Vai trò, trách nhiệm của ĐBQH và Đoàn ĐBQH TP.HCM
trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP
(Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003
của Ban Bí thư Trung ương Đảng)
TP.HCM rộng hơn 2000 km2 chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 6,8% so cả nước. Đáng chú ý là có trên 1,4 triệu người dân nhập cư thường xuyên học tập, lao động trên khắp các quận, huyện TP. Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng quan trọng nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội TP trong các năm qua thể hiện rõ nét sự tăng trưởng liên tục về kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; các hoạt động khoa học công nghệ và văn hoá xã hội đạt được những kết quả tích cực; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện... Tuy nhiên, trên lĩnh vực an sinh xã hội, đảm bảo môi trường sống lành mạnh, an toàn, sạch đẹp, văn minh cho người dân TP chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đó là quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật: nhà ở, bệnh viện, trường học, nhà trẻ, công viên cây xanh thiếu đưa đến đô thị thường xuyên ô nhiễm môi trường, kẹt xe, quá tải khám chữa bệnh, việc mua bán sang nhượng, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn ra rất nặng nề; tình hình khiếu nại tố cáo, vi phạm pháp luật đang là những vấn đề bức xúc đòi hỏi phải giải quyết kịp thời để không gây cản ngại đến quá trình phát triển của TP. Thực trạng trên đòi hỏi lãnh đạo Đảng, chính quyền TP phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế-xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân, qua đó nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, đảm bảo kỷ cương pháp luật, động viên nhân dân chấp hành nghiêm các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước
TP.HCM đã xây dựng kế hoạch quán triệt và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ; kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật TP; tổ chức nhiều hình thức và biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP như : tổ chức hội nghị tập huấn giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật; biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền, hỏi đáp pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng tủ sách pháp luật; tăng cường giáo dục pháp luật trong trường học...
Đoàn ĐBQH TP.HCM luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của TP để thực hiện tốt công tác này. Từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư, Đoàn ĐBQH TP không ngừng cải tiến các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong phạm vi trách nhiệm và phù hợp với đặc thù hoạt động của Đoàn ĐBQH như sau:
1-Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua hoạt động tiếp xúc cử tri
Đoàn ĐBQH TP tổ chức tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử, tiếp xúc cử tri tại phường, xã, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành... (Trong nhiệm kỳ khoá XI, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức khoảng 500 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có hơn 200 cuộc tiếp xúc cử tri ở phường, xã, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành). Qua đó kịp thời phổ biến nội dung chủ yếu của các dự án luật Quốc hội xem xét thông qua hoặc cho ý kiến để ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri. Đặc biệt, tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, các vị ĐBQH TP đều chú trọng dành nhiều thời gian để tuyên truyền, phổ biến nội dung các luật vừa được Quốc hội thông qua, nhất là các nội dung bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân . Tuy nhiên, thời gian tiếp xúc cử tri khá ngắn (thường chỉ giới hạn trong 1 buổi) nên thời lượng để giới thiệu nội dung các luật được thông qua bị hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên, Đoàn ĐBQH TP chủ trương tiếp xúc cử tri theo giới, ngành có liên quan trực tiếp và chịu sự điều chỉnh của luật để giới thiệu và phổ biến sâu về nội dung của dự án luật: tiếp xúc sinh viên các trường Đại học để giới thiệu Luật Thanh niên, tiếp xúc cử tri công nhân các khu chế xuất-khu công nghiệp để giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật lao động...Tại các buổi tiếp xúc này, ngoài việc giới thiệu nội dung các dự án luật, ĐBQH còn ghi nhận và trực tiếp giải đáp các thắc mắc của cử tri liên quan đến chính sách pháp luật hiện hành, động viên cử tri chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước.
2-Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua công tác tiếp công dân
Đoàn ĐBQH TP duy trì lịch tiếp công dân thường xuyên hàng tuần tại Trụ sở Đoàn ĐBQH để tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và có ý kiến đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo luật định (Trong nhiệm kỳ khoá 11, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 182 buổi tiếp 2.106 lượt công dân tại Trụ sở Đoàn). Trong các buổi tiếp công dân, có nhiều trường hợp cử tri khiếu nại, tố cáo do không hiểu đúng quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà đất, chế độ chính sách. Đối với các trường hợp này, Đại biểu Quốc hội giải thích và động viên công dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quyết định giải quyết đúng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế có nhiều trường hợp sau khi được Đại biểu Quốc hội tiếp và giải thích rõ nội dung, tình tiết của vụ việc, đã làm “giảm nhiệt” các vụ khiếu nại đông người như: đền bù giải tỏa Khu chế xuất Tân Thuận, Khu Công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chợ An Đông...
3-Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua công tác góp ý xây dựng luật
Đoàn ĐBQH TP xác định các đợt tổ chức lấy ý kiến xây dựng luật, đặc biệt là các dự án luật lấy ý kiến toàn dân, vừa là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong nhân dân để thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự án luật, vừa là dịp để giới thiệu, phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến nội dung mà dự án luật điều chỉnh. Do đó Đoàn ĐBQH TP tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự án luật với nhiều hình thức đa dạng: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân TP tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các ngành, các cấp của TP về các dự án luật lớn được UBTVQH chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến toàn dân (như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai...); tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các chuyên gia (Trong nhiệm kỳ khoá 11, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 70 cuộc hội thảo, trên 30 cuộc khảo sát đóng góp ý kiến xây dựng luật). Thông qua các hình thức trên, Đoàn ĐBQH TP một mặt ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của nhân dân đóng góp cho dự án luật, mặt khác tuyên truyền và phổ biến kịp thời đến nhân dân các nội dung lớn trong chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội .
4-Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các kênh khác
Đoàn ĐBQH TP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn TP để kịp thời giới thiệu nội dung của các luật được Quốc hội thông qua; những dự án luật Quốc hội xem xét cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội. Có báo xây dựng riêng chuyên mục góp ý xây dựng pháp luật, đăng tải những ý kiến đóng góp của cử tri, các chuyên gia tại các buổi hội thảo do Đoàn ĐBQH TP tổ chức. Những nội dung chính theo gợi ý thảo luận được phân tích, lý giải trên các chuyên mục của báo chí có tác dụng tuyên truyền và thẩm thấu sâu sắc hơn đến người dân.
Từ đầu năm 2006, Đoàn ĐBQH TP phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân TP xây dựng và đưa vào vận hành Website của Đại biểu nhân dân TP (www.dbnd.hochiminhcity.gov.vn) để thông tin kịp thời và rộng rãi về các mặt hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Trên trang web này, Đoàn ĐBQH TP đăng tải nội dung của tất cả các dự án luật được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp, nội dung của một số dự án luật đang trình Quốc hội cho ý kiến và các nội dung khác liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật để cử tri theo dõi và đóng góp ý kiến. Đồng thời, các nội dung trả lời của các Bộ Ngành chức năng liên quan đến thắc mắc của cử tri về chính sách pháp luật cũng được Đoàn ĐBQH TP chọn lọc và đăng tải trên trang web. Đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có tính chất gián tiếp nhưng có sức lan tỏa lớn và được đông đảo cử tri quan tâm theo dõi (đến nay đã có hơn 200.000 lượt người truy cập)
5-Đánh giá chung
5.1-Với trách nhiệm và bằng các hoạt động cụ thể trên, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã góp phần quan trọng cùng với các cấp, các ngành TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW trên địa bàn TP đạt được những kết quả sau:
-Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được các Cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; từ đó việc tổ chức triển khai khá tập trung và bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau ngày càng phong phú, đa dạng, thiết thực và gắn với công tác hòa giải, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho công dân.
- Việc tổ chức tuyên truyền pháp luật được lồng ghép và bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm và tập trung xuống cơ sở, cơ quan đơn vị và địa bàn dân cư. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được cải tiến, đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng tuyên truyền, có tập trung vào một số lĩnh vực hoạt động, quan hệ xã hội đang nổi lên những vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội (đất đai, xây dựng, phòng chống tham nhũng, tội phạm, ma túy,…).
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn có sự phối hợp khá chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp, giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đoàn thể nên có được sự thuận lợi và hiệu quả, nâng cao tính tự giác trong các tầng lớp nhân dân.
-Một số chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW : Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố giảm đáng kể ( năm 2003 các tội phạm hình sự giảm 8,26%; năm 2004 giảm 6,43%; năm 2005 giảm 2,86 % và trong 10 tháng đầu năm 2006 giảm 2,15%). Tình hình chấp hành Luật giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành các Luật này của các tầng lớp nhân dân đã tốt hơn rất nhiều. Đội ngũ học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh qua các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đã thể hiện được sự gương mẫu trong ý thức chấp hành, đã nêu gương tốt cho nhiều đối tượng tham gia giao thông khác.
5.2-Tuy nhiên, thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn TP nói chung còn có một số hạn chế, đó là :
- Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố chưa tập trung đúng mức (không có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội) ; một số sở, ban ngành chưa thật sự quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Chỉ thị 32-CT/TW nên chưa thực hiệt tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị mình. Một số Hội đồng phối hợp quận huyện chưa duy trì tốt chế độ họp và chưa có nhiều biện pháp kiểm tra, chỉ đạo sâu sát nên việc phối hợp trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn có những hạn chế.
- Một số sở - ngành, quận - huyện tuy đã xây dựng được tủ sách pháp luật nhưng chưa có nhiều biện pháp tốt để khai thác, sử dụng nên chưa phát huy hết hiệu quả của tủ sách pháp luật cũng như chưa phục vụ được nhiều đối tượng nhân dân; các biện pháp, hình thức tổ chức còn đơn điệu, ít hấp dẫn, chưa gắn với phong trào khác của địa phương nên hiệu quả của công tác tuyên truyền chưa cao.
- Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là người nhập cư hoặc công nhân lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài còn gặp khó khăn do một số chủ doanh nghiệp không quan tâm hoặc không chịu bố trí thời gian cho việc học tập pháp luật của công nhân.
Một số nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế.
- Hệ thống pháp luật chưa được đồng bộ, còn bất cập và còn chồng chéo. Các loại văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành còn chưa kịp thời gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Nhiều bộ Luật thường xuyên thay đổi, khi xây dựng Luật còn thiếu tính dự báo nên vừa mới ban hành được một thời gian ngắn lại có sự thay đổi gây khó khăn cho việc tuyên truyền, phổ biến và thực thi.
- Cơ chế phối hợp giữa các Bộ - Ngành với các Ủy ban nhân dân các cấp chưa tốt. Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn manh mún, chưa thành hệ thống và chưa đáp ứng với các hình thức, biện pháp tuyên truyền.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn gắn liền với công tác chính trị tư tưởng qua đó làm chuyển biến nhận thức của công dân, đây là một công tác khó khăn, phải thực hiện lâu dài và đồng bộ với các chính sách khác.
-Đa số ĐBQH hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội bị hạn chế, điều này cũng ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cử tri. Các cuộc tiếp xúc cử tri chỉ diễn ra trong 1 buổi nên nên thời lượng dành do việc giới thiệu nội dung các luật Quốc hội thông qua còn ít.
7-Qua thực tiễn hoạt động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP, Đoàn ĐBQH TP cho rằng để tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị 32-CT/TW, cần quan tâm đến một số vấn đề sau :
-Cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các Cấp ủy đảng và các cấp Chính quyền trong từng cơ quan, đơn vị đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì hoạt động này mới có thể thực hiện tốt.
-Thường xuyên đổi mới, sáng tạo và bảo đảm tính thiết thực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ đó tìm cách đưa pháp luật đến được các đối tượng tuyên truyền.
-Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải lồng ghép với các nhiệm vụ trọng tâm, các phong trào thi đua và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị địa phương, có như vậy hiệu quả của hoạt động này mới đạt kết quả cao.
-Phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm huyết và có kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp với phát huy tác dụng của việc phổ biến pháp luật một cách thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng điện tử, mở rộng các dịch vụ trợ giúp pháp lý thì mới đáp ứng với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng.
-Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và phải được tiến hành thường xuyên liên tục đối với các đối tượng. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phải được sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đồng thời làm tốt việc biểu dương, khen thưởng, qua đó nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác này.
-Đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH cần tăng cường tiếp xúc cử tri tại cơ sở, phường xã, tiếp xúc cử tri ngoài giờ hành chính để có điều kiện tiếp xúc và đủ thời gian giới thiệu, tuyên truyền nội dung các luật Quốc hội thông qua với đông đảo cử tri. Cần lựa chọn các nội dung thích hợp liên quan trực tiếp đến lợi ích của cử tri trong các luật được Quốc hội thông qua để tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề nhằm có thời gian thỏa đáng cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tăng cường trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật của ĐBQH tại các buổi tiếp công dân...
-Cần cơ cấu đại diện Đoàn ĐBQH làm thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP để tăng cường hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn ĐBQH và các cơ quan hữu quan của TP trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.