Đăng nhập

 

 

Liên kết website
CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN
Báo cáo số 150/BC-BCĐTPHCM ngày 31/3/2013 về Tổng hợp ý kiến nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Đợt 2: từ ngày 06 tháng 03 đến ngày 26 tháng 03 năm 2013)

 

BÁO CÁO
TỔNG HỢP Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
(Đợt 2: từ ngày 06 tháng 03 đến ngày 26 tháng 03 năm 2013)
--------o0o--------
  
Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội, Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Công văn số 239/HD-UBDTSĐHP ngày 23 tháng 02 năm 2013 về Hướng dẫn tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Công văn số 250/UBDTSĐHP ngày 06 tháng 03 năm 2013 và Công văn số 258/UBDTSĐHP ngày 19 tháng 03 năm 2013 về trả lời kiến nghị của địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992;
Tiếp theo Báo cáo số 123/BC-BCĐTPHCM ngày 14 tháng 03 năm 2013, Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục báo cáo tổng hợp ý kiến của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (đợt 2) từ ngày 06 tháng 03 năm 2013 đến ngày 26 tháng 03 năm 2013 như sau:
I.         TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN
           1. Công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy; Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các địa phương tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đợt 2) đúng quy định pháp luật.
-      Để đảm bảo lấy ý kiến nhân dân sâu rộng, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp, đến ngày 09 tháng 03 năm 2013 Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã gửi 1.641.677 bộ tài liệu đến từng hộ nhân dân (gồm Thư ngỏ, Phiếu Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo Bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) và gửi một triệu Phiếu Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (kèm 30.500 bộ tài liệu) đến công nhân, đoàn viên công đoàn trong các doanh nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu chế xuất, khu công nghiệp để mọi người dân đều có điều kiện nghiên cứu và đóng góp ý kiến.
-      Các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tiếp tục tổ chức các hội nghị cán bộ công chức, hội nghị nhân dân, các hội nghị chuyên đề, hội nghị theo đối tượng để lấy ý kiến của cán bộ, công chức và nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
-      Ban Chỉ đạo thành phố, Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân thành phố tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác khẩn trương, chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, sâu rộng, có nhiều cách làm sáng tạo, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên, các hội đoàn, cán bộ khu phố, tổ dân phố đã cử cán bộ, đoàn viên, hội viên đến từng hộ dân, đơn vị doanh nghiệp, khu lưu trú công nhân để cùng trao đổi, giải thích, hướng dẫn những vấn đề mà người dân chưa rõ để việc góp ý có chất lượng.
Trong đợt 2, thành phố tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại các đơn vị, sở - ban - ngành, đoàn thể thành phố. Ban chỉ đạo thành phố tập trung tổ chức lấy ý kiến tại từng hộ dân, công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nhân trong các doanh nghiệp. Việc tổ chức được cả hệ thống chính trị (các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn, khu phố, tổ dân phố) thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và khẩn trương, đồng bộ; tài liệu phục vụ đầy đủ và dành thời gian hợp lý để người dân nghiên cứu, trao đổi trong gia đình và ghi phiếu góp ý kiến. Kết thúc đợt 2, công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt kết quả tốt, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, đạt được sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong góp ý và thực thi Hiến pháp.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo ổn định.
                2. Công tác tuyên truyền, phổ biến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến các tầng lớp nhân dân thành phố
-      Ban Chỉ đạo thành phố đã chỉ đạo tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nhiều hình thức phong phú như: hội nghị, hội thảo, tọa đàm, hội thi tìm hiểu Hiến pháp, dĩa VCD tuyên truyền, panô, băng rôn, gửi tài liệu, đặc biệt là tập trung phát huy lực lượng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên làm công tác tuyên truyền miệng; biên tập tài liệu bằng tiếng Hoa bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bà con người Hoa tìm hiểu và tham gia đóng góp ý kiến hoặc bố trí lực lượng báo cáo viên, lực lượng nòng cốt đi sâu tuyên truyền vận động mọi người hiểu mục đích, ý nghĩa việc sửa đổi Hiến pháp, đấu tranh với những phần tử cơ hội, lợi dụng việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để kích động, lôi kéo làm mất trật tự địa phương.
