Thực hiện Chương trình công tác năm 2019, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã tổ chức Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Quận 12, Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến 31/12/2018”.
Dưới đây là báo cáo kết quả giám sát:
I. VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN
1. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ - ngành Trung ương, địa phương để triển khai thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án.
Căn cứ Luật Đất đai 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ và Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2015 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở quy định của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ và Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9 tháng 8 năm 2018 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố (thay thế Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2015).
2. Đánh giá nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, địa phương ban hành về tính hợp hiến, hợp pháp; tính đồng bộ, thống nhất; tính phù hợp, khả thi; tính hiệu lực, hiệu quả.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân Thành phố, Luật đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Quyết định, văn bản hướng dẫn dưới luật của các Bộ ngành Trung ương ban hành đã thể hiện sự tiến bộ so với Luật Đất đai 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 1998 và năm 2001) về các điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên có một số quy định chưa đảm bảo tính đồng bộ hoặc chưa sát thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phải báo cáo xin ý kiến của Trung ương để có cơ chế, quy trình “đặc thù” phù hợp với thực tiễn Thành phố.
3. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án; trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị trong thực hiện chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
3.1- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án
Cuối năm 2017, Uỷ ban nhân dân thành phố đã xây dựng chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn thành phố” và tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 12 tháng 01 năm 2018 về tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 – 2020 (xác định rõ 04 mục tiêu phải thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020). Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2018 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ủy ban nhân dân Thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố áp dụng thí điểm “Cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
3.2- Trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị trong thực hiện chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
Theo Điểm k, khoản 5, Điều 2 Thông tư số liên tịch 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Liên bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp bị thu hồi đất theo quy định”. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các Sở, ngành liên quan, cụ thể: tham mưu ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU của Thành ủy; thành lập Phòng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham mưu thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố; tham mưu ban hành Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND và Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND; đã tham mưu Thành phố ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân quận – huyện thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân Thành phố trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức giao ban định kỳ với Ủy ban nhân dân quận – huyện…
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng thẩm định Bồi thường Thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Thường trực Ban Chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Thành phố tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
II. VỀ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN
1. Về công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án
1.1-Về đảm bảo quy trình, thủ tục trong công tác thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo, quán triệt Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định pháp luật.
1.2- Số liệu tổng hợp theo báo cáo của 21/24 quận – huyện (quận 3, quận 5 và quận Phú Nhuận chưa báo cáo) từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực đến 31/12/2018:
Nội dung | Tổng số | Vốn ngân sách Nhà nước | Tổ chức sử dụng đất ứng vốn để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư |
Tổng số dự án có thu hồi đất | 441 | 417 | 24 |
Số dự án đã hoàn thành bàn giao mặt bằng | 107 | 97 | 10 |
Số dự án đang triển khai | 310 | 298 | 12 |
Số dự án chậm triển khai và quá hạn theo luật định | 24 | 22 | 02 |
2. Về bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi
2.1- Công tác lập, thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Thời gian vừa qua, việc xác định giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật đất đai 2013 được hướng dẫn bởi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014. Ủy ban nhân dân Thành phố có Công văn số 7879/UBND-ĐTMT ngày 10 tháng 12 năm 2015 về quy trình tạm thời về lập, thẩm định và phê duyệt các giá cụ thể tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó, ngày 04 tháng 02 năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 1156/TNMT-KTĐ, Công văn số 13268/STNMT-KTĐ ngày 12 tháng 12 năm 2016 (sửa đổi, bổ sung) và Công văn 10124/STNMT - KTĐ ngày 19 tháng 10 năm 2018 để hướng dẫn cách thức triển khai công tác xác định giá đất trên để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn thành phố. Ngoài các Công văn nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có nhiều văn bản hướng dẫn các quận, huyện cũng như Đơn vị tư vấn triển khai thực hiện.
Kết quả thực hiện công tác này theo Luật Đất đai 2013 tính đến nay: Tổng số dự án do Ủy ban nhân dân các quận đề xuất: 466 dự án; Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định duyệt giá: 227 dự án; Đang trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố: 24 dự án; Ủy ban nhân dân quận đang niêm yết: 34 dự án; Đề nghị Ủy ban nhân dân quận rà soát pháp lý, bổ sung thông tin, điều chỉnh lại chứng thư: 155 dự án.
2.2- Số liệu tổng hợp công tác bồi thường, hỗ trợ theo báo cáo của 21/24 quận – huyện (quận 3, quận 5 và quận Phú Nhuận chưa báo cáo):
Tổng số người sử dụng đất bị thu hồi đất: 20.865 trường hợp
a) Tiến độ chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
- Đã nhận tiền: 11.313 trường hợp, với số tiền 11.766,970 tỷ đồng;
- Chưa nhận tiền: 9.552 trường hợp, với số tiền 1.827,935 tỷ đồng;
b) Đã bàn giao mặt bằng: 4.704 trường hợp;
c) Phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất: 132 trường hợp.
2.3 Việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho hộ gia đình cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất:
Trước khi Luật Đất đai 2013 ban hành, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 27/10/2006 về thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Theo đó, kết quả hỗ trợ học phí đào tạo nghề và sinh hoạt phí đối với học viên là thành viên của hộ có đất bị thu hồi từ năm 2008 đến 31/12/2018 của thành phố như sau: hỗ trợ học phí đào tạo nghề hệ Trung cấp, Trung cấp chuyên nghiệp cho 858 lượt học viên với tổng số tiền là 1.075.415.000 đồng; hỗ trợ học phí đào tạo nghề sơ cấp cho 1.022 lượt học viên với tổng số tiền là 1.089.169.910 đồng; hỗ trợ sinh hoạt phí đào tạo nghề sơ cấp cho 278 lượt học viên với tổng số tiền là 139.068.529 đồng (Chi tiết theo Phụ lục 1 đính kèm).
Ngày 09 tháng 4 năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Về chính sách hỗ trợ: có 03 chính sách hỗ trợ là hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3. Về công tác tái định cư
3.1- Việc lập và thực hiện dự án phát triển nhà ở phục vụ tái định cư:
Trước khi có Luật Đất đai 2013, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ động ban hành các cơ chế khuyến khích và ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở phục vụ tái định cư như “ưu đãi về lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư từ 1-12% giá trị xây lắp tùy theo nguồn vốn mua lại nhà ở phục vụ tái định cư theo giá thị trường hoặc thanh toán bằng quỹ đất trống đã bồi thường giải phòng mặt bằng”([3]), “mua lại nhà ở thương mại theo giá thị trường để phục vụ tái định cư”[4]. Có thể nói, Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư như Chương trình 12.500 căn hộ thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và quỹ nhà, đất trên địa bàn 24 quận, huyện với 31.329 căn hộ và nền đất đã xây dựng hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị của Thành phố.
Khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2018,Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo rà soát tổng thể nguồn nhà thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ tái định cư hiện có và điều chỉnh phương thức phát triển nhà ở phục vụ tái định cư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án đang triển khai, tập trung phát triển nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại trong trường hợp cần thiết, nhằm chủ động đáp ứng toàn diện nhu cầu tái định cư cho các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị ngày càng lớn của Thành phố và phát huy hiệu quả việc bố trí sử dụng quỹ nhà ở, đất ở thuộc sở hữu Nhà nước. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo thực hiện công tác điều tra xã hội học về nhu cầu tái định cư khi đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị, trong đó lưu ý nhu cầu tái định cư tại chỗ của các hộ dân để xem xét, quy hoạch đầu tư các khu tái định cư tại chỗ phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn quận, huyện và quy định pháp luật. Kết quả trong giai đoạn này, thành phố đã đầu tư xây dựng và mua lại 15 dự án nhà ở phục vụ tái định cư, với quy mô 9.721 căn hộ và nền đất (8.798 căn hộ và 923 nền đất).
Hầu hết các dự án đều sử dụng quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư, chỉ có một số ít các dự án Thành phố chấp thuận đầu tư dự án tái định cư. Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư giai đoạn 2018 – 2020, làm cơ sở đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường; tạo điều kiện cho người có đất thu hồi được lựa chọn hình thức tái định cư phù hợp; phân cấp, xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc chuẩn bị, đầu tư xây dựng về số lượng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nền đất ở phục vụ tái định cư các dự án có thu hồi đất trên địa bàn quận, huyện.
Ngày 20 tháng 10 năm 2018, Uỷ ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 4712/QĐ-UBND về ủy quyền cho các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân thành phố, theo đó Uỷ ban nhân dân thành phố đã ủy quyền quận - huyện “quản lý và tự cân đối, sử dụng nhà, đất tái định cư trên địa bàn quận – huyện phù hợp” với điều kiện của địa phương.
