Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Mặc dù còn nhiều khó khăn do tốc độ tăng dân số cơ học cao nhưng kết quả thực hiện quy hoạch giáo dục, xây dựng trường lớp được thực hiện tốt, hoàn thành chỉ tiêu được giao, đến năm 2020, đạt tỉ lệ 300 phòng học/10.000 dân số độ tuổi đi học. Thành phố luôn dành sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại, đảm bảo chỗ học cho con em thành phố; từng bước giảm sĩ số và tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Đ/c Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ĐBQH Phan Thị Bình Thuận cho rằng, một trong những trọng tâm của Nghị quyết 88/2014 và Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa là giảm dạy học hàn lâm, tăng cường hoạt động ngoại khoá. HIện nay, học sinh đã học hai buổi mỗi ngày, ngoài việc đi học ở trường, các em có phải đi học thêm ở cơ sở bên ngoài không?, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cần có đánh giá kỹ về vấn đề này. ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần dự thảo kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho ngành, giai đoạn 2020-2025, đưa vào danh mục tổng cầu đầu tư của thành phố. Bởi thách thức của thành phố khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đảm bảo cơ sở vật chất, thực hiện lộ trình học hai buổi một ngày.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thành phố đang phát triển mạnh giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Hiện, nhiều trường đầu tư các phòng học, thư viện thông minh. Khâu thủ tục hành chính, cấp phép trong lĩnh vực giáo dục cũng dần chuyển từ giấy tờ sang trực tuyến. Đồng thời, nêu một số khó khăn hiện nay như khó tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học tiểu học bởi quy định giáo viên buộc phải tốt nghiệp đại học sư phạm. Vừa qua, nhiều quận, huyện không tuyển được người.
Cũng tại buổi giám sát, trao đổi về nội dung giáo dục thông minh, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết hệ thống giáo dục thông minh thể hiện qua ứng dụng trên cơ sở công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, địa bàn Thành phố có Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã đưa vào chương trình giảng dạy. Nền tảng của giáo dục thông minh là hệ thống cơ sở Internet đầy đủ, hơn 2000 cơ sở giáo dục đều đã có cổng thông tin điện tử. Hàng ngày, thông tin từ Sở đến trường và ngược lại không còn thực hiện thủ công bằng giấy. Đặc biệt, tất cả học sinh đều có mã định danh trên hệ thống quản lý của ngành giáo dục và đào tạo, giúp ngành giám sát được hoạt động học tập, chuyển trường, xin nghỉ học…
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có Trung tâm điều hành giáo dục thông minh, lưu trữ mọi thông tin giáo viên, trình độ đội ngũ, cơ sở vật chất, hoạt động các trường, giúp Sở dễ dàng trích xuất thông tin khi cần; giáo dục thông minh đã giúp cho việc giảng dạy, quản lý hồ sơ của giáo viên nhẹ nhàng, hiện đại hơn, công tác quản lý đạt hiệu quả, chính xác cao. Mỗi năm, Sở tổ chức khoảng 600 khóa bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.

Đoàn giám sát tham quan Thư viện Thông minh tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
Kết thúc buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận Thành phố đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa bảo đảm tiến độ; đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cần tích cực hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; chú trọng tuyên truyền sâu rộng, nhằm khơi dậy sự quan tâm của xã hội cho lĩnh vực giáo dục, tạo hiệu ứng tích cực để tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình năm học 2020-2021 từ lớp 1 và những năm tiếp theo.
TH.