Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-ĐĐBQH ngày 09 tháng 8 năm 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân các quận huyện: 8, Gò Vấp, Bình Tân, Hóc Môn và các Sở, ngành Thành phố: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Ngân hành chính sách xã hội chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Dưới đây là báo cáo kết quả giám sát:
I. Khái quát về tình hình dịch bệnh Covid-19 và tác động đến doanh nghiệp, lao động, việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
1. Khái quát về tình hình dịch bệnh Covid-19 (Cập nhật lúc 11 giờ 00 ngày 04 tháng 10 năm 2021).
1.1. Tình hình thu dung điều trị: Số ca mắc mới cộng dồn (Bộ Y tế công bố): 398.056 người. Hiện đang điều trị 27.060 bệnh nhân. Trong ngày 03/10: có 2.743 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 216.856), 93 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 15.241).
1.2. Công tác xét nghiệm: Tại các vùng cam, vùng đỏ đã hoàn thành cơ bản 3 đợt và đang tiến hành đợt 4; ngoài ra một số quận huyện đã hoàn thành việc xét nghiệm đợt 4 và đang bước vào đợt 5, đợt 6. Trong đó, Đợt 1: tỷ lệ dương tính chiếm 3,6%; Đợt 2: tỷ lệ dương tính chiếm 2,7%; Đợt 3: tỷ lệ dương tính chiếm 1,1%; Đợt 4: tỉ lệ dương tính chiếm 1,1%;
- Tại các vùng xanh, vùng vàng đã hoàn thành cơ bản 2 đợt và 77% đợt 3, trong đó có một số địa phương đã hoàn thành 3 đợt và đang tiến hành đợt 4. Trong đó, Đợt 1: tỉ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh là 0,9%; tỉ lệ dương tính vùng vàng là 1,8%; Đợt 2: tỉ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh là 0,9%; tỉ lệ dương tính vùng vàng là 1,5%; Đợt 3: tỉ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh là 0,6%; tỉ lệ dương tính vùng vàng là 0,7%. Như vậy, tỷ lệ phát hiện dương tính giảm mạnh qua các đợt xét nghiệm.
1.3. Tình hình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Số người đã tiêm vắc xin mũi 1 là 6.947.437 người (đạt tỷ lệ 96,4% trên dân số từ 18 tuổi của Thành phố), mũi 2 là 4.366.864 người (đạt tỷ lệ 60,6% trên dân số từ 18 tuổi của Thành phố).
2. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp, lao động, việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh có 4.729.917 lao động đang làm việc, trong đó: lao động làm công ăn lương là 3.240.897 người; số doanh nghiệp đang hoạt động là 286.336 doanh nghiệp và gần 450.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 27/4/2021 đến nay đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người lao động đang làm việc trong các khu vực kinh tế, sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc cho nghỉ không hưởng lương, cắt giảm tiền lương; một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản; cuộc sống nhiều hộ gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn do phải ngừng việc, giảm việc, thậm chí mất việc làm, giảm hoặc không có thu nhập.
Trong ngắn hạn, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu… bị tác động mạnh; nhiều hợp đồng của doanh nghiệp với các đối tác không thể thực hiện đúng tiến độ do doanh nghiệp không đủ nguồn nhân lực để triển khai mặc dù các doanh nghiệp triển khai thực hiện theo phương thức làm việc 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến. Phương thức làm việc 3 tại chỗ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện trong thời gian dài do người lao động và doanh nghiệp chưa có nhiều thời gian để chuẩn bị cho phương thức làm việc trong tình hình mới để vừa duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong làm việc cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua thống kê, trên địa bàn Thành phố có trên 1,58 triệu hộ lao động gặp khó khăn, trên 220.000 lao động bị ngừng việc, hoãn việc, thiếu việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn, trên 4,5 triệu lao động cần sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương về kinh phí, thực phẩm trong thời gian giãn cách xã hội.
II. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/01/2020, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến cuộc sống của người dân, Thành phố đã tập trung thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và xem đây là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết của cả hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể. Trên cơ sở đó, Thành phố đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 (Đính kèm Phụ lục chi tiết các văn bản). Thành phố cũng đã Thành lập Trung tâm an sinh trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các quận, huyện với mục đích nhằm tập trung chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định bổ sung dự toán kinh phí cho các đơn vị để triển khai các chính sách hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ số tiền 1.162.906,5 triệu đồng; Quyết định số 1388/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2020 bổ sung dự toán kinh phí cho các đơn vị số tiền 305.946 triệu đồng để thực hiện chi hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dự toán kinh phí cho các đơn vị để triển khai các chính sách hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 số tiền 7.134.694 triệu đồng.
III. Kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết
1. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27/3/2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Kết quả, đã giải quyết cho 562.817 đối tượng, số tiền: 615.563.030.000 đồng.
2. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Tính đến ngày 21/9/2021, đã giải quyết cho 122.952 đối tượng, số tiền (làm tròn): 1.461.544.190.000 đồng. Cụ thể:
2.1. Giảm mức đóng bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356/101.356 đơn vị (đạt 100%), với số lao động là 2.322.562 người, số tiền giảm mức đóng (làm tròn): 1.060.493.000.000 đồng.
2.2. Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 214/214 đơn vị (đạt 100%), với số lao động là 40.108 người, số tiền tạm dừng đóng (làm tròn): 322.424.870.000 đồng.
2.3. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho 01 doanh nghiệp.
2.4. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc): Đã giải quyết cho 7.852/11.731 người (đạt 66,93%) của 356/560 đơn vị (đạt 63,57%), số tiền: 31.029.590.000 đồng.
2.5. Hỗ trợ người lao động ngừng việc: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố đang hướng dẫn cho doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị.
2.6. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp động lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: đã giải quyết cho 85/85 người (đạt 100%), số tiền: 324.350.000 đồng.
2.7. Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: Đã giải quyết cho 139/139 người (đạt 100%), số tiền: 515.690.000 đồng.
2.8. Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: đã giải quyết cho 653/6.124 người (đạt 10,66%), số tiền: 2.422.630.000 đồng.
2.9. Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: đã giải quyết cho 12.629/17.880 hộ (đạt 70,63%), số tiền: 37.887.000.000 đồng.
2.10. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh: đã giải quyết cho 24/24 đơn vị (đạt 100%), với số lao động là 1.517 người, số tiền cho vay: 6.447.180.000 đồng
3. Việc thực hiện Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh:
Tính đến ngày 21/9/2021, đã giải quyết cho 1.142.786 đối tượng, số tiền: 2.059.174.640.000 đồng. Cụ thể:
3.1. Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: đã giải quyết cho 81.325/81.325 người (đạt 100%) của 4.352/4.352 đơn vị (đạt 100%), số tiền: 164.460.410.000 đồng.
3.2. Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: đã giải quyết cho 196/196 người (đạt 100%), số tiền: 400.800.000 đồng.
3.3. Chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): đã giải quyết cho 1.030.022/1.039.593 người (đạt 99,08%), số tiền: 1.842.895.000.000 đồng, gồm 02 đợt: Đợt 1: Đã giải quyết cho 371.263/371.959 người (đạt 99,81%), số tiền: 556.894.500.000 đồng. Đợt 2: Đã giải quyết cho 658.759/667.634 người (đạt 98,67%), số tiền: 1.286.000.500.000 đồng.
3.4. Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: đã giải quyết cho 9.949/9.949 hộ (đạt 100%), số tiền: 19.898.000.000 đồng.
3.5. Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ): Đã giải quyết cho 21.294/21.513 điểm kinh doanh (đạt 98,98%), số tiền: 31.520.430.000 đồng.
4. Đối với hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động khó khăn do dịch Covid-19 (theo Công văn số 2627/UBND-VX ngày 06/8/2021, Công văn số 2799/UBND-VX ngày 21/8/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố): đã giải quyết cho 1.282.816 hộ, số tiền: 1.925.438.100.000 đồng. Cụ thể:
4.1. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: Đã giải quyết cho 53.886/53.901 hộ (đạt 99,97%), số tiền: 58.838.000.000 đồng.
4.2. Hỗ trợ hộ lao động khó khăn: Đã giải quyết cho 1.243.842/1.248.240 hộ (đạt 99,65%), số tiền: 1.866.600.100.000 đồng[5].
5. Về hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch
5.1. Chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến dầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 24/8/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố:
Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố, tính đến ngày 27/9/2021 các đơn vị đã thực hiện chi và giải ngân qua hệ thống Kho bạc Nhà nước được 26.781 đối tượng, với tổng số tiền: 132.142.500.000 đồng. Cụ thể như sau:
- Đối với lực lượng tuyến đầu trực tiếp: đã giải quyết 8.118/13.179 người với tổng số tiền 81.180.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 61,60%).
- Đối với lực lượng tuyến đầu gián tiếp: đã giải quyết 5.548/33.026 người với tổng số tiền 24.966.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 16,80%).
- Đối với Tổ Covid cộng đồng: đã giải quyết 11.681/68.354 người với tổng số tiền 23.362.000000 đồng (đạt tỷ lệ 17,09%).
- Đối với lực lượng tình nguyện viên là cán bộ giảng viên; y tế tư nhân; tình nguyện viên chăm sóc, vận chuyển F0, F1: đã giải quyết 385/5.450 người với tổng số tiền 1.155.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 7,06%).
- Đối với lực lượng sinh viên y khoa (Thành phố huy động): đã giải quyết 952/2.750 người với tổng số tiền 1.428.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 34,62%).
- Đối với lực lượng nhân viên y tế, cán bộ giảng viên (Bộ Y tế huy động): đã giải quyết 660/6.818 người với tổng số tiền 1.800.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 8,80%).
- Đối với lực lượng sinh viên y khoa (Bộ Y tế huy động): đã giải quyết 141/3.182 người với tổng số tiền 211.500.000 đồng (đạt tỷ lệ 4,43%).
5.2. Về chính sách hỗ trợ tiền ăn:
Đối tượng là người bị cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở cách ly tập trung khác (mức hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày từ ngày 25/6/2021) và lực lượng tham gia phòng, chống dịch: Tất cả các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch (khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/2021/NQ-CP và các lực lượng khác do Thành phố xác định tại công văn số 5880/SYT-KHTC ngày 21/8/2021 và công văn số 5966/SYT-KHTC ngày 24/8/2021 của Sở Y tế, bao gồm tất cả các lực lượng được hưởng phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-CP và một số đối tượng khác (mức hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/người/ngày từ ngày 25/6/2021). Kết quả đã thực hiện chi hỗ trợ tiền ăn từ ngày 25/6/2021 đến ngày 13/9/2021 khoảng 1.500 tỷ đồng.
IV. Đánh giá chung:
1. Mặt được:
- Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố. Thành phố xác định công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
- Trong quá trình thực hiện, Lãnh đạo chính quyền Thành phố luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và kiến nghị của địa phương, cơ sở kịp thời bổ sung hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh; đã vận dụng, kết hợp nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa khác để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Công tác hỗ trợ đã được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, của chính quyền địa phương và có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã tập trung triển khai và thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo chăm lo đời sống nhân dân tại địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố.
- Đội ngũ cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, có nhiều sự nỗ lực, không quản ngại khó khăn, chịu đựng nhiều áp lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, chăm lo đời sống tinh thần để người dân vững tin, đồng lòng cùng chính quyền Thành phố từng bước vượt qua khó khăn, tham gia công tác chống dịch sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
2. Mặt tồn tại, khó khăn:
2.1. Khó khăn trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố:
2.1.1- Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố phải tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa đảm bảo công việc chuyên môn nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch nên việc lập Danh sách người lao động và thực hiện thủ tục, hồ sơ có liên quan còn chậm; nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quan tâm thực hiện hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ cho người lao động và đơn vị.
2.1.2- Một số văn bản, hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ của Thành phố gồm nhiều đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nhau nên việc rà soát, lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách ở một số địa phương mất nhiều thời gian dẫn đến chi trả chậm.
2.1.3- Lực lượng làm công tác chi hỗ trợ (cán bộ phường, cán bộ phụ trách khu phố, tổ dân phố) bị nhiễm COVID-19 và xin nghỉ do áp lực công việc nên gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực để thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chi trả.
2.1.4- Trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, thời gian giãn cách kéo dài, số hộ khó khăn tăng lên nhiều gây áp lực cho ngân sách Thành phố.
2.1.5- Một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chưa dược quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ và Thành phố:
- Nhiều hộ kinh doanh thuộc các ngành nghề thiết yếu nhưng phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hiện không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
- Các cơ sở giáo dục như nhóm nhà trẻ, mầm non có đăng ký thuế và chấp hành nghĩa vụ thuế tuy nhiên không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
- Đối với người lao động là người nước ngoài tham gia BHXH (quỹ ốm đau thai sản – bệnh nghề nghiệp) khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid -19 chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
- Hiện nay, còn nhiều quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục ngoài công lập do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không mua bảo hiểm xã hội tự nguyện nên chưa đủ điều kiện để được nhận trợ cấp theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố mặc dù đang gặp nhiều khó khăn.
2.1.6- Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-CP quy định hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là “Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”, quy định này đã làm hạn chế số đơn vị, người lao được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
2.1.7- Về thực hiện thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia:
a) Trên Cổng dịch vụ công quốc gia, các tập tin đính kèm không hiển thị chữ ký số của cơ quan Bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp nên Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện chỉ có thể xem và tải về tập tin excel (file mềm) không có chữ ký số nên không thể thực hiện trình ký, lưu trữ hồ sơ và thực hiện thủ tục thanh, quyết toán.
b) Theo quy định tại Điều 15 Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì thành phần hồ sơ đề nghị đối với “chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”; “người lao động ngừng việc” phải là bản sao có công chứng hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu. Vì vậy, nếu hồ sơ gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia thì có hợp lệ theo quy định này không.
Ngoài ra, do đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc sao y các giấy tờ (giấy chứng minh người lao động đang mang thai; giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ em; giấy chứng nhận nuôi con nuôi;…) hoặc kiểm tra đối chiếu bản chính các giấy tờ có liên quan và gửi hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
2.2. Các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp:
2.2.1- Hiện nay, tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam (đơn cử như nguồn heo hơi, bò, gà chính phục vụ cho tiêu dùng thịt tươi sống và sản xuất chế biến của Thành phố đều đến từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang…; nguồn rau củ quả đến từ Lâm Đồng…). Điều đó thấy rõ tính liên kết trong một chuỗi mắt xích từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất; bất cứ một sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Thành phố Hồ Chí Minh và sản xuất xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ lương thực thực phẩm.
Những ách tắc trong hoạt động lưu thông, vận tải trong thời gian qua đã gây nên những tác động tiêu cực rất lớn. Chính phủ và các Bộ ngành đã chỉ đạo tháo gỡ nhưng thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát giữa các tỉnh thành với Thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi các thủ tục khác nhau, “phép vua thua lệ làng” khiến vấn đề này đến thời điểm giám sát vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây ách tắc cục bộ, khiến doanh nghiệp bức xúc; đặc biệt là nông sản, thực phẩm ở một số tỉnh hiện nay rất dồi dào, một số mặt hàng có hiện tượng cung vượt cầu nhưng khó để đưa về Thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong từng địa phương, chăm lo đời sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, cần tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo cho Thành phố kết nối thông suốt với chuỗi cung ứng ở các khu vực khác và phục vụ xuất khẩu.
2.2.2- Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngoài các nguyên liệu chính thì các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập nhiều loại nguyên phụ liệu khác. Trong tình hiện nay, khả năng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu phải dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào; khi đó doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu và phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu. Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, các doanh nghiệp sản xuất đề xuất đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia... thì cho phép doanh nghiệp có thể tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm như trước đây và doanh nghiệp cam kết sự điều chỉnh này tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (đơn cử như đối với nhóm mì ăn liền, các nguyên liệu phụ như hành lá khô, tiêu… đều được đặt hàng gia công từ các nhà cung cấp về gia vị; trường hợp một trong các nhà cung cấp này dừng hoạt động dẫn đến sản lượng doanh nghiệp nhập về không đủ số lượng thì có thể chủ động gia giảm phù hợp).
Tuy nhiên, Theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định liên quan thì với những điều chỉnh nói trên, doanh nghiệp cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại. Thông thường việc này mất khá nhiều thời gian và trong thời điểm này sẽ càng mất nhiều thời gian hơn nữa và nếu in lại bao bì thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều phải bỏ sẽ rất lãng phí và như vậy khả năng các doanh nghiệp sẽ phải tạm ngưng sản xuất là rất cao.
2.2.3- Tình trạng người lao động bỏ về quê do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 một cách tự phát và chính sách đón tiếp lao động trở về không nhất quán của các địa phương gây ra nhiều hệ quả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp hiện tại cũng như sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
2.2.4- Các doanh nghiệp trong thời gian qua đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, một cung đường 2 địa điểm (gọi tắt là sản xuất 3T). Tuy nhiên các Doanh nghiệp đều đánh giá rằng mô hình sản xuất 3T không thể kéo dài bởi các vấn đề sau:
Thứ nhất, hạ tầng, cơ sở vật chất nhà máy chỉ thiết kế xây dựng để sản xuất, vốn dĩ không có phương án để tổ chức theo mô hình 3T, do vậy khi phải điều chỉnh sắp xếp để sản xuất theo 3T thì không thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho người lao động sinh hoạt thoải mái như bình thường, chắc chắn có nhiều thiếu thốn.
Thứ hai, sức khỏe, tinh thần người lao động sẽ bị ảnh hưởng nếu kéo dài mô hình sản xuất 3T do cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, ảnh hưởng tới cuộc sống của từng gia đình từ đó anh hưởng đến tâm sinh lý người lao động nếu sản xuất lâu dài.
Thứ ba, chi phí sản xuất tăng cao do phải tăng các chi phí cho người lao động, cho công tác phòng chống dịch, cho chi phí xét nghiệm Covid – 19.
Thứ tư, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất đồng bộ. Để doanh nghiệp hoạt động ổn định cần phải duy trì đồng bộ hệ sinh thái sản xuất kinh doanh bao gồm các đơn vị đối tác cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho sản xuất (năng lượng, điện, nước, xăng dầu, gas, than, củi…,internet, hạ tầng mạng; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng toàn cầu; nguyên vật liệu, phụ liệu, vật tư, nhiên liệu khác cho sản phẩm thiết yếu; bao bì, đóng gói sản phẩm; vận tải, giao nhận, dịch vụ giao nhận , khai báo hải quan; bộ phận dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa máy móc thiết bị phần cứng, phần mềm cho các doanh nghiệp sản xuất; dịch vụ pháp lý hỗ trợ tài chính, hành chính như công chứng, ngân hàng…) Nếu các đơn vị trong hệ sinh thái nêu trên không hoạt động thì các doanh nghiệp sản xuất dù đủ điều kiện 3T cũng sẽ không thể hoạt động ổn định lâu dài được.
Thứ năm, công tác cung ứng hàng hóa, lưu thông vận chuyển bị ách tắc do các quy định về hạn chế lưu thông đối với các hàng hóa, vật tư không thiết yếu.
Thứ sáu, hầu hết các kho bãi đều bị ngưng hoạt động, nên công tác tiếp nhận vật tư, hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ bảy, hiện nay có một số địa phương không cho doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu được hoạt động cho dù có đủ điều kiện và phương án sản xuất theo 3T.
Thứ tám, mặc dù được ngành y tế hướng dẫn rất kỹ về các quy định tiêu chí sản xuất theo 3T nhưng hiện chưa có hướng dẫn về quy trình xử lý trong trường hợp có ca người lao động là F0, F1. Vì vậy khi xảy ra tình huống, doanh nghiệp rất lúng túng trong xử lý, người lao động hoang mang, không yên tâm để sản xuất theo 3T.
2.2.5- Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp của ngân hàng vì bản chất hoạt động của những doanh nghiệp này là thu hộ, chi hộ, thường không có tài sản thế chấp và không chứng minh được phương án kinh doanh khả thi do đó ngân hàng xếp doanh nghiệp lữ hành vào đối tượng nguy cơ rủi ro cao.
IV. Đề xuất, kiến nghị:
1. Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương:
1.1. Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
1.1.1- Theo Nghị quyết 68/NQ-CP quy định đối tượng hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ: “Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.” Tuy nhiên trên địa bàn thành phố, có một số hộ kinh doanh đã được cấp mã số thuế để hoạt động kinh doanh và chấp hành nghĩa vụ thuế, tuy nhiên không đăng ký kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Các hộ kinh doanh này cũng chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Do đó, kiến nghị xem xét hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh này. Đồng thời xem xét hỗ trợ đối với những hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.
1.1.2- Xem xét bổ sung các đối tượng được hỗ trợ là các cơ sở giáo dục như nhóm nhà trẻ, mầm non... chấp hành nghĩa vụ thuế, có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuy nhiên không có giấy chứng nhận kinh doanh.
1.1.3- Có giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và thể thao chịu tác động của dịch Covid-19; xem xét, bổ sung cho đối tượng được hỗ trợ là viên chức hoạt động nghệ thuật làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải tạm dừng hoạt động trong thời gian trước ngày 01 tháng 5 năm 2021.
1.1.4- Bổ sung đối tượng được hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho các chức danh nghề nghiệp có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn (phục vụ, hậu đài, di sản viên hạng IV…). (Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg chỉ hỗ trợ cho các đối tượng là đạo diễn, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV).
1.1.5- Bổ sung chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục cao đẳng đang gặp khó khăn bởi đại dịch.
1.1.6- Về chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch: Đối với chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo quy đinh tại Mục 2 Chương VIII Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, việc “sao y, chứng thực hồ sơ” theo quy định gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí. Do đó, đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được quyền “sao y, chứng thực hồ sơ của doanh nghiệp được ký kết với hướng dẫn viên du lịch”.
1.1.7- Hướng dẫn chi tiết nội dung đơn vị được chi phòng chống dịch Covid -19 do giảm tỷ lệ từ 0,5% xuống 0% quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, việc chi này có phải quyết toán với cơ quan BHXH hay không ?.
1.1.8- Hướng dẫn chi tiết hồ sơ thủ tục đơn vị phải nộp khi đơn vị phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid -19 (quy định tại Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đối với nội dung đơn vị) để địa phương thực hiện hoặc để thuận lợi cho đơn vị, người lao động tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ. Đề xuất xem xét bỏ nội dung này.
1.1.9- Kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:
- Xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ theo văn bản số 30614/SLĐTBXH-LĐ ngày 15/9/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đã báo cáo một số vướng mắc và xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể như sau:
+ Về chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương:
a) Theo quy định tại Điều 13 Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì “Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 …”. Trường hợp này kiến nghị Chính phủ căn cứ chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, không yêu cầu ban hành văn bản cụ thể cho từng doanh nghiệp. Đề nghị áp dụng Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cho người lao động ngừng việc thuộc một số bộ phận/lĩnh vực hoạt động của Doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động, các bộ phận/lĩnh vực khác vẫn hoạt động bình thường.
b) Trường hợp doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động do đảm bảo yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” nhưng phải tạm dừng một số bộ phận của doanh nghiệp hoặc giảm số lượng lao động còn 1/3 để đảm bảo duy trì hoạt động. Đề nghị hỗ trợ cho người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương trong trường hợp này.
c) Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì thành phần hồ sơ đề nghị của “chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” gồm có “Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”. Như vậy, trường hợp các doanh ngiệp thực hiện văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với người lao động bắt buộc phải làm từng văn bản thỏa thuận với từng người lao động hay không.
d) Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg: “Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo Điều 15 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính ...”. Trường hợp chi nhánh ở các tỉnh có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động của cơ quan nhà nước nơi đặt chi nhánh đó nhưng trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn hoạt động bình thường hoặc chỉ hoạt động một số bộ phận thì đề nghị hỗ trợ cho người lao động bị ngừng việc tại chi nhánh do dịch bệnh.
+ Về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc:
Theo quy định tại Điều 17 Chương V của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc. Theo đó: “Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021”;
Đồng thời, ngày 15/7/2021, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), có ban hành Công văn số 264/QHLĐTL-TL về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Trong đó quy định: “Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:...(iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iv) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được”.
Như vậy, trường hợp ngừng việc được quy định tại điểm (iii) và (iv) của Công văn số 264/QHLĐTL-TL mà không có quy định tại Điều 17 Chương V của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì có được xem là đủ điều kiện để giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay không.
+ Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và một số người sử dụng lao động về quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về điều kiện vay vốn “Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”.
1.2. Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp:
1.2.1- Đối với việc duy trì không để đứt gãy sản xuất hàng hóa dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân:
- Về bảo đảm vùng nguyên liệu và nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu khi kiểm soát được dịch Covid 19: kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ yêu cầu các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp và kéo dài để không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới, bởi một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này.
- Về bảo đảm công tác vận chuyển lưu thông từ vùng nguyên liệu về nhà máy và cung cấp ra thị trường:
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp để ban hành hướng dẫn thống nhất trong điều hành, đảm quá trình giao lưu hàng hóa giữa các địa phương thông thoáng, thuận lợi hơn. Đặc biệt khắc phục tình trạng điều hành giao thông lưu thông hàng hóa đang bị rối loạn mất đồng bộ giữa các địa phương, tạo cát cứ nghiêm trọng trong lưu thông hàng hóa giữa các địa phương và xuất khẩu, vận chuyển logictics.
+ Chính phủ quy định danh mục các mặt hàng cấm lưu thông: Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng, có sự hợp tác phân công lao động, sản xuất rộng rãi, bất cứ một khâu nào trong sản xuất bị ách tắc thì sẽ kéo theo sự đình trệ sản xuất mang tính dây chuyền. Vì vậy không thể xác định được chính xác, đầy đủ danh mục gọi là hàng hóa, vật tư nguyên vật liệu sản xuất thiết yếu được.
+ Chính phủ chỉ đạo thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai nhanh chóng và đồng bộ giữa các địa phương về hệ thống nhận diện phương tiện (QR Code), tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất; các địa phương tăng cường các trạm dừng chân đảm bảo quy định giãn cách để tài xế có thể dừng nghỉ chân giữa các địa phương.
+ Bộ Giao thông vận tải công bố thông tin các điểm thực hiện test nhanh Covid 19 dọc đường để lái xe chủ động đảm bảo các quy định: Lực lượng vận chuyển hàng hóa khi di chuyển qua các tỉnh đều yêu cầu giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ, nhưng vận chuyển từ phía Nam ra các tỉnh phía Bắc mất khá nhiều thời gian, giấy xét nghiệm hết hiệu lực trong quá trình vận chuyển thì không biết tìm địa điểm xét nghiệm ở đâu, những vấn đề này tưởng rất nhỏ nhưng tác động rất lớn đến hoạt động vận tải.
- Về xử lý tình huống thiếu hụt các nguyên, phụ liệu sản xuất: kiến nghị cần có giải pháp xử lý linh động từ chính quyền, đề xuất cho phép được thay thế các thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại bằng cách doanh nghiệp gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng. Phương án điều chỉnh nguyên liệu phụ này chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian ngắn để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
- Về hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp ngành lương thực, thực thẩm để thu mua và tăng dự trữ tồn kho đối với nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất: kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo bổ sung các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... để doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn nhằm thu mua dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời cho phép điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu đối với những doanh nghiệp có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, để các ngân hàng điều chỉnh nhằm giúp doanh nghiệp được tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% như hiện nay lên 85%, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.
- Về duy trì lực lượng sản xuất: kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất các địa phương để có những giải pháp hợp lý nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động, đảm bảo nguồn lao động quay trở lại làm việc cho doanh nghiệp, tránh tình trạng ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu; hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới tạo luồng xanh nhập cảnh cho các chuyên gia vào Việt Nam vận hành sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực kỹ thuật số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ để thích ứng tốt trong tình hình dịch bệnh.
1.2.2- Về giải quyết tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, một cung đường 2 địa điểm: kiến nghị Chính phủ chỉ đạo:
Các cơ quan chức năng hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được các tiêu chí an toàn. Tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất 3T thì đều được duy trì sản xuất không phân biệt ngành nghề. Cần ban hành các quy định, điều kiện để các doanh nghiệp trong hệ sinh thái phục vụ sản xuất tiếp tục hoạt động.
- Bộ Y tế ban hành ngay hướng dẫn quy trình xử lý F0, F1 khi phát hiện trong các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo 3T, đảm bảo sự hỗ trợ, hướng dẫn y tế kịp thời. Ưu tiên tiêm vaccine nhanh và dứt điểm đối với các doanh nghiệp sản xuất 3T.
- Cần phải có những biện pháp, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 3T giảm chi phí do tổ chức 3T gây ra: giảm giá điện hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân thực hiện 3T như đối với các khu cách ly; hỗ trợ xét nghiệm Covid - 19 cho công nhân miễn phí.
- Tập trung xử lý tình trạng thông tin xấu, thất thiệt liên quan đến dịch Covid-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… làm ảnh hưởng đến tư tưởng của người lao động. Các Bộ ngành, địa phương quan tâm cập nhật, cung cấp thông tin chính thức kịp thời trên các trang thông tin chính thống để phản bác các thông tin xấu và tạo niềm tin cho người dân.
1.2.3- Về tiêm vaccine cho người lao động: hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục dành một số lượng vaccine để điều phối ưu tiên tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có quy mô người lao động cư trú rộng trên nhiều quận huyện, địa phương. Đây cũng là những doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong đóng góp ngân sách, hoạt động sản xuất xuất khẩu, và đặc biệt họ cũng là các doanh nghiệp có nhiều đóng góp tài trợ cho quỹ vaccine và Chương trình phòng chống dịch Covid - 19 của Thành phố. Do đó, kiến nghị:
- Bộ Y tế quy định, hướng dẫn rõ hơn đối tượng lao động được tiếp tục làm việc, sản xuất trong doanh nghiệp. Ví dụ: Doanh nghiệp có ca nhiễm, những đối tượng đã tiêm mũi 1, mũi 2 có tiếp tục làm việc không? Hiện nay, doanh nghiệp có ca nhiễm bị đóng cửa ngay để tầm soát, như vậy sẽ lãng phí nguồn lực và gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Cần có hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp tục sản xuất trong trường hợp này.
- Bộ Y tế xem xét cho phép chương trình xét nghiệm Covid là dịch vụ phi lợi nhuận, do chính phủ điều tiết và giám sát để hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang tuân thủ theo quy định “3 tại chỗ” có thể tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng, chi phí hợp lý. Chi phí xét nghiệm cho công nhân của doanh nghiệp được xác định là chi phí hợp lý.
- Bộ Y tế ban hành quy trình xử lý các vấn đề liên quan khi có ca nhiễm/nghi nhiễm, trong đó quy định thời gian tối đa phải giải quyết để cho phép doanh nghiệp đi vào hoạt động trở lại nhanh nhất như xử lý cách ly đối tượng nhiễm, sàng lọc, khoanh vùng dịch tễ, phối hợp khử khuẩn, diệt trùng nhà máy.
- Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tổ chức cách ly F0, F1 ngay tại nhà máy với hỗ trợ của cơ quan y tế địa phương. Trong trường hợp cơ sở của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện y tế, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa F0 đi điều trị, cách ly F1 để ổn định người lao động, bảo vệ “vùng xanh” cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và chống dịch.
- Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay nền tảng và quy định cấp hộ chiếu vaccine, QR code cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và cập nhật ngay các thông tin tiêm vaccine lên sổ sức khỏe điện tử để xác định cho người lao động vào làm việc được thuận lợi, tránh cho doanh nghiệp bị chậm chân theo yêu cầu hợp tác sản xuất quốc tế.
1.2.4- Kiến nghị về gói hỗ trợ doanh nghiệp:
- Cần phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả, bao gồm: (1) Doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; (2) doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động; (3) doanh nghiệp đang còn hoạt động. Việc hỗ trợ doanh nghiệp theo nguyên tắc doanh nghiệp đang còn hoạt động sẽ được nhận nhiều giải pháp đồng bộ, để được giải cứu đến cùng.
- Rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại thuế doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp đến 31/12/2021 và lộ trình đến hết tháng 3/2022.
- Rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại phí doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp đến 31/12/2021 và lộ trình đến hết tháng 3/2022, kể cả bảo hiểm xã hội, công đoàn, tiền thuê đất, sử dụng đất.
- Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh Thông tư 03/2021/TT-NHNN: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ đến hạn ít nhất đến hết Quý 1/2022 để giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp. Ngoài ra cho phép thời gian cơ cấu nợ kéo dài đến 24 tháng, do ngân hàng nơi cho vay xem xét và quyết định. Cho phép cơ cấu nợ cho các khoản vay (dư nợ) phát sinh sau ngày 10/6/2020 (theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định thì chỉ cơ cấu cho các khoản vay, dư nợ phát sinh trước 10/6/2020), cơ cấu nợ cho các nghĩa vụ trả nợ đến hạn sau 31/12/2021 (theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN thì chỉ cơ cấu nợ cho các khoản nợ phải trả trước 31/12/2021). Nguyên nhân: Với tình hình dịch kéo dài thì đến 31/12/2021 các doanh nghiệp đến hạn trả nợ sẽ gặp khó khăn khi nợ đến hạn. Các khoản nợ cơ cấu chỉ được kéo dài 12 tháng kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên tổn thương do dịch bệnh kéo dài như hiện nay, doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn để tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh. Việc cơ cấu lại nợ không ảnh hưởng xếp hạng doanh nghiệp, để doanh nghiệp vẫn tiếp tục được vay vốn trong hạn mức tín dụng.
1.2.5- Kiến nghị Bộ Tài chính:
- Xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 và kéo dài đến hết năm 2022 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động.
- Xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 (Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020).
- Hỗ trợ về chính sách thuế, lệ phí, điện, nước… cần gia hạn thời hạn nộp các chi phí, các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất,... cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết ngày 31/12/2021.
1.2.6. Kiến nghị Bộ Công thương:
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện trong đó có cơ sở lưu trú du lịch. Do đó, kiến nghị áp dụng giá điện theo tinh thần nói trên cho các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch do các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch cũng chịu thiệt hại nặng nề do đóng băng thị trường khách quốc tế, thị trường khách nội địa trong những tháng đầu năm 2021 chỉ diễn ra trong tháng 01 và tháng 4 năm 2021.
1.2.7. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Xem xét hỗ trợ đối với việc vay vốn ngân hàng: có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, rút ngắn thời gian, thủ tục xét duyệt hồ sơ vay vốn, xem xét miễn giảm lãi vay cho các khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng đang gặp khó khăn, có chính sách hạ hoặc giảm sâu hơn các lãi suất cho vay, đồng thời, gia hạn thời hạn nộp các chi phí như lãi vay và nợ gốc, thực hiện các gói ưu đãi để cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tái hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu cho phù hợp với thay đổi sau dịch bệnh.
- Tạo điều kiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, linh hoạt để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và các quỹ phát triển doanh nghiệp, chính sách cho vay không cần tài sản đảm bảo với lãi suất 0% vừa để trả lương cho người lao động vừa hỗ trợ tiền vốn tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
1.2.8- Kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Xem xét hỗ trợ cho người sử dụng lao động chậm đóng Bảo hiểm xã hội không tính lãi, không bị cắt thẻ Bảo hiểm Y tế.
2. Đối với Thành phố:
2.1. Đối với việc thực hiện chi hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và các đợt tiếp theo (nếu có), việc triển khai cần hướng dẫn, xác định rõ ràng về đối tượng, quy trình thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng và có thời gian thực hiện hợp lý, cần rà soát, kiểm tra, giải quyết tiếp các đối tượng được hưởng của đợt 1, đợt 2. Cần có cơ chế để Ủy ban nhân dân các quận, huyện xem xét, thẩm định, phê duyệt các trường hợp phường rà soát phát sinh đúng diện chi hỗ trợ; các danh sách do Tổ dân phố lập cần được thẩm định chặt chẽ để đảm bảo chính xác, không sai, sót đối tượng; kịp thời cấp ngay kinh phí khi danh sách được phê duyệt; tăng cường việc sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ. Đồng thời, cần định hướng truyền thông thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng, nhất quán để tránh gây ngộ nhận, hiểu sai chính sách hỗ trợ của Thành phố, gây bức xúc và dư luận không tốt trong nhân dân.
2.2. Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các quận, huyện cần củng cố lại hệ thống chính trị, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chi hỗ trợ; xây dựng cơ chế, công cụ cho người dân phản ánh với chính quyền địa phương về hoàn cảnh, tình trạng cần hỗ trợ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trả lời, tư vấn cho người dân được hỗ trợ các chính sách an sinh của Thành phố.
2.3. Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị có chức năng cấp quận, huyện hoặc phường, xã, thị trấn có thẩm quyền xác nhận hoặc ban hành văn bản yêu cầu người sử dụng lao động tạm dừng hoạt động trong khoảng thời gian nhất định (từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm) để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất theo quy định.
2.4. Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố; cần chuẩn bị kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc Thành phố nới lỏng giãn cách, sống an toàn chung với dịch Covid-19 từ ngày 1/10 có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới; chuẩn bị chiến lược về an sinh xã hội; kế hoạch thu hút người lao động trở lại làm việc; rà soát, dự báo tình trạng phá sản của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, tránh để đứt gãy chuỗi cung ứng; đồng thời quan tâm đến thu hút đầu tư, kết nối cung - cầu khi thành phố trở lại bình thường mới; cần đánh giá, dự báo về tình hình kinh tế - xã hội thành phố đến cuối năm nay và cả những năm tiếp theo để có kế hoạch, chiến lược phục hồi phù hợp; nghiên cứu mở rộng thêm các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời một cách an toàn, nhằm nâng cao sức khỏe, thể trạng của người dân Thành phố trong bối cảnh hiện nay.
2.5. Đối với ngành y tế, đề nghị cần triển khai nhanh việc hỗ trợ cho người làm tuyến đầu chống dịch, trong đó phải rà soát kỹ chính sách hỗ trợ cho lực lượng y tế ở phường, xã, thị trấn. Đặc biệt, cần chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược về y tế khi Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi kinh tế; cập nhật kịp thời dữ liệu tiêm vắc xin Covid-19 để tích hợp dữ liệu phục vụ triển khai phương án “Thẻ xanh Covid”; quan tâm tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực y tế về trang bị máy móc, thiết bị thiết yếu, hiện đại và các loại thuốc đặc trị để sẵn sàng cho các kịch bản khác nhau; đồng thời tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất cho y tế cơ sở, từ khu dân cư đến khu công nghiệp.
2.6. Kiến nghị Thành phố cần chuẩn bị nguồn kinh phí để sửa chữa các trường học được trưng dụng làm cơ sở cách ly, điều trị Covid-19 nhằm đảm bảo cơ sở vật chất và an toàn khi mở cửa trở lại đón học sinh đến trường.
2.7. Kiến nghị Thành phố cần quan tâm các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh:
- Hỗ trợ về thuê mướn mặt bằng: Đối với với mặt bằng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đang cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê, Thành phố cần nghiên cứu có chính sách giảm giá tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, kiến nghị Thành phố quan tâm các nội dung sau: (1) Hướng dẫn quy trình tiếp nhận, giải quyết và quyết toán đối với các hồ sơ doanh nghiệp tiếp nhận trên Công thông tin quốc gia. (2) Hướng dẫn tiêu chí xác định “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19” đối với các doanh nghiệp có chi nhánh hoạt động tại các tỉnh, thành khác. (3) Hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ qua Cổng thông tin quốc gia, tất cả đều ký chữ ký số, bộ phận chuyên môn khi in ra lưu trữ chứng từ quyết toán hoặc để phục vụ cho công tác thanh kiểm tra sau này như vậy có hợp lệ không (vì khi in hồ sơ không thể hiện chữ ký số trên chứng từ, chỉ thể hiện danh sách không có chữ ký của doanh nghiệp lẫn cơ quan Bảo hiểm Xã hội).
- Có chính sách cụ thể thu hút người lao động trở lại làm việc sau khi Thành phố bước sang giai đoạn bình thường mới; cho phép doanh nghiệp tăng thời gian làm thêm giờ của người lao động so với quy định để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng; hỗ trợ kích cầu các ngành, lĩnh vực như du lịch, vận tải, an uống, lưu trú; có giải pháp tháo gỡ khó khăn tập trung vào những ngành, lĩnh vực có đóng góp đáng kể vào ngân sách Thành phố
2.8. Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét về công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 theo đề xuất của Sở Du lịch Thành phố, cụ thể:
- Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nguồn nhân lực du lịch (là những đối tượng không phải cán bộ, công chức) nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch Thành phố, giữ chân lực lượng này trong điều kiện hoàn cảnh bị tác động bởi dịch bệnh Covid -19.
- Đối tượng áp dụng: Viên chức Trung tâm Xúc tiến Du lịch, đội ngũ quản lý điều hành, lực lượng lao động trực tiếp trong doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển, hướng dẫn viên du lịch.
- Dự kiến tổ chức 20 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong những tháng cuối năm 2021 cho khoảng 2.000 nhân lực du lịch Thành phố (bình quân mỗi lớp khoảng 100 học viên) với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố khoảng 1.219.800.000 đồng(bằng chữ: Một tỷ hai trăm mười chín triệu tám trăm ngàn đồng).
2.9. Kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ theo kế hoạch số 70/HD-MTTW-BTT ngày 05/8/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2.10. Kiến nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố sớm trả lời Công văn số 2683/BHXH-QLT ngày 15 tháng 7 năm 2021 cho Bảo hiểm xã hội Thành phố về một số vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid -19 để có văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố Thủ Đức và quận, huyện thực hiện.
2.11. Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế Thành phố sớm có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố hướng dẫn xác định việc thực hiện nộp tiền thuê đất và giải quyết các thủ tục để phê duyệt đề án sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm giúp đơn vị khai thác nguồn thu hiệu quả để phát triển và tránh lãng phí trong việc sử dụng tài sản nhà nước.
2.12. Kiến nghị Sở Du lịch cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong việc chăm lo hỗ trợ cho đối tượng hướng dẫn viên du lịch vì tỷ lệ hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ rất thấp đến thời điểm này.
2.13. Tại các buổi giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố ghi nhận các kiến nghị của một số quận, huyện và đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết, cụ thể như sau:
- Các quận, huyện kiến nghị Thành phố và các Sở, ngành liên quan kịp thời có văn bản hướng dẫn các khó khăn, vướng mắc đối đối với việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 09/2001/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố để Ủy bannhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có cơ sở thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, giải quyết hiệu quả, hỗ trợ nhanh chóng cho người lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
- Ủy ban nhân dân Quận 10 kiến nghị Thành phố quan tâm bổ sung dự toán kinh phí cho Quận 10 để sớm hoàn thành nhiệm vụ chi hỗ trợ đối với các đối tượng của Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND và Nghị Quyết số 68/NQ-CP.
+ Uỷ ban nhân dân Quận 7 kiến nghị Thành phố sớm bổ sung kinh phí chi hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn cho quận với số tiền 85,5 tỷ đồng.
- Uỷ ban nhân dân Quận 8 kiến nghị Thành phố xem xét mức chi cho hộ lao động khó khăn phù hợp với số lượng thành viên trong hộ, tránh tình trạng người dân bức xúc cho rằng hộ nhiều thành viên cũng hưởng chế độ như hộ ít thành viên.
- Ủy ban nhân dân Quận 12 kiến nghị: (1) Đối với thủ tục hưởng chính sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết 68/NQ-CP cần quy định mở là bản sao không cần chứng thực giấy tờ chứng minh nuôi con dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ đang mang thai. (2) Đề xuất bổ sung giấy đề nghị hưởng của lao động tự do để ràng buộc trách nhiệm của người lao động khi kê khai, lập danh sách xét duyệt. (3) Bổ sung thêm một số ngành nghề lao động tự do ảnh hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 như xe ôm truyền thống, thợ đồ, may gia công tại nhà, giúp việc nhà,… để có cơ sở giải quyết chính sách hỗ trợ ngay từ đầu.
Trên đây là báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó: 1.494 bệnh nhân đang thở máy (770 bệnh nhân thở máy không xâm lấn, 724 bệnh nhân thở máy xâm lấn), 18 bệnh nhân can thiệp ECMO và có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi.
Quyết định số 1439/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn Thành phố gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ; theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dự toán kinh phí cho Ủy ban nhân dân nhân các quận, huyện số tiền 332.326,5 triệu đồng để thực hiện chi hỗ trợ người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 42/NQ-CP; Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để thực hiện chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng kinh doanh và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dự toán kinh phí cho Ủy ban nhân dân nhân các quận, huyện số tiền 830.580 triệu đồng để thực hiện chi hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng kinh doanh và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn bị tác động bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
a) Bổ sung dự toán kinh phí cho Sở Y tế và Bộ Tư lệnh Thành phố: 888.409 triệu đồng, gồm: Quyết định số 2822/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho Sở Y tế; theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dự toán kinh phí cho Sở Y tế số tiền 480.000 triệu đồng để thực hiện chi hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ (Nghị quyết số 68/NQ-CP), Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND); Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 về bổ sung dự toán kinh phí đảm bảo cho các cơ sở cách ly y tế tập trung do Bộ Tư lệnh Thành phố quản lý; theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dư toán kinh phí cho Bộ Tư lệnh Thành phố số tiền 408.409 triệu đồng để thực hiện chi hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND.
b) Bổ sung dự toán kinh phí cho thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 6.246.285 triệu đồng, gồm: Quyết định số 2527/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bổ sung dự toán kinh phí thực hiện chi chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19; theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dự toán kinh phí cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện số tiền 553.990 triệu đồng để thực hiện chi hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND; Quyết định số 2972/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bổ sung dự toán kinh phí chi chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19; theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dự toán kinh phí cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện số tiền 1.092.295 triệu đồng để thực hiện chi công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND; Quyết định số 3433/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bổ sung dự toán kinh phí chi chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19; theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung dự toán kinh phí cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện số tiền 4.600.000 triệu đồng để thực hiện chi công tác phòng chống, dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND.
Cụ thể: (1) Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc): Đã giải quyết cho 71.701/71.701 người (đạt 100%) của 2.387/2.387 doanh nghiệp (đạt 100%), số tiền: 73.378.600.000 đồng. Trong đó: a) Giải quyết theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố (1.000.000 đồng/người/tháng) cho 69.604/69.604 người (đạt 100%) của 2.291/2.291 doanh nghiệp (đạt 100%), số tiền: 69.604.000.000 đồng. b) Giải quyết theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ (1.800.000 đồng/người/tháng) cho 2.097/2.097 người (đạt 100%) của 96/96 doanh nghiệp (đạt 100%), số tiền: 3.774.600.000 đồng. (2) Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (1.000.000 đồng/người/tháng): Đã giải quyết cho 1.111/1.111 người (đạt 100%), số tiền: 1.111.000.000 đồng. Trong đó: a) Giải quyết theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố cho 1.040/1.040 người (đạt 100%), số tiền: 1.040.000.000 đồng. b) Giải quyết theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ cho 71/71 người (đạt 100%), số tiền: 71.000.000 đồng. (3) Hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương (theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố, 1.000.000 đồng/người/tháng): Đã giải quyết cho 13.453/13.453 người (đạt 100%) của 1.606/1.606 cơ sở mầm non (đạt 100%), số tiền: 13.453.000.000 đồng. (4) Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm (1.000.000 đồng/người/tháng): Số lượng: 186.183 người (trong đó: Thường trú là 135.610/186.183 người, chiếm 72,84%; Tạm trú là 50.573/186.183 người, chiếm 27,16%). Đã giải quyết cho 186.183/186.183 người (đạt 100%), số tiền: 186.174.000.000 đồng. (5) Hỗ trợ hộ kinh doanh (1.000.000 đồng/hộ/tháng): Đã giải quyết cho 1.371/1.371 hộ (đạt 100%), số tiền: 1.371.000.000 đồng. (6) Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động: do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố thực hiện. Đã giải quyết cho 04/04 đơn vị (đạt 100%) vay vốn để trả lương ngừng việc, với tổng số lao động là 308 người, số tiền vay: 675.680.000 đồng. (7) Hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động: Đã giải quyết cho 20.298/20.298 người (đạt 100%), số tiền: 20.126.500.000 đồng. (8) Hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân (500.000 đồng/ người/tháng, chi một lần cho 3 tháng): Đã giải quyết cho 33.861/33.861 người (đạt 100%), số tiền: 50.363.750.000 đồng. (9) Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội (500.000 đồng/người/tháng, chi một lần cho 3 tháng): Đã giải quyết cho 123.699/123.699 người (đạt 100%), số tiền: 185.548.500.000 đồng. (10) Hỗ trợ người thuộc Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo riêng của thành phố (250.000 đồng/người/tháng, chi một lần cho 3 tháng): Đã giải quyết cho 111.136/111.136 người (đạt 100%), số tiền: 83.352.000.000 đồng.