Đăng nhập

 

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Tăng cường chức năng đại diện của đại biểu Quốc hội và Đoàn đaij biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

TĂNG CƯỜNG CHỨC NĂNG ĐẠI DIỆN

CỦA ĐBQH VÀ ĐOÀN ĐBQH TP.HCM

 

                                                                                    Thạc sĩ Huỳnh Thành Lập

                                                              Phó Đoàn ĐBQH, Phó CT.HĐND TP.HCM

 

I-QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CHỨC NĂNG ĐẠI DIỆN CỦA ĐBQH VÀ ĐOÀN ĐBQH

 

Điều 97 của Hiến pháp năm 1992 quy định: “đại biểu Quốc hội là ngư­ời đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả n­ước. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nư­ớc hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó”.

 

Quy định này được cụ thể hoá tại nhiều quy định của Luật Bầu cử ĐBQH, Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

 

Vai trò và chức năng đại diện của ĐBQH thể hiện xuyên suốt trong các mặt hoạt động chính của ĐBQH và Đoàn ĐBQH: xây dựng pháp luật; giám sát; tiếp xúc cử tri; tiếp công dân… Các mặt hoạt động này thể hiện trách nhiệm của ĐBQH với cử tri, đó là ghi nhận và phản ảnh ý kiến, nguyện vọng của cử tri vào quá trình xây dựng pháp luật; chủ trương quyết sách lớn của nhà nước; đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giám sát việc thực hiện chủ trương chính sách pháp luật…

 

Về chức năng đại diện của Đoàn ĐBQH, luật chưa quy định rõ, nhưng với cách thức tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH như hiện nay, có thể hiểu là ĐBQH thực hiện chức năng đại diện, Đoàn ĐBQH tổ chức, phối hợp để các ĐBQH trong Đoàn thực hiện chức năng đại diện của mình một cách có hiệu quả.

 

II- ĐBQH VÀ ĐOÀN ĐBQH TP.HCM THỰC HIỆN CHỨC NĂNG ĐẠI DIỆN THÔNG QUA CÁC MẶT HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU THEO LUẬT ĐỊNH

 

1-Thực hiện chức năng đại diện phải gắn bó mật thiết với cử tri

 

Gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của ĐBQH được pháp luật quy định, mà còn là phương thức để ĐBQH và Đoàn ĐBQH thực hiện chức năng đại diện. Nắm bắt thực tiễn đời sống chính trị-xã hội ở địa phương, tiếp cận với đời sống sinh động, nhiều màu sắc của các tầng lớp dân cư. Trên cơ sở đó, ĐBQH thêm kiến thức từ hoạt động thực tiễn của nhân dân, mà mình là người đại diện. Chính từ nắm bắt hơi thở cuộc sống đã giúp cho ĐBQH ý kiến thêm sắc sảo khi Quốc hội làm chính sách.

 

Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi gắn bó mật thiết với cử tri, ĐBQH và Đoàn ĐBQH mới có nhiều đề xuất thiết thực, chuyển tải được tâm tư , nguyện vọng của cử tri đến nghị trường Quốc hội, từ đó tạo được niềm tin của cử tri vào người mà mình bầu ra, làm đại diện cho mình.

 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 436 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có hơn 200 cuộc TXCT ở phường, xã, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành.  Đoàn ĐBQH TP chủ trương không tiếp xúc ở một địa điểm cố định. Ngoài buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) ở quận, huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc (UBMTTQ) các quận, huyện, tổ chức TXCT  luân phiên ở các phường, xã hoặc cụm phường-xã. Có tổ ĐBQH  chia ra mỗi Đại biểu dự 1 điểm TXCT tại liên xã, phường trong cùng một thời điểm (không nhất thiết cả tổ phải dự ở một điểm). Nhiều ĐBQH đã tích cực tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, tiếp xúc cử tri tại nơi công tác, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành… Nhờ vậy, diện TXCT diễn ra rộng và sâu hơn, số lượng cử tri tham dự cũng cao hơn. Cách làm này được nhân dân hoan nghênh và hạn chế được phần nào các cử tri “chuyên nghiệp” thường diễn ra ở các cuộc tiếp xúc cử tri tổ chức tập trung ở thành phố, quận, huyện.

 

Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh mang tiếng nói và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các ngành, các cấp của  TP.Hồ Chí Minh đến diễn đàn Quốc hội, thực hiện quyền chất vấn, góp phần cùng với Quốc hội thúc đẩy Chính phủ và các Bộ Ngành thực hiện chức năng tổ chức điều  hành, thực hiện, qua đó kiến nghị, nguyện vọng người dân sớm được thực hiện. Trong các bản Phụ lục ý kiến, kiến nghị của cử tri đề nghị Chính phủ và các Bộ , Ngành giải quyết, ý kiến của cử tri TP.Hồ Chí Minh luôn có tỷ lệ khá cao. Từ nguyện vọng của cử tri, Đoàn ĐBQH TP đã cùng với lãnh đạo chính quyền TP kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận thông qua Nghị quyết thí điểm thực hiện đề án sau cai nghiện tại TP - một đề án được sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội.

 

Các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền TP cũng được các vị ĐBQH tập hợp và đề nghị UBND TP và các Sở Ngành hữu quan xem xét giải quyết. Một số Tổ ĐBQH trước khi tiếp xúc cử tri đã tiến hành làm việc với UBND TP và các sở ngành hữu quan để giám sát, đôn đốc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri tại các lần tiếp xúc trước. Cách làm này được cử tri hoan nghênh .

 

           

2-Thực hiện chức năng đại diện phải làm tốt công tác giám sát

 

Từ khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội có hiệu lực đến nay, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 29 cuộc giám sát; tham gia  21 Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, HĐDT và các Uỷ ban của Quốc hội. Đoàn ĐBQH TP luôn chủ động tìm nhiều cách làm để thực hiện chức năng giám sát. Trong đó quan trọng  nhất là chuẩn bị nội dung giám sát. Việc xây dựng chương trình và nội dung giám sát căn cứ vào Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội. Nội dung giám sát gồm các vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, hoặc nội dung đang được cử tri quan tâm. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH có kiến nghị giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc thể hiện trách nhiệm trước cử tri; đồng thời ĐBQH không chỉ thể hiện đại diện của dân - mà còn thể hiện là người trong cuộc, luôn chia sẻ những khó khăn với Chính quyền trong việc tổ chức thực hiện. Đặt mình là người trong cuộc sẽ khắc phục bệnh nói để nói; Đại biểu của dân không chỉ nói mà vừa nói vừa làm, vừa chia sẻ, vừa hiến kế, bao gồm góp ý kiến hoàn thiện chính sách, góp ý kiến xây dựng văn bản luật.

 

Thực tế vừa qua, nhiều nội dung kiến nghị góp ý của Đại biểu và Đoàn ĐBQH TP được chính quyền thành phố  và bộ ngành quan tâm trả lời bằng văn bản, một số vụ việc đã được điều chỉnh như : Dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Nguyễn Văn Trỗi; Dự án KCN Tân Bình mở rộng; chấn chỉnh việc sử dụng lãng phí nhà xưởng kho bãi của nhà nước ; chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; chính sách nhà ở cho người tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân KCX-KCN trên địa bàn TP;  giải quyết điểm nóng trong các vụ khiếu nại tố cáo.

 

3-Tiếp công dân là thực hiện chức năng đại diện

 

Đại biểu của dân mà tránh né, không tiếp công dân, không có chỗ, không có thời gian để dân đến gặp  thì không phải là người đại diện dân. Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 173 buổi tiếp trên 2000 lượt công dân, đã chuyển 2273 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, nhận được 1286 văn bản trả lời (tỷ lệ 56,57%).

 

Đoàn ĐBQH TP  đã tổ chức các buổi làm việc với các ngành chức năng của TP để giám sát, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Nếu thấy vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật thì giải thích thật rõ để người dân hiểu và chấp hành. Từng hồ sơ cử tri gửi đều được các đại biểu tiếp nhận, đọc kỹ, kết hợp với thông tin do người dân trực tiếp trình bày. Sau khi nghiên cứu kỹ vụ việc, đại biểu bày tỏ thái độ và chính kiến khi chuyển đơn thư của công dân đến cơ quan chức năng giải quyết. Lịch tiếp công dân của các ĐBQH được Văn phòng Đoàn thông báo công khai trước 7 ngày và công dân có thể chọn đại biểu để bày tỏ nguyện vọng. Ngoài lịch tiếp công dân hằng tuần, công dân có nhu cầu gặp đại biểu thì đến Trụ sở Đoàn sẽ được các chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tiếp, lắng nghe và qua đó có thể đăng ký gặp trực tiếp Đại biểu Quốc hội.

                                 

Ngoài việc tiếp và chuyển nguyện vọng của công dân thường xuyên theo quy định của Nghị quyết 288, các vị Đại biểu và Đoàn ĐBQH TP đã chú trọng tổ chức giám sát các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các nội dung khiếu nại tồn đọng kéo dài như khiếu nại của cử tri về việc mở hẻm 11 Nguyễn Du; một số vụ việc khiếu nại phức tạp có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp… Cách làm này được cử tri đồng tình. Qua giám sát, “Đoàn ĐBQH TP đã xác định rõ cơ quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm không để khiếu nại tố cáo kéo dài,  đồng thời qua giám sát cũng làm cho các cơ quan hữu quan thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, không được tránh né, đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác”.[1]

           

4- Sử dụng chuyên gia để làm tốt chức năng đại diện của ĐBQH, Đoàn ĐBQH

 

Trong điều kiện đa số ĐBQH hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, nhiều ĐBQH không đủ thời gian vật chất để thực hiện nhiệm vụ lập pháp một cách cao nhất, mặt khác không phải ĐBQH nào cũng có đầy đủ kiến thức trên nhiều lĩnh vực đa dạng mà các dự án luật điều chỉnh, Đoàn ĐBQH TP chủ trương huy động đội ngũ đông đảo các luật sư, luật gia, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp xây dựng pháp luật tại các cuộc hội thảo, khảo sát, qua các thư góp ý kiến hoặc các bài phát biểu  trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều dự án luật đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân như Luật Đất đai, Luật Giáo dục; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 61 cuộc hội thảo, trên 30 cuộc khảo sát để lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến.  

 

Qua đó, các vị ĐBQH TP khi đến Hội trường kỳ họp đã có trong tay bản báo cáo nguyện vọng cử tri và tài liệu tham khảo vừa có giá trị thực tiễn, găn liền với cuộc sống, có độ khái quát cao, phản ánh được tiếng nói và nguyện vọng của cử tri trong làm chính sách, thể hiện qua các biên bản thảo luận tại Đoàn ĐBQH và tại Hội trường, đã phản ảnh được thực tế sinh động của  xã hội và lòng mong đợi của cử tri (ví dụ : một hay hai giấy trong cấp giấy chủ quyền nhà đất)

 

III. HOÀN THIỆN HƠN NỮA CHỨC NĂNG ĐẠI DIỆN CỦA ĐBQH, ĐOÀN ĐBQH

 

A-Thực hiện chức năng đại diện của ĐBQH và Đoàn ĐBQH tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhìn chung cả cử tri và ĐBQH đều cho rằng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

 

Cử tri đánh giá khá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH TP, nhưng vẫn phàn nàn cho rằng việc thực hiện chức năng đại diện của ĐBQH nhìn chung còn yếu, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân tuy được ĐBQH ghi nhận phản ảnh nhưng quá trình đeo bám, đôn đốc giải quyết chưa đến nơi, đến chốn… Công tác tiếp xúc cử tri chưa khắc phục triệt để tính hình thức và tình trạng tiếp xúc với “đại cử tri”. Trong hoạt động giám sát, nhất là trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn ĐBQH TP còn có những khó khăn và hạn chế về hiệu quả và tác dụng của Đoàn trong kết quả xử lý giám sát; nhiều kiến nghị của ĐBQH và Đoàn ĐBQH chưa được trả lời hoặc trả lời chung chung và chưa được các ngành chức năng quan tâm giải quyết triệt để. Nhiều nội dung bức xúc do cử tri kiến nghị - một mặt chưa được thể chế hoá bằng luật pháp hoặc chậm được hướng dẫn, mặt khác có nhiều quy định bất cập lại chậm được sửa đổi, bổ sung…

 

B-Những tồn tại nói trên theo chúng tôi, xuất phát từ các nguyên nhân sau:

 

1. Làm bất cứ công việc gì cũng cần có quỹ thời gian. Do đó, mỗi Đại biểu khi được người dân tín nhiệm phải sắp xếp làm nhiệm vụ Đại biểu, không thể đưa lý do Đại biểu kiêm nhiệm không thể có nhiều thời gian làm nhiệm vụ. Khái niệm Đại biểu chuyên trách, Đại biểu kiêm nhiệm chỉ nên phân định ở mức tương đối, đã làm đơn xin ứng cử, khi được tín nhiệm phải làm hết sức mình; vấn đề mỗi Đại biểu cần có các chuyên gia giúp sức, ngân sách tài trợ ra sao và trong điều kiện hiện nay tất nhiên có một số Đại biểu khi được bầu nên giao lại nhiệm vụ cũ đang làm để có quỹ thời gian tập trung chức năng đại diện

2. Quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH tuy khá đầy đủ, nhưng còn thiếu cơ chế và  biện pháp chế tài để đảm bảo thực hiện quyền hạn ở mức cao nhất, ví dụ: quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn yêu cầu phải có 20% tổng số ĐBQH đề nghị nhưng không có cơ chế khả thi để thực hiện; chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan hữu quan không giải quyết, không trả lời các kiến nghị sau giám sát, hoặc trả lời các kiến nghị của ĐBQH, Đoàn ĐBQH đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân còn chung chung…

 

3. Vai trò, chức năng đại diện cho cử tri trên địa bàn không phải riêng của ĐBQH, mà còn của các ĐB HĐND các cấp. Việc phối hợp và phân định chức năng đại diện của các chủ thể này trong giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri  trong thực tế vẫn còn trùng lắp, thiếu sự phối hợp giữa ĐBQH và Đại biểu Hội đồng nhân dân. Với phương thức tổ chức ĐBQH tập hợp và sinh hoạt trong một Đoàn ĐBQH địa phương thì việc thực hiện chức năng đại diện cho cử tri cả nước theo luật định như thế nào là vấn đề vẫn còn đang lúng túng…

Do đó, để tăng cường chức năng đại diện của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, chúng tôi cho rằng cần chú trọng thực hiện một số biện pháp sau đây:

Một là, trước hết, mỗi ĐBQH phải phấn đấu thực hiện đầy đủ và làm tròn trách nhiệm của mình với cử tri, gắn bó và đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, có bản lĩnh để giám sát, đôn đốc giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc do cử tri nêu ra; đồng thời tuyên truyền, giải thích để cử tri chấp hành đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, vì nếu cơ chế, quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH có đầy đủ đến đâu, nhưng bản thân ĐBQH không thực hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình, thì chức năng đại diện chỉ là hình thức.

Hai là, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo tiến hành tổng kết việc thực hiện các luật có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng đại diện của ĐBQH, Đoàn ĐBQH như Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH… Trên cơ sở đó, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình ĐBQH thực hiện chức năng đại diện của mình để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, cần hướng dẫn cụ thể  về cơ chế phối hợp của đại biểu dân cử các cấp trong việc thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân, nhất là trong đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại địa phương.

Ba là, Phối hợp với MTTQ thực hiện đầy đủ cơ chế ĐBQH báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình và cử tri nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH theo quy định của Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, xem đây là hình thức giám sát của cử tri đối với ĐBQH, qua đó tăng cường trách nhiệm của ĐBQH trong việc thực hiện chức năng đại diện.

Bốn là, Tăng số lượng ĐBQH chuyên trách kết hợp tập huấn bồi dưỡng; nâng cao kỹ năng hoạt động và năng lực của ĐBQH trong thực hiện chức năng nhiệm vụ đại biểu.

Năm là, Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri, tăng cường tiếp xúc trực tiếp với cử tri ngay tại cơ sở, phường, xã, khu phố, tổ dân phố; tiếp xúc cử tri theo giới, ngành; tiếp xúc cử tri ngoài giờ hành chính để có điều kiện gặp gỡ các cử tri là cán bộ, công chức, người lao động phải làm việc vào ban ngày. Tuỳ theo đối tượng tiếp xúc mà đưa ra những chủ đề nhất định làm định hướng để ghi nhận, thu thập những kiến nghị chuyên sâu; chủ đề đó phải là những vấn đề trọng tâm về thời sự, có ý nghĩa chính trị- xã hội đối với địa phương và đất nước, là những vấn đề bức xúc đang được cử tri quan tâm. Định kỳ làm việc với UBND địa phương, các Sở ngành  để giám sát việc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri.


[1] Ý kiến của đồng chí Vũ Đức Khiển -Uỷ viên UBTVQH- Chủ nhiệm UBPL của QH

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


Liên kết website
Số lượt truy cập
08369855




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn