Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, ngày 30/9/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1- Về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật
Hầu hết các ý kiến cho rằng cần thiết ban hành hai Luật riêng để điều chỉnh 2 lĩnh vực cụ thể đó là: Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các cá nhân, tổ chức để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn và đúng pháp luật. Và lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật) chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đây là 2 lĩnh vực rất lớn và khác nhau cần phải được điều chỉnh bằng hai văn bản luật khác nhau để quy định đầy đủ, cụ thể hơn so với hiện nay được quy định chung trong cùng một luật.
2- Về tên gọi
Nhiều ý kiến đề nghị tên là Luật Đường bộ để thống nhất với Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa.
3- Về quản lý giấy phép lái xe
Theo một số ý kiến, hiện nay Bộ Công an mà trực tiếp là lực lượng cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động quản lý trật tự an toàn giao thông , trực tiếp phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Trong quá trình xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có rất nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và cơ sở dữ liệu về giấy phép giao thông. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải tổ chức và cơ sở dữ liệu về giấp phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải quản lý nên gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng, quản lý trật tự an toàn giao thông nói chung.
Vì vậy, giao Bộ Công an tiến hành tổ chức sát hạch cấp giấy pháp lái xe sẽ đảm bảo quản lý thống nhất, xuyên suốt và hiệu quả. Xây dựng và quản lý được cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe giúp cho các công tác quản lý trật tự an toàn giao thông được thuận lợi và hiệu quả, chủ động. Chủ động phát hiện các trường hợp sử dụng giấy pháp lái xe giả, giấy phép lái xe không do các cơ quan có thẩm quyền cấp...
Bộ Công an hiện nay được giao các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến quản lý con người (tạm trú, hộ khẩu, căn cước công dân, đối tượng có tiền án tiền sự, suu tra,...), quản lý phương tiện, cơ sở dữ liệu, nên giao Bộ Công an tiến hành tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe là phù hợp, thuận lợi và đảm bảo quản lý thống nhất.
II- GÓP Ý CỤ THỂ
1- Về giải thích từ ngữ (Điều 3)
- Có ý kiến cho rằng Điểu 3 có 62 khoản, giải thích nhiều khái niệm khác nhau liên quan đến nội dung của dự thảo Luật. Để giúp cho việc nghiên cứu và thực hiện thống nhất, dễ dàng, đề nghị cần phân nhóm các khoản có quy định tương tự nhau. Ví dụ: các khái niệm về nhóm đường giao thông; phương tiện giao thông; khối lượng của phương tiện; các loại xe;…
- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích thế nào là: Đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải; Đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ dịch vụ vận tải; Vận tải công cộng; Giao thông; Hoạt động giao thông; xe mô tô hai bánh, ba bánh và các loại xe tương tự;
- Một số ý kiến cho rằng từ khoản 22 đến khoản 28 Điều 3 dự thảo Luật giải thích các khái niệm về “phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Ý kiến này đề nghị chuyển nội dung khoản 22 đến khoản 28 Điều 3 sang Luật Bảo đảm trận tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và thuận tiện tra cứu, thực hiện. Bên cạnh đó, để đảm bảo cụ thể và toàn diện, tránh chồng chéo giữa Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đề nghị cần rà soát các khái niệm của từng dự thảo Luật để thống nhất trong quy định về giải thích từ ngữ.
- Khoản 26: có ý kiến đề nghị xem lại “nguyên lý hoạt động mới” mà được cải tiến, cải tạo lại các thiết bị cũ thì có được xem lại phương tiện mới hay không? Đề nghị cần quy định cụ thể hơn.
- Khoản 29: có ý kiến đề nghị điều chỉnh lại nội dung giải thích khái niệm “Hành khách” đề phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 522 (Hợp đồng vận chuyển hành khách).
- Khoản 31: có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 105, Điều 107, Điều 530 Bộ luật Dân sự năm 2015, khái niệm hàng hóa được hiểu rộng theo hướng là tài sản hàng hóa; theo Luật Thương mại thì hàng hóa là tài sản, của cải vật chất do con người tạo ra, sản xuất ra trong quá trình lao động, sản xuất, đưa vào thị trường để trao đổi, kinh doanh, mua bán, với mục đích lợi nhuận. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh lại nội dung giải thích khái niệm “Hàng hóa” để phù hợp với Điều 105 (Tài sản); Điều 107 (Bất động sản và động sản); Điều 530 (Hợp đồng vận chuyển tài sản) Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Khoản 32: có ý kiến đề nghị điều chỉnh lại nội dung giải thích khái niệm “Hàng hóa ký gửi” đề phù hợp với Điều 527 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Khoản 33: có ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Hàng hóa nguy hiểm là tài sản, hành lý có chứa các chất nguy hiểm, có khả năng gây hại đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình vận chuyển, có khả năng đe dọa an toàn cho cộng đồng và an ninh, trật tự xã hội”.
- Khoản 40: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 40 có sự mâu thuẫn về cách xác định thế nào là xe ô tô. Đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng có sự phân biệt xe ô tô có từ 4 bánh trở lên với xe 3 bánh – thô sơ.
- Khoản 43: có ý kiến cho rằng theo định nghĩa “Xe ô tô khách thành phố” tại khoản 43 Điều 3 được hiểu đây là xe buýt là loại xe thiết kế đặc biệt ở đô thị, là phương tiện giao thông công cộng chở số lượng người lớn. Vì vậy, đề nghị cần viết lại nội dung khoản 43 ngắn gọn, dể hiểu và phù hợp với Điều 64 dự thảo Luật.
- Khoản 47 và khỏa 48: có ý kiến đề nghị xem lại cụm từ “xe cơ giới không có động cơ” có chính xác và phù hợp với nội dung khoản 47 và khoản 48 Điều 3?
2- Về nguyên tắc trong hoạt động giao thông đường bộ (Điều 4)
Nhiều ý kiến cho rằng nội dung Điều 4 dự thảo Luật chưa thống nhất với Điều 4 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các ý kiến này đề nghị cần rà soát để các quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động giao đường bộ và trật tự an toàn giao thông đường bộ có sự thống nhất, thể hiện trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan giữa hai lĩnh vực.
3- Về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 17)
Điểm c khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung từ “khoang” vào sau “khổ” để nội dung quy định chính xác hơn. Điểm c viết lại như sau: “Cầu xây dựng qua sông, biển phải đảm bảo khổ khoang thông thuyền cho tàu, thuyền lưu thông an toàn theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa và hàng hải”.
4- Về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 20)
Khoản 7: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “tuần đường, kiểm tra” bằng “tuần kiểm đường” tạo sự thống nhất trong nội dung dự thảo Luật. Khoản 7 viết lại như sau: “Tổ chức, cá nhân được giao bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;…”.
5- Về tốc độ trên đường bộ (Điều 29)
Khoản 5: có ý kiến cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhanh, đề nghị sửa lại khoản 5 như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc lắp đặt hệ thống bảo hiệu tốc độ và khoảng cách an toàn của phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường do địa phương quản lý”.
6- Về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác (Điều 36)
Khoản 6: có ý kiến đề nghị bỏ điểm b, điểm d trong nội dung khoản 6 Điều 36 vì vẫn phải cấp phép đối với các trường hợp này.
7- Về sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường bộ (Điều 42)
Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 2 quy định trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố “Phần hè phố (vỉa hè) còn lại tối thiểu từ 1,5m – 2m dành cho người đi bộ lưu thông”.
8-Về hệ thống quản lý, điều hành giao thông và trung tâm quản lý điều hành giao thông đường bộ (Điều 44)
Điểm a khoản 1: có ý kiến cho rằng quy định tại điểm a khoản 1 chưa cụ thể vì thực tế các thiết bị này có thể lắp đặt trên hạ tầng của các ngành khác quản lý ngoài cơ quan quản lý đường bộ (ví dụ điện lực, viễn thông…). Vì vậy, ý kiến này đề nghị tại khoản 4 Điều 44 cần bổ sung quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi, thuận lợi cho triển khai thực hiện, tránh trường hợp phải trao đổi, thuê vị trí làm tăng chi phí của nhà nước và ảnh hưởng tiến độ triển khai.
9- Về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 60)
Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “đầu tư” vào trước “kinh doanh” để thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư năm 2020. Khoản 4 viết lại như sau: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa”.
10- Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (Điều 69)
Khoản 1: có ý kiến đề nghị bỏ điểm d khoản 1 vì đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô đã yêu cầu người thuê vận tải cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền từ chối nếu người thuê không giao hàng hóa theo thỏa thuận đã được quy định cụ thể tại điểm a, b và c của Điều 69 dự thảo Luật
11- Về vận tải đa phương thức (Điều 78)
Khoản 3: có ý kiến cho rằng việc bố trí đất để sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, bến xe, đầu mối trung chuyển hàng hóa về nguyên tắc phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông. Vì vậy, đề nghị cần bổ sung nguyên tắc này vào khoản 3 Điều 78 dự thảo Luật để quy định được chặt chẽ hơn.
12- Về dịch vụ gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hóa (Điều 89)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 1 thiếu quy định về đối tượng phải đăng ký. Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào khoản 1 đối tượng, chủ thể cần phải thực hiện khoản 1 Điều 89 dự thảo Luật.
13- Về chở người trên xe ô tô chở hàng (Điều 91)
Có ý kiến cho rằng Điều 91 đã được quy định trong Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, đề nghị cần rà soát để tạo sự thống nhất nội dung các văn bản pháp luật.
14- Về sử dụng phầm mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô (Điều 94)
Có ý kiến cho rằng thực tế có nhiều các loại xe khác nhau đang sử dụng phần mềm hỗ trợ, kết nối vận tải giữa người vận tải và khách hàng và bên quản lý phần mềm. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng sử dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải không chỉ là xe ô tô như quy định tại Điều 94 dự thảo Luật.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM