Đăng nhập

 

 

NỘI DUNG CÁC CUỘC GIÁM SÁT, KHẢO SÁT
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2018

           Thực hiện Kế hoạch giám sát số 03/KH-ĐĐBQH ngày 03 tháng 4 năm 2019, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 05 buổi làm việc với Ủy ban nhân dân Quận 7, Ủy ban nhân dân Quận Bình Tân, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và các Sở, ngành có liên quan giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2018”.

Dưới đây là báo cáo kết quả giám sát:

I. Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao

1. Các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố:

Trong thời gian qua, Thành phố đã quan tâm ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố[1].

2. Các quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường liên quan đến nước thải, xử lý chất thải rắn: hiện nay Thành phố đang triển khai xây dựng.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật:

Từ năm 2016 đến nay, định kỳ hàng năm Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về bảo vệ môi trường, phổ biến quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong khu chế xuất, khu công nghiệp cho các đối tượng là các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp và các công ty phát triển hạ tầng ; tổ chức các lớp tập huấn môi trường với các chủ đề về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chất thải nguy hại, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chế độ báo cáo môi trường,… nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý môi trường theo đúng quy định pháp luật.

II. Tình hình thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2018

1. Kết quả thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao:

1.1. Tổng quan

a) Khu công nghệ cao:

            Khu công nghệ cao Thành phố được thành lập theo Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, có quy mô 913,0633 ha (giai đoạn I: 326,0933 ha; giai đoạn II: 587,07 ha) tọa lạc tại Quận 9. Tính đến tháng 9 năm 2018, Khu công nghệ cao Thành phố có 148 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 75 dự án đã đi vào hoạt động và có xả thải (20 dự án có phát sinh khí thải) chiếm 50,68%, 73 dự án đang triển khai hoạt động xây dựng chiếm 49,32%. Các lĩnh vực hoạt động trong Khu công nghệ cao Thành phố bao gồm: vi điện tử-công nghệ thông tin-viễn thông, cơ khí chính xác và tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới-vật liệu mới. Về công tác bảo vệ môi trường, nhìn chung các doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018 không có doanh nghiệp nào vi phạm về môi trường. 

b) Các Khu công nghiệp, Khu chế xuất:

- Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích là 5.921,15 ha. Đến nay, thành phố có 19 khu chế xuất, khu công nghiệp đã có quyết định thành lập, trong đó có 17 khu đã đi vào hoạt động (gồm 03 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp) với tổng diện tích 3.791,84 ha/5.921,15 ha, chiếm 64,04% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp tính đến năm 2020; trong đó diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt 1.812 ha/2.572,46 ha với tỷ lệ lấp đầy chung của các khu đã đi vào hoạt động khoảng 70,44%.

- Đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút 1.544 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 10,25 tỷ USD. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 567 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5,76 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 977 dự án, vốn đầu tư đăng ký 67.238,07 tỷ VNĐ (tương đương 4,482 tỷ USD).

- Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp là 1.246 doanh nghiệp gồm có với các ngành nghề như: may mặc, điện – điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm, thủy hải sản, thuộc da, dệt, nhuộm vải, may mặc, dược phẩm, mỹ phẩm, y tế, vật liệu xây dựng, xi mặng, sản xuất giấy, in ấn, thuốc lá, xi mạ, sản phẩm nhựa, trang trí nội thất, sản phẩm đồ gỗ, cao su…

- Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 290.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm tỷ trọng 60%, lao động từ các tỉnh chiếm 70% tổng số lao động.

- Tình hình hoạt động bảo vệ môi trường đối với nước thải tại các khu chế xuất, khu công nghiệp: Có 17/17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã xây dựng 17 Trạm hệ thống xử lý tập trung với tổng công suất thiết kế là 75.500 m3/ngày đêm, tổng công suất xử lý trung bình 50.373 m3/ngày. Tất cả đều có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý, 17 Trạm xử lý nước thải có hệ thống quan trắc tự động được kết nối về Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, bên cạnh đó tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đều đã hoàn chỉnh hệ thống thoát nước thải, nước mưa và đảm bảo việc đấu nối thoát nước từ các doanh nghiệp vào hệ thống thu gom của khu chế xuất, khu công nghiệp.

c) Cụm công nghiệp:

Theo Thông báo số 114/TB-VP ngày 23 tháng 02 năm 2017 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về kết luận của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, 06 cụm công nghiệp được quy hoạch giữ lại với diện tích 331,43 ha gồm: Tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân 17 ha, Nhị Xuân 54,02 ha, Láng Le – Bàu Cò 89 ha, Quy Đức 50 ha, Bàu Trăn 75 ha và Dương Công Khi 46,41 ha[2]. Trong đó, cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, cụm công nghiệp Nhị Xuân đã đưa vào hoạt động với 155 doanh nghiệp[3]; 03 cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò, Quy Đức, Bàu Trăn hiện đang đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động và cụm công nghiệp Dương Công Khi chưa có chủ đầu tư.

1.2. Việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn, nước thải tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao:

1.2.1- Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động
môi trường (ĐTM), xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016 – 2018:

a) Khu công nghệ cao:

-       Khu Công nghệ cao đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo ĐTM của Dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao tại Quyết định số 333/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 3 năm 2004 và phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh – Giai đoạn II, diện tích 587,07 ha” tại Quyết định số 2305/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 12 năm 2011.

b) Khu chế xuất, Khu công nghiệp:

Tất cả các dự án đầu tư hạ tầng Khu chế xuất – khu công nghiệp đều được chủ đầu tư quan tâm thực hiện báo cáo ĐTM và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Báo cáo ĐTM của 03 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp của thành phố đều được thẩm định, phê duyệt trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Trong suốt thời gian hoạt động, khi có những nội dung thay đổi so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì tất cả các công ty phát triển hạ tầng đều thực hiện báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt (đối với KCN có quy mô từ 200 ha trở lên) hay Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt (KCN quy mô dưới 200 ha) điều chỉnh, các nội dung điều chỉnh chủ yếu tập trung bổ sung một số ngành nghề mà trước đây chưa có.

Trong số 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo ĐTM thì có 13 khu chế xuất, khu công nghiệp đã được cấp văn bản xác nhận công trình biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Còn 3 khu đang trong quá trình thực hiện, cụ thể: Khu công nghiệp An Hạ, Khu công nghiệp Cơ khí Ô tô đang thực hiện thủ tục; Khu công nghiệp Cát Lái II. Riêng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, thuộc đối tượng miễn trừ thực hiện thủ tục xác nhận hoàn thành công trình biện pháp bảo vệ môi trường theo Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ (đã được phê duyệt ĐTM trước ngày 01 tháng 7 năm 2006), nhưng phải thực hiện thủ tục xác nhận hoàn thành công trình biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (theo Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

c) Cụm công nghiệp:

                      - Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp và Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân tại huyện Bình Chánh. Việc thực hiện quản lý chất thải rắn, nước thải của Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân được thực hiện chung với Khu công nghiệp Lê Minh Xuân do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Hiện nay, nước thải của Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân được thu gom về Nhà máy Hệ thống xử lý tập trung với tổng công suất 6.000m3/ngày/đêm.

                      - Cụm công nghiệp Nhị Xuân: đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường số 2804/GĐK-TNMT ngày 04 tháng 5 năm 2005.

            1.2.2- Việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường:

            a) Khu công nghệ cao:

- Khu công nghệ cao đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước như sau: tách riêng hệ thống thu gom, thoát nước thải với hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước thải có vị trí, có hố ga phù hợp để đấu nối với điểm xả nước thải của các doanh nghiệp, đảm bảo khả năng thoát nước thải của Khu công nghệ cao; vị trí đấu nối nước thải nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước của Khu công nghệ cao và đặt bên ngoài ranh đất của các doanh nghiệp.

- Khu công nghệ cao đã được đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghệ cao với tổng công suất 9.000 m3/ngày đêm bao gồm: Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghệ cao giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày.đêm và Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghệ cao giai đoạn II – Module 1 công suất 4.000 m3/ngày.đêm;

- Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghệ cao đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải do Sở Tài nguyên và Môi trường đầu tư, bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2016; thực hiện quan trắc các thông số: COD, TSS, pH, lưu lượng; truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường để giám sát, theo dõi.

- Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khu công nghệ cao có trách nhiệm tách riêng hệ thống thoát nước mưa, nước thải; đảm bảo xử lý nước thải đầu ra đạt Tiêu chuẩn nước thải đầu vào Nhà máy xử lý nước thải theo Quyết định số 214/QĐ-KCNC ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Ban Quản lý Khu công nghệ cao.

b) Khu chế xuất, Khu công nghiệp:

Sau khi báo cáo ĐTM của khu chế xuất, khu công nghiệp được phê duyệt, các công ty phát triển hạ tầng đều đã triển khai xây dựng các công trình thoát nước mưa, thu gom nước thải và Nhà máy hệ thống xử lý tập trung để đảm bảo việc xử lý nước thải phát sinh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp

- Năm 2018 có 17/17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã xây dựng hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 75.500 m3/ngày đêm, tổng công suất xử lý trung bình 50.373 m3/ngày.đêm.

- Về hạ tầng thoát nước, tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoàn chỉnh hệ thống thoát nước thải, nước mưa và đảm bảo việc đấu nối thoát nước từ các doanh nghiệp vào hệ thống thu gom của khu chế xuất, khu công nghiệp.

- Về hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp: Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường đã tiến hành kết nối, thu, nhận và quản lý, giám sát dữ liệu đối với các hệ thống quan trắc tự động, liên tục của các nguồn thải lớn quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các khu chế xuất, khu công nghiệp[4].

c) Việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vận hành các công trình bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường; công tác thu gom, xử lý chất thải rắn:

- Đối với Khu công nghệ cao: hàng năm, Ban Quản lý Khu công nghệ cao xây dựng chương trình bảo vệ môi trường và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện gồm: tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các quy định, biện pháp thực hiện nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường; vận hành thường xuyên liên tục Nhà máy xử lý nước thải và nạo vét các tuyến cống. Tổng công suất của Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCNC là 17.000 m3/ngày đêm; quản lý việc phân loại chất thải rắn tại nguồn; quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.

- Đối với khu chế xuất, khu công nghiệp: việc tổ chức thực hiện các biện pháp BVMT hiện nay là biện pháp quản lý tổng hợp, theo đó Ban Quản lý là đơn vị đầu mối, chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, theo kế hoạch hàng năm sẽ thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT của các doanh nghiệp và công ty phát triển hạ tầng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các nội dung kiểm tra về nước thải chủ yếu là kiểm tra các vị trí đấu nối thoát nước thải thoát nước mưa, kiểm tra hoạt động xử lý nước thải cục bộ hay Nhà máy hệ thống xử lý tập trung của khu chế xuất, khu công nghiệp. Hiện nay, đối với các Nhà máy hệ thống xử lý tập trung của các khu chế xuất, khu công nghiệp thì ngoài việc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi chất lượng thông qua hệ thống quan trắc tự động, Ban Quản lý còn chủ trì công tác lấy mẫu đột xuất để đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý tập trung.

- Đối với các công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp sau khi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải, vận hành Nhà máy hệ thống xử lý tập trung sẽ tiến hành việc giám sát đấu nối thoát nước của các doanh nghiệp và thực hiện thủ tục xác nhận đấu nối, ký hợp đồng xử lý nước thải với các doanh nghiệp thuê lại đất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và giám sát việc tuân thủ theo hợp đồng xử lý nước thải, trong đó có nội dung công ty phát triển hạ tầng giám sát chất lượng nước thải và giám sát việc đấu nối thoát nước của doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp thuê lại đất trong khu chế xuất, khu công nghiệp có trách nhiệm tách riêng triệt để hệ thống thoát nước mưa, nước thải. Đối với nước thải công nghiệp phải được xử lý cục bộ đạt giới hạn tiêu chuẩn tiếp nhận nước thải của khu chế xuất, khu công nghiệp theo hợp đồng xử lý nước thải đã ký và chịu phí xử lý nước thải theo thỏa thuận.

- Đối với cụm công nghiệp

+ Nước thải của Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân với tổng công suất 6.000m3/ngày.đêm; trạm xử xử lý nước thải của Cụm công nghiệp Nhị Xuân có công suất 500 m3/ngày đêm xử lý toàn bộ nước thải phát sinh.

+ Thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/ lần; báo cáo quản lý và xử lý chất thải nguy hại; báo cáo xả thải đối với nước thải công nghiệp
hàng quý;

+ Công tác thu gom xử lý chất thải rắn: chủ đầu tư cụm công nghiệp hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải nguy hại tại các doanh nghiệp do chủ nguồn thải là các đơn vị có phát sinh chất thải công nghiệp và nguy hại thực hiện thu gom lưu trữ và ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom vận chuyển và xử lý.

d) Việc phát triển ngành công nghiệp môi trường trong xử lý nước thải công nghiệp: Sở Khoa học công nghệ thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường tại thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. Đề tài đã được triển khai và nghiệm thu vào tháng 6 năm 2019.

1.3. Việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ xử lý nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao:

Từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017, nhà máy xử lý nước thải Khu công nghệ cao được giao cho đơn vị quản lý hạ tầng là Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghệ cao quản lý và vận hành. Đến tháng 7/2017, được giao cho đơn vị quản lý hạ tầng là Ban quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng khu công nghệ cao quản lý vận hành.

Các đơn vị quản lý vận hành Nhà máy xử lý nước thải khu công nghệ cao chịu trách nhiệm thực hiện thu phí xử lý nước thải của các doanh nghiệp, đơn vị trong khu công nghệ cao theo các Hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải. Phí xử lý nước thải là 0,24 USD/m3 theo Quyết định số 5754/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định.

Đối với khu chế xuất, khu công nghiệp: hiện nay quy định về kinh doanh dịch vụ thoát nước thải tại các khu chế xuất, khu công nghiệp được thực hiện theo Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, theo đó các công ty phát triển hạ tầng phải tự thỏa thuận với các doanh nghiệp về mức phí xử lý nước thải.

1.4. Tổ chức bộ máy quản lý và nguồn lực tài chính bảo vệ môi trường của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao

1.4.1- Khu công nghệ cao:

a) Tổ chức bộ máy quản lý:

- Ban Quản lý Khu công nghệ cao có bộ phận quản lý môi trường thuộc Phòng Quản lý Quy hoạch, Xây dựng và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong khu công nghệ cao. Hàng năm, bộ phận chuyên trách về môi trường được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực quản lý, yêu cầu tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường trong khu công nghệ cao.

- Ngoài ra, Ban Quản lý Khu công nghệ cao còn có đơn vị quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm vận hành Nhà máy xử lý nước thải khu công nghệ cao, kiểm soát việc thu gom nước thải, thực hiện các dịch vụ hạ tầng liên quan đến môi trường.

b) Nguồn lực tài chính bảo vệ môi trường: Từ nguồn ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng môi trường; nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp môi trường các năm 2016, 2017, 2018;  hoạt động kinh doanh dịch vụ xử lý nước thải để vận hành, duy tu, bảo dưỡng Nhà máy xử lý nước thải.

1.4.2- Khu chế xuất, Khu công nghiệp:

Ban Quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường
Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và Quyết định số 30/2009/QĐ-UB ngày 13 tháng 4 năm 4 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (được thay thế bởi Quyết định số 08/2017/QĐ-UB ngày 17 tháng 02 năm 2017);

Quyết định số 46/2011/QĐ-UB ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy chế phối hợp quản lý nhà nước về các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố; Ban Quản lý đã thành lập Phòng Quản lý Môi trường từ năm 2009, nhân sự hiện nay có 07 người gồm có 01 trưởng phòng, 01 phó phòng và 05 chuyên viên để thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó có 06 thạc sỹ, 01 kỹ sư được đào tạo về lĩnh vực ngành môi trường.

Về kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Ban Quản lý được cấp nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường như sau: Năm 2016: 1.190.683.168 đồng; Năm 2017: 2.276.433.318 đồng; Năm 2018: 2.466.703.309 đồng.

1.4.3- Cụm công nghiệp: chủ đầu tư bố trí nhân sự phụ trách về quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải và hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Nguồn tài chính hoạt động cho xử lý nước thải: từ nguồn phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật với doanh nghiệp trong cụm công nghiệp.

2. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao đã phối hợp, chủ trì thực hiện công tác kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra môi trường, Ban Quản lý tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm tra việc vận hành các công trình Hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, công tác quản lý, lưu giữ chất thải nguy hại, thực hiện lấy mẫu nước thải, khí thải để xác định hiệu quả vận hành các hệ thống xử lý ô nhiễm làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính; cung cấp thông tin về công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong khu công nghệ cao cho các cơ quan có liên quan.

2.1- Tình hình chung về vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao:

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Thành phố, việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phức tạp và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Phát hiện nhiều doanh nghiệp xả thải quy mô lớn gây ô nhiêm môi trường, doanh nghiệp vi phạm không có kế hoạch bảo vệ môi trường, vi phạm tài nguyên nước tăng. Đặc biệt doanh nghiệp sản xuất dọc các kênh thuỷ lợi xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước gia tăng. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp vẫn lén lút xả nước thải sản xuất vào đường thoát nước mưa; một số doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo quy định, hoặc xây dựng chỉ để đối phó với cơ quan chức năng, có nhưng không thường xuyên vận hành. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: không thực hiện hồ sơ pháp lý môi trường, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép; chuyển giao, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định…

2.2- Về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và các công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp. Khi phát hiện các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp chủ trì lập biên bản vi phạm trình Ủy ban nhân dân thành phố hoặc chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định. Kết quả xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường trong các khu chế xuất và công nghiệp do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp tham mưu xử lý như sau: năm 2016 xử phạt 06 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 400 triệu đồng; năm 2017 xử phạt 09 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 3,778 tỷ đồng; năm 2018 xử phạt 23 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 3,832 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Thành phố, từ năm 2016 đến năm 2018, Phòng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra và đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường như sau:

+ Năm 2016: đã kiểm tra xử lý 14 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành 14 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 1,523 tỷ đồng; 15 doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 1,360 tỷ đồng.

+ Năm 2017: đã kiểm tra xử lý 20 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành 20 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 2,256 tỷ đồng; 11 doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành 11 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 1,485 tỷ đồng.

+ Năm 2018: đã kiểm tra xử lý 15 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 5,560 tỷ đồng; 10 doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 1,161 tỷ đồng.

 

III. Đánh giá chung

1. Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đánh giá cao công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố; công tác phối hợp của các sở, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các quận/huyện luôn được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Việc ủy quyền công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao của Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có khu chế xuất, khu công nghiệp cho Ban Quản lý đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả cơ chế “một cửa – tại chỗ”.

Việc xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thường xuyên, định kỳ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.

Các công ty phát triển hạ tầng phối hợp thường xuyên trong công tác kiểm tra, giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh, đặc biệt là vai trò của bộ phận bảo vệ môi trường của các các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Việc đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại các các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao góp phần kiểm soát chất lượng nước thải.

2. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau:

2.1- Các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, chưa điều chỉnh hết các đối tượng, cụ thể như:

- Trong thực tiễn có nhiều doanh nghiệp thuê, mua lại nhà xưởng đã xây dựng sẵn và tiến hành lắp đặt máy móc thiết bị để sản xuất, nhưng không thực hiện thủ tục pháp lý môi trường, do đó đã hoạt động thì theo quy định không cấp hồ sơ pháp lý về môi trường, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như gây khó khăn, vướng mắc khi các doanh nghiệp hoạt động mà không có pháp lý môi trường.

- Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019) không quy định về nội dung ủy quyền cho Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp cấp hồ sơ pháp lý về môi trường, điều này đã ảnh hưởng đến việc tiếp nhận hồ sơ, pháp lý môi trường trong các khu.

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu, tuy nhiên đến nay chưa có Thông tư quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn thông thường, thiếu quy định về tái sử dụng các loại chất thải phát sinh.

- Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định xử phạt hành vi xả nước thải của doanh nghiệp có một trong các thông số môi trường vượt tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải của Công ty phát triển hạ tầng (không xả nước thải trực tiếp ra môi trường). Nội dung này không phù hợp vì nước thải không thải trực tiếp ra môi trường và hành vi này xử lý thông qua các hợp đồng dân sự về đấu nối nước thải giữa doanh nghiệp và Công ty phát triển hạ tầng.

+ Hành vi vi phạm về không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có Kế hoạch bảo vệ môi trường, ngoài hình thức phạt tiền sẽ bị xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng hoặc từ 06 tháng đến 12 tháng. Nội dung này chưa phù hợp vì lỗi vi phạm hồ sơ pháp lý, doanh nghiệp có thể chấp hành nộp phạt hành chính và lập thủ tục tại cơ quan chức năng, nếu đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và người lao động đang làm việc tại nhà máy.

+ Về cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính: theo quy định, trường hợp Doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị cưỡng chế thi hành. Các biện pháp cưỡng chế theo quy định hiện nay gồm khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá, thu tiền tài sản…Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các biện pháp này phù hợp để cưỡng chế buộc nộp tiền phạt nhưng chưa phù hợp trong việc cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả hoặc cưỡng chế thi hành biện pháp phạt bổ sung buộc ngưng hoạt động. Thực tiễn, điện được sử dụng hầu hết trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nếu áp dụng cưỡng chế bằng hình thức buộc ngưng cung cấp điện phục vụ sản xuất sẽ rất hiệu quả, ít tốn kém, dễ thực hiện. Vì vậy đề nghị bổ sung biện pháp ngắt điện phục vụ sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

+ Về thẩm quyền cưỡng chế:

- Khoản 1, Điều 58 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định biện pháp cưỡng chế, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục, tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa cụ thể, rõ ràng.

- Khoản 2, Điều 58 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế áp dụng hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động… do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phối hợp thực hiện là chưa phù hợp: việc buộc đình chỉ hoạt động là một trong các hình thức xử phạt (hình thức phạt bổ sung) được thể hiện trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, không chấp hành hình thức phạt bổ sung đồng nghĩa không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay chỉ có quy định cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không có quy định cưỡng chế hình thức phạt bổ sung. Mặt khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi có hình thức phạt bổ sung là buộc đình chỉ hoạt động. Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình.

+ Về thẩm quyền xử phạt: Mức phạt tiền của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện được tăng rất cao (tăng 10 lần), tuy nhiên thẩm quyền phạt tiền của các chức danh không thay đổi. Đa phần các vụ việc vi phạm trên địa bàn thành phố hiện nay đều thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Do đó để tăng tính chủ động của địa phương, để xử lý vi phạm được kịp thời thì cần nâng thẩm quyền phạt tiền cho chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra chuyên ngành, Công an nhân dân…

- Hiện nay nội dung phản ánh ô nhiễm môi trường tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chủ yếu tập trung khí thải ô nhiễm và mùi hôi phát sinh từ hoạt động sản xuất thức ăn gia súc, chế biến cao su, chế biến thuốc lá,… nhưng cho đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật về mùi hôi nên khó khăn trong công tác giải quyết phản ánh của người dân.

- Khoản 3, Điều 40 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định việc quản lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải như sau “bùn thải có yếu tố vượt ngưỡng chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại; bùn thải không có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường”. Theo đó, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP không phân định bất kỳ loại bùn thải phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải luôn là chất thải nguy hại (ký hiệu **). Tuy nhiên, tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải thuộc các nhóm nguồn hoặc dòng thải chính tương ứng với các mã chất thải nguy hại, cụ thể: nhóm sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hóa chất vô cơ với mã chất thải nguy hại 02 05 01; nhóm sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hoá chất hữu cơ với các mã chất thải nguy hại 03 01 08, 03 02 08, 03 03 08, 03 04 08, 03 05 08, 03 06 08, 03 07 08; nhóm xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác với các mã chất thải nguy hại 07 01 05, 07 03 07; Bùn thải có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý sinh học của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khácvới mã 12 06 07 và Bùn thải có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý nước thải khác của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác với mã 12 06 08 là chất thải nguy hại trong mọi trường hợp (**) là không phù hợp với tính chất, thành phần đặc trưng cùa bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải từ trước đến nay. Điều này dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý bùn thải trong khu công nghiệp.

2.2- Công tác thu gom của các đơn vị thu gom sau phân loại chưa đảm bảo: không đúng lịch, thu gom chung 02 loại trong 01 thiết bị. Trong khi, ý thức của người lao động chưa cao, còn nhầm lẫn giữa các loại chất thải, chưa tạo thành thói quen khi phân loại.

2.3- Các tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các quy định về áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ; việc cưỡng chế thực hiện các quyết định vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa có hướng dẫn chi tiết, một số trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng chây ì, không chịu nộp phạt.

2.4- Kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm đều phụ thuộc tiến độ cấp phát của Sở Tài nguyên và Môi trường, do đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố không có kinh phí để đo đạc, lấy mẫu đối với các trường hợp có phát sinh khí thải, nước thải trong quá trình giải quyết khiếu nại của người dân và các Doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp.

2.5- Đối với các Công ty Phát triển hạ tầng:

- Mặc dù đã có quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp với Công ty Phát triển hạ tầng, tuy nhiên tại một số khu công nghiệp nhân sự làm công tác bảo vệ môi trường tại các Công ty Phát triển hạ tầng chưa đảm bảo xử lý tốt các vấn đề môi trường phát sinh; vẫn còn tình trạng một số khu công nghiệp chưa kiểm soát tốt việc đấu nối thoát nước, doanh nghiệp vi phạm đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước mưa; một số khu công nghiệp nằm ở vùng đất yếu nên hạ tầng về môi trường xuống cấp như hệ thống hố ga, đường ống thu gom nước thải bị lún sụt, dẫn đến nguy cơ nước thải rò rỉ ra môi trường bên ngoài như khu công nghiệp Lê Minh Xuân, khu công nghiệp Tân Tạo, khu công nghiệp Cơ khí ô tô,…

- Một số khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được tỷ lệ cây xanh tối thiểu theo quy định do phần đất quy hoạch cây xanh chưa được giải tỏa thu hồi đất.

2.7- Đối với các doanh nghiệp:

- Một số doanh nghiệp mang tư tưởng đối phó với cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường; còn xảy ra tình trạng xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm cục bộ nhưng không hoạt động, chỉ vận hành hệ thống khi có kiểm tra, thanh tra hoặc hệ thống xử lý nước thải cục bộ đã xuống cấp, kết quả xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng vẫn đưa vào mạng lưới thu gom dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu chế xuất, khu công nghiệp.

- Việc giám sát chất lượng môi trường định kỳ không phản ánh trung thực mức độ ô nhiễm do hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp gây ra (do trước khi kiểm tra, cac đoàn kiểm tra phải có văn bản thông báo thực hiện đến các doanh nghiệp, nên một số doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đối phó).

- Việc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như đối với các trường hợp doanh nghiệp chỉ phát sinh một lượng chất thải nguy hại khối lượng nhỏ (Giẻ lau nhiễm dầu, bóng đèn huỳnh quang thải) thì khó hợp đồng với các đơn vị thu gom, xử lý dẫn đến việc bị xử lý vi phạm trong công tác quản lý chất thải nguy hại. Còn nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng chuyển giao xử lý chất thải nguy hại nhưng tuân thủ đúng qui trình, chưa thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, để lẫn lộn vào chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp không nguy hại.

- Một số lượng lớn các doanh nghiệp không có nhân viên phụ trách về công tác bảo vệ môi trường, chủ yếu là kiêm nhiệm. Số lượng doanh nghiệp tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về công tác bảo vệ môi trường chưa cao (bình quân 40 – 50% số doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp), từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ môi trường.

- Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp hoạt động nhưng không thực hiện pháp lý môi trường hay không thực hiện lại pháp lý môi trường khi thay đổi công nghệ, tăng quy mô…, chưa thực hiện thủ tục đăng ký Sổ chủ nguồn chất thải nguy hại, khai thác nước ngầm không phép hoặc giấy phép khai thác đã hết hạn. Công tác quản lý hồ sơ về môi trường tại nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm, không lưu giữ các hồ sơ môi trường, không thực hiện đúng các qui định về bảo vệ môi trường đã được các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.

- Các vi phạm trong công tác quản lý chất thải như: chuyển giao xử lý không đúng quy định, không bố trí an toàn khu vực lưu giữ chất thải; xả thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép; nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường bằng hệ thống thoát nước mưa; không vận hành các hệ thống xử lý; có xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng đã xuống cấp, hiệu quả xử lý không cao hoặc không vận hành; thoát nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép đưa vào mạng lưới thu gom, dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống xử lý nước thải tập trung khu chế xuất, khu công nghiệp.

III. KIẾN NGHỊ

1. Đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương:

- Kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường một cách toàn diện, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những  bất cập giữa Luật Bảo vệ môi trường và các Luật khác có liên quan; xem xét sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính răn đe.

- Kiến nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc (được nêu tại Mục 2.1 Phần III của báo cáo).

- Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại; ban hành Thông tư quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn thông thường và tái sử dụng các loại chất thải phát sinh; sớm có văn bản hướng dẫn về việc uỷ quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp giải quyết thủ tục môi trường cho các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và ban hành hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật về mùi hôi phát sinh từ các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

- Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý môi trường chung cho các khu công nghệ cao Quốc gia; xem xét, điều chỉnh Công văn số 3345/BTNMT-TCMT ngày 12/8/2016 đối với bùn thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp được quy định là chất thải nguy hại vì hàng năm nhà máy xử lý nước thải khu công nghệ cao đều tiến hành lấy mẫu kiểm tra và kết quả bùn thải của nhà máy có các thành phần nguy hại thấp hơn so với ngưỡng cho phép theo quy định. Đối với quản lý bùn thải nguy hại trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, kiến nghị điều chỉnh Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT cho phù hợp với thực tế.

- Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động các đơn vị quan trắc môi trường để đảm bảo kết quả đo đạt môi trường chính xác, khách quan.

- Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét lại quy định mật độ cây xanh trong từng lô đất công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố thực hiện công tác cấp Giấy phép xây dựng căn cứ nội dung Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng của cấp có thẩm quyền hoặc Quy chuẩn Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng đối với việc quy định về tỷ lệ đất trồng cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình (trong trường hợp Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết không có đề cập).

Tuy nhiên, theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành “Quy chuẩn Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng”, tại mục 2.8.8 quy định tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình là 20% (Bảng 2.8). Qua thực tiễn quản lý và tiếp thu phản ánh của một số doanh nghiệp, nếu mật độ xây dựng công trình tối đa trong các lô đất thuê là 70%, thì 30% diện tích còn lại phải đảm bảo bố trí đường giao thông, khoảng lùi xây dựng, hành lang an toàn phòng cháy, chữa cháy và cây xanh. Như vậy, nếu bố trí đất để trồng cây xanh phải đảm bảo theo Quy chuẩn xây dựng tối thiểu 20% là không phù hợp với thực tế và rất khó thực hiện, đối với những doanh nghiệp thuê lô đất nhỏ.

- Kiến nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như đình chỉ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động công đoạn sản xuất gây ô nhiễm,…các biện pháp cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện, cấp nước để không đơn vị vi phạm không có điều kiện tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

2. Đối với Thành phố:

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp nói riêng cũng như các doanh nghiệp nói chung.

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tiếp tục tăng cường hiệu quả phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ môi trường tại các khu chế xuất và công nghiệp giữa Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện; giám sát chặt chẽ chất lượng chất thải, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp xả lén nước thải không qua xử lý vào môi trường. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo sớm ban hành quy định về cơ chế phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị hoạt động trong khu công nghiệp nhưng do sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân quận - huyện giao thuê đất và cấp phiếu đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố có cơ chế chia sẻ kết quả quan trắc tự động chất lượng nước thải, khí thải cho các cơ quan đơn vị có liên quan để xử lý kịp thời tình trạng gây ô nhiễm môi trường, không để ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

- Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố thường xuyên, định kỳ chủ trì kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, xử lý các doanh nghiệp trong Khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp và thông tin kết quả đến Ủy ban nhân dân các quận – huyện để phối hợp trong công tác quản lý nhà nước.

- Kiến nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý với địa phương để giải quyết, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường phối hợp và có cơ chế thông tin nhanh với Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp để chia sẻ thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả hơn.


[1] Quyết định số 46/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 về quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các KCX, KCN trên địa bàn thành phố ; Quyết định số 1621/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2017 về ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT ; Quyết định 08/2017/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2017 về quy chế tổ chức hoạt động của BQL các KCX và KCN thành phố ; Quyết định số 6254/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2017 ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT;  Quyết định số 4712/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2018 về ủy quyền cho các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thành phố; Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2017 về ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017-2020;  Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2018 về quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

 

[2] - Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (17 ha): đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp; Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng Bình Chánh; vị trí: xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; ngành nghề, lĩnh vực: chủ yếu cơ khí, thực phẩm, thủy tinh, cao su – nhựa…

- Cụm công nghiệp Nhị Xuân (54,02 ha): đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp; Chủ đầu tư: Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố; vị trí: xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn; ngành nghề, lĩnh vực: cụm đa ngành và công nghiệp hỗ trợ không gây ô nhiễm môi trường..

- Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (tên cũ Cụm công nghiệp Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, 89 ha): đang đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động; Chủ đầu tư: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; vị trí: xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

- Cụm công nghiệp Quy Đức (50 ha): đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động; Chủ đầu tư:  Công ty CP Bất động sản CT (Công ty thành viên của C.T Group); vị trí: xã Quy Đức, huyện Bình Chánh.

- Cụm công nghiệp Bàu Trăn (75 ha): đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động; Chủ đầu tư: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khánh Thuận; vị trí: Xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

- Cụm công nghiệp Dương Công Khi (46,41 ha): đang kêu gọi chủ đầu tư hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động.

[3] Trong đó: cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân: 133 doanh nghiệp; cụm công nghiệp Nhị Xuân: 22 doanh nghiệp.

[4] Bao gồm: 17 khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó 15 khu công nghiệp, khu chế xuất do Sở Tài nguyên và Môi trường đầu tư, quản lý và vận hành (trừ KCN Đông Nam và KCN Cơ khí ô tô); 02 trạm quan trắc tự động nước thải sau xử lý của cơ sở nguồn thải lớn nằm trong KCN, CCN mà được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, HTXLTT: Bia Sài Gòn Củ Chi và Công ty Cổ phần bia Sài Gòn Bình Tây; 01 trạm quan trắc tự động khí thải của doanh nghiệp (nguồn thải lớn) trong KCN Hiệp Phước: Xi măng Siam City.

 ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020



Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020


tin nổi bật
Số lượt truy cập
07990647
Liên kết website




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn