Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 11/10/2020 Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1- Về đối tượng áp dụng (Điều 2 và Điều 5)
- Có 03 ý kiến chọn Phương án 1, tiếp tục giao Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, ký kết hợp đồng dịch vụ với người lao động để đào tạo, giáo dục hướng nghiệp, thực hiện các thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các quốc gia khác. Các Trung tâm là nơi tin cậy cho người lao động lựa chọn bên cạnh dịch vụ của các Doanh nghiệp, hạn chế được tình trạng lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản của người muốn đi lao động ở nước ngoài nhưng thiếu thông tin, thiếu kiến thức như phản ánh của báo chí thời gian qua.
Đồng thời, do Trung tâm này là đơn vị sự nghiệp công lập, cần quy định mức lệ phí phù hợp mà người lao động khi ký hợp đồng với Trung tâm cần chi trả để giảm bớt gánh nặng về tài chính đối với Nhà nước.
Ngoài ra, có thể mở rộng chức năng, để Trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm tương tự như các Doanh nghiệp khác. Thực tiễn cho thấy, việc duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các dịch vụ, bên cạnh các Doanh nghiệp, cho thấy người lao động được tiếp cận dịch vụ với chi phí thấp hơn, mức độ kiểm soát chất lượng dịch vụ và thông tin cũng vì thế được đảm bảo.
- Một số ý kiến chọn Phương án 2: không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên thuộc Ủy ban nhân nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, vì chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa dịch vụ công, và chắc chắn sẽ phát sinh chi ngân sách, nhân lực của Nhà nước. Mặt khác, việc không thu tiền của người lao động, sẽ tạo nên sự cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp, làm phát sinh gánh nặng cho ngân sách vì để đưa người lao động đi thì cũng phải có kinh phí đào tạo, huấn luyện. Hơn nữa, việc quản lý Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng đã được qui định tại Chương VI khá chặt chẽ, nếu thực hiện nghiêm túc thì cũng không khác Nhà nước thực hiện.
2- Theo một số ý kiến, trong nội dung các Mục của Chương II dự thảo Luật đều quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp “giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp dịch bệnh, chiến tranh, tình trạng khẩn cấp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước tiếp nhận lao động công bố”. Ý kiến này cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nội dung này, cần xem xét bổ sung điều khoản mở về các trường hợp người lao động về nước trước thời hạn không phải do lỗi của người lao động và vì lý do bất khả kháng khác để dự liệu thêm các trường hợp có thể phát sinh trên thực tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam.
3- Có ý kiến cho rằng tiêu đề Chương VII là: Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nội dung chỉ đề cập về Giải quyết tranh chấp (Điều 73) nhưng còn sơ sài và thiếu nội dung về xử lý vi phạm hành chính. Ý kiến này đề nghị cần nghiên cứu viết lại Chương VII đầy đủ, phù hợp với tiêu đề của Chương VII dự thảo Luật, cùng với quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm hành chính cần có các biện pháp chế tài thật nghiêm để xử lý các sai phạm trong quá trình thực hiện việc đưa người đi lao động nước ngoài ở trong nước và nước ngoài.
4- Nghị định 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định các điều kiện đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và khu vực Trung Đông. Có ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung vào dự thảo Luật quy định theo hướng Chính phủ quy định điều kiện đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc theo đặc thù một số quốc gia, thị trường và ngành nghề.
II- GÓP Ý CỤ THỂ CHO DỰ THẢO LUẬT
1- Về giải thích từ ngữ (Điều 3)
- Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích cụ thể thế nào là: Hợp đồng cung ứng lao động; Tiền dịch vụ; Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng môi giới;
- Khoản 1: có ý kiến cho rằng theo Điều 55 dự thảo Luật quy định về giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh, với nội dung này được hiểu là công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với mục đích khác (du học, thăm thân, du lịch...) nhưng trong thời gian ở nước ngoài tự mình tìm được công việc phù hợp, ký hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân sử dụng lao động ở nước ngoài. Vì vậy, ý kiến này đề nghị cần làm rõ hơn đối tượng điều chỉnh là Công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam trước khi xuất cảnh, để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động hay gồm cả Công dân Việt Nam đang học tập, sinh sống ở nước ngoài tự mình kiếm được công việc phù hợp, trực tiếp ký hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân nước ngoài theo pháp luật của nước sở tại.
- Khoản 4: có ý kiến đề nghị xem lại cụm từ “Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử” vì khi quy định loại trừ như vậy thì không còn giá trị trong thực tiễn. Đề nghị xem xét lại quy định này. Đồng thời, cần nghiên cứu các thông lệ quốc tế hoặc quy định ILO về nội dung này để quy định có tính thực chất, là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tuyển dụng người lao đông đi làm việc một cách khách quan, minh bạch, không phân biệt đối xử.
2- Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4)
Khoản 4: có ý kiến đề nghị cần xem lại nội dung về chính sách đảm bảo bình đẳng giới vì thực tế thị trường lao động ở nước ngoài không phân biệt giới tính chỉ quan tâm trình độ chuyên môn có phù hợp đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không vì vậy quy định này không khả thi khi thực hiện.
3- Về các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 5)
Có ý kiến cho rằng quy định Điều 5 tương ứng với các Mục tại Chương II, Chương III dự thảo Luật. Tuy nhiên, nội dung Điều 5 sắp xếp chưa hợp lý, chưa theo thứ tự các Mục của Chương II, Chương III . Đề nghị xem xét điều chỉnh lại Điều 5 để thuận lợi cho việc nghiên cứu và thực hiện.
Điểm a khoản 2: có ý kiến đề nghị viết lại điểm a khoản 2 như sau: “Doanh nghiệp Việt Nam cung cấp/ kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động” sẽ chính xác hơn vì về bản chất, đây là hoạt động môi giới, giới thiệu việc làm, cung cấp các dịch vụ cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ Hợp đồng cung ứng cấp dịch vụ giữa Doanh nghiệp với người lao động để tránh phát sinh tranh chấp.
4- Về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 6)
- Điểm đ khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo pháp luật của nước tiếp nhận lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, không trả lương, làm công việc không đúng thỏa thuận ban đầu hoặc nội dung hợp đồng, bị cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong quá trình thực hiện công việc”. Ý kiến này cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng lao động được ký kết ngoài lãnh thổ Việt Nam thuộc quyền tài phán của quốc gia tiếp nhận lao động, vì vậy, người lao động có quyền này theo quy định của pháp luật của nước sở tại thì phù hợp hơn.
- Điểm đ khoản 2: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Làm việc đúng nơi quy định tại hợp đồng lao động, chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động và tuân thủ sự quản lý,....”.
5- Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7)
- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 7 quy định cấm sử dụng giấy tờ giả hoặc cấu kết với người lao động sử dụng giấy tờ giả để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng việc tuyển dụng lao động để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện các hành vi trái pháp luật khác”.
- Có ý kiến đề nghị nhập khoản 9 và khoản 13 thành một nội dung do bản chất của hai quy định này đều là “thu tiền của người lao động trái pháp luật” với các phương thức và mức độ khác nhau.
- Khoản 10: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Lợi dung đi lao động, ở lại nước ngoài trái với quy định của nước tiếp nhận sau khi thanh lý hợp đồng với người sử dụng lao động”. Vì trường hợp này, người lao động thực hiện hành vi “ở lại” bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu việc ở lại là phù hợp với quy định của nước tiếp nhận thì pháp luật Việt Nam không thể coi là hành vi vi phạm. Trường hợp người lao động trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động kết hôn với người nước ngoài, hoặc tìm được công việc mới phù hợp sau khi kết thúc hợp đồng thì việc họ ở lại tiếp tục làm ăn, sinh sống là phù hợp.
6- Về cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao dộng Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10)
Khoản 1:
- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung Điều 10 quy định theo hướng “Người có phiếu lý lịch tư pháp không phải là chưa xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phiếu lý lịch tư pháp không quá 6 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ”.
- Về trụ sở của doanh nghiệp: có ý kiến đề nghị đề nghị cần phải có thời gian ổn định từ 05 năm trở lên. Và nếu là trụ sở thuộc sở hữu người đứng tên, doanh nghiệp thì hồ sơ đề nghị cấp phép phải có giấy tờ hợp lệ còn nếu như là nhà thuê, thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 05 năm trở lên.
- Điểm a: nhiều ý kiến đề nghị thay cụm từ “vốn chủ sở hữu” bằng “vốn điều lệ” như vậy sẽ phù hợp với khoản 29 Điều 4, Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và cũng để thống nhất trong công tác phối hợp quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh. Điểm a khoản 1 viết lại như sau: “Có vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư”.
Điểm c khoản 1: có ý kiến cho rằng cần xem lại quy định “…có ít nhất 05 kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” vì thực tế việc xin giấy xác nhận khá dễ dàng. Vì vậy, đề nghị cần phải quy định cụ thể theo hướng có ít nhất là 05 năm kinh nghiệm kèm theo các giấy tờ xác minh hợp pháp về kinh nghiệm trong việc đưa người đi lao động ở nước ngoài.
7- Về cấp lại Giấy phép (Điều 14)
Có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn thủ tục, điều kiện cấp lại Giấy phép, như: phải đăng ký thông tin Giấy phép bị mất lên website của Doanh nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong thời gian nhất định. Đồng thời, Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, tránh trường hợp bị lợi dụng do có tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp.
8- Về giao nhiệm vụ cho Chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ (Điều 17)
Có ý kiến đề cần quy định cụ thể hơn nữa về nội dung Điều 17 vì thực tế cho thấy việc chi nhánh của công ty xuất khẩu lao động được trực tiếp thu tiền khi thực hiện các hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc này gây bất lợi cho người lao động.
9- Về chuẩn bị nguồn lao động (Điều 18)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng cần xem lại nội dung khoản 1 Điều 18. Nếu quy định như vậy thì doanh nghiệp sẽ bị động và dễ mất cơ hội. Vì việc chuẩn bị nguồn lao động này chỉ là hoạt động sơ tuyển, trong khi việc đào tạo nghề, ngoại ngữ, định hướng nghề nghiệp chính là chất lượng nguồn lao động được thể hiện qua 3 yếu tố: (1) Trình độ ngoại ngữ; (2) Kỹ năng nghể; (3) Ý thức tuân thủ pháp luật. Và để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng thì 3 yếu tố trên không thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Như vậy, để có nguồn lao động chất lượng cung ứng cho đối tác, doanh nghiệp cần có thời gian để tuyển chọn, đào tạo. Cần xem đây là nguồn đầu tư chính của doanh nghiệp, để khi có cơ hội, có thị trường thì Doanh nghiệp có sẵn điều kiện để ký hợp đồng cung ứng. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu quy định để tạo điều kiện cho Doanh nghiệp chủ động tạo nguồn lao động, tránh tình trạng ký hợp đồng với đối tác xong rồi mới tìm nguồn, đào tạo nguồn.
Có ý kiến cho rằng cần xem lại quy định Điều 18 trong dự thảo Luật vì hiện nay các trường cao đẳng, đại học đã có sự liên kết với các nhà tuyển dụng ở nước ngoài và làm rất tốt để các trường tìm kiếm cơ hội làm việc cho sinh viên của trường.
10- Về thông báo chuẩn bị nguồn lao động (Điều 19)
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thành phần hồ sơ, tài liệu cung cấp cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tránh trường hợp lạm dụng việc này, sử dụng thư đề nghị hoặc thỏa thuận hợp tác giả mạo để hợp thức hóa, đưa người đi xuất cảnh trái quy định. Đồng thời, cần dự liệu thời gian xác minh đối với thư đề nghị hoặc thỏa thuận hợp tác trong trường hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có nghi ngờ về tính xác thực của các tài liệu.
11- Về hợp đồng cung ứng lao động (Điều 20)
Khoản 2:
- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 2 quy định theo hướng sau: (1) Thông tin về các bên trong hợp đồng, thời gian ký kết hợp đồng; (2) Thông tin về yêu cầu, điều kiện cơ bản đối với người lao động về trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ, tôn giáo... và các thông tin khác;
- Điểm đ: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Điều kiện, môi trường, địa điểm dự kiến mà người lao động đến làm việc”.
12- Về đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động (Điều 21)
Có ý kiến đề nghị cần xem lại quy định tại Điều 21 vì khi doanh nghiệp hoạt động đã cấp giấy phép và thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cấp giấy phép, tại sao còn phải đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động, đây là hình thức giấy phép con. Ý kiến này đề nghị quy định theo hướng khi có Hợp đồng cung ứng lao động thì doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho Cơ quan quản lý lao động là phù hợp.
13- Về tiền dịch vụ (Điều 24)
Về quy định tiền dịch vụ ở Điều 24: nhiều ý kiến đề nghị cần phải quy định mức trần về phí dịch vụ trong dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng không quy định về chi phí đào tạo là phù hợp vì hiện nay doanh nghiệp thường đào tạo lại ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng bằng nguồn kinh phí tự có hoặc thỏa thuận với người lao động.
14- Về tiền ký quỹ của người lao động (Điều 26); Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ (Điều 27).
Có ý kiến cho rằng theo quy định tại Điều 26, Điều 27 thì Doanh nghiệp có quyền thỏa thuận với người lao động về tiền ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Việc thỏa thuận ký quỹ này, thực tế do Doanh nghiệp quyết định là chính, do mong muốn được đi lao động ở nước ngoài nên người lao động ở thế bị động, phải thỏa hiệp với mức tiền ký quỹ do doanh nghiệp đưa ra và ở thế bất lợi cho người lao động. Vì vậy, tương tự như quy định về mức trần tiền dịch vụ của người lao động nộp cho doanh nghiệp, đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định mức trần của tiền ký quỹ phù hợp với từng thị trường lao động, ngành nghề trong từng thời kỳ, để người lao có thời gian chuẩn bị khi có ý định đi làm việc ở nước ngoài.
15- Về điều kiện doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Điều 31)
Theo khoản 3 “Chỉ đưa người lao động Việt Nam đang làm việc cho chính doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đi làm việc tại các công trình, dự án ở nước ngoài theo hợp đồng trúng thầu, nhận thầu”. Có ý kiến cho rằng quy định như vậy làm khó cho các doanh nghiệp nếu thực hiện dự án, công trình ở nước ngoài đòi hỏi phải có chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao nhưng không thuộc quản lý của doanh nghiệp. Mặt khác, tại khoản 4 Điều 36 dự thảo Luật quy định nếu tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài phải tuyển dụng lao động mới thì vẫn được đưa người lao động ra nước ngoài bằng hình thức ký kết hợp đồng làm việc ở nước ngoài.Ý kiến này đề nghị cần làm rõ: (1) Cơ sở nào để quy định doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu chỉ được đưa lao động của chính mình ra nước ngoài thực hiện dự án? (2) Doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng mới để đưa các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao ra nước ngoài thực hiện dự án hay không?
16- Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Điều 33)
Theo khoản 5 Điều 33, trường hợp lao động bị ốm đau, tai nạn đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có trách nhiệm đưa người lao động về nước và chịu chi phí liên quan. Có ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm chi phí liên quan ngoài chi phí đưa người lao động về nước có bao gồm các chi phí khám, chữa bệnh... và các khoản hỗ trợ khác để người lao động phục hồi sứa khỏe và ổn định cuộc sống. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 68 thì trường hợp này người lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Theo ý kiến này thì trách nhiệm xử lý và hỗ trợ của doanh nghiệp trong những trường hợp ngoài ý muốn là việc chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện hợp đồng lao động. Vì vậy, phạm vi trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp này có thể dựa trên thỏa thuận bằng văn bản hoặc hợp đồng giữa doanh nghiệp và người lao động (khoản 4 Điều 33).
17- Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề (Điều 42)
Điểm l khoản 2: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về ”Giải quyết quyền lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật”. Ý kiến này cho rằng đây là doanh nghiệp tiếp nhận lao động ở nước ngoài giải thể hoặc phá sản thì nên ghi rõ là doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản sẽ rõ hơn, nếu theo quy định của pháp luật thì là quy định của luật nào?
- Các quy định về việc Hỗ trợ người lao động sau khi về nước đề nghị quy định cụ thể hơn hoặc là có các Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc này, để tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội làm việc tốt hơn sau khi về nước góp phần đóng góp phát triển cho đất nước.
18- Về hồ sơ, thủ tục đăng ký Hợp đồng lao động (Điều 54)
- Điểm a, khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Bản sao hợp đồng lao động phải được hợp thức hóa lãnh sự dịch ra Tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
19- Về trường hợp, phạm vi bảo lãnh (Điều 57)
Khoản 3: có ý kiến đề nghị xem xét bỏ khoản 3 tại Điều 57 vì không phù hợp với phạm vi của Điều 57 dự thảo Luật và nội dung đã được quy định tại khoản 2 Điều 342 Bộ Luật dân sự năm 2015.
20- Về nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 68)
Điểm b khoản 1: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “suy giảm kinh tế” bằng “suy thoái kinh tế” để phù hợp với Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019. Điểm b viết lại như sau: “Người lao động phải về nước trước thời hạn vì chủ sử dụng lao động bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, hỏa hoạn hoặc do suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác”.
21- Về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 67); Nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 68)
Có ý kiến cho rằng hiện nay Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài có Quỹ hỗ trợ công dân, đã đủ sức để hỗ trợ người dân khi cần thiết vì vậy việc lập Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là không thiết. Ý kiến này đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ người người lao động Việt Nam tại nước sở tại khi gặp khó khăn.
22- Về nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 69)
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được hình thành từ các nguồn (1) Đóng góp của doanh nghiệp dịch vụ; (2) Đóng góp của người lao động; (3) Các nguồn thu hợp pháp khác. Thực tiễn cho thấy các hình thức đóng góp quỹ là bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp, người lao động. Có ý kiến cho rằng để thực hiện chính sách đặc thù đối với người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đề nghị xem xét quy định hình thức đóng góp quỹ phù hợp cho các đối tượng trên cùng với việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn để việc thực thi có hiệu quả.
23- Về nội dung quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 70)
Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước nên có định hướng ngành nghề đi lao động ở nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia để nhằm tận dụng được nguồn lao động có kỹ năng phục vụ.
24- Về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 71)
Có ý kiến cho rằng để tạo điều kiện cho người lao động có thể tìm được việc làm và người sử dụng lao động có thể tuyển dụng nguồn lao động có chất lượng cao là những lao động đi làm việc ở nước ngoài, bên cạnh việc chia sẻ dữ liệu, thì Nhà nước cần có kết nối thông tin người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với những cơ sở dữ liệu khác liên quan đến lao động và thị trường lao động việc làm trong nước.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TPHCM