3.2- Công tác bố trí sử dụng nhà ở, đất ở tái định cư:
Từ sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Thành phố đã bố trí sử dụng 2.697 căn hộ và nền đất (gồm 2.233 căn hộ và 464 nền đất) để tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chỉnh trang đô thị, trọng điểm trên địa bàn thành phố([6]); chưa bố trí sử dụng 7.024 căn hộ và nền đất (6.565 căn hộ và 459 nền đất), chiếm tỷ lệ 72%.
(Chi tiết xem Phụ lục 2 đính kèm)
4. Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án
4.1- Công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, tổng số cuộc thanh tra liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án (từ ngày 01/7/2014 đến ngày 31/12/2018) là 05 cuộc. Đã ban hành Kết luận thanh tra 05 cuộc, trong đó Ủy ban nhân dân Thành phố đã có văn bản xử lý đối với 04 Kết luận thanh tra của 04 cuộc. Kết quả thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 527.154.493 đồng; kiến nghị xử khác về kinh tế 527.154.493 đồng; kiến nghị xử lý hành chính 06 tập thể và 06 cá nhân. Đã xử lý hành chính 04 tập thể và 06 cá nhân.
4.2- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án.
4.2.1- Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền xác minh, đề xuất của Thanh tra Thành phố:
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 (ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, Thanh tra Thành phố đã tiếp nhận 699 đơn (gồm 671 đơn khiếu nại, 28 đơn tố cáo) liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đối với đơn khiếu nại, đã xử lý 662/671 đơn (đạt 98,66%). Đối với tố cáo, đã xử lý 27/28 đơn (đạt 96,43%).
4.2.2- Đơn do Ủy ban nhân dân thành phố giao thẩm tra, rà soát:
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, tổng số hồ sơ tiếp nhận liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 154 hồ sơ. Thanh tra Thành phố đã xem xét, giải quyết 154/154 hồ sơ (đạt 100%). Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi về cho ngân sách Nhà nước khoảng 4 tỷ đồng; kiến nghị đem lại quyền lợi cho người dân số tiền khoảng 30 tỷ đồng; đồng thời, đã kiến nghị một số nội dung như: công nhận chủ quyền nhà, đất cho người dân, xem xét tiền hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà nước chậm thi công, giải quyết tái định cư.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố nhận thấy Ủy ban nhân dân thành phố đã quan tâm rà soát, xem xét giải quyết những vướng mắc khó khăn của quận – huyện về việc áp dụng chính sách và trình tự thủ tục để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các dự án có thu hồi đất; đã phát huy tốt các nguồn lực xã hội từ các nhà đầu tư để xây dựng quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư của thành phố, hạn chế phát sinh tạm cư kéo dài, đồng thời có quỹ nhà dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp như sạt lở bờ sông, cháy nổ, di dời khẩn cấp các hộ dân trong các chung cư có nguy cơ sụp đổ, v.v... đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội của thành phố. Công tác đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư từ việc sử dụng vốn ngân sách là chính đã chuyển dần sang phương thức xã hội hóa, thông qua việc đặt hàng xây dựng hoặc mua lại quỹ nhà. Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, Thành phố đã quy định hỗ trợ bằng tiền với mức bằng 05% giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện tái định cư nhưng tự nguyện không nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà tự lo chỗ ở mới.
2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố vẫn còn những mặt hạn chế cần được khắc phục:
2.1-Về công tác tổ chức triển khai thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án:
- Thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy hoạch phát triển đô thị được điều chỉnh và ngày càng mở rộng, khối lượng các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn rất lớn. Trước Luật đất đai 2013, một số khu vực đã có quy hoạch, đã có chủ trương đầu tư, chủ trương thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất nhưng chậm hoặc chưa triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Khu đô thị Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh, Khu Đô thị Tây Bắc Củ Chi…) làm hạn chế quyền lợi của người dân. Do thời gian thực hiện dự án kéo dài và áp lực về nhu cầu nhà ở trong quá trình phát triển đô thị nên phát sinh nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà, công trình không phép gây khó khăn và tạo áp lực rất lớn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, diễn biến quá trình sử dụng đất rất phức tạp trong khi hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai, cập nhật chỉnh lý biến động trong sử dụng đất chưa đầy đủ, kịp thời.
- Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên điều chỉnh, bổ sung theo hướng cơ lợi hơn cho người dân nhưng không áp dụng cho các dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chính sách trước đó. Theo quy định tại Khoản 6, Điều 210 Luật đất đai 2013 thì đối với các dự án đang chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và dự án đã phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt trước ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật đất đai 2013. Hiện nay, thành phố còn tồn tại một số dự án, các quận, huyện gặp nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt trước đây để bàn giao mặt bằng; phát sinh nhiều khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Tuy nhiên, có trường hợp quy định mới có giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thấp hơn quy định cũ (theo quy định của Luật đất đai 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP đã không còn chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở mà sẽ thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể, vì vậy trong một số trường hợp cụ thể thì mức giá đất cụ thể tính bồi thường theo Luật đất đai 2013 thấp hơn mức bồi thường theo Luật đất đai 2003). Việc thay đổi chính sách này cũng gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay.
- Trong thực tế, nhiều khu vực do kéo dài thời gian thực hiện quy hoạch hoặc dự án nên có nhiều trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp hoặc lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch hoặc lấn, chiếm đất do cơ quan nhà nước quản lý và xây dựng không phép để làm nhà ở. Theo quy định pháp luật thì những trường hợp này nếu có thời điểm vi phạm trước 15 tháng 10 năm 1993 hoặc trước 01 tháng 7 năm 2004 thì không được bồi thường mà chỉ xem xét hỗ trợ 30% đến 40% giá đất ở; nếu chuyển mục đích sau ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì không được hỗ trợ. Phần lớn các trường hợp này có nguyện vọng được hỗ trợ từ 70% đến 80% giá đất ở để tự lo nơi ở mới hoặc đủ tiền thanh toán giá trị nhà đất tái định cư. Nhiều trường hợp hộ dân không đồng ý dẫn đến thời gian hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài; việc bàn giao mặt bằng rất khó khăn, nhiều trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với các hộ không chấp hành, nên không thể bàn giao mặt bằng theo tiến độ.
- Việc khảo sát, điều tra, đo vẽ, kiểm đếm đất, nhà – công trình vật kiến trúc trên đất phải thực hiện cho từng trường hợp bị ảnh hưởng thu hồi đất nên khối lượng công việc rất lớn, ngoài ra việc xác định pháp lý về sử dụng đất, nhà – công trình vật kiến trúc trên đất của những trường hợp không hợp pháp hoặc có vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng (lấn, chiếm đất; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà ở sai phép hoặc không phép; chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay và không cập nhật chỉnh lý biến động nhà đất theo quy định, …) rất phức tạp và cần nhiều thời gian để hoàn thành. Trường hợp dự án có số lượng lớn các trường hợp bị thu hồi đất thì cũng chưa có quy định về phân kỳ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành nhiều giai đoạn để phù hợp với tiến độ sử dụng đất của dự án.
- Công tác phối hợp giữa quận – huyện với các Sở, ngành còn hạn chế, nhất là trong 03 nội dung công tác: công tác ghi vốn thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong kế hoạch đầu tư công hàng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố; công tác điều chuyển cân đối quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư và việc hướng dẫn công tác lập, thẩm định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án có thu hồi đất chưa được thực hiện tốt. Hầu hết các chủ đầu tư chỉ tập trung cho việc khảo sát địa chất, thuê tư vấn thiết kế, nhưng không thực hiện việc điều tra xã hội học đối với người có đất thu hồi, thu thập pháp lý về tình trạng sử dụng nhà đất trong ranh thu hồi đất của dự án, giá bồi thường đất và chuẩn bị phương án giải quyết tái định cư, ổn định cuộc sống người dân sau khi thu hồi đất. Việc bố trí vốn phục vụ chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án có thu hồi đất, nhất là trường hợp đã có chủ trương tách phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện độc lập với dự án chính thường chậm, gây khó khăn cho việc triển khai dự án, có trường hợp người dân đồng ý giá bồi thường, phương án bồi thường nhưng chậm được chi trả do thiếu vốn; nhiều trường hợp chỉ chi trả được 20% - 30% số tiền được bồi thường. Do đó, nhiều dự án chưa đảm bảo đầy đủ 06 điều kiện khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà pháp luật đã quy định.
- Một số cấp ủy, địa phương, đơn vị và lãnh đạo sở - ngành, cơ sở thiếu sâu sát, cụ thể, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn hạn chế về nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ.
- Do mô hình tổ chức Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận – huyện không có trong quy định pháp luật và phải áp dụng cơ chế tự chủ tài chính nên không đảm bảo sự ổn định và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận – huyện.
2.2- Về công tác lập, thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
- Công tác thẩm định giá bồi thường gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở để xác định giá đất (giá thị trường) của các loại đất thuộc khu vực triển khai dự án bồi thường hoặc khu vực lân cận. Giá chuyển nhượng thành trong các giao dịch đất đai thường không thể hiện chính xác trong hợp đồng do trốn thuế. Bảng giá đất công bố hàng năm thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường chuyển nhượng; không có một thị trường thật sự có sự quản lý của nhà nước đối với bất động sản, do đó khó khăn trong thẩm định giá bồi thường.
- Thời gian thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn kéo dài do còn nhiều vướng mắc kiến nghị của Thành phố chưa được Trung ương giải quyết. Việc thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày với quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng người sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi dự án theo quy định gây khó khăn cho các địa phương, hầu hết các dự án không đảm bảo được quy định này.
- Một số quận huyện chưa thực hiện hết trách nhiệm như không xem xét tính hợp lý giá đất do tư vấn đề xuất, đề xuất giá quá cao để hy vọng người dân đồng thuận, sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng; hoặc tuyệt đối hóa giá thị trường nên đề xuất giá trên cơ sở một số thông tin giao dịch có tính đột biến (cao) mà bỏ qua quy định của Thông tư 36/2014/TT-BTNMT (chưa xem xét tính phổ biến của giá đất giao địch) và việc cân đối với các điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và đặc biệt là mặt bằng giá bồi thường về đất đang áp dụng trên địa bàn hoặc khu vực lân cận; hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào đề xuất của đơn vị tư vấn mà không xem xét tính hợp lý v à các yếu tố khác. Việc này gây khó khăn cho công tác thẩm định, nhiều trường hợp phải làm lại hồ sơ dẫn đến việc phê duyệt giá bồi thường kéo dài.
- Việc tính giá bồi thường đối với đất nông nghiệp chưa phù hợp giá đất tính theo mục đích sử dụng trên giấy chứng nhận, thực tế đất nông nghiệp hầu hết không sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Giá bồi thường không đủ để mua lại diện tích đất nông nghiệp tương đương trên cùng địa bàn. Các quy định về xác định hỗ trợ khó thực hiện như việc ghi cụ thể nội dung xác nhận có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
- Thời gian thẩm định giá của một số dự án kéo dài, phải lập lại chứng thư thẩm định nhiều lần gây mất thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
2.3- Về công tác tái định cư:
- Việc dự báo, đánh giá nhu cầu về nhà ở tái định cư, lập kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư còn nhiều hạn chế, chủ yếu là đo vẽ hiện trạng, thu thập pháp lý về nhà, đất, nhân khẩu để đưa vào phương án bồi thường, chưa gắn kết với kế hoạch vốn và kế hoạch đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị, công ích có bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo các điều kiện để thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
- Công tác bố trí nhà ở, đất ở tái định cư còn bất cập, có vị trí cách xa vị trí thu hồi đất. Hầu hết người dân có mong muốn được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc gần nơi ở cũ; nhiều hộ dân mong muốn nhận nền đất ở thay vì nhận căn hộ chung cư, nhưng quỹ nhà ở đất ở tái định cư có sẵn của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu tái định cư của người dân.
- Nhiều trường hợp đủ điều kiện mua căn hộ, mua đất ở tái định cư, nhưng do giá bồi thường, hỗ trợ thấp, không đủ để mua căn hộ hoặc đất ở tái định cư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Chính sách tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện bồi thường hoặc giá trị bồi thường không đủ để tự tạo lập nhà ở chủ yếu thực hiện thông qua việc cho thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu doanh nghiệp (trong dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn ngoài ngân sách Nhà nước). Tuy nhiên, chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đối tượng được bố trí nhà ở xã hội (công nhân, người lao động có thu nhập thấp) nên các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường hoặc giá trị bồi thường không đủ để tự tạo lập nhà ở hiện nay vẫn phải xem xét giải quyết thuê hoặc mua trả chậm, trả góp nhà ở thương mại thuộc sở hữu nhà nước.
-Việc chuyển nhượng phải theo quy định là sau 05 năm mới được chuyển nhượng, v.v... Một số chủ đầu tư dự án nhà ở tái định cư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính, dẫn đến việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho người dân đã được bố trí tái định cư.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đối với Quốc hội
1.1- Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
- Điều chỉnh, bổ sung quy định tại Điều 195 Luật đất đai 2013 theo hướng trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải là một nội dung thủ tục hành chính về đất đai; điều chỉnh, bổ sung Điều 69 Luật đất đai 2013 theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết để áp dụng thống nhất giữa các địa phương.
- Điều chỉnh, bổ sung quy định phê duyệt giá đất cụ thể tính bồi thường phải cùng một ngày hoặc cùng thời điểm với quyết định thu hồi đất tại Điều 69 và Điều 74 Luật Đất đai 2013 theo hướng: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng người bị ảnh hưởng thu hồi đất chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
- Quy định thêm trong Luật đất đai phương thức bồi thường khi thu hồi đất: đối với các thành phố là đô thị đặc biệt khi thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân việc bồi thường được thực hiện theo nguyên tắc tại khoản 2, Điều 74 Luật đất đai, nếu không có đất cùng loại để bồi thường thì được giao đất ở hoặc đất phi nông nghiệp khác không phải là đất ở. Về tỷ lệ hoán đổi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo từng dự án cụ thể.
- Trường hợp Tòa án ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án theo Điều 61, 62 Luật Đất đai 2013 nhưng chậm đưa ra xét xử. Kiến nghị thực hiện như sau:
Theo quy định tại Điều 69 Luật tố tụng hành chính 2015 thì việc tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính được áp dụng khi có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, không thể khắc phục. Do đó có thể xác định Quyết định thu hồi đất, Quyết định cưỡng chế thu hồi đất không phải là đối tượng áp dụng biện pháp tạm định chỉ việc thi hành quyết định hành chính tại khoản 1 Điều 68 Luật tố tụng hành chính 2015 vì các lý do sau:
Việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án theo Điều 61, 62 Luật Đất đai 2013 phải tuân thủ trình tự thủ tục rất chặt chẽ chi tiết và đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan theo quy định của pháp luật đất đai 2013. Theo quy định tại Khoản 7 Điều 170 Luật đất đai 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ “7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất” và Điểm d, Khoản 3 Điều 69 Luật đất đai 2013 “Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thục hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này”. Như vậy, Luật đất đai 2013 đã quy định rất rõ ràng việc người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất, có quyền khiếu nại quyết định thu hồi đất, trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất (Khoản 4 Điều 67, Khoản 3 Điều 69, Điều 71 và Khoản 7 Điều 170 Luật Đất đai 2013, Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 53 Luật Đất đai 2013 thì việc giao đất để thực hiện dự án theo Điều 61, 62 Luật Đất đai 2013 chỉ được giải quyết sau khi thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.
- Xem xét bổ sung nội dung trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc được quy định tại Điều 70, Luật Đất đai 2013, và Chính phủ quy định chi tiết điều này. Với quy định hiện nay, khi có trường hợp phải tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện không có cơ sở để huy động các lực lượng tham gia, cũng như thực hiện các bước đúng quy định công khai, minh bạch tránh bị khiếu nại sau này.
1.2- Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D).
Hiện nay, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được tiếp cận theo cơ chế thị trường. Theo Luật nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đã quy định việc sử dụng nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, chưa có quy định cơ quan, đơn vị lập, thẩm định và phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng nền đất để phục vụ tái định cư.
Để công tác chuẩn bị nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư được chủ động, đáp ứng tình hình thực tế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Sở Xây dựng đã báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng tại Công văn số 10320/BC-SXD-PTN&TTBĐS ngày 29 tháng 8 năm 2018. Uỷ ban nhân dân thành phố kiến nghị: Những trường hợp hộ gia đình, cá nhân sống trong các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D) nhưng hết thời hạn để các hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu chung cư lựa chọn nhà đầu tư và quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, khi Nhà nước tổ chức thực hiện, kiến nghị quy định rõ phương thức thực hiện là giải quyết bố trí nhà ở tái định cư tại chỗ sau khi xây dựng lại chung cư (không thực hiện phương thức bồi thường vì sẽ kéo dài thời gian, thậm chí không thực hiện được), để rút ngắn thời gian và thực hiện được công tác di dời.
2. Đối với Chính phủ:
2.1- Đề nghị Chính phủ có nghị quyết về cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố (Công văn số 1345/UBND-ĐT ngày 11 tháng 4 năm 2019), cụ thể:
- Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hàng năm để làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận theo quy định Khoản 2, Điều 67 Luật đất đai 2013. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khảo sát, điều tra về giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những trường hợp chưa đồng thuận theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013.
- Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào giá đất nông nghiệp trong Bảng giá đất đã ban hành để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp hàng năm tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Khoản 1 nêu trên.
- Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch.
2.2- Về công tác chuẩn bị về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện các dự án có thu hồi đất: Bổ sung quy định phải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để đơn vị được giao chủ đầu tư dự án có thu hồi đất phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và địa phương nơi thu hồi đất thực hiện hoặc thuê tư vấn để điều tra xã hội học, khảo sát giá đất tính bồi thường, chuẩn bị dự án tái định cư và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án ngay khi có ý định, chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng có thu hồi đất.
- Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành trung ương khóa 12 đã xác định: “Chuyển các Trung tâm phát triển quỹ đất về trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý, do đó đề nghị điều chỉnh bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất một cấp trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất quận – huyện theo hướng thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất quận - huyện do Ủy ban nhân dân quận - huyện quản lý (để Thành phố có căn cứ chuyển Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận – huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất quận – huyện do Ủy ban nhân dân quận – huyện quản lý).
2.3- Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D):
- Cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện Điều 28, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 được phép phân công, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án mua căn hộ và nhận chuyển nhượng nền đất phục vụ tái định cư.
- Hướng dẫn, sớm ban hành bộ thủ tục và quy trình để thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội có sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.
2.4- Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Hiện nay, theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ có quy định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập, nhưng cũng chưa có quy định hướng dẫn trình tự thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Luật đầu tư công và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện không có quy định về tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Căn cứ tình hình thực tiễn, thành phố Hồ Chí Minh có một số dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư không có cấu phần xây dựng, quy mô thuộc nhóm B, C.
Để đảm bảo thực hiện dúng quy định của Luật đầu tư công, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung và trình tự thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện độc lập với Dự án đầu tư xây dựng có thu hồi đất bằng nguồn vốn ngân sách hoặc tạm ứng vốn từ Quỹ phát triển quỹ đất của thành phố để tạo quỹ đất sạch thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất (kể cả dự án thực hiện theo phương thức hợp tác công tư) hoặc đấu giá quyền sử dụng đất dự án có sử dụng đất và hướng dẫn xử lý đối với các Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt trước khi có Luật Đầu tư công trên địa bàn thành phố.
2.5- Đối với Bộ Tư pháp:
Đối với dự án vay vốn nước ngoài mà Việt Nam có cam kết về Khung chính sách sẽ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 87 của Luật Đất đai 2013, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo các cam kết quốc tế tại khung chính sách. Tuy nhiên, thẩm quyền phê duyệt Khung chính sách theo quy định Khoản 2 Điều 87 Luật Đất đai 2013 chưa được quy định cụ thể.
Trước đây, đối với dự án sử dụng nguồn vốn ODA tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định:
“Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nếu việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo yêu cầu của nhà tài trợ khác với quy định tại Nghị định này thì trước khi ký kết Điều ước quốc tế, cơ quan chủ quản dự án đầu tư phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.”
Hiện nay, theo Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thì nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp được quy định tại Khoản 5 Điều 61 là: “Tham gia ý kiến về các vấn đề pháp lý đối với dự thảo khung chính sách tái định cư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.”.
Theo quy định trên, thì về nguyên tắc việc phê duyệt Khung chính sách có cam kết thực hiện theo điều ước quốc tế sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo 01 trong 02 phương án: i) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì với các Bộ ngành liên quan thẩm tra Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai 2013 hoặc ii) Bộ Tư pháp có ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Khoản 5 Điều 61 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP.
Kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ việc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài (ODA) mà Nhà nước Việt Nam có cam kết về Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Khoản 2 Điều 87 Luật đất đai 2013 nhưng chỉ thực hiện thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2.6- Đối với Bộ Tài chính:
Nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định chỉ được Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tại 01 điều (Điều 15) và Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định tại 01 điều (điều 7) và chỉ quy định chung là “việc hỗ trợ (nếu có) đối với hộ gia đình, cá nhân phải di dời (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, nên thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc về trình tự và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân đang cư trú trên nhà đất thuộc diện tài sản công như sau:
- Về căn cứ và trình tự, thủ tục thu hồi đất: Đề nghị căn cứ Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai 2013 (thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) để ban hành Thông báo thu hồi đất, Quyết định thu hồi đất đối với 03 dạng hộ gia đình, cá nhân phải di dời (bao gồm hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đúng diện tích nhà đất được bố trí; hộ gia đình, cá nhân có lấn, chiếm thêm ngoài phần diện tích nhà đất được bố trí và người lấn, chiếm nhà đất thuộc diện tài sản công).
- Về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Đề nghị thực hiện theo Điều 69 Luật Đất đai 2013 về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước đất.
- Về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân phải di dời: do Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 37/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ quy định chi phí hỗ trợ mà không đề cập đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mặt khác, Điều 14 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ có quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) được bố trí trước ngày 19 tháng 01 năm 2007 (ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước). Do đó, đề nghị bổ sung quy định áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp nhà do các cơ quan, đơn vị bố trí để ở sai công năng, không đúng thẩm quyền theo Khoản 2 Điều 27 Bản Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Về nguồn vốn chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để di dời hộ gia đình, cá nhân (Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 37/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính): Đề nghị bố trí vốn để đảm bảo chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai 2013.
2.7- Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành Đề án “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4818/VPCP-NN ngày 11 tháng 5 năm 2017, sớm tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 2012 của BCH TW về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, để qua đó bổ sung, điều chỉnh toàn diện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất khi sửa dổi, bổ sung Luật đất đai 2013.
- Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra sát hạch đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
2.8- Đối với Bộ Xây dựng:
- Đề nghị Bộ Xây dựng sớm tham mưu Chính phủ ban hành quy định về cơ quan, đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt Phương án nhận chuyển nhượng nền đất để tái định cư.
- Hiện nay, việc quy hoạch treo, quy hoạch kéo dài nhiều năm (có nơi quy hoạch trên 20 năm) chưa thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhiều khu vực của Thành phố. Cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng cần xem xét đến việc quy hoạch các công trình hạ tầng (cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng khác,…) trong các đồ án quy hoạch đô thị. Các quy hoạch này chậm được thực hiện, không được điều chỉnh theo luật định đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch.
3. Đối với Thành phố:
- Kiến nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố tiếp tục rà soát việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn thành phố, kịp thời kiến nghị với trung ương và có văn bản hướng dẫn giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc cụ thể tại các dự án; ưu tiên bố trí vốn cho công tác bồi thường, quan tâm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân bị thu hồi đất, nhất là đối với các dự án chậm triển khai thực hiện, kéo dài nhiều năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định của các quận, huyện; quan tâm chuyển đổi mô hình Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận – huyện phù hợp, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc.
- Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố sớm ban hành quy chế phối hợp liên quan đến công tác bồi thường theo Luật Đất đai năm 2013 để tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện.
- Đối với công tác tái định cư: để thuận lợi cho các dự án, ngoài 02 phương thức tái định cư bằng nền đất và căn hộ chung cư, kiến nghị Thành phố xem xét tăng giá trị hỗ trợ đối với các trường hợp tái định cư tự nguyện (theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND) lên từ 15 - 20% theo đề xuất của các quận, huyện.
- Để đảm bảo việc có quỹ nền đất để bố trí tái định cư cho các dự án trong thời gian tới, kiến nghị Thành phố xem xét giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiếp nhận quản lý toàn bộ những nền đất từ các quỹ nền đất được hoán đổi từ quỹ đất công các dự án để bố trí tái định cư cho các dự án có thu hồi đất trên địa bàn theo đề xuất của quận, huyện.
- Kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố sớm có hướng dẫn về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với tài sản không được quy định trong Quyết định của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình.
- Tại các buổi làm việc, Uỷ ban nhân dân một số quận, huyện có một số kiến nghị liên quan đến một số dự án trên địa bàn thành phố. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố quan tâm chỉ đạo giải quyết, cụ thể:
+ Trên địa bàn Quận 12 hiện còn tồn đọng 03 dự án gồm: dự án Khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất; dự án Khu tái định cư và Depot Tham Lương và dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương – Bến Cát hiện đã kéo dài nhiều năm.
+ Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức kiến nghị Thành phố sớm chỉ đạo xử lý những vướng mắc trong các dự án tồn đọng kéo dài và phát sinh khiếu nại gồm có: dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (12 hộ dân nhà máy nước Thủ Đức), dự án Trường Trung học cơ sở Trường Thọ, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, Quốc lộ 1 trên địa bàn quận Thủ Đức (trường hợp cụm ông Thường - ông Đây). Ngoài ra, trên địa bàn quận Thủ Đức còn có dự án Trạm xử lý nước thải Suối Nhum, hiện nay dự án đền bù dở dang (hơn 70 - 80%), nhưng chưa xác định được chủ đầu tư của dự án.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM