Đặc biệt một số ý kiến đã góp ý kiến về việc đó là làm sao có một số điều liên quan đến một số tổ chức và các trường ngoài công lập hiện nay chưa được có ở trong Dự thảo luật kể cả các cơ sở giáo dục và tôn giáo, các trường ngoài công lập và một số mô hình khác.
Về Hội đồng trường, hầu nhiều ý kiến nhất trí với quy định thành lập Hội đồng trường. Cho rằng việc thành lập Hội đồng trường chính là nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Các quy định này phù hợp thì sẽ giúp cho Hội đồng trường hoạt động nền nếp, đồng thời giúp cho hoạt động của hệ thống giáo dục được lành mạnh, công khai, có tính tự chủ cao và chịu trách nhiệm trước xã hội. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả, đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần quy định chi tiết và tổ chức hướng dẫn thực hiện, gắn chức năng, quyền hạn với quyền lợi đối với từng đối tượng trong hội đồng, tránh hoạt động hình thức, không hiệu quả
Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm,. các ý kiến tán thành với giải trình của UBTVQH cho rằng, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDÐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDÐH hiện nay. ĐBQH Huỳnh Thành Đạt cho rằng trong 27 điều được dẫn chiếu quy định này thì hầu hết thể hiện được sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên không ít điều chưa thể hiện hoặc thể hiện rất ít sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học hoặc ít nhiều mang tính xin cho và còn giao cho Thủ tướng và cho Bộ trưởng quy định khá nhiều. Chẳng hạn Điều 33 cơ cấu tổ chức của trường đại học, cao đẳng, học viện; Điều 34 mở ngành, chuyên ngành đào tạo; Điều 38 tổ chức quản lý đào tạo; Điều 46 liên kết đào tạo; Điều 51 trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; Điều 66 học phí và lệ phí tuyển sinh; Điều 67 quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học. Điều 68 quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học. Tôi xin đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ban soạn thảo cần xem xét thêm những vấn đề nêu trên vì đây là những điều cốt lõi của Dự thảo luật.
Về xã hội hóa GDÐH, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận quy định tại khoản 7, Ðiều 4 (giải trình từ ngữ), vì làm rõ được khái niệm này mới có những chính sách phù hợp với từng loại hình.
Về kiểm định chất lượng GDÐH, nhiều ý kiến nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng GDÐH và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc, nhưng cần có lộ trình thực hiện và bổ sung nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định, cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng; bổ sung chế tài đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng; bổ sung quy định về kiểm định chất lượng đối với cơ sở GDÐH có vốn đầu tư nước ngoài và các quy định bảo vệ quyền lợi của người học tại các cơ sở này.
Bích Liễu.