Đăng nhập

 

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Tiếp xúc cử tri tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI ĐOÀN ĐẠI BIỂU TP.HỒ CHÍ MINH
(Bài tham luận của đ/c Mai Quốc Bình – Phó Đoàn ĐBQH TP.HCM tại Hội thảo “Nâng cao kỹ năng công tác dân nguyện của các Đại biểu dân cử”)

---------------------------

 

           

Các hình thức tiếp xúc cử tri

 

            1. Tiếp xúc cử tri theo đơn vị bầu cử và theo các cụm phường, xã

 

            Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh (Đoàn ĐBQH TP) chủ trương không tiếp xúc ở một địa điểm cố định mà phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc (UBMTTQ) các quận, huyện, tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) luân phiên ở các phường, xã hoặc cụm phường-xã. Có tổ ĐBQH còn phân công dự TXCT ở 2,3 phường xã khác nhau (không nhất thiết cả tổ phải dự ở một điểm). Ngoài buổi tiếp xúc cử tri chung tại quận, huyện, nhiều tổ ĐBQH đã tích cực tổ chức TXCT tại các cụm phường, xã, ấp (từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức được 123 cuộc TXCT ở phường, xã); TXCT ngoài giờ hành chính. Nhờ vậy, diện TXCT diễn ra rộng và sâu hơn, số lượng cử tri tham dự cũng cao hơn. Cách làm này được nhân dân hoan nghênh và hạn chế được phần nào các cử tri “chuyên nghiệp” thường tập trung ở các cuộc tiếp xúc cử tri ở cấp thành phố, quận, huyện.

 

            2. Tiếp xúc cử tri theo giới, ngành

 

            Đoàn ĐBQH đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, tiếp xúc với MTTQ và các đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ hưu trí, cán bộ khoa học kỹ thuật… theo từng chủ đề khác nhau, TXCT là lãnh đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố để nghe thực trạng các kiến nghị và các chính sách đối với các hoạt động của ngân hàng thương mại; TXCT là các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành xăng dầu để nghe phản ánh một số kiến nghị liên quan đến hoạt động xăng dầu, TXCT là CLB hưu trí, TXCT là các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp thành phố để nghe tâm tư nguyện vọng của giới doanh nghiệp đang đầu tư vào các trường, trung tâm cai nghiện của TP để nghe ý kiến của doanh nghiệp về chính sách ưu đãi khi đầu tư vào các trường, trung tâm cai nghiện; TXCT ngành Tư Pháp để tìm hiểu và chế độ chính sách đối với cán bộ ngành tư pháp; TXCT  thuộc ngành y tế và các công ty dược để nghe các kiến nghị về bình ổn giá thuốc.

 

            Các cuộc TXCT theo giới, ngành giúp ĐBQH ghi nhận được những ý kiến chuyên sâu, và có nhiều kiến nghị sâu sắc về cơ chế, chính sách vĩ mô. Tại các buổi tiếp xúc cử tri này, Đoàn ĐBQH TP thường mời các đồng chí lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương tham dự để kịp thời ghi nhận và giải quyết các kiến nghị được nêu ra, như khi TXCT thuộc ngành ngân hàng thương mại, TXCT thuộc hiệp hội doanh nghiệp, Đoàn ĐBQH TP mời đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính tham dự để giải quyết trực tiếp vướng mắc về chính sách thuế. Cách làm này được cử tri hoan nghênh.

 

            3. Tiếp xúc cử tri là các chuyên gia để thu thập ý kiến xây dựng luật

 

            Các buổi TXCT thường có yêu cầu cử tri tham gia ý kiến về các dự án luật trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, do cử tri thường không được nghiên cứu nội dung dự án luật trước nên rất khó phát biểu hoặc phát biểu chung chung. Từ thực tế trên, Đoàn ĐBQH TP tổ chức tiếp xúc cử tri là các chuyên gia về pháp luật, các nhà khoa học, quản lý kinh doanh, doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của luật để thu thập ý kiến đóng góp chuyên sâu. Cách làm này đạt hiệu quả cao, là nguồn tài liệu quan trọng giúp ĐBQH nghiên cứu, hình thành quan điểm riêng của mình khi tham gia thảo luận các dự án luật.

 

            4. Đảm bảo duy trì đều đặn tiếp xúc cử tri là cán bộ công nhân viên của cơ quan nơi các đại biểu Quốc hội công tác.

 

            Việc phối hợp trong công tác TXCT

 

            Đoàn ĐBQH TP luôn phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, UBMTTQ cấp thành phố và cấp quận, huyện trong tổ chức TXCT, từ việc xác định kế hoạch tiếp xúc cử tri đến tổ chức triển khai thực hiện.

 

            Một số tổ ĐBQH tiến hành phối hợp với Đại biểu HĐND TP trên địa bàn để tổ chức TXCT chung nhằm giảm bớt thời gian cử tri tham dự quá nhiều cuộc TXCT.

 

            Các buổi TXCT của Đại biểu Quốc hội đều có sự tham dự của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, HĐND, UBMTTQ của địa phương để kịp thời ghi nhận và trả lời giải đáp những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương. Thực tế cho thấy, nếu không có lãnh đạo địa phương cùng tham dự thì có khả năng một số vụ việc không chính xác mà cử tri nêu ra (do thiếu thông tin hoặc vì lý do cá nhân) sẽ có tác động tiêu cực qua việc lan truyền thông tin này qua hàng trăm người dự họp nhưng không được giải đáp kịp thời, thỏa đáng.

 

            Thu thập, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

 

            - Trong việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH TP không chỉ dựa vào nguồn ý kiến cử tri phát biểu trực tiếp tại các buổi TXCT, mà còn thu thập ý kiến của cử tri TP được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (tất nhiên phải qua phân tích đánh giá để chọn những thông tin chính xác).

 

            - Từ các nguồn này, Đoàn ĐBQH TP tổng hợp các ý kiến, kiến nghị thành 2 báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri:

 

            + Báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBMTTQ Việt Nam các ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành (trung bình khoảng 150 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố được ghi nhận tại mỗi kỳ họp Quốc hội). Bên cạnh đó, từ nguồn kiến nghị của cử tri, ĐBQH chọn những vấn đề bức xúc để chất vấn các bộ, ngành chức năng về trách nhiệm quản lý nhà nước của mình trên lĩnh vực được phân công. Xử lý kiến nghị cử tri bằng hình thức chất vấn được truyền hình trực tiếp trên cả nước được cử tri thành phố Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi và đạt hiệu quả cao.

 

            + Đối với các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, Đoàn ĐBQH có báo cáo và đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương của thành phố xem xét, giải quyết.

 

            - Thông báo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau mỗi kỳ họp, ĐBQH trực tiếp thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại buổi TXCT. Đồng thời, Đoàn ĐBQH TP tập hợp các văn bản trả lời của các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành chức năng của thành phố và gửi cho UBMTTQ thành phố, UBMTTQ các quận, huyện để thông báo cho cử tri.

 

            “Một số tổ ĐBQH như tổ ĐBQH đơn vị quận 1, quận 3 trước khi tiếp xúc cử tri đều tổ chức làm việc với UBND quận và UBND TP cùng đại diện các sở, ngành chức năng để nghe báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri được nêu ra tại lần tiếp xúc cử tri trước. Tổ ĐBQH đơn vị quận 2, sau khi tiếp xúc và nghe cử tri phản ánh kiến nghị về việc thực hiện đền bù giải toả dự án đường song hành xa lộ Hà Nội đã tổ chức làm việc với các ngành hữu quan (mời đại diện cử tri cùng tham dự) để hướng giải quyết dứt điểm. Cách làm này tuy mất thời gian, nhưng đạt hiệu quả cao và giải toả được tâm tư, thắc mắc của cử tri.”

 

            Những khó khăn vướng mắc

 

            - Tuy số cuộc TXCT được tổ chức ngày càng nhiều hơn nhưng nhìn chung tình trạng “cử tri chuyên nghiệp” vẫn còn phổ biến, số cuộc TXCT ở cơ sở (xã, phường) còn ít. Thời gian TXCT thường chỉ giới hạn trong 1 buổi, trong khi các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và các vấn đề xây dựng pháp luật rất rộng lớn, nên thường cử tri phát biểu theo hướng chung chung, hoặc chỉ nêu các kiến nghị mang tính chất thắc mắc, khiếu nại về đền  bù, giải tỏa, tình trạng ngập nước, đường xá xuống cấp…). Do vậy, có ít kiến nghị về tầm vĩ mô và nếu chỉ có tính chung chung xoay quanh các vấn đề chống tham nhũng chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, cán bộ hưu trí, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ đối với người có công…

 

- Hoạt động Tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố theo giới, ngành chưa nhiều, nội dung chủ đề và thành phần tiếp xúc cử tri còn bị hạn.

 

- Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội quy định tại điều 30 về các cuộc tiếp xúc cử tri được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nhưng thực tế thường chỉ có những cử tri có  giấy mời mới đến tham dự và  và phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Do vậy, thành phần tham dự tiếp xúc cử tri không đầy đủ, có cử tri kỳ tiếp xúc nào cũng tham dự và phát biểu cùng một vấn đề, trong khi có cử tri do không có giấy mời nên không đến tham dự dù rất muốn đóng góp ý kiến với Quốc hội. Vấn đề đặt ra là khi có nhiều cử tri tham dự các buổi tiếp xúc cử tri thì việc đảm bảo an ninh trật tự, cũng như địa điểm tổ chức là những khó khăn cần được quan tâm khắc phục.

 

            - Trong công tác  giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri : theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thì Đại biểu Quốc hội thu thập và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan. Luật tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội nêu rõ về vai trò của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Do đó, đối với các kiến nghị  của cử tri thuộc thẩm quyền  cơ quan nhà nước ở địa phương được Đoàn ĐBQH chuyển  đến các cơ quan chức năng thì tỷ lệ trả lời chưa cao (từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH đã chuyển 70 công văn đến các sở, ngành chức năng của thành phố đề nghị xem xét kiến nghị của cử tri, nhưng chỉ nhận được 39 công văn trả lời, đạt tỷ lệ 55,7%)

 

Mặt khác, tại các buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, ngoài việc nghe báo cáo kết quả của kỳ họp Quốc hội, cử tri còn mong muốn được nghe Đại biểu báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước được phản ánh tại các lần tiếp xúc cử tri trước,  nhưng việc này cũng chỉ dừng ở mức báo cáo một số nội dung có chọn lọc vì không đủ thời gian  và không thể báo cáo hết tất cả các kết quả giải quyết. Việc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiến hành tập hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri thành  phố và gửi tài liệu này cho UBMTTQ cấp huyện để trả lời cho cử tri, tuy có đáp ứng được phần nào nguyện vọng của cử tri, nhưng mức độ phổ biến rộng rãi chưa cao, vì vậy ở các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri vẫn thường phàn nàn về việc không biết  kiến nghị của mình được giải quyết đến đâu.

 

Ngoài ra, do đa số Đại biểu Quốc hội hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội lại quá ít, nên việc đeo bám, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

 

Việc phối hợp tiếp xúc cử tri chung với tổ Đại biểu  HĐND tuy có thực hiện nhưng chưa đều đặn, thường xuyên do thời gian họp Quốc hội và HĐND không trùng nhau. Đặc biệt, có chế phối hợp giữa đoàn ĐBQH với HĐND, UBND các cấp trong tổng hợp, giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương như thế nào để tránh trùng lắp và đạt hiệu quả vẫn chưa rõ.

 

Để nâng cao nữa chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, cần quan tâm một số vấn đề sau :

 

1/ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành quy chế về việc tiếp xúc cử tri, xác định rõ cơ chế, nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong tổ chức tiếp xúc cử tri, tạo hành lang pháp lý để các cuộc tiếp xúc cử tri đi vào thực chất,  giảm tính hình thức, khắc phục tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”.

 

2/ Ngoài việc tiếp xúc cử tri ở quận, huyện, ĐBQH cần tăng cường tiếp xúc trực tiếp với cử tri ngay tại cơ sở, phường, xã, khu phố, tổ dân phố. Thời gian tiếp xúc cử tri không chỉ giới hạn trong giờ hành chính mà tăng cường tiếp xúc cử tri vào buổi tối để có điều kiện gặp gỡ các cử tri là cán bộ, công chức, người lao động phải làm việc vào ban ngày. Hàng năm tổ ĐBQH cần tiếp xúc cử tri và lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ và lãnh đạo các sở, trưởng các phòng, ban ở cấp thành phố là lãnh đạo quận huyện để tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, địa bàn quận huyện và lắng nghe những kiến nghị của các ngành chuyên môn.

 

3/ Đẩy mạnh việc tiếp xúc cử tri theo giới, ngành. Tuỳ theo đối tượng tiếp xúc mà đưa ra những chủ đề nhất định để làm định hướng tiếp xúc cử tri  và phát biểu của cử tri nhằm ghi nhận, thu thập những kiến nghị chuyên sâu. Chủ đề đó phải là những vấn đề trọng tâm về thời sự, có ý nghĩa chính trị - xã hội đối với thành phố và đất nước, là những vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri quan tâm.

 

4/ Để đảm bảo tính rộng rãi, bình đẳng, dân chủ, công khai trong tiếp xúc cử tri, cần quy định rõ cử tri nào muốn tham dự thì liên hệ và đăng ký với UBMTTQ để được nhận giấy mời. Đồng thời, cần quy định cụ thể về quyền và tránh nhiệm của cử tri khi tham gia dự buổi tiếp xúc.

 

5/ Trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cần lưu ý :

 

- Quy định cụ thể cơ chế phối hợp và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước trong giải quyết kiến nghị cử tri. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của  các cơ quan nhà nước, tổ chức đơn vị ở địa phương, cần quy định chuyển cho HĐND, UBND tỉnh, thành phố và yêu cầu UBND báo cáo kết quả giải quyết trong thời hạn 30 ngày. HĐND, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng quản lý nhà nước của mình giải quyết kiến nghị của cử tri. Định kỳ làm việc với HĐND, UBND, UBMTTQ cấp thành phố và quận, huyện để giám sát việc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri.

 

- Bên cạnh việc tập hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi cho UBMTTQ các quận huyện để thông báo cho cử tri, cần tạo thêm các kênh khác để thông tin đến cử tri nhanh chóng, ví dụ : quy định kết quả giải quyết lên website của Quốc hội và UBND các tỉnh, thành phố, niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, xã…để đông đảo cử tri có thể truy cập, theo dõi (trừ một số nội dung thuộc về bí mật quốc gia)./.

 

 

           

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


Liên kết website
Số lượt truy cập
07998049




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn