Tham dự có các đồng chí: Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM…
Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và đại biểu Quốc hội các khóa.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tặng hoa chúc mừng các ĐBQH. Ảnh: VIỆT DŨNG
Mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ
Đọc diễn văn kỷ niệm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang ôn lại, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 8-9-1945 Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6-1-1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung – Nam.
Đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
“Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại”, đồng chí Trần Lưu Quang đúc kết.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
75 năm đã trôi qua, kể từ ngày 6-1-1946 đến nay, với 14 nhiệm kỳ, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Việc gắn bó mật thiết, thấu cảm sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn.
Đoàn ĐBQH TPHCM đã đóng góp tích cực với TPHCM
Theo đồng chí Trần Lưu Quang, cùng đóng góp vào thành quả chung của Quốc hội cả nước, có tâm sức của nhiều thế hệ ĐBQH TPHCM. Đoàn ĐBQH TPHCM từ khoá VI đến nay cùng chính quyền và nhân dân TPHCM đi đầu trong đổi mới tư duy, giành được những thành tựu quan trọng. Các vị ĐBQH TPHCM qua các thời kỳ đã hoạt động rất tích cực, trách nhiệm, làm tốt chức năng của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân TPHCM.
Riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dấu ấn của nhiệm kỳ này là Đoàn ĐBQH TPHCM đã có đóng góp tích cực trong qua trình cùng với chính quyền TPHCM kiến nghị, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; và Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

ĐBQH các khóa giao lưu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc thông qua các Nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý cho TPHCM thực hiện các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính. Qua đó, làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn.
Đồng thời, tổ chức chính quyền đô thị TPHCM tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP. Việc thành lập TP Thủ Đức là một đô thị sáng tạo tương tác cao với dân số hơn 1 triệu người, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn của TPHCM, sẽ trở thành một TP kinh tế tri thức, TP trí tuệ nhân tạo, một động lực phát triển mới của TPHCM, hình thành vùng kinh tế 4.0 lớn của Việt Nam ở phía Nam.
“Những đóng góp của Đoàn ĐBQH TPHCM qua các thời kỳ được cử tri, đồng bào, đồng chí quan tâm, đánh giá tích cực, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội cả nước”, đồng chí Trần Lưu Quang biểu dương.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tặng bằng khen các ĐBQH. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, xứng đáng là đại biểu nhân dân của TPHCM. Mỗi vị ĐBQH TPHCM sẽ tăng cường tiếp công dân, tiếp xúc cử tri sao cho thiết thực hơn, sâu sát hơn, lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng pháp luật, góp tiếng nói vào ý chí chung của Quốc hội cả nước.
Dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM tặng Huy hiệu TPHCM cho 26 cá nhân và bằng khen cho 3 cá nhân là ĐBQH đã có có nhiều đóng góp cho TPHCM.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng Huy hiệu TPHCM cho các ĐBQH. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Báo SGGP