Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, ngày 16/9/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về sự cần thiết ban hành Luật

Hầu hết các ý kiến cho rằng trong tình hình an ninh, trật tự xã hội phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi như hiện nay, để có được lực lượng quần chúng tham gia với lực lượng chính quy trong bảo vệ an ninh, trật tự là điều cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho lực lượng cơ sở, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vì vậy, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần xác định lực lượng này chỉ là lực lượng hỗ trợ cho Công an xã trong việc thực hiện nhiệm vụ, không phải là lực lượng chính. Do đó, các quy định về chính sách hỗ trợ trong dự thảo Luật cần phù hợp với tính chất của lực lượng này.

2. Về bố cục của dự thảo Luật

2.1- Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một Điều quy định về giải thích từ ngữ để tạo sự thống nhất trong các văn bản pháp luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giải thích thế nào là cơ sở; trình độ văn hóa; nơi cư trú ổn định; phẩm chất đạo đức tốt;

2.2- Chương II: có ý kiến đề nghị nghiên cứu viết gọn lại các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II, đặc biệt là những nhiệm vụ, quyền hạn chỉ mang tính chất tham gia cùng lực lượng công an. 

2.3- Chương IV có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề Chương IV thành “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”. 

2.4- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, chi dùng nguồn kinh phí xã hội hóa. 

Ý kiến khác cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép tiếp nhận các nguồn kinh phí xã hội hóa, hỗ trợ từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ thêm cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thêm thu nhập, bồi dưỡng khi tuần tra, tham gia giải quyết các vụ việc...để khuyến khích lực lượng này gắn bó với nhiệm vụ, giải quyết khó khăn khi mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp. 

2.5- Một số ý kiến băn khoăn về trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị thương, thậm chí bị chết trong quá trình thực thi nhiệm vụ thì được giải quyết chính sách như thế nào? Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về chế độ chính sách cho những người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2.6- Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần quy định theo hướng khi bố trí lực lượng nên cân đối giữa địa bàn đô thị và nông thôn, vì đô thị thường có mật độ dân cư đông.

2.7-  Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về quy trình hồ sơ, thẩm quyền và hình thức xử lý khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hành vi vi phạm trong khi thực thi nhiệm vụ.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh chưa bao quát hết nội dung của dự thảo Luật. Đề nghị sửa lại Điều 1 như sau: “Luật này quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ phối hợp, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.

2. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 3)

- Một số ý kiến cho rằng nội dung về vị trí, chức năng tại Điều 3 chưa đảm bảo được sự đồng nhất, tương thích với nội dung quy định của dự thảo về các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của lực lượng này tại Chương II và Điều 6 của dự thảo Luật. Theo quy định tại Điều 3 và tên gọi dự thảo Luật thì vai trò, vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “tham gia” công tác “bảo vệ an ninh, trật tự”. Tuy nhiên, một số nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Chương II và Điều 6 dự thảo Luật thể hiện phạm vi công việc rộng và bao quát hơn phạm vi chức năng “bảo vệ an ninh, trật tự” như “tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác” (điểm d khoản 1 Điều 6 dự thảo), “phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật” (Điều 9 dự thảo). Ý kiến này đề nghị cần điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất về tên gọi, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Bảo vệ an ninh, trật tự là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là địa bàn cấp xã)”. 

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an, chính quyền địa phương, nhân dân thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh trật tự”. 

Có ý kiến cho rằng cụm từ “vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự” trong nội dung khoản 2 sẽ khó thực hiện trong thực tiễn. Đề nghị điều chỉnh lại để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

3. Về tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 5)

- Có ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể đối với những người đang là dân quân tự vệ, người đã được sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên để tránh chồng chéo trong việc huy động, sử dụng lực lượng, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng này. 

- Khoản 1:

+ Hầu hết ý kiến đề nghị cần quy định độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm đảm bảo đủ sức khỏe để thực thi nhiệm vụ. Có ý kiến đề nghị quy định độ tuổi tối đa của lực lượng này là 65 tuổi.

+ Điểm a: có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “không có tiền án, tiền sự” vì đã có quy định tiêu chuẩn “lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng...”. Nếu đặt tiêu chuẩn quá cao rất khó tuyển được người hiện tại tốt, có uy tín. Bên cạnh đó, có những người có tiền án, tiền sự nhưng tại thời điểm tuyển chọn người đó gương mẫu, nhưng tiền án về các tội do lỗi vô ý, vi phạm ở độ tuổi chưa thành niên nhận thức chưa đầy đủ mà có tinh thần đấu tranh chống tội phạm tốt, có uy tín ở địa phương thì nên tham gia tuyển chọn. 

Có ý kiến đề nghị xem xét quy định theo hướng người có tiền án tiền sự cải tạo tiến bộ, được xóa án tích và được xác nhận của lực lượng Công an cấp xã thì vẫn được tham gia lực lượng này. 

 + Điểm b: nhiều ý kiến đề nghị thay cụm từ “trình độ văn hóa” bằng “trình độ học vấn”. Điểm b viết lại như sau: “trình độ học vấn và nơi cư trú ổn định”.

+ Có ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp cá nhân có nơi cư trú là địa bàn xã này thì có được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự của địa bàn xã khác hay không? Đồng thời, quy định rõ mỗi địa bàn xã được thành lập bao nhiêu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để đảm bảo sự thống nhất trong thực tiễn.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các trường hợp được ưu tiên xem xét tuyển chọn, bố trí vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

4- Về quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 6)

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về “Nghĩa vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

- Khoản 1

+ Có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung quy định tại khoản 1 Điều 6 để đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả trong hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tránh trường hợp tạo nên bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét lại quy định về việc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã vì chưa thống nhất với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và chưa phù hợp với chủ trương, chính sách hiện nay trong công tác tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã.

+ Điểm a: có ý kiến đề nghị bổ sung cơ quan “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vào nội dung điểm a. Điểm a viết lại như sau: “Chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

- Có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung các lực lượng tự quản  (Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; Hiệp sĩ đường phố; Tổ tự quản an ninh trật tự…)  tham gia vào hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở tại địa phương.

6- Về thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách (Điều 8)

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “bảo lãnh” bằng “bảo lĩnh” vì  theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “bảo lĩnh” mới là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Khoản 2 viết lại như sau: “Tình hình hoạt động của bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm và những người sau đây: …”

7. Về tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Điều 9)

Có ý kiến đề nghị cần xem lại nội dung Điều 9 vì quy định như vậy sẽ trùng lắp với  vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.

8. Về thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 10)

Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung Điều 10 vì quy định như vậy sẽ trùng lắp với vai trò, nhiệm vụ  của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

9. Về tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn (Điều 11)

Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung Điều 11 vì quy định như vậy sẽ trùng lắp với vai trò, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân các cấp.

10. Về bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù (Điều 13)

Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định “bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã” trong nội dung Điều 13 vì trình tự, thủ tục bắt người phạm tội quả tang, bắt người bị truy nã đã được quy định tại Điều 111, Điều 112 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và quy định này chưa thống nhất với Điều 42 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 về việc giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn.

Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “Trường hợp phát hiện” bằng “Tham gia cùng với lực lượng Công an”.

Điều 13 viết lại như sau: “Tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng truy bắt người phạm tội đang bị truy nã, trốn thi thanh án phạt tù đang lẩn trốn trên địa bàn.

Tham gia cùng với lực lượng Công an, bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy  nã, trốn thi hành án phạt tù thì tước vũ khí,…”.

11. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ an ninh, trật tự (Điều 15)

Có ý kiến đề nghị cần thống kê cụ thể hiện nay có bao nhiêu đơn vị ở cấp xã  để xác định số lượng thành viên của Tổ an ninh trật tự. Trong dự thảo Luật và dự thảo Nghị định chưa quy định số lượng thành viên của Tổ an ninh trật tự (khoản 2 Điều 16 có quy định Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng tổ và số lượng chức danh mà không đề cập đến số lượng thành viên của tổ). 

12. Về bố trí lực lượng, thành lập, công nhận chức danh, báo cáo hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 16)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa nội dung khoản 1 như sau “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự được bố trí thành tổ an ninh trật tự ở đơn vị hành chính, dân cư liền kề, trực thuộc cấp xã trên địa bàn xã, phường, thị trấn, bao gồm các chức danh: Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ an ninh, trật tự”.

13. Về nhiệm vụ chi của địa phương (Điều 21)

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trong nhiệm vụ chi của địa phương  có chi cho việc thuê trụ sở hoặc thuê nơi làm việc cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp chưa có đất để xây hoặc chưa bố trí được nơi làm việc. 

14. Về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 25)

Có ý kiến cho rằng Điều 25 quy định là người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo quy định là phù hợp. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật lại quy định về giải quyết trường hợp đối với việc không tham gia bảo hiểm xã hội và không tham gia bảo hiểm y tế. Hai nội dung này có sự mâu thuẫn, đề nghị cần xem lại tạo sự thống nhất trong các quy định của dự thảo Luật.

III. GÓP Ý CHO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ. 

1- Chương II

1.1-  Có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề Chương II như sau “Trang phục, Huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; Danh mục, tiêu chuẩn, định mức trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”. 

1.2- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về cơ quan nào ký quyết định công nhận lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

1.3- Nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định theo hướng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị: 02 bộ trang phục/năm; 01 đôi giày/02 năm năm.

2- Chương III

2.1- Điều 5 (Về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Khoản 2: có ý kiến đề nghị tăng mức bồi dưỡng mỗi ngày cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, cơ sở khi tham gia làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật  tự bằng 0,09 lần của lương tối thiểu chung.

2.1-  Có ý kiến cho rằng tiêu đề Chương III quy định về “Bồi dưỡng, hỗ trợ; điều kiện, mức hưởng, trình tự thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện chi trả cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, tai nạn, chết, bị thương, hy sinh”. Tuy nhiên, Điều 6 và Điều 7 Chương III chỉ quy định về trường hợp thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, chết, không  uy định về “trường hợp thực hiện nhiệm vụ hy sinh”. Đề nghị cần bổ sung quy định này vào dự thảo Nghị định.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07844210




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn