Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 3/9/2020 Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:                                 

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1-   Về bố cục dự thảo Luật

1.1- Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về bảo vệ môi trường khí và môi trường đất cụ thể và chi tiết hơn như các quy định về môi trường nước. Các ý kiến này cho rằng không khí là yếu tố vô cùng quan trọng, tác động mạnh đến đời sống, sức khỏe của người dân. Mặt khác, cùng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay tác động rất lớn đến chất lượng không khí vì vậy, rất cần thiết phải bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.

1.2- Một số ý kiến cho rằng nội dung về bảo vệ di sản thiên nhiên đã được quy định vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, có nhiều di sản thiên nhiên được xếp hạng và chưa được xếp hạng, vì vậy cần quy định cụ thể hơn về công tác bảo vệ môi trường cho di sản thiên nhiên và kể cả di sản thiên nhiên chưa được xếp hạng.

1.3- Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định khoảng cách an toàn trong bảo vệ môi trường từ các cơ sở sản xuất (theo loại hình sản xuất) đến khu dân cư.

1.4- Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định các biện pháp cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện cấp nước để đơn vị vi phạm gây ô nhiễm môi trường không có điều kiện tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường vì hiện nay trong Luật và Nghị định hướng dẫn chưa có quy định về cưỡng chế ngưng cung cấp điện, cấp nước.

1.5- Một số ý kiến cho rằng lực lượng công chức của Ủy ban nhân dân cấp xã có hạn, trình độ về môi trường còn hạn chế vì vậy cần cân nhắc khi quy định trách nhiệm quá nhiều và vượt quá khả năng của công chức cấp xã (Điều 50, Điều 176 dự thảo Luật).

1.6- Một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật có 40 Điều quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành, như vậy sẽ khó khả thi khi Luật có hiệu lực vì phải chờ văn bản hướng dẫn. Đề nghị nghiên cứu theo hướng cần quy định chi tiết những nội dung phù hợp vào dự thảo Luật để ngay khi được ban hành, Luật được thực thi.

II- GÓP Ý CỤ THỂ

1- Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

- Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích thế nào là: bảo vệ môi trường; kinh tế xanh; kinh tế cac bon; thị trường phát thải; kinh tế toàn cầu; trái phiếu xanh; tín dụng xanh; hạn ngạch xả nước thải;

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “chất ô nhiễm” bằng “chất gây ô nhiễm” và bỏ nội dung “cao hơn ngưỡng cho phép” vì nếu quy định như vậy có thể hiểu là những chất độc hại do con người xả vào môi trường dưới ngưỡng cho phép là được chấp nhận, thực tế có những chất vô cùng độc hại gây tác động dài hạn và tích tụ đã gây ô nhiễm môi trường sống. Khoản 2 viết lại như sau: “Chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường làm cho môi trường bị ô nhiễm”.

- Khoản 32: có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 32 như sau: “Quy hoạch môi trường là các giải pháp, định hướng phân bố không gian phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để đảm bảo chất lượng môi trường tốt, an toàn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định”sẽ rõ nghĩa hơn.

- Khoản 34: có ý kiến đề nghị xem lại cách giải thích về “Sự cố môi trường” bao gồm cả “thiên tai” (biến đổi tự nhiên). Đề nghị cần định nghĩa rõ hơn, tránh  trùng lắp với “quản lý thiên tai”. Mặt khác, đã là “diễn biến tự nhiên” thì không có cách nào quản lý hay điều khiển được, đó là một sự tồn tại cần thiết, đôi khi là quy luật của tự nhiên nên không thể xem là “sự cố”. 

2- Về quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt (Điều 7)

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “định kỳ” sau cụm  từ “đánh giá”  để định lượng về thời gian, việc này quan trọng vì ảnh hưởng đến chi ngân sách. Khoản 1 viết lại như sau: “Chất lượng nước, trầm tích và hệ sinh thái thủy sinh của các nguồn nước mặt phải được theo dõi, đánh giá định kỳ. Khả năng chịu tải của môi trường nước mặt phải được tính toán, xác định và công bố”.

- Khoản 2: có ý kiến cho rằng theo quy định hiện nay, nguồn thải lớn và các khu công nghiệp/khu chế xuất khi xả thải ra môi trường đều đã quy định xả thải phải đạt tiêu chuẩn tuy nhiên vẫn gây ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, đề nghị bỏ “trừ trường hợp nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước” tại cuối khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật. 

Có ý kiến cho rằng cần xem lại quy định “không cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn nước mặt đã không còn khả năng chịu tải, trừ trường hợp nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước” là dư vì khoản 2 Điều 6 đã cấm “thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường” và khó thực thi vì nhiều nguồn nước mặt hiện tại đã quá tải theo nhiều thông số hoặc một số thông số đặc trưng chất lượng nước do các loại nước thải khác nhau chưa được thu gom xử lý. Đề nghị sửa lại như sau “Chỉ cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn nước mặt cho nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước”.

Bên cạnh đó, đối với môi trường không khí yêu cầu mô hình hóa trong khi đối với nước mặt và nước dưới đất không yêu cầu. Đề nghị để bỏ cụm từ “mô hình hóa chất lượng môi trường không khí” trong nội dung khoản 2 Điều 7.

- Khoản 3: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “khai thác và sử dụng nguồn nước” bằng cụm từ “khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước”. Khoản 3 viết lại như sau: “Bảo vệ môi trường nước sông được dựa trên các tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước”.

3- Về hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt (Điều 8)

- Có ý kiến cho rằng về hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt, dự thảo Luật  chỉ mới quy định tập trung vào việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm dạng điểm mà chưa xem xét các nguồn ô nhiễm phân tán có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước mặt như nước mưa chảy tràn qua các vùng sản xuất nông nghiệp, nước mưa chảy tràn qua bề mặt các khu đô thị. 

- Khoản 3: có ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm việc xác định hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt là tổng hạn ngạch được phép xả thải vào từng nguồn tiếp nhận nước thải (dòng sông, đoạn sông, một hồ chứa...).

- Điểm d khoản 9: có ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn về cơ sở phân bổ các hạn ngạch xả thải cho các chủ nguồn thải để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các nguồn thải và tiến tới hình thành thị trường mua bán/trao đổi hạn ngạch xả thải. 

4- Về bảo vệ môi trường nước dưới đất (Điều 10)

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị viết lại nội dung khoản 2 như sau: “Việc khai thác, sử dụng nước dưới đất phải dựa trên nguyên tắc khai thác và sử dụng hợp lý hoặc bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất”.

- Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung qui định đối tượng khu chôn lấp chất thải rắn thông thường cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để không gây ô nhiễm nước dưới đất. 

- Khoản 5: có ý kiến đề nghị viết lại nội dung khoản 5 như sau: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nước dưới đất phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm nước dưới đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định hiện hành”. 

Có ý kiến cho rằng quy định như khoản 5 Điều 10 rất khó thực hiện trong điều kiện kỹ thuật hiện nay bởi vì một khi nguồn nước dưới đất (tầng chứa nước) bị ô nhiễm thì rất khó xác định phạm vi lan truyền ô nhiễm trong tầng chứa và rất khó triển khai các hành động để xử lý, làm sạch tầng chứa nước đó. Do vậy, điều quan trọng nhất là tập trung vào việc ngăn ngừa ô nhiễm nước dưới đất. Bên cạnh đó, các nguồn có khả năng gây ô nhiễm nước dưới đất cao như: bể tự hoại, các hệ thống thu gom và xử lý nước thải các loại,... Vì vậy, cần có quy định về chống thấm đối với các kết cấu này. 

5- Về quy định chung về bảo vệ môi trường không khí (Điều 12)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật”. 

6- Về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí (Điều 13)

Có ý kiến cho rằng ô nhiễm không khí hiện đang là vấn đề bức xúc tại nhiều khu đô thị trong khi các quy định hiện tại chưa đủ mạnh để quản lý chất lượng không khí. Thực tế, ô nhiễm không khí là vấn đề khu vực, các chất gây ô nhiễm có khả năng phát tán qua các tỉnh thành phố trên diện rộng. Do đó, cần quy định thêm nội dung về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực, quy định các quy chuẩn chất lượng không khí bị ô nhiễm trên một khu vực rộng lớn. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều này nội dung quy định “Quy định về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh, thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực.

7- Về xác định tiêu chí và phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất (Điều 17)

Một số ý kiến đề nghị xem lại việc không quy định phân loại và tiêu chí phân loại mức độ ô nhiễm của môi trường không khí và nước là không hợp lý.

8- Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường (Điều 29)

Khoản 2: có ý kiến đề nghị phân loại thành 04 mức độ bao gồm: không ô nhiễm, ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng và ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. 

9- Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30)

Các ý kiến chọn Phương án 2 là phương án ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ và các thủ tục hành chính khác.

  10- Về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (Điều 31)

  Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể dự án thuộc nhóm III có phải thực hiện ĐTM không hay chỉ đăng ký giấy phép môi trường. 

  11- Về nghiên cứu đánh giá tác động môi trường (Điều 32)

  Khoản 3

+ Điểm e: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Biện pháp quản lý chất thải” vì thông thường chất thải rắn và chất thải nguy hại chỉ được thu gom và hợp đồng đơn vị chức năng xử lý.

+ Điểm m: có ý kiến đề nghị thay cụm từ  “Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường…” bằng cụm từ “Dự toán kinh phí đầu tư công trình bảo vệ môi trường…” vì ngoài phí xây dựng còn có phí lắp đặt thiết bị vận hành, quan trắc môi trường phòng thí nghiệm... Điểm m viết lại như sau: “Dự toán kinh phí đầu tư công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường”.

12- Về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 35)

Điểm đ khoản 2: có ý kiến cho rằng thành viên là nhà khoa học sẽ có quan điểm về mặt khoa học nhưng về phía quản lý nhà nước có những qui định chưa theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc trái với khoa học, thậm chí về khoa học cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, đề nghị thay từ “trách nhiệm trước pháp luật” bằng cụm từ “trách nhiệm khoa học”. Điểm đ viết lại như sau: “Thành viên Hội đồng thẩm định có trách nhiệm nghiên cứu, viết bản nhận xét về các nội dung thẩm định quy định tại khoản 6 Điều này và chịu trách nhiệm khoa học về ý kiến nhận xét, đánh giá của mình”.

13- Về tham vấn cộng đồng và cơ quan liên quan (Điều 33) 

Điểm đ, điểm e khoản 3: có ý kiến đề nghị cần làm rõ số lượng cơ quan phải tham vấn cấp xã đối với dự án triển khai trên địa bàn nhiều xã; làm rõ số lượng cơ quan phải tham vấn cấp huyện đối với dự án triển khai trên địa bàn nhiều huyện. Nếu để chủ dự án lựa chọn tham vấn giữa cấp xã và cấp huyện thì chủ dự án sẽ chọn cấp xã, vấn đề là có tham vấn đầy đủ các xã có liên quan đến dự án hay không? 

14- Về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 35)

Có ý kiến đề nghị cần bổ sung cụ thể cơ quan quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo ĐTM cấp tỉnh. 

15- Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 36)

Các ý kiến chọn Phương án 2 vì cần tập trung trong việc giao quyền cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. .

16- Về đối tượng phải có giấy phép môi trường (Điều 40)

Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể dự án thuộc nhóm III có xả thải với quy mô trung bình trở xuống có được miễn trừ giấy phép môi trường hay không? 

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem lại  quy định đối tượng “nhóm III” có xả thải với quy mô trung bình trở lên vì thực tế có phát sinh các trường hợp “nhóm III” có xả thải với quy mô trung bình trở xuống sẽ quản lý như thế nào?

- Điểm a khoản 1: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “dịch vụ quản lý chất thải rắn nguy hại” bằng cụm từ  “dịch vụ quản lý chất thải nguy hại” vì chất thải nguy hại không chỉ là dạng rắn. Điểm a viết lại như sau: “Dự án thuộc nhóm I, nhóm II hoặc nhóm III có xả thải với quy mô trung bình trở lên trong giai đoạn vận hành; có thực hiện dịch vụ quản lý chất thải nguy hại; có thực hiện dịch vụ xử lý chất rắn thông thường; có sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;”

 

17- Về Giấy phép môi trường (Điều 41); Thời điểm cấp giấy phép môi trường (Điều 43)

Các ý kiến cho rằng về Giấy phép môi trường và thời điểm cấp giấy phép môi trường, đề nghị cần quy định cụ thể  trong giai đoạn thi công xây dựng dự án thì cơ quan chức năng quản lý môi trường dự án căn cứ vào đâu, vào ĐTM hay vào giấy phép môi trường (lưu ý giai đoạn này thường chưa có giấy phép môi trường). Và có nhiều dự án kết thúc khi thi công xong (ví dụ nạo vét), vậy thời điểm cấp giấy phép môi trường cho loại dự án này là khi nào? 

18- Về thời điểm cấp giấy phép môi trường (Điều 43)

Điểm d khoản 2: có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định thời hạn cụ thể cho các trường hợp đã đi vào vận hành chính thức để thống nhất, đồng bộ, thuận lợi trong công tác quản lý.

19- Về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường (Điều 44)

Khoản 4: có ý kiến đề nghị cần quy định là “không quá 45 ngày làm việc” để việc thực thi được thuận lợi.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 4 nội dung quy định theo hướng “Đối với dự án xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có đánh giá kết quả thực hiện việc xây dựng lắp đặt công trình đấu nối, xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định”. Tương tự,  bổ sung nội dung này vào điểm h khoản 2 Điều 45 dự thảo Luật.

20- Về đăng ký môi trường (Điều 50)

Điểm d khoản 2 quy định “Các dự án khi đi vào vận hành và cơ sở, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát thải chất thải thông thường với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng các công trình xử lý tại chỗ hoặc đã được quản lý theo quy định của địa phương” thì được miễn giấy phép môi trường, đăng ký môi trường

Có ý kiến đề nghị cần xác định cụ thể ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào không phát sinh chất thải; quy định rõ khối lượng chất thải phát sinh như thế nào là nhỏ để áp dụng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đúng quy định. 

21- Về bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế (Điều 51)

- Điểm c khoản 1: có ý kiến cho rằng tại sao khu kinh tế không yêu cầu phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải tương tự như đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (điểm c khoản 1 Điều 52)

22- Về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (Điều 52)

- Khoản 2: có ý kiến cho rằng nhằm tạo sự thống nhất trong công tác quản lý địa bàn khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố với quy mô, diện tích lớn, số lượng nhà đầu tư và lao động nhiều ở các lĩnh vực cấp phép đầu tư, xây dựng, môi trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động,… Đồng thời. để khẳng định với nhà đầu tư trong việc thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi. Đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 2 Điều 52 nội dung “Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định của Chính ph. Quy định này phù hợp với điểm đ khoản 3 Điều 63 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 và khoản 1 Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

- Khoản 4: có ý kiến cho rằng hiện nay tại một số khu chế xuất – khu công nghiệp lưu lượng nước thải sau xử lý khoảng 60.000 m3/ngày.đêm; sau khi xử lý đạt quy chuẩn xả thải ra môi trường. Tuy nhiên nhu cầu nước dùng để tưới cây xanh, rửa đường trong phạm vi khu chế xuất – khu công nghiệp là rất lớn, các khu chế xuất – khu công nghiệp chưa được hướng dẫn từ Bộ Tài nguyên và Môi trường do đó được phép tái sử dụng nước thải và lấy nước sạch từ nhà máy nước thành phố để tưới cây, rửa đường. Vì vậy, đề nghị sửa như sau: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sinh thái, áp dụng kinh tế tuần hoàn chất thải, tái sinh, tái sử dụng chất thải, tái sử dụng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn, sử dụng cho các mục đích phù hợp trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung”.

23- Về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (Điều 54)

Khoản 2 quy định “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định của Chính phủ, bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư…”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn thực hiện về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư. 

24- Về bảo vệ môi trường làng nghề (Điều 57)

Có ý kiến cho rằng quy định làng nghề phải có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường là cần thiết, nhưng cần xác định cụ thể ai sẽ làm việc này và cơ chế tài chính ra sao? 

25- Về bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư (Điều 58)

Điểm b khoản 2: có ý kiến đề nghị cần xem lại quy định miễn trừ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung trong trường hợp không bố trí được quỹ đất. Việc này dễ dẫn đến tình trạng các đô thị né tránh việc đầu tư xử lý nước thải vì cho rằng không bố trí được quỹ đất, chỗ này làm chỗ khác thì không. 

26- Về bảo vệ môi trường nông thôn (Điều 59)

Điểm c khoản 1: có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cần có hệ thống thu gom chất thải rắn nông thôn để đảm bảo tính đồng bộ vì nếu không tổ chức được mạng lưới thu gom rác nông thôn thì rất khó quản lý và xử lý triệt để nạn rác và xác chết vật nuôi ở nông thôn bỏ xuống sông rạch. 

27- Về bảo vệ môi trường trong  nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp (Điều 62)

- Khoản 3: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 3 Điều 72 quy định “thu gom và xử lý theo qui định các giá thể phục vụ nuôi thủy sản”.

- Khoản 4:

+ Điểm c qui định về thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn nhưng thiếu qui định về thu gom và xử lý mùi hôi, khoảng cách an toàn môi trường. Đề nghị xem xét bổ sung nội dung này vì thường hay có khiếu kiện về mùi hôi.

 + Điểm đ quy định cơ sở chăn nuôi không có khả năng xử lý xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh: chôn hoặc đốt, vì vậy, nhà nước phải có trách nhiệm hổ trợ xử lý chất thải này. Tuy nhiên, thiếu qui định khoảng cách an toàn môi trường đối với trang trại trồng trọt vì  trong giai đoạn phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng có khả năng phát tán vào các công trình như trường học, khu dân cư, nhà hàng...

28- Về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người (Điều 63)

Điểm a khoản 5: có ý kiến đề nghị cân nhắc miễn giảm thực hiện yêu cầu này đối với các phòng khám quy mô nhỏ lẻ phân tán rộng khắp trong dân cư vì nước thải phát sinh ở đó phần lớn chỉ là nước thải sinh hoạt, chỉ cần đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của địa phương là đủ. 

29- Về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải (Điều 66)

- Có ý kiến đề nghị cần bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường riêng đối với các phương tiện giao thông vận tải thủy. 

- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 66 quy định “Phương tiện thủy lưu thông trên ao, hồ, kênh, rạch, sông, biển phải thu gom chất thải rắn và nhiên liệu để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường nước”.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch xây dựng các địa điểm tiếp nhận chất nạo vét từ biển, sông, hồ và các hệ thống giao thông đường thủy khác, nếu bùn không gây ô nhiễm môi trường thì nên được sử dụng để san lấp ở vị trí thích hợp.

- Khoản 6: có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung vào nội dung khoản 6 quy định theo hướng khi xây dựng các công trình giao thông phải có giải pháp giảm thiều bụi, tiếng ồn, rung... ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân

30- Về bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm (Điều 69)

Điểm c khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung điểm c khoản 1 Điều 69 quy định theo hướng thu gom và chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại.

31- Về yêu cầu về quản lý chất thải (Điều 73)

Khoản 2: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn” bằng cụm tự “áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn” vì sản xuất sạch hơn không phải là công nghệ. Khoản 2 viết lại như sau: “Tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải phải có trách nhiệm phân loại, xử lý hoặc chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; áp dụng các giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát môi trường và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải”.

32- Về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương (Điều 74)

Có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề Điều 74 như sau: “Giảm thiểu tái sử dụng, tái chế xử lý chất thải nhựa phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa ao hồ kênh rạch sông và đại dương” vì trên nhiều địa bàn ngoài phương tiện tàu biển còn phương tiện thủy nội địa lưu thông cũng gây ô nhiễm môi trường nước trên các tuyến sông, kênh, rạch. Tương tự cần bổ sung từ “sông” trong nội dung Điều 74 dự thảo Luật.

33- Về kiểm toán môi trường (Điều 75)

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật không bắt buộc các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường. Báo cáo kiểm toán môi trường được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tham khảo để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra,... Quy định như vậy rất khó triển khai trong thực tế. Đề nghị cần nghiên cứu quy định theo một trong hai hướng: (1) Nhà nước khuyến khích (có chính sách kèm theo) các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường để doanh nghiệp tự quản lý môi trường tốt hơn; (2) Bắt buộc phải thực hiện và chu kỳ nộp báo cáo kiểm toán môi trường. 

33- Về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (Điều 78)

  Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của đơn vị thu gom trong việc thu gom các loại chất thải rắn theo đúng với các loại chất thải rắn đã được phân loại; bảo đảm không để lẫn các loại chất thải rắn đã được phân loại với nhau.

 Có ý kiến cho rằng để làm cơ sở thực hiện thu gom rác ven sông, kênh rạch, đề nghị bổ sung vào Điều 78 quy định theo hướng thu gom chất thải rắn trên các tuyến sông, kênh rạch vì hiện tại trên các tuyến sông kênh rạch các loại rác thải gây ô nhiễm môi trường nước cho các hộ ven sông. 

Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 4 Điều 78 quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn, quy định thiết bị, phương tiện phù hợp để thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại.

  34- Về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Điều 80)

- Có ý kiến đề nghị cần bổ sung vào Điều 80 quy định theo hướng bắt buộc mọi căn hộ/hộ gia đình sinh sống trong khu vực đã có mạng lưới thu gom rác phải có trách nhiệm nộp phí thu gom rác hàng tháng để tránh tình trạng không hợp đồng thu gom rác mà xả thải trực tiếp xuống kênh rạch, đất công. 

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị cần xem lại quy định mức chi trả cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tối thiểu 20% mức thực tế là khó thực thi:

(1) nếu áp dụng công nghệ xử lý khác nhau chi phí sẽ khác nhau, người dân không biết chất thải rắn của họ được xử lý bằng công nghệ nào, ngoài ra một số đơn vị áp dụng công nghệ không đúng như đăng ký, ví dụ bãi rác Đa Phước tính phí cho sản xuất phân hữu cơ nhưng chỉ chôn lấp. 

(2) Định lượng theo khối lượng không khả thi, còn định lượng theo thể tích chỉ là tương đối.

(3) Hộ dân ở xa khu xử lý phải trả chi phí cao hơn (do vận chuyển đi xa hơn), quản lý chất thải rắn sinh hoạt: thiếu qui định đối với trạm trung chuyển, đây là nơi phát sinh mùi hôi và thường xảy ra khiếu kiện.

- Khoản 4:  có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc kiểm tra hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

- Khoản 6:

+ Có ý kiến đề nghị sửa cụm từ “quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom…” thành “ban hành giá dịch vụ thu gom…”. Khoản 6 viết lại như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và …”.

+ Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 6 Điều 80 quy định trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các khu dân cư tập trung mới.

35- Về hệ thống xử lý nước thải (Điều 89)

Khoản 2: có ý kiến đề nghị cần tách riêng quy định về quản lý bùn thải thành một nội dung riêng trong Điều 89 dự thảo Luật.

36- Về đối tượng quan trắc môi trường (Điều 110)

Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định quan trắc mưa acid, quan tắc lún đất, bồi tụ đất cửa sông, ven sôngvào đối tượng quan trắc môi trường tại Điều 110 dự thảo Luật.

37- Về quan trắc nước thải (Điều 113)

Khoản 1 Điều 113: có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng phải quan trắc nước thải là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm riêng lẻ, xen cài trong khu dân cư với quy định chi tiết quy mô xả thải tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo các cơ sở phải theo dõi thường xuyên, giám sát chất lượng nước thải, chất lượng môi trường tiếp nhận nước thải và kịp thời để xuất các giải pháp cải tạo, nâng cấp công trình xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả thải ra môi trường. 

38- Về báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (Điều 121)

Khoản 1: có ý kiến cho rằng để thực hiện quy định này có hiệu quả, đề nghị nên lồng ghép nội dung của báo cáo tài nguyên nước vào báo cáo công tác bảo vệ môi trường, thời điểm và kỳ báo cáo đối với báo cáo công tác bảo vệ môi trường. 

39- Về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường (Điều 155)

- Có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề Điều 155 như sau: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường”. 

 - Khoản 1: có ý kiến đề nghị thay cụm từ ứng dụng chuyển giao công nghệbằng “ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến và hiệu quả”. Khoản 1 viết lại như sau: “Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến và hiệu quả về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước”.

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 2 Điều 155 quy định “Phát triển công nghệ xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng ít (không) tác động đến môi trường, phát triển nông nghiệp và công nghiệp xanh

40- Về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (Điều 162)

Có ý kiến cho rằng Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam quy định quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và không tách bạch quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Vì vậy, Điều 162 tách riêng khoản 1 quy định về quyền; khoản 2 quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam là không cần thiết và không phù hợp với Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Đề nghị Điều 162 chỉ liệt kê nội dung quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam là đầy đủ. 

41- Về quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường (Điều 165)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 1 quy định điểm c theo hướng “Cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua đại diện của mình là tổ chức chính trị - xã hội mà mình là đoàn viên, hội viên để góp ý kiến, kiến nghị và yêu cầu chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối thoại trực tiếp hoặc gián tiếp về trách nhiệm bảo vệ môi trường, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cung cấp các vấn đề môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật, được tham gia trong quá trình tố tụng giải quyết tranh chấp về môi trường theo quy định của pháp luật”.

42- Về khiếu nại, tố cáo khởi kiện về môi trường (Điều 170)

Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 4 điểm c quy định theo hướng: “Các tổ chức chính trị - xã hội đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích nhà nước về môi trường”.

43- Về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 176)

Có ý kiến cho rằng để thực hiện trách nhiệm tại điểm đ khoản 1, điểm đ khoản 2, điểm đ khoản 3 Điều 176 đề nghị cần phải bổ sung quy định cụ thể về cơ quan đầu mối cho nhiệm vụ này tránh sự chồng chéo giữa các cấp chính quyền địa phương.

44- Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 178)

Khoản 3: có ý kiến đề nghị cần xem xét lại thời gian giải quyết hồ sơ 15 ngày mâu thuẫn với quy định tại khoản 4 Điều 44 của dự thảo Luật.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TPHCM

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07844151




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn