Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, ngày 30/9/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo đảm, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1- Về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật
Hầu hết các ý kiến cho rằng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hai lĩnh vực có tính chất đặc thù khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường thành một dự thảo Luật riêng là phù hợp và thật sự cần thiết trong tình hình hiện nay.
2- Về tên gọi
Có ý kiến băn khoăn về cụm từ “bảo đảm” trong tên gọi của dự thảo Luật vì “bảo đảm” trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn, giao thông đường bộ trên thực tế rất khó khả thi. Ý kiến này đề nghị tên là Luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bổ sung cụ thể quy định về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, trung tâm chỉ huy giao thông, điều khiển giao thông trong dự thảo Luật để phù hợp với mục tiêu đã nêu tại Tờ trình xây dựng dự án Luật.
II- GÓP Ý CỤ THỂ
1- Về giải thích từ ngữ (Điều 3)
Nhiều ý kiến cho rằng có nhiều khái niệm được giải thích tại các Điều trong dự thảo Luật, đề nghị chuyển các nội dung này vào Điều 3 để tạo sự thống nhất trong bố cục của Luật.
Một số ý kiến cho rằng để bảo đảm tính toàn diện và cụ thể, tránh chồng chéo trong quy định giữa hai dự thảo Luật, đề nghị chuyển các quy định về “phương tiện tham gia giao thông đường bộ” từ khoản 22 đến 28 Điều 3 dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) vào sau khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Có ý kiến dề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích thế nào là: Giấy chứng nhận đăng ký; biển số xe (hồ sơ đăng ký xe); cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; sát hạch lái xe; cơ quan tổ chức công tác sát hạch; đào tạo lái xe; cơ quan đào tạo lái xe; tránh, vượt, làn đường; chỉ huy, điều khiển giao thông; Trung tâm chỉ huy giao thông;
2- Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 5)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật có hai điểm là nội dung và hình thức tuyên truyền. Về nội dung tuyên truyền có quy tắc giao thông và người điều khiển giao thông, như vậy tuyên truyền người điều khiển giao thông là tuyên truyền như thế nào? Đề nghị cần quy định cụ thể nội dung này trong dự thảo Luật.
Điểm c khoản 2: có ý kiển cho rằng liệt kê như điểm c khoản 2 còn thiếu vì còn hình thức tuyên truyền qua bảng quảng cáo trong tòa nhà cao tầng hay cao ốc, qua tin nhắn SMS...Ý kiến này đề nghị quy định theo hướng để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là chấp hành giao thông về văn hóa, ứng xử.
3- Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6)
Một số ý kiến cho rằng nội dung Điều 6 về các hành vi bị cấm còn thiếu và trùng lắp với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đề nghị cần rà soát để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp và đầy đủ trong các quy định của hai dự thảo Luật.
Khoản 2: có ý kiến cho rằng cần xem lại cụm từ “trong cơ thể” trong nội dung khoản 2 Điều 6 vì cụm từ “trong cơ thể” được hiểu là người điều khiển phương tiện sử dụng các chất ma tuý, các chất kích thích khác và các chất này sẽ ở trong cơ thể người điều khiển phương tiện và Công an giao thông sẽ phải dùng nghiệp vụ như xét nghiệm máu/ nước tiểu để có thể kết luận người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi vi phạm điều cấm của luật không. Như vậy, sẽ mất một khoảng thời gian và có thể loại bỏ trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông giấu chất ma tuý, các chất kích thích khác trên cơ thể, trên phương tiện. Đề nghị cần xem xét dự liệu trường hợp này và bổ sung quy định đầy đủ để tránh bỏ xót đối tượng nguy hiểm cho xã hội góp phần nâng cao công tác phòng chống ma túy.
Khoản 20: có ý kiền đề nghị bỏ cụm từ “trừ trường hợp mua, bán biển số xe trúng đấu giá” vì mâu thuẫn với Điều 6 đang quy định những hành vi bị nghiêm cấm còn hành vi “mua, bán biển số xe trúng đấu giá” là hợp pháp theo quy định. Khoản 20 viết lại như sau: “Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng”.
Khoản 34: có ý kiến nghị bổ sung vào nội dung Điều 6 quy dịnh theo hướng cấm “Phương tiện lưu tiên sử dụng đèn, còi ưu tiên không vì mục đích ưu tiên (không đúng mục đích sử dụng)”.
Vì hiện nay các phương tiện ưu tiên lạm dụng đèn và còi ưu tiên không đúng mục đích. Các xe thuộc diện ưu tiên vì không muốn dừng đèn đỏ đã sử dụng còi và đèn ưu tiên buộc các phương tiện đang đậu đèn đỏ phải nhường đường cho mình, nhất là trong giờ cao điểm của thành phố, việc nhường đường cho những xe ưu tiên có hành vi sai trái như vậy gây ùn tắc giao thông nặng nề trên các tuyến đường trung tâm, tăng áp lực công việc cho đội ngũ Công an giao thông. Bổ sung quy định này vào dự thảo Luật nhằm ngăn ngừa các hành vi lạm dụng quyền của các phương tiện ưu tiên.
4- Về quy tắc chung (Điều 7)
Khoản 4: có ý kiến cho rằng quy định “Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em” thể hiện sự bấp cập vì trẻ em dưới 4 tuổi chưa đầy đủ năng lực hành vi dân sự để có thể được thực hiện theo hướng dẫn thắt dây an toàn của người lái xe như Luật quy định. Đề nghị nghiên cứu sửa lại nội dung trên theo hướng “Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm thực hiện, kiểm tra việc thắt dây an toàn cho trẻ em”.
5- Về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (Điều 8); Chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ (Điều 9)
Có ý kiến đề nghị chuyển vị trí giữa Điều 8, Điều 9 dự thảo Luật, cụ thể chuyển Điều 9 lên thành Điều 8. Theo đó, Điều 8 dự thảo Luật quy định về các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Điều 9 dự thảo Luật quy định về thứ tự chấp hành khi tham gia giao thông và tín hiệu đèn giao thông. Quy định như vậy thể hiện sự bao quát, tổng thể về nội dung giúp dễ dàng tra cứu khi thự hiện.
6- Về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông (Điều 10)
Điểm c khoản 2 quy định “Người mắc bệnh tâm thần, những người hạn chế về mặt trí tuệ khi tham gia giao thông cần có người giám hộ dẫn dắt”
Có ý kiến cho rằng theo Điều 22 đến Điều 24 Bộ luật dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì chỉ quy định về các đối tượng “mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự” không có “người hạn chế về mặt trí tuệ” như nội dung điểm c khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật.
Ý kiến này đề nghị nghiên cứu sửa điểm c khoản 2 Điều 10 cho phù hợp với pháp luật dân sự về các đối tượng tham gia giao thông cần có người giám hộ, đại hiện hợp pháp dẫn dắt.
Có ý kiến đề nghị bổ sung từ “dẫn” vào sau “dắt” trong nội dung điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 cho phù hợp về câu từ và ngữ nghĩa.
7- Về chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường bộ (Điều 14).
Có ý kiến đề nghị cần xem lại nội dung khoản 5 Điều 14 dự thảo Luật vì trùng với quy định tại khoản 4 Điều 29 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
8- Về dừng xe, đỗ xe (Điều 20)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng quy định “dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện trong thời gian không quá 5 phút” sẽ gây khóa khăn trong một số trường hợp, ví dụ như dừng xe để xuống hàng hóa vật liệu xây dựng mà trên 5 phút thì có bị xử phạt không? Đề nghị giữ nguyên quy định Luật Giao thông đường bộ 2008 là không quy định về thời gian.
Điểm c khoản 4: có ý kiền đề nghị sửa điểm c khoản 4 như sau “Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt” để phù hợp với quy định tại Điều 43- Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và trường hợp gầm cầu vượt vẫn có thể dừng đỗ trong một số trường hợp nhất định và có nhiều vị trí hiện nay đang bố trí vị trí dừng xe chờ sang đường, chờ đèn tín hiệu.
9- Về tường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng (Điều 30)
Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung Điều 30 dự thảo Luật vì trùng với quy định tại Điều 91 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
10- Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 33)
Có ý kiến cho rằng nội dung Điều 33dự thảo Luật chưa đầy đủ vì thiếu quy quy định về phương tiện thô sơ. Theo đó, phương tiện giao thông có phương tiện cơ giới và phương tiện thô sơ, như vậy phương tiện thô sơ có phải đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường hay không? Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về phương tiện thô sơ vào Điều 33 dự thảo Luật.
11- Về tổ chức an toàn giao thông (Điều 45)
Có ý kiến đề nghị bộ sung cụm từ “nội dung” vào tiêu đề Điều 45 dự thảo Luật. Tiêu đề 45 sửa lại như sau “Tổ chức nội dung an toàn giao thông”.
12- Về chỉ huy, điều khiển giao thông (Điều 46)
Điểm b khoản 1: có ý kiến cho rằng đèn tín hiệu giao thông, các biển báo giao thông thì chỉ huy điều khiển giao thông thông qua người điều khiển giao thông, hệ thống đèn tín hiệu. Nếu quy định như điểm b khoản 1 là chưa tính đến việc điều khiển thông qua trung tâm điều khiển giao thông thông minh tức là điều khiển giao thông không thông qua người điều khiển giao thông ở bên đường, giao lộ mà điều khiển thông qua hệ thống điều khiển thông minh. Ý kiến này đề nghị cần xem lại quy định tại điểm c khoản 1 cho phù hợp với thực tế.
13- Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai hệ giao thông (Điều 51)
Điểm a khoản 1: có ý kiến đề nghị bỏ từ “theo số điện thoại 113, gọi cấp cứ 115” sẽ đảm bảo sự chặt chẽ trong quy định của pháp luật.
14- Về nội dung quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 61)
- Khoản 4: có ý kiến đề nghị sửa quy định tại khoản 4 như sau: “Quản lý trật tự, an toàn phương tiện tham gia giao thông đường bộ” sẽ phù hợp hơn.
15- Về trách nhiệm của Chính phủ (Điều 62)
Có ý kiến đề nghị sửa nội dung Điều 62 như sau “Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” sẽ đảm bảo văn phong, câu từ hợp lý hơn.
16- Về trách nhiệm của Bộ Công an (Điều 63)
Nhiều ý kiến cho rằng thực tế cho thấy (1) Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông và ý thức chấp hành pháp luật giao thông kém là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông; (2) Cần gắn với đơn vị chủ trì xử lý vi phạm giao thông với quản lý cấp phép GPLX để nâng cao chất lượng xử lý vi phạm giao thông và khắc phục bất cập trong đào tạo cấp giấy phép lái xe (3) Việc quản lý cấp phép lái xe không phải là sẽ không sử dụng các trung tâm đào tạo lái xe như ý kiến của công dân và doanh nghiệp băn khoăn hiện nay. Vì vậy, nhất trí với quy định giao trách nhiệm cho Bộ Công an thực hiện việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (khoản 4, Điều 63).
17- Về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải (Điều 64)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải “quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng” là chưa phù hợp trong dự thảo Luật vì nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đề nghị rà soát lại trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
18- Về trung tâm chỉ huy giao thông (Điều 67)
Có ý kiến cho rằng Trung tâm chỉ huy giao thông gồm hệ thống giám sát xử lý trật tự an toàn giao thông, như vậy trung tâm chỉ huy giao thông có xử lý được hay không?
Khoản 4: có ý kiến cho rằng cần xem lại nội dung khoản 4 vì quản lý hạ tầng và quản lý vận hành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn thông đường bộ là trách nhiệm của hai chủ thể khác nhau. Chủ thể quản lý về kết cấu hạ tầng Trung tâm (Bộ Giao thông vận tải); chủ thể đảm bảo về vận hành Trung tâm (Bộ Công an).
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM