8 giờ sáng, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác. Với 473 vị ĐBQH nhất trí, Quốc hội đã thông qua Chương trình kỳ họp thứ 3, từ ngày 21/5 đến 21/6 với 25,5 ngày làm việc.
Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng sau:
Một là, xem xét báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; quyết định một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012...
Hai là, xem xét, thông qua 13 dự án luật và hai dự thảo nghị quyết: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật giá; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giám định tư pháp; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật giáo dục đại học; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật công đoàn (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và cho ý kiến về sáu dự án luật khác.
Ba là, xem xét chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2011; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thuỷ điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Sau diễn văn khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo của Chính phủ Bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.
Cũng trong buồi sáng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Báo cáo cho thấy, một trong những băn khoăn lớn của cử tri là sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Cử tri và nhân dân phản ánh tình hình sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng kinh tế đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hóa tồn kho lớn, hàng nghìn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất; người lao động mất việc làm tăng, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.
Hiện nay đời sống của nhiều công nhân lao động, nông dân, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ có các giải pháp nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất hợp lý.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp, làng nghề; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sản xuất và sức khoẻ người dân; dịch bệnh, nhất là dịch chân tay miệng diễn biến phức tạp ở một số địa phương, bệnh lạ xuất hiện ở Quảng Ngãi khiến nhiều người chết nhưng chậm được làm rõ và chữa trị chưa có hiệu quả...cũng là những việc gây bức xúc cho dân.
Bên cạnh đó, việc khám chữa bệnh thủ tục còn nhiêu khê; ốm đau vào viện thực sự là nỗi ám ảnh, khốn đốn đối với người nghèo, người có thu nhập thấp; tệ nạn xã hội, tội phạm không giảm, nhất là các vụ cướp của, giết người táo tợn, nhiều thủ phạm ở tuổi vị thành niên; tình trạng cháy nổ diễn ra ở nhiều nơi, việc cháy ô tô, xe máy chưa được kết luận rõ ràng… gây bất an trong đời sống người dân...là những điều cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo để có những giải pháp chấn chỉnh đồng bộ, quyết liệt.
Cử tri tiếp tục phản ánh với Quốc hội về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi. Tình hình tai nạn giao thông thời gian qua tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tính mạng và của cải của người dân…
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc tại Hội trường để nghe các nội dung:
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế;
- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính trình báy Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010;
- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách năm 2010;
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày Tờ trình về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội;
- Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội;
- Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015;
- Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Bích Liễu