Đính kèm file chi tiết
ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 -------------- Số: 239/HD-UBDTSĐHP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------- Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN
Tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân về
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
___________
Căn cứ Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, để bảo đảm việc tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân được đầy đủ, chính xác, khách quan, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hướng dẫn việc tập hợp, tổng hợp và xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:
A. NGUỒN VĂN BẢN TẬP HỢP, TỔNG HỢP, CÁCH ĐẾM VÀ GHI SỐ LƯỢNG Ý KIẾN
1. Các nguồn văn bản tập hợp, tổng hợp bao gồm:
Các nguồn văn bản tập hợp, tổng hợp để xây dựng Báo cáo tổng hợp bao gồm:
- Thư góp ý kiến, kiến nghị gửi trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, địa phương (qua bưu điện và email);
- Báo cáo của các cơ quan, tổ chức, địa phương;
- Ý kiến tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm;
- Ý kiến góp ý trên Trang thông tin điện tử (nội bộ) của cơ quan, tổ chức, địa phương, các tin, bài viết trên các phương tiện thông tin, báo chí ở địa phương.
2. Về cách đếm và ghi số lượng ý kiến
- Thống nhất cách đếm số ý kiến như sau: mỗi chủ thể gửi thư, báo cáo, văn bản,… bằng 01 (một) ý kiến. Trường hợp thư có nhiều người cùng đứng tên và ký tên thì đếm tổng số người góp ý đó (ví dụ có 3 người đứng tên và ký tên thì được tính là 3 ý kiến). Trường hợp báo cáo của cơ quan, tổ chức có ghi là: đa số ý kiến, nhiều ý kiến, một số ý kiến hoặc 3 ý kiến… thì vẫn xác định là ý kiến ở 01 (một) cơ quan, tổ chức.
- Thống nhất cách ghi số lượng ý kiến như sau:
+ Sau mỗi Chương, có tổng số ý kiến góp ý về chương, trong đó ghi rõ số lượng ý kiến ở cơ quan, tổ chức và số lượng ý kiến của cá nhân.
+ Sau mỗi Điều góp ý, có tổng số ý kiến góp ý về điều, trong đó ghi rõ số lượng ý kiến ở cơ quan, tổ chức và số lượng ý kiến của cá nhân.
+ Sau mỗi nội dung góp ý đều có đóng mở ngoặc đơn () ghi tỷ số ý kiến so với tổng số ý kiến (về chương hoặc điều) bằng chữ in nghiêng để dễ theo dõi. (xin xem bảng số 1 tệp đính kèm).
B. CÁCH THỨC XÂY DỰNG BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN
Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần thể hiện các nội dung theo bố cục sau đây:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN
- Công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân.
- Các hình thức tổ chức lấy ý kiến: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm,… (số lượng, nội dung, thành phần,…)
- Đánh giá tình hình tham gia ý kiến của nhân dân.
- Các số liệu cụ thể về thư góp ý kiến gửi trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, địa phương (qua bưu điện và email); số liệu các cơ quan, tổ chức, địa phương gửi báo cáo; số liệu các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; số liệu các bài viết, tin góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
II. NHỮNG Ý KIẾN CHUNG VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
- Về phạm vi, mức độ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
- Về tên gọi, bố cục của Hiến pháp.
- Về kỹ thuật lập hiến
Ý kiến về từng nội dung nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành; lý do tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Cách thức đếm và ghi số lượng ý kiến được thực hiện theo mục 1 của Hướng dẫn này.
III. NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ
- Những góp ý cụ thể được sắp xếp theo thứ tự chương, điều, khoản, điểm. Các điều trong chương, các khoản trong điều, các điểm trong khoản được xếp theo thứ tự tăng dần, nối tiếp nhau như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Lời nói đầu, Chương I, Chương II, Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI, Chương VII, Chương VIII, Chương IX, Chương X, Chương XI.
- Ý kiến góp ý về chương, điều nào thì tập hợp, tổng hợp hết vào chương, điều đó, sau đó chuyển sang Chương, Điều khác. Cách thức đếm và ghi số lượng ý kiến được thực hiện theo mục 1 của Hướng dẫn này.
- Mỗi Chương được bố cục thành 2 phần như sau:
Phần thứ nhất: Tổng quan, đánh giá chung
- Tổng số ý kiến góp ý về Chương;
- Các ý kiến góp ý tập trung vào những vấn đề gì của Chương (những vấn đề quan trọng, được nhiều ý kiến góp ý, thảo luận).
- Tán thành với tên Chương, nội dung Chương; lý do (ngắn gọn)
- Không tán thành với tên Chương, nội dung Chương; lý do (ngắn gọn)
- Đề nghị sửa đổi tên Chương, nội dung Chương; lý do (ngắn gọn)
- Đề nghị bổ sung nội dung mới vào Chương.
Phần thứ hai: Những góp ý về các điều, khoản cụ thể
- Tán thành với Điều…; lý do (ngắn gọn)
- Không tán thành với Điều…; lý do (ngắn gọn)
- Đề nghị sửa đổi điều, khoản…. ; lý do (ngắn gọn)
- Đề nghị bổ sung nội dung mới vào Điều.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992.
Trong phần này, trên cơ sở tập hợp, tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo cần nêu cụ thể quan điểm, đề xuất của mình về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
V. NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC
Ngoài những nội dung nêu trên, các cơ quan, tổ chức, địa phương còn nêu những vấn đề khác phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nơi nhận: - Thành viên UBDTSĐHP; - UBTVQH, HĐDT, UB của QH; các ban, viện của UBTVQH; - TANDTC, VKSNDTC, KTNN; - UBTW MTTQVN; - VPTW Đảng; VPQH; VPCTN; VPCP; - Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP; - Tỉnh ủy/Thành ủy; HĐND, UBND tỉnh, TP. trực thuộc TW, các Đoàn ĐBQH; - Thành viên Ban Biên tập; - Lưu: HC, UBDTSĐHP. - Số e-PAS: | TM. ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH (đã ký) Uông Chu Lưu |