Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 17/9/2020, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam,  sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:                                 

1- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Có ý kiến cho rằng cụm từ “lực lượng về biên phòng” trong nội dung Điều 1 chưa phù hợp với tiêu đề  Điều 6 (Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng). Việc sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng” chưa chuẩn xác vì bản chất của vấn đề phải là “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng”. Đồng thời, để thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, đề nghị sửa Điều 1 dự thảo Luật như sau: “Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhântrong thực thi nhiệm vụ biên phòng”.

Với nội dung phạm vi điều chỉnh này, cần đổi tiêu đề của Chương III (Bộ đội biên phòng) thành Chương III (Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng). Theo đó, cần chuyển nội dung Điều 6 (Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng) vào nội dung Chương III. Việc đổi tiêu đề của Chương III (Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng) sẽ phù hợp với tên của Luật là “Luật Biên phòng Việt Nam”.

2- Về giải thích từ ngữ (Điều 2)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 2 giải thích thế nào là khu vực biên giới; nơi có biên giới.

- Khoản 1: có ý kiến cho rằng nội dung giải thích về Biên phòng chưa chính xác, chưa phù hợp với khoản 1 Điều 2 Luật Quốc phòng. Đề nghị sửa khoản 1 như sau: Biên phòng là công cuộc bảo vệ, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng là nòng cốt”.

- Khoản 2: có ý kiến cho rằng để phù hợp với nội dung dự thảo Luật và thống nhất với Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, đề nghị sửa lại khoản 2 như sau Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh về chính trị, tinh thần và các nguồn lực mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường được huy động trong thực thi nhiệm vụ biên phòng

- Khoản 3: có ý kiến cho rằng để thống nhất với Điều 2 Luật Quốc phòng; khoản 3 Điều 10 Luật An ninh quốc gia, đề nghị sửa lại khoản 3 như sau “Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để chủ động thực thi nhiệm vụ biên phòng”

3- Về chính sách của Nhà nước về biên phòng (Điều 3)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Thực hiện chính sách tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bền vững với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân”.

Khoản 2: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Giải quyết các vấn đề biên giới bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia, lợi ích chính đang của nhau, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Khoản 3: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Sử dụng các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật”.

4- Về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5)

- Có ý kiến cho rằng tiêu đề Điều 5 (Nhiệm vụ biên phòng) chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia.  Đề nghị sửa tiêu đề Điều 5 như sau “Nhiệm vụ công tác biên phòng”

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Quản lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia…”

- Khoản 4: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ ở khu vực biên giới gắn với phòng thủ quân khu và phòng thủ tỉnh, huyện, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới”. 

- Khoản 5: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “ổn định lâu dài” bằng “bền vững”. Khoản 5 viết lại như sau: “Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, bền vững, hợp tác và phát triển”.

- Khoản 6: có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “thực thi pháp luật bảo vệ sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia” vào cuối khoản 6. Khoản 6 viết lại như sau: “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang, thực thi pháp luật bảo vệ sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia”.

5- Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 6)

Có ý kiến cho rằng nội dung Điều 6 chưa quy định cụ thể lực lượng nào là nòng cốt, chuyên trách để thực thi nhiệm vụ biên phòng. Như vậy, chưa thống nhất với Điều 12 dự thảo Luật. Đồng thời, cũng chưa thống nhất với Luật Biên giới quốc gia 2003, vì theo khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Tuy nhiên, bộ đội biên phòng chỉ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong hai nhóm nhiệm vụ, đó là: 1) Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; 2) Giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới;  không phải là trong tất cả các nhiệm vụ, công tác biên phòng.

6- Về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân (Điều 9)

Có ý kiến cho rằng để thực thi nhiệm vụ biên phòng, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, lực lượng trong nước và các nguồn lực, lực lượng quốc tế đặc biệt là các nước có chung đường biên giới. Hợp tác quốc tế về biên phòng phải là một trong những nội dung trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa quy định về việc xây dựng, tổ chức, triển khai, bố trí các nguồn lực từ việc hợp tác quốc tế về biên phòng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Ý kiến này đề nghị bổ sung vào khoản 1, khoàn 2 Điều 9 quy định như sau: 

“Điểm e khoản 1: Xây dựng các nguồn lực của hợp tác quốc tế trong thực thi nhiệm vụ biên phòng

Điểm đ khoản 2: Tổ chức, triển khai, bố trí các nguồn lực của hợp tác quốc tế trong thực thi nhiệm vụ biên phòng”.

7- Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10)

Có ý kiến cho rằng quy định như Điều 10 chưa bảo đảm nguyên tắc một công việc do nhiều chủ thể thực hiện nhưng chỉ do một chủ thể chủ trì. Vì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 thì “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”;  theo điểm b khoản 1 Điều 10 thì “Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng lại chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh trong thực thi nhiệm vụ biên phòng” và theo điểm c khoản 1 Điều 10  “Chính quyền địa phương cấp tỉnh, chủ trì, phối hợp…….thực thi nhiệm vụ biên phòng”. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định lại nội dung Điều 10 nhằm “Bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất theo quy định của pháp luật” được quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật.

- Điểm d khoản 2:

Có ý kiến đề nghị xem lại quy định: “Trong trường hợp cấp thiết, để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức, lực lượng phát hiện sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết…..phải chuyển giao hồ sơ, người, phương tiện, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền giải quyết…” vì nội dung chưa rõ nghĩa và chưa đáp ứng được yêu cầu của dự thảo Luật là rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng. Vì nếu quy định như vậy có nghĩa là cho phép cơ quan, tổ chức, lực lượng nào, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì có quyền áp dụng “các biện pháp cần thiết. Và “trong trường hợp cấp thiết” là trường hợp nào?

8- Về hợp tác quốc tế về biên phòng (Điều 11)

Có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 11 đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hợp tác quốc tế về biên phòng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, nhằm tăng cường đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

- Điểm b khoản 1: có ý kiến cho rằng để đảm bảo thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế về biên phòng trong tình hình mới. Đề nghị sửa lại như sau:“Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc; tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới.

- Điểm a khoản 3: có ý kiến đề nghị sửa lại như  sau: “Ký kết điều ước quốc tế về biên phòng”  vừa đảm bảo súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu và bao hàm luôn thỏa thuận quốc tế. 

9- Về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng (Điều 12)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “xây dựng” trước cụm từ “quản lý” để nội dung quy định tại khoản 1 đầy đủ và có tính pháp lý chặt chẽ hơn. Khoản 1 viết lại như sau “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”.

Khoản 2:  có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “chủ trì” vì mâu thuẫn với quy định với khoản 4 Điều 13, khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật. Khoản 2 viết lại như sau: “Bộ đội biên phòng có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luât”.

10- Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 13)

Khoản 5 quy định “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu o Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới” có bao gồm kiểm tra, kiểm soát “hàng hóa” hay không? hay việc này do lực lượng Hải quan thực hiện.

11- Về quyền hạn của bộ đội Biên phòng (Điều 14)

- Khoản 2: có ý kiến cho rằng để phù hợp với khoản 3 Điều 12 Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đề nghị bổ sung vào cuối khoản 2 quy định Bộ đội Biên phòng “Phối hợp với cơ quan công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết” trong khi xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy xảy ra tại biên giới, cửa khẩu. Khoản 2 viết lại như sau “Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Phối hợp với cơ quan công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết”.

- Khoản 5:

+ Có ý kiến đề nghị sửa lại như sau Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính”.

 + Có ý kiến đề nghị tách khoản 5 thành hai nội dung: (1) Tiến hành một số hoạt động điều tra…; (2) Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính. Như vậy sẽ rõ ràng hơn về thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng bởi Bộ đội biên phòng không phải là Cơ quan Điều tra, mà chỉ được giao một số hoạt động điều tra; phù hợp với Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Mặt khác cũng sẽ phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Khoản 8: có ý kiến đề nghị xem lại nội dung khoản 8 Điều 14 để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội biên phòng với lực lượng Cảnh sát biển (khoản 6 Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018)

12- Về huy động người, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật dân sự (Điều 17)

Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “phương tiện của người nước ngoài”  vào nội dung khoản 4. Khoản 4 viết lại như sau: “Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm, cứu nạn; cấp cứu người bị nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đề nghị hỗ trợ giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, phương tiện của người nước ngoài đang hoạt động tại khu vực biên giới”.    

13-  Về trách nhiệm của Bộ Công an (Điều 32)

Khoản 2: 

- Có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề khoản 2 như sau “Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương khu vực biên giới:”

- Điểm a: có ý kiến đề nghị sửa lại nội dung điểm a như sau “Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới”.

14- Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 34)

- Có ý kiến đề nghị sửa lại tiêu đề Điều 34 như sau Trách nhiệm của Chính quyền địa phương các cấp” sẽ phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015.

- Điểm e khoản 2: có ý kiến cho rằng về ưu tiên nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng, công tác lâu dài ở khu vực biên giới, đề nghị cần quy định cụ thể về thời gian vì lực lượng biên phòng thường xuyên thay đổi, thuyên chuyển công tác.  

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TPHCM

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07844181




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn