ĐOÀN ĐBQH TP.HCM VỚI VIỆC THU HÚT
CÁC NHÀ KHOA HỌC THAM GIA Ý KIẾN ĐÓNG GÓP
VÀO CÁC DỰ ÁN LUẬT, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀ UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Thạc sĩ Huỳnh Thành Lập
Phó Đoàn ĐBQH, Phó CT.HĐND TP.HCM
I-QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ VIỆC ĐOÀN ĐBQH LẤY Ý KIẾN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ VÀ CHUYÊN GIA VỀ CÁC DỰ ÁN LUẬT, PHÁP LỆNH
Hiện nay, vấn đề ĐBQH, Đoàn ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật đã được quy định ở nhiều văn bản: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH.
Tuy nhiên, quy trình và cơ chế để Đoàn ĐBQH tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia về dự án luật chưa được quy định cụ thể. Nội dung này chỉ được quy định chung chung tại Điều 25 Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, theo đó: “ Đoàn ĐBQH có thể mời đại diện cơ quan , tổ chức, đơn vị và chuyên gia về các lĩnh vực liên quan dự và tham gia ý kiến tại các cuộc họp Đoàn để thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến”.
Các nội dung về thuê chuyên gia nghiên cứu dự án luật, ký hợp đồng và nghiệm thu kết quả nghiên cứu không được quy định tại các văn bản trên, song lại có đề cập tại Nghị quyết 702/2004/NQ-UBTVQH11 quy định tạm thời về một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH. Tuy nhiên, đây chỉ là Nghị quyết hướng dẫn về tài chính, nên các nội dung trên cũng không được cụ thể hoá về quy trình, cơ chế.
Tình hình trên dẫn đến việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia đóng góp cho các dự án luật tại địa phương còn gặp khó khăn nhất định.
II-VIỆC THU HÚT CÁC NHÀ KHOA HỌC THAM GIA Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO CÁC DỰ ÁN LUẬT, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH TP.HỒ CHÍ MINH
1-Khái quát tình hình
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
TP.Hồ Chí Minh có đội ngũ cán bộ phong phú, giàu kinh nghiệm, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành về luật pháp và kinh tế-xã hội, được đào tạo từ nhiều nguồn đang hoạt động trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan nghiên cứu, cơ quan làm công tác nội chính, các tổ chức kinh tế của Trung ương và địa phương trên địa bàn. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần hai trăm tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ (Viện, Trung tâm nghiên cứu, Trường Đại học, Cao đẳng) với hơn 10.000 người làm nghiên cứu khoa học và công nghệ và giảng dạy. Trong lực lượng lao động của thành phố có gần 300.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, 3.000 tiến sĩ, 5.000 thạc sĩ. Đoàn Luật sư TP có trên 1000 luật sư tham gia hoạt động nghề nghiệp trong 283 văn phòng luật sư và 2 công ty hợp danh. Đây là tài nguyên đặc biệt, lợi thế hết sức quan trọng của TP. Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển và hội nhập; đồng thời là nguồn kiến thức dồi dào giúp Đoàn đại biểu Quốc hội tìm hiểu và ghi nhận, tập hợp những ý kiến đóng góp sâu sắc cả về lý luận lẫn thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật.
2-Phương thức, cơ chế thu hút ý kiến các nhà khoa học tham gia ý kiến đóng góp cho các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết
Đoàn ĐBQH và ĐBQH TP.HCM xác định công tác xây dựng pháp luật, trước hết là trực tiếp tham gia thảo luận xây dựng các dự án luật tại các kỳ họp Quốc hội và tại địa phương là một nhiệm vụ chính trị , công tác trọng tâm trong toàn bộ hoạt động của Đoàn, nhằm góp phần cùng với Quốc hội thể chế hoá đường lối của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong điều kiện ĐBQH hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, nhiều ĐBQH không đủ thời gian vật chất để thực hiện nhiệm vụ lập pháp một cách cao nhất, mặt khác không phải ĐBQH nào cũng có đầy đủ kiến thức trên nhiều lĩnh vực đa dạng mà các dự án luật điều chỉnh, Đoàn ĐBQH TP chủ trương huy động đội ngũ đông đảo các luật sư, luật gia, các nhà khoa học, các trường Đại học, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân... cùng chung sức đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Đoàn còn tổ chức tốt bộ máy tham mưu, giúp việc để giúp Đoàn triển khai việc lấy ý kiến, biên soạn các báo cáo tổng hợp và đáp ứng các yêu cầu khác về thông tin, về vật chất kỹ thuật, đảm bảo cho Đoàn và ĐBQH làm nhiệm vụ lập pháp có hiệu quả cao.
Đoàn ĐBQH TP thực hiện nhiều phương thức tổ chức lấy ý kiến xây dựng pháp luật: tổ chức hội thảo, tọa đàm; lấy ý kiến thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, các buổi giám sát, khảo sát; ghi nhận ý kiến đóng góp từ các phương tiện thông tin đại chúng…, trong đó tổ chức hội thảo, tọa đàm là phương thức quan trọng, chủ yếu trong hoạt động tổ chức lấy ý kiến xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH TP. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, Đoàn ĐBQH TP xây dựng chương trình công tác, trong đó xác định thời gian, số lượng các cuộc hội thảo, tọa đàm và các đối tượng lây ý kiến cụ thể.
2.1-Tổ chức hội thảo, tọa đàm đóng góp ý kiến xây dựng luật
2.1.1-Đoàn ĐBQH tổ chức các cuộc hội thảo đóng góp ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội thông qua (từ đầu nhiệm kỳ khoá 11 đến nay đã tổ chức 61 cuộc hội thảo). Mỗi cuộc hội thảo mời khoảng 30-35 đại biểu tham dự, với thành phần đảm bảo cân đối giữa các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các đoàn thể, giới luật gia, luật sư, các nhà khoa học, các chuyên gia. Đối với các dự án luật có tính chuyên môn sâu như Luật sở hữu trí tuệ, Luật công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử, Luật tiêu chuẩn hoá; Luật chứng khoán… thì số lượng đại biểu được mời là các nhà khoa học có tăng lên.
Trong việc lấy ý kiến các nhà khoa học, Đoàn ĐBQH tập trung lấy ý kiến đối với các dự án luật có tính chất chuyên ngành, đòi hỏi người đóng góp ý kiến phải có lý luận, hiểu biết và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mà dự án điều chỉnh. Ví dụ: Hội thảo góp ý Luật công nghệ thông tin, mời các nhà khoa học, các chuyên gia tại các Viện, Trường Đại học, Trung tâm công nghệ thông tin lớn của TP; Luật chứng khoán, mời các nhà khoa học, các chuyên gia về chứng khoán, trong đó có nhiều người đã tham gia đề án chuẩn bị thành lập Trung tâm chứng khoán từ những ngày đầu; Luật Giáo dục, mời những giáo sư, tiến sỹ có uy tín, kinh nghiệm công tác lâu năm trong ngành giáo dục; Luật Doanh nghiệp, mời các chuyên gia hàng đầu về kinh tế đang công tác trên địa bàn TP; Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, mời các giáo sư, bác sỹ là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cấy ghép mô tạng tại các bệnh viện lớn của TP…
Nội dung lấy ý kiến đối với đối tượng này chủ yếu tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng của dự án luật; các khái niệm khoa học và chuyên môn; các mối quan hệ liên ngành cần xác định trong luật…
Thường trực Đoàn đã chỉ đạo Văn phòng gửi dự án luật và tài liệu có liên quan và có công văn đề nghị các chuyên gia, các đơn vị hữu quan viết bài tham luận, góp ý cho từng dự án luật cụ thể trước khi tổ chức hội thảo khoảng 2-3 tuần. Sau khi xác định được thời gian tổ chức hội thảo cụ thể, có thư mời đại biểu tham dự hội thảo.
Để đảm bảo chất lượng các cuộc hội thảo, Thường trực Đoàn xác định những vấn đề cần tập trung lấy ý kiến. Tuỳ theo yêu cầu của từng dự án luật, Đoàn ĐBQH liên hệ và mời nhà khoa học tham gia đóng góp (không mời đại diện cơ quan, tổ chức chung chung); đồng thời đặt hàng một số tham luận có tính chất nòng cốt, tạo không khí sôi động trong hội thảo.
Tại mỗi cuộc hội thảo, Đoàn phân công một số ĐBQH tham dự để lắng nghe ý kiến đóng góp từ Hội thảo và làm nòng cốt chuẩn bị nội dung báo cáo tại Hội nghị Đoàn và tham gia phát biểu tại Hội trường khi Quốc hội thảo luận, thông qua dự án luật.
Nhờ chuẩn bị khá chu đáo, công phu như vậy nên cách làm này đã mang đến những kết quả khả quan hơn so với trước đây:
*Chủ động và bớt cập rập trong việc in ấn tài liệu; trước khi tổ chức hội thảo đã xác định khá chính xác thành phần đại biểu tham dự .
*Đại biểu được tiếp cận dự thảo luật sớm và có thời gian dài hơn để nghiên cứu. Số bài tham luận nhiều hơn hẳn so với các lần hội thảo trước, trong đó có nhiều bài được chuẩn bị công phu, nhiều ý kiến phong phú. Một số đại biểu không tham dự được cũng gửi bài tham luận qua bưu điện, đặc biệt là qua địa chỉ thư điện tử của Văn phòng Đoàn. Các bài tham luận này được in ấn và gửi đến các vị ĐBQH tham dự hội thảo.
*Nhờ thường xuyên liên hệ để mời đại biểu tham dự hội thảo, các cuộc hội thảo thu hút khá nhiều đại biểu tham dự và đúng thành phần như danh sách mời viết bài tham luận.Nhiều cuộc hội thảo diễn ra với không khí sôi nổi, nhất là các hội thảo về các dự án luật có liên quan mật thiết đến cuộc sống của nhân dân (Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Nhà ở, Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật phòng chống tham nhũng…). Do có chuẩn bị bài tham luận trước, nên các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đều ngắn gọn, súc tích, đi đúng vào trọng tâm những vấn đề lớn cần góp ý theo gợi ý của UBTVQH.
2.1.2-Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, ngoài các cuộc khảo sát làm việc với các sở, ngành hữu quan, từ năm 2005 Đoàn ĐBQH TP chủ động liên hệ với các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan để sớm nhận được tài liệu và tổ chức tọa đàm, mời đại diện một số cơ quan, một số nhà khoa học, chuyên gia để lấy ý kiến đóng góp thẳng vào nội dung dự án luật. Quy trình tiến hành cũng tương tự như khi tổ chức hội thảo.
2-Tổ chức hội nghị Đoàn ĐBQH để thảo luận nội dung đóng góp ý kiến từ Hội thảo và Đoàn ĐBQH TP có ý kiến chính thức đóng góp vàp dự án luật
Sau khi kết thúc hội thảo, Thường trực Đoàn ĐBQH chỉ đạo Văn phòng tổng hợp ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự hội thảo để phục vụ cho Đoàn ĐBQH TP thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội thông qua.
Tại Hội nghị của Đoàn ĐBQH TP, trên cơ sở ý kiến đóng góp từ các cuộc Hội thảo đã được tổ chức, các vị ĐBQH thảo luận và Đoàn ĐBQH có báo cáo ý kiến chính thức với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
3-Với cách thức tiến hành trên, đã đạt được một số kết quả nhất định:
-Từng bước xác lập cơ chế và phương thức Đoàn ĐBQH tổ chức góp ý xây dựng pháp luật trong điều kiện ĐBQH chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm. Đó là cơ chế tập hợp và huy động được một lực lượng đông đảo các thành phần,các giới tham gia xây dựng dự án luật; huy động và phát huy khả năng của đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia làm nòng cốt trong các cuộc hội thảo, bảo đảm tính khoa học, nghiêm túc.
-Xây dựng và tập hợp được hệ thống các tư liệu và tài liệu tham khảo vừa có giá trị khoa học, vừa gắn liền với thực tiễn để làm tài liệu tham khảo cho ĐBQH TP nghiên cứu, chắt lọc để tham gia đóng góp xây dựng luật tại kỳ họp Quốc hội. Từ đó chất lượng ý kiến đóng góp của Đoàn ĐBQH TP và ĐBQH ngày càng được nâng lên, có nhiều ý kiến xác đáng được UBTVQH tiếp thu.
III-MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH trong tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các nhà khoa học trong công tác này, chúng tôi xin có một số kiến nghị:
1-Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng quy định cụ thể hơn về cơ chế, quy trình Đoàn ĐBQH tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia đóng góp cho các dự án luật. Quy định và hướng dẫn rõ về việc Đoàn ĐBQH ký kết hợp đồng thuê chuyên gia nghiên cứu và nghiệm thu kết quả nghiên cứu, đóng góp cho dự án luật.
2-Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là các dự án luật ngày càng nhiều nhưng thường được gửi về địa phương chậm lại yêu cầu báo cáo trong thời gian ngắn nên việc chuẩn bị nội dung hội thảo còn bị động. Mặc dù Đoàn ĐBQH TP đã chủ động xây dựng chương trình tổ chức lấy ý kiến nhưng vẫn còn tình trạng một số cuộc hội thảo được tổ chức dồn dập trong một thời gian ngắn, quỹ thời gian để các đại biểu nghiên cứu có tăng lên nhưng thực chất vẫn còn ít. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế công khai nội dung dự thảo luật sớm hơn, tạo điều kiện để ĐBQH, Đoàn ĐBQH tiếp cận với dự thảo và các tài liệu tham khảo liên quan đến dự án luật ngay từ đầu, từ đó mới có thể huy động các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học ở địa phương tham gia đóng góp ý kiến một cách sâu rộng, thiết thực và nâng cao hiệu quả, chất lượng ý kiến đóng góp.
3-Việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của giới khoa học cần được công khai, giải trình rõ, có ý kiến phản hồi. Nhiều nhà khoa học phản ảnh khi được mời tham gia đóng góp cho dự án luật, đã chuẩn bị bản góp ý rất công phu, tâm huyết nhưng sau đó không biết ý kiến của mình được tiếp thu đến đâu. Cơ chế phản hồi, thông tin nhằm thể hiện tính công khai, dân chủ trong việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, nâng cao trách nhiệm của cả cơ quan soạn thảo lẫn đối tượng góp ý kiến.
4-Cần quan tâm thực hiện phương thức tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học đối với các dự án luật. Có hướng dẫn về cơ chế cũng như sửa đổi các quy định liên quan, tạo điều kiện để Đoàn ĐBQH địa phương huy động các nhà khoa học tham gia vào việc đề xuất sáng kiến pháp luật và soạn thảo dự án luật. Trong nhiệm kỳ khoá 11, Đoàn ĐBQH TP đã nhận được đề nghị của Hội Y dược học TP về việc xây dựng Luật hành nghề y và Hội Y dược học TP cũng đã chủ động soạn thảo dự án Luật này, nhưng do cơ chế hiện hành chưa rõ nên Đoàn ĐBQH TP chỉ có thể kiến nghị một cách chung chung với UBTVQH.