Đăng nhập

 

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Tỉnh hình và một số nội dung cần lưu ý để nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri của Tổ ĐBQH và ĐBQH

Tình hình và một số nội dung cần lưu ý để
nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri
của Tổ ĐBQH và ĐBQH
_________________

 

I-Tóm tắt tình hình công tác tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP từ đầu nhiệm kỳ khóa XII và một số vướng mắc

Theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri, đại biểu cho ‎ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước và nơi bầu ra mình, phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri…Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiếp xúc cử tri, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Đoàn ĐBQH TP luôn quan tâm đến việc đổi mới công tác tiếp xúc cử tri  để thu thập đầy đủ và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan.

 

Từ sau kỳ họp thứ 1 đến nay, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức 92 cuộc tiếp xúc cử tri với khoảng 21.000 cử tri tham dự, hơn 700 lượt ý kiến phát biểu trong đó có 103 ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương; 205 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành các cấp thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi tham dự kỳ họp thứ 2, Đoàn ĐBQH TP đã làm việc với UBND TP và các Sở Ngành để nghe tình hình KTXH, những kiến nghị của TP với Trung ương và việc giải quyết kiến nghị của cử tri.  Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XII, có 55 kiến nghị của cử tri TP được UBTVQH ghi nhận và đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng Trung ương xem xét giải quyết. Đoàn ĐBQH TP cũng đã tập hợp 40 văn bản trả lời của các Bộ, Ngành Trung ương, Sở, Ngành thành phố, gửi đến MTTQ các quận huyện để thông báo trực tiếp cho cử tri.

 

Mặc dù Đoàn ĐBQH TP có cố gắng cải tiến công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, số cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức ngày càng nhiều hơn, nhưng nhìn chung  số cuộc tiếp xúc cử tri trực tiếp tại xã, phường chưa nhiều (thường mỗi đơn vị bầu cử mỗi lần tiếp xúc trước và sau kỳ họp sau khi tiếp xúc chung tại quận huyện hoặc liên xã- phường, tổ chức tiếp tại 1-2 xã, phường);  tiếp xúc cử tri theo giới, ngành còn ít. Số lượng cử tri dự tiếp xúc tuy đông nhưng ý kiến không nhiều do báo cáo kết quả kỳ họp nhiều nội dung, nếu báo cáo tỉ mỉ thì chiếm nhiều thời gian. Bên cạnh một số ý kiến nói lên quan điểm cần quan tâm trong xây dựng luật, phần nhiều ý kiến của cử tri phản ánh những vấn đề bức xúc dân sinh. Cá biệt có nơi cử tri tự dùng diễn đàn để tố cáo, dùng lời lẽ không bình thường đối với cá nhân, tổ chức gây không khí căng thẳng, hoặc chỉ đến để nộp đơn thư khiếu tố, khiếu nại… Việc đeo bám, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết giải quyết kiến nghị của cử tri của ĐBQH có cố gắng nhiều nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu như mong muốn của đồng bào.

 

Do thời gian tiếp xúc cử tri thường chỉ giới hạn trong 1 buổi, trong khi có nhiều các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng pháp luật rất rộng lớn, cử tri phát biểu thường là xoay quanh các vấn đề bức xúc về cơ sở hạ tầng, việc học hành, khám chữa bệnh, an ninh trật tự xóm ấp, khu phố…, các chính sách đất đai, cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, cán bộ hưu trí, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ đối với người có công, hoặc nêu các kiến nghị thắc mắc, khiếu nại về đền bù, giải tỏa, tình trạng ngập nước, đường sá xuống cấp…Thực trạng này có nguyên nhân từ việc các kiến nghị bức xúc cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương chậm được giải quyết, mặt khác do cử tri thường chỉ được thông báo ngắn gọn về các nội dung nghị sự của kỳ họp Quốc hội, đơn cử như cử tri chỉ được giới thiệu về các tên luật Quốc hội sẽ thông qua, mà không có điều kiện tìm hiểu kỹ nội dung chi tiết của từng dự án luật nên rất khó góp ý.

 

II-Một số nội dung cần lưu ý đổi mới công tác tiếp xúc cử tri trong thời gian tới

 

1-Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, về phần mình Đoàn ĐBQH TP trong thời gian tới sẽ tập trung đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri. Tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri tại cơ sở, phường xã, khu dân cư, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành. Nghiên cứu việc tiếp xúc ở nhiều điểm để gặp gỡ và ghi nhận được nhiều ý kiến cử tri. Quan tâm đeo bám, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết giải quyết kiến nghị của cử tri, phối hợp với TT.HĐND và UBMTTQ TP tổ chức các buổi làm việc định kỳ giữa Đoàn ĐBQH TP với UBND TP để giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri và các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài trên địa bàn TP. Chú ý tạo thêm các kênh thông tin kết quả giải quyết đến cử tri nhanh hơn thông qua MTTQ , các đoàn thể, các cơ quan báo chí. 

 

 2-Trong phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, đề nghị lãnh đạo quận-huyện uỷ, lãnh đạo UBMTTQ các quận huyện chú ý một số nội dung sau:

 

2.1-Về yêu cầu: về cơ bản, cần đảm bảo thực hiện theo quy định của Nghị quyết liên tịch của UBTVQH và UBTWMTTQ Việt Nam hướng dẫn về công tác tiếp xúc cử tri. Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng và công khai, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các buổi tiếp xúc cử tri. Tiến hành thông báo công khai về thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri. Quy mô cử tri tham dự buổi tiếp xúc có thể không quá đông, nhưng  phải đại diện cho rộng rãi các giới, ngành ở địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp… địa phương tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Cử tri tham dự buổi tiếp xúc phải có thông tin để chuẩn bị phát biểu, do đó cần thông báo cụ thể về nội dung, yêu cầu của mỗi cuộc tiếp xúc; về quyền và tránh nhiệm của cử tri khi tham gia dự buổi tiếp xúc; lưu ý cử tri tập trung phát biểu các vấn đề thuộc tầm vĩ mô và thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ.

 

2.2-Về phương thức tiếp xúc cử tri: tiến hành đa dạng hoá các hình thức, phương thức tổ chức tiếp xúc cử tri.
-Tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội: Văn phòng Đoàn ĐBQH TP phối hợp với UBMTTQ quận huyện tổ chức cho cả tổ ĐBQH tiếp xúc cử tri chung tại quận huyện; hoặc các ĐBQH trong tổ chia ra dự tiếp xúc cử tri ở nhiều điểm khác nhau. Tuỳ theo điều kiện và yêu cầu của tổ ĐBQH, có thể tổ chức thêm các cuộc tiếp xúc cử tri ở phường, xã, thị trấn; tiếp xúc cử tri ngoài giờ hành chính để có điều kiện gặp gỡ các cử tri là cán bộ, công chức, người lao động phải làm việc vào ban ngày…Như vậy, diện tiếp xúc cử tri sẽ diễn ra rộng và sâu hơn, số lượng cử tri tham dự cũng nhiều hơn, hạn chế được phần nào tình trạng các cử tri “chuyên nghiệp” thường tập trung ở các cuộc tiếp xúc cử tri chung của quận, huyện.

 

 -Trước kỳ họp Quốc hội cuối năm, các Tổ ĐBQH sẽ làm việc với lãnh đạo quận huyện để tìm hiểu về tình hình KTXH của địa phương và việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn trước khi tiến hành tiếp xúc cử tri. Khi có yêu cầu của ĐBQH, UBMTTQ quận huyện, phường xã tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri nơi cư trú.
-Văn phòng Đoàn ĐBQH TP phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri tại nơi công tác, nơi cư trú,  tiếp xúc cử tri theo giới, ngành; tiếp xúc cử tri là các nhà khoa học, các chuyên gia… Trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH TP sẽ tăng cường các buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực mà ĐBQH quan tâm. Tuỳ theo đối tượng tiếp xúc mà đưa ra những chủ đề nhất định làm định hướng để ghi nhận, thu thập những kiến nghị chuyên sâu; chủ đề đó phải là những vấn đề trọng tâm về thời sự, có ý nghĩa chính trị- xã hội đối với địa phương và đất nước, là những vấn đề bức xúc đang được cử tri quan tâm.

 

2.3-Về nội dung chương trình tiếp xúc cử tri:

 

a-Đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri: Chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội (đối với các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội); Kết quả kỳ họp Quốc hội và kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri (đối với các hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội); Việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và thực hiện chương trình hành động của mình (ở Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cuối năm của Quốc hội). Trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội, các Tổ đại biểu Quốc hội sẽ tập trung chuẩn bị nội dung báo cáo đầy đủ kết quả kỳ họp, hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH TP tại kỳ họp Quốc hội, việc giải quyết kiến nghị của cử tri để đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.
 
b-Cử tri phát biểu và trao đổi ý kiến với đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri không chỉ để thực hiện nhiệm vụ đại biểu theo luật định, mà còn để lắng nghe các ý kiến đa dạng, phong phú của cử tri trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là các “hiến kế” của cử tri về cơ chế, chính sách ở tầm vĩ mô. Ý kiến cử tri là nguồn rất quan trọng để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chắt lọc và tham gia vào các mặt hoạt động của Quốc hội, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chất vấn các Bộ Ngành hữu quan. Do đó, cần chú ý tập trung các ý kiến trọng tâm, có chất lượng tham gia vào chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội; những nguyện vọng bức xúc của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ Ngành. Nếu cử tri có vấn đề khiếu nại, tố cáo, đề nghị  Mặt trận Tổ quốc các quận huyện hướng dẫn cử tri liên hệ với Văn phòng Đoàn ĐBQH TP để được đại biểu Quốc hội tiếp theo lịch tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Đoàn ĐBQH; hoặc gửi hồ sơ cho đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Trước các kỳ họp Quốc hội, cụ thể là ngay trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 này, Đoàn ĐBQH TP sẽ cung cấp các dự thảo luật cho UBMTTQ các quận huyện để nhân bản và chọn những cử tri am hiểu sâu về các dự án luật tham gia phát biểu góp ý về nội dung các dự án luật Quốc hội thông qua. Ý kiến của cử tri tham gia đóng góp luật là nguồn rất quan trọng, vì luật chỉ đi vào cuộc sống khi điều chỉnh đúng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và phù hợp với lòng dân.

 

c-Các buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội cần có sự tham dự của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, HĐND, UBMTTQ của địa phương. Việc lãnh đạo địa phương cùng tham dự buổi tiếp xúc cử tri có ý nghĩa quan trọng để lắng nghe, chỉ đạo, thúc đẩy giải quyết những kiến nghị bức xúc của nhân dân ở cơ sở. Đề nghị chính quyền địa phương tích cực giải quyết và thường xuyên thông báo cho đại biểu Quốc hội kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn, nhất là các điểm nóng, các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người. Nếu có ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền địa phương, đề nghị lãnh đạo địa phương có trả lời bằng văn bản gửi tới Đoàn ĐBQH để thông báo bằng hình thức thích hợp cho cử tri nơi đại biểu tiếp xúc biết.

 

d-Đại biểu Quốc hội phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri.  Nếu có ý kiến cử tri phát biểu chưa đúng, ĐBQH có trách nhiệm giải thích để cử tri rõ; các ý kiến, kiến nghị xác đáng, ĐBQH sẽ ghi nhận và phản ảnh đến các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét giải quyết. Lâu nay, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tập hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri thành  phố và gửi tài liệu này cho UBMTTQ các quận huyện để trả lời cho cử tri, tuy có đáp ứng được phần nào nguyện vọng của cử tri, nhưng cử tri vẫn thường phàn nàn về việc không biết  kiến nghị của mình được giải quyết đến đâu. Đề nghị lãnh đạo quận huyện quan tâm đến việc thông báo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri nhanh chóng, đầy đủ hơn. Có thể  niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, xã…để đông đảo cử tri có thể theo dõi (trừ một số nội dung thuộc về bí mật quốc gia).

 

e-Đại diện Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phát biểu kết thúc hội nghị.
2.4-Về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri: Đề nghị UBMTTQ các quận huyện tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nếu có nhiều cử tri đăng ký phát biểu nhưng không đủ thời gian, thì hướng dẫn cử tri ghi ý kiến bằng văn bản để tập hợp đầy đủ. Bên cạnh bản tổng hợp, cần gửi kèm theo biên bản cuộc họp để có thể theo dõi ý kiến của từng cử tri cụ thể và trả lời trực tiếp cho cử tri khi có văn bản trả lời của các ngành chức năng. Sau buổi tiếp xúc cử tri từ 3-5 ngày, đề nghị UBMTTQ quận huyện gửi biên bản tiếp xúc cử tri về Đoàn ĐBQH TP, Tổ ĐBQH (Địa chỉ: 2 bis Lê Duẩn-Q.1, Fax: 08.8291574) để kịp thời tổng hợp báo cáo UBTVQH và UBTW MTTQ Việt Nam.

 

3-Về tuyên truyền cho hoạt động tiếp xúc cử tri: Đoàn ĐBQH TP hoan nghênh các cơ quan thông tin, tuyên truyền của thành phố trong thời gian qua đã tích cực phản ảnh đầy đủ tình hình và nội dung tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trên, đồng thời cần định hướng thông tin tuyên truyền về những vấn đề bức xúc do cử tri thành phố phản ảnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ Ngành Trung ương. Phối hợp đăng tải kết quả giải quyết kiến nghị cử tri để tạo thêm kênh thông tin đến cử tri nhanh chóng, đầy đủ hơn.

 

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


Liên kết website
Số lượt truy cập
07813766




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn