Đăng nhập

 

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Đổi mới hoạt động giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP và những vấn đề đặt ra đối với kiểm toán nhà nước khu vực IV

Tham luận tại Hội thảo
“Vai trò của kiểm toán và sử dụng kết quả kiểm toán trong chỉ đạo,
 điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương ”
(Thành phố, Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 4 năm 2007 )

 

ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA BAN  KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH HĐND TP VÀ
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
ĐỐI VỚI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC KHU VỰC IV

 

                                                       Th S.  HUỲNH CÔNG HÙNG

                                                        Phó trưởng ban Ban Kinh tế và Ngân sách

                                                        HĐND Tp Hồ Chí Minh

 

 

             Kính thưa các vị đại biểu:

 

  Nói đến hoạt động của Hội đồng nhân dân thường chúng ta nghỉ ngay đến hoạt động giám sát. Vì giám sát là hoạt động cơ bản, là chức năng quan trọng của HĐND các cấp. Trong toàn bộ hoạt động của Nhà nước nhất là hoạt động kinh tế - xã hội đều được thể hiện qua hoạt động tài chính, ngân sách. Đây là một lĩnh vực tổng hợp, nó thể hiện rất rõ hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng ngân sách trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tại từng xã, phường, quận huyện và toàn thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy vấn đề giám sát thu, chi, phân bổ và quyết toán ngân sách càng trở nên quan trọng đối với HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND đòi hỏi phải thực hiện công việc này đúng theo luật NSNN sửa đổi (luật NSNN năm 2002) có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004.

 

A. Một số hoạt động giám sát của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP:

 

Kinh nghiệm cho thấy, để báo cáo thẩm tra không bị bê trể, kịp gửi trước cho đại biểu thì Ban phải phối hợp, tiếp cận ngay từ đầu trong quá trình ủy ban và các ngành, nghe thêm ý kiến của các chuyên gia hoặc tiếp tục kháo sát  để có những đề xuất phù hợp.

 

I. Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kinh tế và ngân sách của HĐND thành phố chúng tôi tham gia thực hiện những công việc sau để giám sát về ngân sách của thành phố:

        

1. Tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp của HĐND liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách;

         2. Thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách;

 

         3. Thẩm tra các báo cáo về ngân sách:

           - Thẩm tra về đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm hiện hành và việc thực hiện các giải pháp tài chính - ngân sách theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân.

          - Thẩm tra dự toán ngân sách về: mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách; các căn cứ xây dựng dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách địa phương.

           - Thẩm tra phương án phân bổ ngân sách cấp mình về: nguyên tắc phân bổ, tính công bằng, hợp lý và tích cực của phương án phân bổ.

           - Thẩm tra phương án thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; phương án huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Luật ngân sách nhà nước về các nội dung: sự cần thiết phải huy động, mức huy động, hình thức và thời gian huy động, lãi suất, phương án sử dụng tiền huy động và mức trả nợ hàng năm.

           - Đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách còn phải thẩm tra các nội dung về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách từng huyện và xã; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách từng huyện, quận với ngân sách từng xã, phường nhằm bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 34 và Điều 36 của Luật ngân sách nhà nước. 

            - Thẩm tra quyết toán ngân sách địa phương về: tính chính xác, tính hợp pháp, đầy đủ của quyết toán ngân sách địa phương.

 

          4. Giúp HĐND giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp về lĩnh vực kinh tế, ngân sách;

 

          5. Tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực kinh tế, ngân sách;

 

          6. Kiến nghị với HĐND về những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân sách;

 

          7. Báo cáo kết quả hoạt động giám sát về kinh tế, ngân sách với Thường trực HĐND và HĐND.

          II. Phát huy và từng bước thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân; của Ban Kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân trong việc thẩm tra, xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách của thành phố.

Tạo điều kiện để các đại biểu Hội đồng nhân dân phát huy thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong viêc xem xét, thảo luận và biểu quyết Nghị quyết HĐND về ngân sách và  yêu cầu các cơ quan của UBND, các Ban của HĐND cung cấp tài liệu, trả lời các vấn đề liên quan đến các báo cáo  về ngân sách.

 

Ban Kinh tế và ngân sách của HĐND chủ trì, phối hợp với các các Ban có liên quan thẩm tra các báo cáo về ngân sách do UBND trình; xin ý kiến Thường trực HĐND trước khi trình báo cáo thẩm tra với HĐND. Ban kinh tế và ngân sách của HĐND tham gia với các cơ quan chuyên môn của UBND trong quá trình lập báo cáo dự toán, quyết toán và tham dự cuộc họp của UBND bàn về ngân sách; được các cơ quan chuyên môn của UBND và UBND cung cấp các tài liệu liên quan báo cáo quyết toán ngân sách.

 

 Trên cơ sở  đó HĐND TP xem xét, phê chuẩn các báo cáo về dự toán, tình hình thực hiện ngân sách và quyết toán ngân sách do UBND TP trình. Nếu cần thiết thì yêu cầu UBND TP giải trình hoặc lập lại quyết toán khi quyết toán chưa được HĐND TP thông qua và yêu cầu UBND TP, các Ban của HĐND giải trình các vấn đề liên quan đến quyết toán ngân sách.

 

 III. Phối hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và theo yêu cầu của Ban Kinh tế và Ngân sách cũng như thường trực HĐND TP.

 

Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2006 đã quy định Kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là bước chuyển biến quan trọng làm thay đổi nội dung giám sát NSNN.

 

Một trong những công cụ quan trọng để thực hiện giám sát có hiệu quả là hoạt động của cơ quan Kiểm toán nhà nước. Cơ quan này đảm nhận việc kiểm tra, kiểm soát đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, thực hiện kiểm tra và giám sát tài chính công.

 

Thông qua hoạt động của cơ quan Kiểm toán nhà nước sẽ tác động đến các đơn vị sử dụng NSNN theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn Nhà nước đã quy định, khuyến khích sử dụng nguồn lực Nhà nước đạt kết quả cao, chống lãng phí, tham nhũng, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách. Cơ quan Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm  kiểm toán tính đúng đắn, hợp pháp của các số liệu báo cáo quyết toán của các cấp ngân sách; kiểm toán hoạt động để xác nhận tính hiệu quả trong quản lý và điều hành NSNN và báo cáo quyết toán phải thực hiện trước khi HĐND phê chuẩn tổng quyết toán, trường hợp kiểm toán sau chỉ được thực hiện khi HĐND có yêu cầu. Báo cáo kết quả kiểm toán được công bố công khai.

 

Ngoài cơ quan Kiểm toán nhà nước thì HĐND TP còn sử dụng các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân TP, Toà án nhân dân TP để phục vụ cho công tác giám sát tài chính - ngân sách. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ công tác giám sát ngân sách của HĐND TP.

 

IV. Phối hợp các cơ quan được kiểm toán thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra và tham gia đoàn kiểm toán ngay từ đầu.

          

Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán; các cơ quan hữu quan phối hợp công tác để thực hiện nhiệm vụ được giao; Kết luận, kiến nghị đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị. Kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các trường hợp sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; đề nghị xử lý theo pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước....

          

V. Hội đồng nhân dân sử dụng báo cáo của Kiểm toán nhà nước để phục vụ công tác phê chuẩn dự toán, phân bổ dự toán và giám sát ngân sách.

 

Trên cơ sở báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. HĐND sử dụng báo cáo của Kiểm toán nhà nước trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách thành phố;

           VI. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát các cơ quan của thành phố trong việc quản lý và điều hành NSTP; trong đó, Sở Tài chính là cơ quan tổng hợp các báo cáo về NSTP, trình UBND TP và trình HĐND TP xem xét quyết định.

Quá trình thực hiện có chú trọng giám sát, khảo sát chung, theo chuyên đề,  kết hợp giữa giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các Đoàn giám sát của các cơ quan của Quốc hội (như Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban văn hóa giáo dục, Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội,..)

          Giám sát chung: Đây là phương thức xem xét các báo cáo và chất vấn tại các kỳ họp HĐND như: Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NS năm hiện hành, dự toán NS năm kế hoạch; Báo cáo phương án phân bổ ngân sách năm kế hoạch; Báo cáo tình hình đầu tư  và sử dụng vốn NS của các công trình dự án quan trọng của thành phố,... là những báo cáo mà các cơ quan chức năng phải trình cho HĐND xem xét, thảo luận và quyết định. Các báo cáo này đã được quy định khá cụ thể trong Nghị định 73/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ. Việc xem xét, thảo luận các báo cáo hàng năm hoặc 6 tháng tại các kỳ họp cuối năm hay giữa năm được tiến hành theo trình tự chặt chẽ do luật định; trong đó, phải có thẩm tra, thảo luận, tranh luận của các Ban HĐND, các đại biểu HĐND đối với các vấn đề trong nội dung báo cáo về NSTP.

       

Giám sát theo chuyên đề: Là phương thức giám sát chuyên sâu về những chuyên đề cụ thể, giúp HĐND TP có nhận xét, đánh giá sâu hơn về những chủ đề mà nhiều cử tri trong thành phố quan tâm.

       

Giám sát đột xuất: Phương thức giám sát này nhằm kiểm tra công tác quản lý và điều hành NSTP để đảm bảo kỷ luật tài chính, tuân thủ quy định của Luật NSNN. Cách làm này bảo đảm tính hợp pháp của hoạt động NSNN. Để thực hiện các phương thức giám sát nói trên, các đại biểu HĐND TP đã thưc thi quyền chất vấn trong các kỳ họp vừa qua.

           VII. Hội đồng nhân dân trong điều kiện hệ thống ngân sách nhà nước được tổ chức “lồng ghép”

 

Việc “lồng ghép” giữa các cấp ngân sách dẫn đến nhiệm vụ, quyền hạn về ngân sách nhà nước, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát ngân sách trở nên nặng nề hơn HĐND phải giám sát toàn bộ hoạt động về NSĐP, kể cả ngân sách cấp mình và ngân sách địa phương cấp dưới.

 

Như vậy, việc giám sát nói trên không tránh khỏi sự “trùng lắp”. Mặc khác, sự “trùng lắp” này cũng tạo điều kiện để công tác giám sát chặt chẽ hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, để hạn chế tác động không thuận của sự trùng lắp này cần phối hợp chặt chẽ giữa giám sát toàn diện và giám sát chuyên đề, đồng thời có phân công trách nhiệm, phạm vi rõ ràng giữa giám sát của HĐND cấp dưới và HĐND cấp trên.

           

B. Một vài đề nghị qua thực tế hoạt động giám sát về kinh tế và ngân sách tại thành phố Hồ Chí Minh

 

           Thực tế, Hội đồng nhân dân chưa tham gia thường xuyên các phiên thảo luận của Ủy ban nhân dân, cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư với các đơn vị dự toán cấp 1 và ngân sách cấp dưới trực tiếp.

 

          Đề nghị: Để nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát của các Ban thuộc Hội đồng nhân dân về việc thực hiện dự toán ngân sách, ít nhất là trong năm đầu của thời kỳ ổn định theo Luật Ngân sách Nhà nước, Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hoá –Xã hội (đối với các Sở-ngành thuộc khối Văn Xã) tham dự các buổi họp thảo luận về phân bổ dự toán ngân sách. Điều 41 - Luật Ngân sách Nhà nước qui định trong năm đầu của thời kỳ ổn định cơ quan tài chính phải làm việc với Ủy ban nhân dân cấp dưới, các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định, cơ quan tài chính chỉ tổ chức làm việc khi Ủy ban nhân dân cấp đó đề nghị.

 

         * Về thời gian Ủy ban nhân dân các cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách: thực tế có thể đảm bảo nhưng đòi hỏi cơ quan tài chính các cấp phải liên lạc trước với cấp trên để biết mức độ giao nhiệm vụ thu chi ngân sách để chuẩn bị báo cáo, rất nhiều mẫu biểu nên rất căng thẳng, nhất là đối với thành phố Hồ Chí Minh, sau khi thảo luận dự toán thu ngân sách (có thể tới 3 vòng), thường vẫn còn 2 phương án, trong đó, phương án thu ngân sách của Bộ Tài chính bao giờ cũng cao hơn đề nghị của thành phố và khi trình HĐND TP thông qua, mức thu tối thiểu bao giờ cũng phải đảm bảo bằng dự toán thu được giao.

 

* Về qui định thời gian trình HĐND cùng cấp trước khi báo cáo Bộ Tài chính: chậm nhất trước ngày 25/7 năm trước. Qui định này chưa hợp lý và làm cho việc hướng dẫn xây dựng Dự toán ngân sách còn mang tính hình thức vì từ khi Bộ Tài chính triển khai, giao chỉ tiêu kiểm tra (Ví dụ đối với Dự toán ngân sách năm 2007: vào cuối ngày 03/7/2006 sau khi bế mạc Hội nghị triển khai xây dựng Dự toán ngân sách Bộ Tài chính mới giao (đưa trực tiếp) chỉ tiêu kiểm tra thu-chi ngân sách năm 2007 (trên Thông báo ghi ký ngày 23/6/2006). Sở Tài chính trình UBND TP có văn bản triển khai đồng thời hướng dẫn cho các đơn vị, quận huyện xây dựng dự toán, trong vòng 14 ngày (trừ 4 ngày nghỉ theo qui định) thì không thể đảm bảo nguyên tắc dự toán thu chi ngân sách được tổng hợp từ cơ sở; do đó, cơ quan Thuế, Tài chính, Kế hoạch -Đầu tư phải tự xây dựng Dự toán thu-chi ngân sách để tham mưu UBND TP trình HĐND TP trứơc khi báo cáo Bộ Tài chính

 

 * Về các biểu mẩu: Biểu số 12-Phụ lục số 6 Điểm 2.3: Khó thực hiện vào thời điểm 25/7 vì Mẫu biểu qui định quá chi tiết (21 cột chỉ tiêu), báo cáo đối với  từng dự án, công trình theo nhóm A,B.. Qua thực tế, các năm, Thành phố không báo được danh mục dự án dự kiến thực hiện trong năm kế hoạch.

 

          Một số vấn đề tồn tại của Nghị định 73 và đề xuất kiến nghị sửa đổi Nghị định 73:  Xin được nêu một số ý kiến như sau:

 

* Tồn tại chủ yếu là số lượng cán bộ làm công tác chuyên môn giúp Hội đồng nhân dân ít, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách về Tài chính-Ngân sách còn rất mỏng so với khối lượng công việc phải thẩm tra, giám sát là quá lớn, nhất là đối với bộ phận chuyên trách của cấp quận-huyện, phường-xã.

 

* Về mẩu biểu đánh giá cần bổ sung thêm cột so sách %: ước thực hiện so thực hiện cùng kỳ năm trước và so dự toán được giao.

 

          Đề xuất kiến nghị sửa đổi Nghị định 73

 

        - Biểu số 7A KH/ĐP: Đề nghị bỏ cột Thực hiện năm thứ N-2 vì chỉ so sánh với năm liền kề là đủ; bỏ cột tăng giảm tuyệt đối vì chỉ cần so sánh % là đủ

 

Về so sánh %: chỉ cần so ước thực hiện năm hiện hành với thực hiện năm trước liền kề, so dự toán; so Dự tóan năm kế hoạch với ước thực hiện năm hiện hành và dự toán năm hiện hành. Cụ thể:

 

 

Nội dung thu

Thực hiện

năm N-1

Năm hiện hành (N)

Dự toán

Năm N+1

So sánh (%)

 

 

Dự toán

Ước TH

 

 

 

 

 

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5=3/1)

(6=3/1)

(7=4/2)

(8=4/3)

 

- Tương tự đối với Biểu số 8A,9A.

 

- Biểu mẫu về tình hình nợ đọng thuế: do cơ quan Thuế thực hiện, tuy nhiên, với khối lượng đơn vị nhiều như Thành phố Hồ Chí Minh, việc báo cáo chưa thể chính xác và kịp thời.

 - Biểu số 10/KH-ĐP: đề nghị bỏ cột 8 (không phục vụ cho yêu cầu vì có thể nhiệm vụ được giao, chế độ chi các năm khác nhau ) và cột 9 (đề nghị thuyết minh trong báo cáo riêng)

 

 

Nội dung chi

Thực hiện

năm N-1

Năm hiện hành (N)

Dự toán

Năm N+1

So sánh (%)

 

 

Dự toán

Ước TH

 

 

 

 

 

      (A)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5=3/1)

(6=3/1)

(7=4/2)

(8=4/3)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

         

           - Về xây dựng phương án phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra: cần có thời gian, hiện Thành phố mới thí điểm thực hiện ở một số qui trình ở một số đơn vị.

 

            - Phụ lục số 6- Biểu số 37: Đề nghị thay cột tăng, giảm tuyệt đối bằng cột so sánh % giữa quyết toán năm báo cáo với quyết toán năm trước vì qua số tăng, giảm tuyệt đối không đánh giá được hết thực chất tình hình thu chi ngân sách.

 

            - Biểu tổng hợp về tình hình nợ khối lượng xây dựng cơ bản và bố trí kế hoạch vốn thanh toán năm…

 

            Đề nghị bỏ cột Năm (N-2), ngòai ra, đối với thành phố Hồ Chí Minh, khi cân đối được nguồn mới  phân bổ vốn cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, chưa để có tình trạng nợ đọng, ngay  đầu năm sau thành phố ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp.

 

            Nếu mẫu này được thực hiện vào thời điểm 20/7 hoặc trong tháng 11 thì số liệu báo cáo không chính xác vì việc thanh toán cho khối lượng chi đầu tư xây dựng cơ bản đến 31/12 hàng năm được Bộ Tài chính cho phép chi đến 31/1 năm sau.

 

 Kiến nghị khác:

 

            1. Về phân bổ dự toán chi ngân sách cho sự nghiệp Giáo dục-đào tạo:

 

            - Theo qui định của Luật Ngân sách Nhà nước, HĐND được quyền quyết định về phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, nhưng khi Bộ Tài chính giao chỉ tiêu dự toán chi ngân sách đều có chỉ tiêu hướng dẫn phân bổ cho từng lĩnh vực, trong đó, ghi chú dự tóan chi lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo và dạy nghề, Khoa học - Công nghệ là mức chi tối thiểu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

            Theo tinh thần nghị quyết Trung ương 2, mức chi cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo đảm bảo đạt 15% tổng chi ngân sách; nhưng từ nhiều năm gần đây, Thành phố đã phân bổ chi thường xuyên cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo chiếm trên 22% tổng chi thường xuyên, tương tự như vậy đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản.

 

            Thực tế, để đảm bảo tỷ trọng chi sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo  đạt mức qui định, Bộ Tài chính thường bố trí chi sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo rất cao, (năm 2006 bố trí chi thường xuyên cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo chiếm tỷ trọng 35,79% (1.690,400 / 4.722,504 tỷ đồng) trong khi thành phố bố trí 1.655,822 / 7.208,642 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,97% trong tổng chi thường xuyên. Do đó, hàng năm, Bộ Tài chính đều có công văn gởi HĐND, Ủy ban nhân dân để yêu cầu giải trình về việc phân bổ chi cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo thấp hơn chỉ tiêu phân bổ của Bộ. Đây là điểm chưa hợp lý vì HĐND TP đã xem xét, quyết  định phân bổ đảm bảo nhu cầu họat động của sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, trong phạm vi cân đối, ngân sách thành phố còn phải dành cho nhiều lĩnh vực bức xúc khác. ( Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2006 và triển khai kế hoạch kinh tế xã hội năm 2007 của chính phủ đã nhìn nhận thành phố Hồ Chí Minh bố trí vốn GD-ĐT thấp nhưng sát hơn so với chỉ tiêu thủ tướng chính phủ giao).

 

           Tương tự, năm 2007, căn cứ chỉ thị số 19/CT-TTg và quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/06/2006 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007 ( năm đầu của thời kỳ ngân sách 2007-2009) thành phố đã bố trí 2.003,741 / 8.200,000 tỷ đồng, chiếm 24,44% tổng chi thường xuyên. Như vậy thành phố đã bố trí kinh phí cho hoạt động GD-ĐT đảm bảo nhu cầu thực tế và tăng cao hơn định mức quy định của Bộ Tài chính.

             2. Về Quyết định dự toán chi ngân sách:

 

            Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu dự toán do Bộ Tài chính giao, UBND trình HĐND TP quyết định tổng chi ngân sách, trong đó có số ghi thu bổ sung từ Ngân sách trung ương, ghi chi xây dựng cơ bản cho nguồn vốn vay ngoài nước (năm 2006 giao 474 tỷ), thực tế trong nhiều năm gần đây số ghi chi chưa bao giờ vượt quá 10% dự toán được giao. Từ đó, chỉ tiêu dự toán chi ngân sách chưa phản ảnh đúng thực chất mức được chi của thành phố. Đề nghị không giao chỉ tiêu chi này để việc đánh giá tình hình thu chi ngân sách hàng năm được chính xác hơn.

          3. Đối với kiểm toán Nhà nước:

 

          Bằng những căn cứ mang tính chuyên môn, các chứng lý, các kết quả thẩm tra,KTNN không những chỉ ra các trường hợp sai phạm, yếu kém, các sơ hở trong quản lý tài chính ngân sách nhà nước, không chỉ trong việc giúp các địa phương, các đơn vị hiểu rõ thực trạng công tác quản lý tài chính, tuân thủ và chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính vv mà còn qua đó cung cấp những nguồn thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy làm cho các đại biểu Hội đồng nhân dân yên tâm khi lấy đó làm căn cứ để thảo luận phê chuẩn quyết toán, xây dựng dự toán và quyết định các chủ trương, chính sách tài chính - kinh tế và ngân sách ở thành phố.

 

          Như vậy, KTNN thông qua hoạt động của mình góp phần giúp cho HĐND, UBND và cơ quan tài chính thành phố nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, điều hành và sử dụng NSNN.

 

          Trong thời gian qua, KTNN và các quy định pháp luật trong tổ chức hoạt động của KTNN còn chưa đầy đủ và thiếu cụ thể nên hạn chế nhiều đến việc phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền địa phương KTNN trong việc giám sát quản lý ngân sách. Luật Kiểm toán nhà nước ra đời là công cụ pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý sử dụng ngân sách nhà nước. Giúp các địa phương, các cấp chủ động hơn trong việc phối hợp với KTNN như một công cụ đắc lực phục vụ chức năng giám sát, quản lý ngân sách của mình.

 

Tuy nhiên kiểm toán nhà nước hầu như mới tập trung vào hậu kiểm, tập trung vào kiểm tra tính đúng đắn, tính hợp pháp của báo cáo quyết  toán ngân sách. Vai trò của KTNN trong lĩnh vực lập dự toán nhìn chung còn hạn chế.

 

          Để nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN trong việc lập dự toán ngân sách nói riêng và toàn bộ quy trình quản lý ngân sách nói chung, xin đề xuất kiến nghị một số điểm sau:

 

-Nhanh chóng hoàn thiện tổ chức hệ thống KTNN theo hướng mở rộng hơn nữa về mạng lưới. Cần thành lập thêm các KTNN khu vực và tiêu chuẩn hóa đội ngũ kiểm toán viên nhà nước cả về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

 

-Sớm ban hành các văn bản dưới luật quy định cụ thể về hoạt động của KTNN; cụ thể mối quan hệ của KTNN với các cơ quan chính quyền địa phương các cấp; quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình phối hợp KTNN phục vụ cho yêu cầu quản lý tài chính, ngân sách của cấp mình, cơ quan mình; quy định về việc công khai hóa các kết quả kiểm toán vv

 

-Khi tiến hành kiểm toán tại địa phương nên có buổi tiếp xúc và làm việc với Hội đồng Nhân dân; trên cơ sở đó, HĐND sẽ đưa ra những yêu cầu về một số vấn đề cụ thể để KTNN thực hiện kiểm toán giúp HĐND.

 

-Trong việc xây dựng kế hoạch các cuộc kiểm toán tại địa phương, nên có sự tham gia ý kiến HĐND. Trong trường hợp trong năm không có kế hoạch kiểm toán đối với ngân sách địa phương, HĐND cần sự tư vấn của các chuyên gia KTNN về một số vấn đề thì KTNN nên cử cán bộ để đáp ứng giúp HĐND.

 

- Đối với các công trình xây dựng cơ bản, đề nghị KTNN cần có phương án kiểm toán để phục vụ việc phê chuẩn và quyết toán của địa phương.

 

-Hiện nay các Đại biểu HĐND chưa nắm rõ về cách thức và quy trình hoạt động của KTNN nên đề nghị KTNN hàng năm nên tổ chức các lớp tập huấn để giới thiệu về hoạt động của KTNN cũng như phương pháp làm việc của KTNN để đại biểu hiểu rõ và vận dụng có hiệu quả công cụ KTNN.

 

Kính thưa các vị đại biểu.

 

 Đổi mới hoạt động giám sát về kinh tế - ngân sách góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp; nâng cao chất lượng giám sát, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn về kinh tế - ngân sách tại kỳ họp. Đây là sự đòi hỏi cao của HĐND, của người dân. Đổi mới hoạt động giám sát về kinh tế - ngân sách cũng đồng nghĩa với sự cầu thị, cải tiến không ngừng mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, mới có thể  vươn lên vững chắc trên bước đường nâng cao chất lượng giám sát, chất lượng kiểm toán kinh tế và ngân sách Nhà nước.             

Trên đây là một số ý kiến. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về vấn đề này nhằm thực hiện ngày một tốt hơn việc xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương trong thời gian tới./.

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


Liên kết website
Số lượt truy cập
07844120




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn