Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 1/10/2020 Đoàn đại biểu Quốc thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
1- Về giải thích từ ngữ (Điều 2)
- Điểm k khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “thành phố trực thuộc trung ương” vào sau “cơ quan cấp tỉnh” để nội dung điểm k khoản 2 rõ nghĩa hơn và phù hợp với Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ. Điểm k viết lại như sau: “Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức); cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức)”.
- Có ý kiến cho rằng nội dung giải thích khái niệm về: Ký kết (khoản 5); Ký (khoản 6) tại Điều 2 dự thảo Luật chưa phù hợp với nội dung giải thích về “Ký kết” (khoản 5); “Ký” (khoản 6) trong Điều 2 Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa nội dung giải thích về khái niệm “Ký kết” và “Ký” nhằm tạo sự thống nhất trong các văn bản pháp luật hiện hành.
2- Về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Điều 3)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 1 Điều 3 chưa phù hợp với Điều 12 của Hiến pháp năm 2012. Đề nghị sửa lại như sau: “Phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với lợi ích quốc gia”.
Khoản 3: có ý kiến cho rằng nội dung “bảo đảm yêu cầu về đối ngoại” đã được quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật và Điều 12 Hiến pháp. Đề nghị xem xét viết lại khoản 3 Điều 3 gắn gọn hơn tránh lặp lại nội dung nguyên tắc đã được quy định.
3- Về tên gọi của thỏa thuận quốc tế (Điều 6)
Có ý kiến cho rằng theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016, thì tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế không chỉ có công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định mà còn một số tên gọi khác, như nghị định thư, công hàm trao đổi... vì vậy, để phù hợp với Luật Điều ước quốc tế, đề nghị bổ sung cụm từ “nghị định thư, công hàm trao đổi” sau “công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định”. Điều 6 viết lại như sau: “Thỏa thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là Thỏa thuận, Thông cáo, Tuyên bố, Ý định thư, Ban ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận, Biên bản trao đổi, Chương trình hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế “công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi”.
Có ý kiến đề nghị đưa Điều 6 vào khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật vì nội dung có ý nghĩa giải thích khái niệm về tên gọi của thỏa thuận quốc tế.
4- Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế (Điều 7)
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 7 quy định theo hướng “Nếu có phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp thì sử dụng bản tiếng Anh làm tham chiếu, trừ trường hợp có quy định khác”.
5- Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8)
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 8 quy định “Tiết lộ, công khai các thông tin nhạy cảm cho nước ngoài khi thỏa thuận quốc tế chưa được ký kết”
Có ý kiến cho rằng Điều 8 dự thảo Luật đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Để đảm bảo việc thực thi Luật được chặt chẽ đồng thời đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm hạn chế tối đa các bất lợi cho Việt Nam khi tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong thực hiện Luật Thỏa thuận quốc tế.
Có ý đề nghị quy định theo hướng cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
6- Về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh (Điều 20)
- Khoản 1: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể “cơ quan có liên quan” trong nội dung khoản 1 là cơ quan, đơn vị nào?
- Khoản 2: có ý kiến cho rằng quy định như khoản 2 thiếu chặt chẽ, nếu các cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc thì cơ quan đề xuất ký kết thỏa thuận có quyền trình cấp có thẩm quyền ký kết hay không?
- Khoản 4: có ý kiến cho rằng quy định về thẩm quyền các cơ quan cần lấy ý kiến thỏa thuận quốc tế theo dự thảo Luật là quá rộng, không phù hợp, có thể dẫn đến sự chủ quan trong đánh giá và thẩm định. Đề nghị cần quy định theo hướng chỉ cho phép các cơ quan được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong trường hợp việc ký kết dẫn đến vi phạm Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm) dự thảo Luật.
Việc hạn chế thẩm quyền của các cơ quan được lấy ý kiến cũng giúp giảm áp lực cho Thủ tướng trong trường hợp phát sinh quá nhiều trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan liên quan trong vấn đề đánh giá tính phù hợp của Thỏa thuận quốc tế cần ý kiến quyết định của Thủ tướng.
7- Về ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (Điều 24)
Khoản 1 quy định “Cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức”. Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 1 chưa rõ, chưa cụ thể “cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại cấp tỉnh của tổ chức quyết định việc ký kết...” là cơ quan nào, thẩm quyền và việc phân cấp, phân biệt như thế nào. Đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Luật.
8- Về ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao (Điều 32)
Có ý kiến cho rằng trong các chuyến thăm ngoại giao thường chuẩn bị gấp và vì quan hệ ngoại giao dẫn đến việc ký kết một vài thỏa thuận quốc tế không hiệu quả và thậm chí mang tính bất lợi cho phía Việt Nam khi triển khai thực hiện. Đề nghị cần quy định cụ thể theo hướng thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao, chỉ ràng buộc về mặt ngoại giao, không ràng buộc về trách nhiệm pháp lý.
9- Về chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế (Điều 35)
Có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định “Trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận quốc tế thì chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thỏa thuận quốc tế” (Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế năm 2007).
10- Góp ý khác
10.1- Chương IV (Trình tự, thủ tục rút gọn): việc quy định các cơ quan được lấy ý kiến phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc (khoản 2 Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40) là quá ngắn, khó đảm bảo thời gian hoàn thành vì các dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế đều là bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, một số văn bản có nội dung, tính chất quan trọng cần phải có thời gian để nghiên cứu, thẩm định. Đề nghị sửa lại là “05 ngày làm việc”.
10.2- Có ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung quy định các Cơ quan phụ trách phía nam thuộc Bộ Ngoại giao và những Bộ liên quan (nếu Bộ là cơ quan cần lấy ý kiến) là nơi tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thẩm định dự thảo thỏa thuận quốc tế do các cơ quan cấp địa phương khu vực phía Nam trình lấy ý kiến. Quy định như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu chuyển hồ sơ, tạo thuận lợi cho việc giải trình giữa các cơ quan cấp tỉnh phía Nam với cấp Bộ liên quan đến thỏa thuận quốc tế cần ký kết.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TPHCM