Các cơ quan báo chí thành phố tập trung, dành thời lượng nhiều hơn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền: thực hiện các chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến nhân dân, giới thiệu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tập trung phản ánh tình hình triển khai, tổ chức lấy ý kiến tại cơ sở; giới thiệu các bài viết, phát biểu về những luận cứ khoa học, lý luận và thực tiễn, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý,… và những đóng góp ý kiến của các tập thể, cá nhân và nhân dân; Đài truyền thanh và Bản tin các quận, huyện thường xuyên đưa tin phản ánh tình hình đóng góp ý kiến của cán bộ, công chức và nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đài Truyền hình thành phố và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố đã tăng thêm chương trình và thời lượng để tuyên truyền cho đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này; qua việc chuyển tải những ý kiến góp ý của nhân dân trên các kênh phát sóng hàng ngày, trao đổi tọa đàm với các chuyên gia, các nhà khoa học về các nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giúp người dân có thêm thông tin, kiến thức cần thiết cho việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, không để kẻ xấu xuyên tạc, lôi kéo.
-      Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, Trung tâm Văn hóa – Thể thao 24 quận - huyện đã tập trung tổ chức xe tuyên truyền lưu động, triển khai các panô, khẩu hiệu, phướn tuyên truyền tại khu vực trung tâm thành phố và quận - huyện. Nhiều phường, xã, thị trấn đã tổ chức đưa thông tin và toàn văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 qua hệ thống loa phát thanh trên địa bàn để người dân thuận tiện theo dõi.
-      Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong thành viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đảm bảo tuyệt đại đa số người dân thành phố được tuyên truyền, phổ biến bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nhiều hình thức phong phú.
                     Tóm lại, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sát hợp, tuyệt đại đa số nhân dân thành phố được tuyên truyền, phổ biến nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tuyệt đại đa số người dân thành phố có sự quan tâm đặc biệt và tham gia tích cực đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.
                3. Các hình thức tổ chức lấy ý kiến
-      Trong đợt 2, các đơn vị thuộc thành phố tiếp tục tổ chức các hội nghị cán bộ công chức, hội nghị nhân dân, các hội nghị chuyên đề, hội nghị theo đối tượng, theo khu vực để lấy ý kiến trong cán bộ, công chức và nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
-      Gửi “Phiếu lấy ý kiến” kèm tài liệu đến từng hộ dân trên toàn thành phố và công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp để lấy ý kiến góp ý trực tiếp, thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị.
-      Các cơ quan báo chí của thành phố tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, dành thời lượng phát sóng, đưa tin, bài phản ánh các ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia và của nhân dân thành phố.
-      Công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra sôi nổi, sâu rộng, các hình thức phong phú, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân có điều kiện thảo luận, tham gia góp ý kiến.
                4. Đánh giá tình hình tham gia ý kiến của nhân dân
-      Qua thông tin của các cơ quan báo chí, thăm dò dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Thành ủy và tập họp các ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, người dân thành phố rất quan tâm và dành thời gian để nghiên cứu cụ thể các chương, điều, khoản ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Khảo sát nhanh bằng hình thức thăm dò dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 3 năm 2013 có kết quả 90,4% người dân thành phố cho biết “có quan tâm” đến việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 70,1% người dân được khảo sát đã đọc, nghiên cứu toàn bộ hoặc một phần bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; số liệu tập hợp có 93,56% đã gửi Phiếu góp ý, trong toàn hệ thống đã tổ chức 32.253 hội nghị với 1.885.237 lượt người tham dự.
-      Qua tổ chức để nhân dân góp ý và tập hợp cho thấy nhân dân thành phố rất quan tâm và tham gia tìm hiểu, nghiên cứu và góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có sự nhất trí cao, các ý kiến đóng góp của nhân dân rất phong phú, nhiều ý kiến đầy tâm huyết, thể hiện có sự nghiên cứu kỹ, trí tuệ, phân tích, nêu lý lẽ có cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, với tình cảm và trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Có 96,27% người dân góp ý kiến là đồng ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong thời gian góp ý, có nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận để làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đấu tranh với những ý kiến đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, xa lạ với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyện vọng của nhân dân. Các ý kiến chung tập trung là đề nghị xây dựng Hiến pháp phải mang tính ổn định, lâu dài, tạo động lực cho đất nước phát triển, có một số ý kiến đi vào từng nội dung cụ thể. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; dư luận đồng tình với những điểm mới được thể hiện trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua tổng hợp cho thấy tuyệt đại đa số ý kiến của nhân dân là đồng thuận, thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 soạn thảo và công bố với 96,27% ý kiến.
-      Bên cạnh sự tích cực ủng hộ của đại bộ phận người dân thành phố tham gia góp ý đối với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì có một số rất ít người phát tán nội dung khác so với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố nhằm kích động, lôi kéo nhân dân và đã gặp phản ứng quyết liệt của người dân tại địa phương, nhiều người dân đã tích cực phân tích, giải thích, đấu tranh và phản ánh kịp thời cho chính quyền các cấp.
Trong khi tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đúng theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội và Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thì có một số ý kiến qua trang mạng điện tử, lợi dụng dân chủ để xuyên tạc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dùng những thông tin sai trái trên mạng điện tử in và tán phát đến một số người dân mà nội dung không phải do Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố; số ý kiến loại này qua thống kê đầy đủ có 1.016 phiếu, tương ứng 0,041% trong tổng số 2.471.501 phiếu thu về từ các hộ dân và công nhân.
-      Tổng hợp kết quả đợt 2 lấy ý kiến nhân dân trên toàn thành phố, từ ngày 06 tháng 03 năm 2013 đến ngày 26 tháng 03 năm 2013, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương trên địa bàn thành phố đã tổ chức cho 4.356.738 người tham gia góp ý.
                     Trong đó, tuyệt đại đa số đồng ý với toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo cả hai hình thức lấy ý kiến (hội nghị lấy ý kiến và Phiếu lấy ý kiến) là 4.194.261 người, chiếm tỷ lệ 96,27%; có 162.477 chiếm tỷ lệ 3,73% ý kiến góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
a.    Tình hình lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức hội nghị lấy ý kiến:
+     Tổng số hội nghị lấy ý kiến được tổ chức: 32.253;
+     Tổng số đại biểu, người dân tham dự: 1.885.237;
+     Tổng số người đồng ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, không phát biểu góp ý: 1.816.334;
+     Tổng số người góp ý kiến cụ thể là  68.903 người.
b.    Tình hình lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức Phiếu lấy ý kiến:
+     Tổng số phiếu phát ra: 2.641.677 (gửi đến từng hộ gia đình là 1.641.677 phiếu và gửi đến công nhân là 1.000.000 phiếu);
+     Tổng số phiếu thu về: 2.471.501, đạt 93,56 %; trong đó:
§      Tổng số phiếu thu về từ các hộ nhân dân: 1.472.868, đạt 89,72%;
§      Tổng số phiếu thu về từ công nhân: 998.633, đạt 99,86%;
+     Tổng số phiếu đồng ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, không góp ý gì thêm có 2.377.927 phiếu, chiếm tỷ lệ 96,21%;
+     Tổng số phiếu có góp ý cụ thể: 93.574 phiếu, chiếm tỷ lệ 3,79%.
II.       NHỮNG Ý KIẾN CHUNG VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
                1. Về phạm vi, mức độ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
-      Phạm vi góp ý, đa số người dân quan tâm hầu hết các chương, các điều và có những ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cụ thể tập trung vào: Chương I – Chế độ Chính trị (chiếm 25% số ý kiến); Chương II- Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (chiếm 40% số ý kiến); Chương III- Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (chiếm 10% số ý kiến); Chương 4- Bảo vệ Tổ quốc (chiếm 7% số ý kiến).
Trong đó, các ý kiến tập trung vào một số Điều, Khoản cụ thể như: Điều 4 – Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (chiếm 3,7% số ý kiến góp ý); Điều 21 – Quyền sống (2%); Điều 58 – Đất đai (2%); Điều 42 – Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân (2%); Điều 1 (1,8%); Điều 8 (1,6%); Điều 5 (1,6%); Điều 32 (1,5%), Điều 120 (1,5%) và Lời nói đầu (1,4%).
- Mức độ đóng góp sửa đổi, bổ sung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về cơ bản nhất trí cao, chỉ đề nghị giữ lại một số điều trong Hiến pháp năm 1992 vẫn còn phù hợp (Điều 66 về thanh niên; Điều 59 về giáo dục, học tập; một số nội dung về kinh tế vẫn còn phù hợp và phù hợp với tinh thần, quan điểm Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong sửa đổi, bổ sung góp ý về từ ngữ mong muốn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế sử dụng từ Hán - Việt, những từ nhiều nghĩa.
- Cần cân nhắc và nói rõ vấn đề gì Hiến định, Luật định, pháp luật qui định, trong đó có góp ý là phải thận trọng khi qui định “do pháp luật qui định” để tránh lạm quyền (nhất là các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân).
-      Cá biệt có ý kiến đề nghị bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (có 267 phiếu ý kiến so với 2.471.501 phiếu đóng góp ý kiến, chiếm tỷ lệ 0,01%).
                2. Về tên gọi, bố cục của Hiến pháp
-      Về tên gọi: Đa số ý kiến đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho rằng nội dung trong sửa đổi, bổ sung nhiều điều, thêm một số điều mới để phù hợp tình hình mới của đất nước nhưng cơ bản không có sự thay đổi mang tính cơ bản. Ngoài ra có ý kiến đề nghị thay đổi tên gọi là “Hiến pháp năm 2013” vì so với Hiến pháp năm 1992 đã giảm 1 Chương, 23 Điều, giữ nguyên 14 Điều, sửa đổi, bổ sung 99 Điều, bổ sung thêm 11 Điều mới; cho thấy các Điều khoản trong Hiến pháp 1992 toàn bộ đã được thay thế bổ sung, bao gồm cả bố cục của Hiến pháp.
-      Bố cục: đa số ý kiến cho rằng bố cục của bản dự thảo hợp lý, sắp xếp các chương có tính hệ thống, có một số điều được ghép lại mang tính khái quát cao, phù hợp và logic.
                3. Về kỹ thuật lập hiến
-       Hầu hết ý kiến đồng tình cao cho rằng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa và phát huy tốt kỹ thuật Lập hiến tiến bộ của các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992.
                   Tuy nhiên, đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rà soát toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để điều chỉnh câu chữ sao cho dễ hiểu hơn với người dân, các nội dung trình bày phải rõ và có tính logic hơn nữa, hạn chế dùng những thuật ngữ chuyên môn sâu hoặc dùng từ Hán – Việt.
III.         NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ
                Tuyệt đại đa số các ý kiến là đồng thuận, tán thành đối với toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 96,27% tổng số người có tham gia góp ý.
Có 3,73% ý kiến góp ý cụ thể, các góp ý chi tiết được tập hợp trong Phụ lục đính kèm.
IV.         ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992:
   Trên cơ sở kết quả tập hợp, tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân thành phố đợt 2, qua các ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung; Ban Chỉ đạo thành phố kiến nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 qua góp ý của nhân dân trong đợt 2 (trong đó có một số nội dung đã nêu trong báo cáo đợt 1):
1.        Lời nói đầu
                Cần nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý Lời nói đầu cho ngắn gọn vàsúc tích có tính khái quát nhưng phải bảo đảm tính toàn diện, xác định rõ mốc thời gian của lịch sử Việt Nam cụ thể.
2.        Chương I: Chế độ chính trị
                Được tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình, có nhiều điểm mới về chế độ chính trị, thể chế chính trị; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải được khẳng định.
Các ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung tập trung ở các nội dung sau:
      Điều 1: Có ý kiến đề nghị chuyển đổi vị trí hai cụm từ “dân chủ” và “độc lập” nhằm để khẳng định nền độc lập là điều kiện tiên quyết sau đó mới đến dân chủ, có độc lập mới có nền dân chủ, ý kiến đề nghị chỉnh sửa Điều 1 như sau: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.
Điều 4: Tuyệt đại đa số ý kiến nhất trí với Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Có một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đề nghị nghiên cứu cơ chế Hiến định để đảm bảo nhân dân giám sát hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
3.        Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
-        Đề nghị nghiên cứu, làm rõ và hiến định cụ thể hơn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; phân định ranh giới giữa quyền và nghĩa vụ để tránh lẫn lộn và khó thực thi trong thực tế; sắp xếp, ghép lại một số Điều, khoản của Chương II cho hợp lý hơn theo nhóm vấn đề. Cần minh định rõ hơn đâu là quyền do hiến định, do luật định và hạn chế tối đa các điều khoản do pháp luật quy định để tránh tình trạng lạm quyền trong việc ban hành các văn bản dưới luật.
-        Điều 24: có ý kiến đề nghị bổ sung như sau “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và thực hiện nghĩa vụ cư trú theo quy định của pháp luật.”
-        Điều 39: có ý kiến đề nghị giữ nguyên nội dung Điều 64 Hiến pháp năm 1992: “Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con.”
-        Có ý kiếnđề nghị giữ nguyên Điều 66 nói về thanh niên trong Hiến pháp năm 1992 hoặc trongDự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải có 01 điều khoản nói về vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, vì thanh thiếu niên và nhi đồng là tương lai của đất nước là lực lượng trẻ kế thừa công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
-        Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về “quyền sống” và bổ sung nội dung “quyền mưu cầu hạnh phúc” (Điều 21).
4.        Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
-        Có ý kiến đề nghị khẳng định và hiến định rõ đối với thành phần kinh tế nhà nước như đã được định hướng: “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân;” nhằm đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong đường lối kinh tế của Đảng ta.
-        Có ý kiến đề nghị cân nhắc, thận trọng việc hiến định thu hồi đất đối với “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” trong Điều 58: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo qui định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”, tránh lạm quyền trong việc thu hồi đất gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân. Người dân cũng mong muốn Hiến pháp sửa đổi lần này phải làm rõ hơn nữa quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.
-        Về giáo dục: có ý kiến đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giữ lại 1 nội dung của Điều 59 của Hiến pháp năm 1992: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.
5.        Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc
Có một số ý kiến đề nghị sắp xếp lại vài cụm từ trong Điều 70 như sau:
“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”
6.        Chương IX: Chính quyền địa phương
-        Đây là nội dung được nhân dân thành phố rất quan tâm, nhất là vấn đề chính quyền đô thị, các định hướng để đáp ứng yêu cầu một đô thị đặc biệt phát triển văn minh, hiện đại. Tổng hợp các ý kiến góp ý của nhân dân, cho thấy: ở nước ta, địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn bên cạnh những điểm tương đồng thì có nhiều điểm khác nhau, thậm chí khác nhau cơ bản; do vậy, xuất phát từ đặc điểm và sự khác nhau của địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn cần thiết phải thiết kế mô hình tổ chức cũng như chức năng, thẩm quyền của chính quyền địa phương một cách thích hợp với từng loại địa bàn. Theo đó, để đặt nền tảng pháp lý ở tầm cao nhất cho sự ra đời của mô hình chính quyền đô thị, các ý kiến tập trung vào nội dung đề nghị sau:
+     Hiến pháp nên có quy định về việc thiết lập mô hình chính quyền đô thị; mô hình, tổ chức, bộ máy, chức năng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn do luật định.
+     Đề nghị bổ sung trong Hiến pháp “những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đủ điều kiện thành lập chính quyền đô thị thì được thành lập chính quyền đô thị theo luật”.
+     Bổ sung nội dung: “Đối với các đô thị loại đặc biệt, việc phân chia cấp hành chính sẽ do Luật định”, trong đó kiến nghị cho phép có thành phố trực thuộc thành phố.
+     Đề nghị thêm Khoản 3 vào Điều 115, trong đó cần quy định những định hướng cơ bản về tổ chức chính quyền đô thị và tổ chức chính quyền nông thôn. Trên cơ sở đó, luật sẽ quy định chi tiết sự khác nhau về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức chính quyền đô thị và nông thôn.
7.        Chương XI: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước
Đa số ý kiến đóng góp đều bày tỏ sự nhất trí cao về việc thiết lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp nhưng quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vai trò, chức năng của cơ quan này, có một số thẩm quyền trùng với các cơ quan khác; đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rà soát, điều chỉnh theo hướng tăng thực quyền của Hội đồng Hiến pháp nhưng tránh chồng chéo với các tổ chức khác.
V.       NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC: không có.
Thực hiện Công văn số 258/UBDTSĐHP ngày 19 tháng 03 năm 2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về trả lời kiến nghị của địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và tiếp nhận ý kiến của nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập họp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý (nếu có) của nhân dân thành phố cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào thời điểm 30 tháng 04 năm 2013 và ngày 30 tháng 9 năm 2013.
                Trên đây là báo cáo tổng hợp kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đợt 2) của Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.


CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
  Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 làm việc với thành phố Hồ Chí Minh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
  Kỳ họp thứ 8 - Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII: Lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
  Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
  Hội đồng nhân dân thị trấn Hóc Môn họp chuyên đề lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
  Kiểm tra tiến độ triển khai công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Bộ Tư lệnh thành phố
Hình ảnh hoạt động
Số lượt truy cập
07986670




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn