội gây bức xúc trong nhân dân, trong Đảng, và làm các đồng chí lão thành hết sức lo lắng.

Kính thưa Đại hội,

Coi xây dựng kinh tế là trung tâm thì phát triển văn hóa là củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng con người Việt Nam – nhất là thế hệ trẻ ngày nay, có nhân cách và bản lĩnh, có lý tưởng XHCN chính là gìn giữ và pháp huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Xây dựng nhân cách văn hóa chính là xây dựng ý chí phấn đấu cần cù, chịu khó vươn lên để tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn, bất chấp khó khăn gian khổ.

Do đó trong quá trình triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố về nhiệm vụ phát triển văn hóa, bên cạnh những giải pháp đại hội đề ra, trong tổ chức thực hiện cần quan tâm:

- Trước hết, trong các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên có rất nhiều người tốt việc tốt. Phát huy mặt tốt đi đôi với khắc phục cái xấu:chú ý cả hai mặt xây và chống trong xã hội; kinh nghiệm cho thấy chỉ tập trung quá mức vào chống thì không thể thành công. Để thực hiện nhiệm vụ này, tất cả các “binh chủng” trên mặt trận văn hóa, cả báo chí, văn học, nghệ thuật, điện ảnh … phải hướng mọi hoạt động của mình vào nhiệm vụ này; công tác giáo dục-đào tạo và các hoạt động chính trị, xã hội, các cơ quan chức năng phải hợp đồng tác chiến, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tạo thành sức mạnh trong dư luận xã hội đấu tranh với các hiện tượng hủ bại, đề cao nếp văn hóa tốt đẹp trong cuộc sống. Chăm lo lực lượng văn nghệ sĩ, tăng đầu tư cho sáng tác, thêm nhiều sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, chú trọng làm tốt sự liên kết giữa lực lượng sáng tác với sản xuất, biểu diễn, để giới thiệu những tác phẩm lành mạnh, bổ ích đến với công chúng. Thành phố tiếp tục làm tốt hơn nữa việc đưa văn nghệ sĩ đi thực tế, cách làm vừa qua bước đầu có tác dụng ở các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ văn; khắc phục những biểu hiện lai căng trong nghệ thuật, ảnh hưởng không tốt về nhận thức thẩm mỹ của công chúng, nhất là qua phim ảnh, ca nhạc đối với giới trẻ. Cùng với quảng bá kinh tế và du lịch tham gia hội chợ sách quốc tế nhiều hơn, nhằm giới thiệu sách Việt Nam ra thế giới, phổ biến rộng rãi những nét đặc sắc của văn hóa nghệ thuật, nhằm tạo thêm sự hiểu biết về nền văn hóa Việt Nam đối với thế giới.

- Hai là Phải làm chuyển từ trong ra ngoài; trước hết phải tiếp tục đổi mới sinh hoạt chi bộ, tế bào của Đảng, vai trò tiên phong của đảng viên phải thể hiện trước hết ở việc nêu gương tốt và chống hủ bại. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có chương trình huy động cả xã hội, mỗi gia đình, dòng tộc, xóm ấp, mỗi trường học, mỗi tập thể  và cả cộng đồng, phát động nhân dân cùng với Đảng, với nhà nước xây dựng lối sống lành mạnh, đấu tranh chống các hành vi phản văn hóa. Nếu chỉ riêng bộ máy của hệ thống chính trị làm mà không lôi cuốn được nhân dân thì không thể có kết quả. Tiếp tục phát động phong trào trong thời gian qua phát động có hiệu quả đó là phong trào rèn luyện phẩm chất của thanh niên: yêu nước, hiếu thảo, kính thầy, thương người, hiếu học, kỷ luật, trung thực, tiết kiệm; bình chọn biểu dương “gương sáng người thợ”; phong trào “mỗi đơn vị là một điểm sáng văn hóa, mỗi quân nhân là một chiến sĩ văn hóa”, “đơn vị kiểu mẫu về điều lệnh Công an nhân dân”,… của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể tạo môi trường cho các thành viên rèn luyện theo những đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

- Ba là bên cạnh việc đề cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thực hiện và chấp hành pháp luật phải tăng cường đầu tư cho việc phổ biến, giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành đúng pháp luật trong xã hội. Coi việc tạo lập nếp sống và làm việc theo pháp luật là một yêu cầu cơ bản và cấp bách trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở các gia đình, các khu phố, xóm ấp, các đơn vị cơ sở; đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp hành động của toàn bộ hệ thống chính trị và trước hết là  vai trò cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đối với quản lý nhà nước phải tăng cường hơn nữa quản lý chặt chẽ các cơ sở dịch vụ văn hóa (vũ trường, karaoke,…) không để xảy ra những biến tướng tác hại đến đời sống văn hóa của xã hội, gây lo lắng cho nhân dân.

- Bốn là nêu cao vai trò của người lớn tuổi, sự quan tâm của các bậc ông bà, cha mẹ với con cháu tất cả đều hàm chứa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được triển khai đến từng hộ dân của thành phố chúng ta và phải gắn liền với việc chính quyền tăng đầu tư để cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, học hành của con trẻ và sinh hoạt vui tươi của nhân dân. Đầu tư, tôn tạo và xây dựng các thiết chế văn hóa với cơ chế và kinh phí hoạt động phù hợp; đặc biệt chú trọng thêm nhà văn hóa, bưu điện văn hóa ở quận, huyện và cơ sở, thêm nhiều trung tâm học tập cộng đồng; chúng ta có trên 300 phường – xã, mới có 31 phường – xã có nhà văn hóa, có những nhà văn hóa hoạt động khá, trong dịp chuẩn bị kỳ họp HĐND tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã đi thăm một số nơi, đã đến nhà văn hóa phường 1, phường 10 quận 10 và nghe đâu nhà văn hóa ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12 và một số nơi khác cũng có hoạt động khá tốt. Quận 10 đầu tư mỗi nhà văn hóa từ 1,3 đến 1,4 tỷ đồng. Đã có nhiều hoạt động sôi nổi, người dân đã góp phần kinh phí và ở đây cũng có thu, một nhà văn hóa thu 3,3 triệu/tháng và 13,5 triệu/tháng. Hoạt động cũng rất tốt, không chỉ hoạt động thể thao, dạy nữ công gia chánh, mà còn có hoạt động văn hóa, có chỗ đăng ký kết hôn, Chủ tịch phường đến trao giấy kết hôn. Tổ chức tiệc cưới cho những gia đình có thu nhập thấp, một bàn 300 ngàn đồng. Nhiều hoạt động lành mạnh phong phú.

Nếu chúng ta quyết tâm xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là cơ sở. Chúng ta đầu tư và nhân lên, sẽ có mô hình tốt. Hy vọng sẽ đáp ứng phần nào mong mõi của người dân. Một mặt tăng cường đầu tư, một mặt xã hội hóa, đồng thời có quản lý, có định hướng, có sự hướng dẫn sẽ có mô hình tốt phục vụ người dân. Đồng thời kiên quyết ngăn chặn sự xâm nhập của “lối sống phương tây” và những thông tin có nội dung, hình ảnh xấu trên mạng internet đang có chiều hướng tăng mạnh nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, Về giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là đặc trưng nổi bật của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Thành phố đã có nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả rõ nét trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như: việc làm, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phát triển giáo dục, văn hóa, y tế…Tuy nhiên, nhìn chung việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn nhiều bất cập, chuyển biến chậm chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế.

Vì vậy, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố luôn thấu suốt quan điểm gắn chặt tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội. Chính quyền thành phố coi việc bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội không chỉ là nhiệm vụ, mà là chức năng quản lý nhà nước nhằm bảo đảm một đặc trưng nổi bật của định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường của nước ta.

Mối quan tâm lớn của xã hội là làm thế nào con em mọi gia đình, kể cả gia đình nghèo được đi học, để mọi người, kể cả người nghèo, thường xuyên được chăm sóc sức khỏe, khi đau ốm được chữa trị. Đây là sự nghiệp của toàn dân, không chỉ đòi hỏi nỗ lực lớn của những người làm công tác giáo dục, y tế mà còn phải có sự hợp sức của các ngành hoạt động khác đi đôi với nâng cao nhận thức, tầm văn hóa của cả xã hội. Đảng và nhà nước ta luôn luôn xác định dịch vụ công trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, thể thao… là nhu cầu, quyền lợi cơ bản của nhân dân, phải được coi là phúc lợi xã hội cần đảm bảo cho mọi người được thụ hưởng, kể cả người nghèo cũng được hưởng các dịch vụ cơ bản.

Trước hết về học tập, khám chữa bệnh với nhận thức trên cần tiếp tục tăng cường sự quan tâm của nhà nước, tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, sử dụng nguồn vốn đầu tư đó đúng địa chỉ và có hiệu quả cao. Đồng thời phát huy sự đóng góp về trí tuệ, tinh thần, vật chất của nhân dân một cách hợp lý, công khai, minh bạch, phát huy mọi nguồn lực, mọi loại hình tổ chức, mọi phương thức hoạt động phù hợp với từng lĩnh vực. Vì vậy, giải pháp vừa cơ bản vừa cấp bách là thực hiện tốt việc chuyển các hoạt động công ích sang cơ chế dịch vụ phù hợp với kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, là một chủ trương lớn đưa tiến trình xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa xã hội lên một tầm cao mới.

Trước hết, cần xác định tầm quan trọng và tính cấp bách của việc chuyển các hoạt động sự nghiệp công cộng sang cơ chế dịch vụ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN và coi đó là khâu đột phá để thúc đẩy việc xã hội hóa  và phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội. Chính phủ đã có nghị quyết về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao nhằm chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích, không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận. Do đó thành phố cần tổng kết toàn diện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa xã hội qua đó, rút kinh nghiệm để việc triển khai tốt hơn. Xã hội hóa không chỉ là phát triển các cơ sở dịch vụ ngoài công lập hoặc với các biện pháp thu phí của người hưởng dịch vụ, giảm nhẹ đầu tư của nhà nước, thiệt hại cho người nghèo. Việc thu phí của những người hưởng dịch vụ có khả năng chi trả, tạo thêm điều kiện chăm lo cho đồng bào nghèo, người hưởng chính sách xã hội, bởi nhà nước không ngừng tăng đầu tư cho dịch vụ công. Song, thay vì dùng tiền đó trợ cấp đồng đều cho mọi người hưởng dịch vụ thì nay tập trung trợ giúp đúng địa chỉ. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng.

Trong thời gian qua, chính quyền thành phố không ngừng bổ sung chính sách và biện pháp trợ giúp có hiệu quả thiết thực cho người nghèo trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm như phát thẻ khám bệnh miễn phí, BHYT cho người nghèo, miễn giảm học phí …

Để thực hiện chủ trương nâng cấp và chuyên môn hóa, xã hội hóa các bệnh viện trung tâm…., xây dựng mô hình bệnh viện cổ phần với sự tham gia rộng rãi của xã hội được nêu ra trong báo cáo chính trị của Đại hội. Trong quá trình triển khai thực hiện trước tiên, rà soát các chính sách, điều kiện đảm bảo người nghèo, người đang hưởng chính sách xã hội được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau. Đối với ngân sách thành phố tăng đầu tư, chăm lo phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng đầu tư cho y tế cơ sở (các trung tâm y tế và các trạm xá) nhằm đưa dịch vụ y tế đến với mọi người dân; đồng thời đề cao y đức và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong khám chữa bệnh. Nhà nước trợ giúp một phần hoặc toàn bộ chi phí cho bệnh nhân nghèo, người có công với nước; đồng thời phát triển mạnh các loại hình BHYT, xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh giữa người theo chế độ BHYT và người trả tiền dịch vụ, mở rộng BHYT bắt buộc và đẩy mạnh việc thực hiện bảo hiểm tự nguyện mà TP.HCM đang làm thí điểm, phấn đấu tiến tới BHYT toàn dân năm 2010 như chủ trương của Trung ương. 

Những vấn đề trên là vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm quan hệ tới lợi ích và nhu cầu của mọi gia đình, liên quan đến nhiều ngành, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện có hiệu quả, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy, tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, cần phải có sự giám sát kiểm tra chặt chẽ của nhân dân; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên để đảm bảo việc tổ chức triển khai đúng hướng, đúng chủ trương của Đảng ta đề ra.

Kính thưa Đại hội,

Vấn đề phát triển văn hóa của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Giải quyết tốt các vấn đề văn hóa xã hội, thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đang đặt ra cho chính quyền thành phố trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Bằng kinh nghiệm 30 năm phấn đấu và trưởng thành, đặc biệt là 20 năm đổi mới, phát huy truyền thống kiên cường, nhân nghĩa, năng động, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chính quyền thành phố nhất định sẽ thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội Đảng bộ lần thứ VIII đề ra, mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác, thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”, “thành phố anh hùng” góp phần cùng cả nước đưa sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng thành công vì một nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Xin cám ơn và chúc đại hội thành công tốt đẹp.

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


Liên kết website
Số lượt truy cập
07844141




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn