Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

 Tổng hợp ý kiến đóng góp cho
dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

 

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật:

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 2 phần giải thích làm rõ cụm từ “Biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người nghiện ma túy” được quy định tại Điều 41 của dự thảo luật.

2. Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 3)

Khoản 11, Điều 3 dự thảo luật quy định: “Kỳ thị, phân biệt đối với người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy”. Có ý kiến đề nghị sửa đổi như sau: Kỳ thị, phân biệt đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

3. Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy (Điều 4)

Có ý kiến cho rằng, Điều 30 dự thảo luật có quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy, tuy nhiên trong thực tiễn hiện nay số cán bộ làm công tác này chủ yếu là tự nguyện; ngoài ra trong dự thảo có quy định mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy do đó cần quy định chính sách ưu đãi để địa phương có cơ sở xây dựng chính sách khuyến khích, động viên họ tham gia công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng, quản lý sau cai nghiện ma túy tại địa phương. Do đó, đề nghị bổ sung vào khoản 4, Điều 4 nội dung: người làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện và người làm công tác phòng, chống tệ nạn ma túy tại địa phương được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ.

4. Về trách nhiệm của cá nhân, gia đình (Điều 6)

Khoản 1, Điều 6 dự thảo luật quy định: “Giáo dục thành viên trong gia đình…”. Có ý kiến đề nghị sửa lại thành: Tuyên truyền, giáo dục thành viên trong gia đình…”.

5. Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế (Điều 7)

Có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Luật Tổ chức mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước (Điều 9)

Khoản 1, Điều 9 dự thảo luật quy định: “Tổ chức phòng, chống ma túy trong cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy;…”

Có ý kiến cho rằng, khoản 1, Điều 9 dự thảo luật chỉ nên quy định “Tổ chức phòng, chống ma túy trong cơ quan, đơn vị” là đã đủ nghĩa bởi vì phòng, chống ma túy theo phần giải thích từ ngữ tại khoản 7, Điều 2 dự thảo luật là “phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy”, do đó không cần thiết phải có đoạn “phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy”. Đồng thời để đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhà nước trong phòng, chống ma túy, đề nghị bổ sung nội dung “Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý của mình sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy”.

Như vậy, khoản 1, Điều 9 đề nghị viết lại như sau “Tổ chức phòng, chống ma túy trong cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý của mình sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy”.

7. Về cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 11)

Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ nội dung Điều này để bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như: Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; Luật Biên phòng; Luật Cảnh sát biển... Luật Phòng, chống ma túy cần đảm bảo huy động toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy, trong đó cần xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, vì phòng chống tội phạm về ma túy là một trong những nội dung của phòng chống tội phạm nói chung; việc xác định trách nhiệm, quyền hạn của “cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy” phải bảo đảm sự phù hợp, không bị trùng lắp, không bị chồng tréo với Luật Tổ chức điều tra hình sự.

Ý kiến này cho rằng, việc chỉ xác định các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,  Hải quan mà không quy định trách nhiệm của các cơ quan có chức năng phòng, chống tội phạm khác là chưa bảo đảm tính toàn diện của Luật. Hơn nữa, đối với trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm về ma túy nói riêng đã được quy định trong Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Do vậy, cần nghiên cứu có thể dẫn chiếu đến quy định của Luật tổ chức điều tra hình sự để xác định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan này trong thực hiện các hoạt động phòng, chống tội phạm về ma túy.

8. Về xét nghiệm chất ma túy (Điều 22) và xác định tình trạng nghiện ma túy (Điều 27)

- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm khoản quy định trách nhiệm hoặc biện pháp cưỡng chế khi người sử dụng ma túy chống đối không thực hiện yêu cầu xét nghiệm chất ma túy hoặc xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan chức năng.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm cơ sở cai nghiện ma túy công lập có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy.

- Khoản 3, Điều 27 dự thảo luật quy định: Trường hợp cơ quan công an cấp huyện, cơ quan công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà phát hiện các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì cơ quan công an đang thụ lý lập hồ sơ đề nghị cơ sở y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy”.

Có ý kiến đề nghị nên nghiên cứu, điều chỉnh nội dung khoản 3, Điều 27 cho phù hợp với các quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các luật khác có quy định về xử lý các vụ vi phạm pháp luật. Vì nội dung của khoản này chỉ quy định đối với cơ quan công an cấp huyện, cơ quan công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý các vụ vi phạm pháp luật mà không đề cập đến các cơ quan khác cũng có chức năng này như: Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao... Cụ thể, đề nghị điều chỉnh như sau: “Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền mà trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà phát hiện các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì cơ quan đang thụ lý lập hồ sơ đề nghị cơ sở y tế có thẩm quyền xác định tình trang nghiện ma túy”.

9. Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 23)

- Có ý kiến cho rằng, đây là nội dung quan trọng được bổ sung trong dự thảo luật nhằm thực hiện hiệu quả biện pháp phòng ngừa và thời gian quản lý là 01 năm. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định rõ cách thức tổ chức thực hiện sẽ dẫn đến việc các địa phương triển khai không đồng bộ, mỗi nơi làm một kiểu. Do đó, đề nghị bổ sung một khoản tại Điều này quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

- Khoản 4, Điều 23 dự thảo luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy có nhiều nơi cư trú thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường xuyên cư trú quản lý”.

Có ý kiến đề nghị xem lại quy định “Trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy có nhiều nơi cư trú thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường xuyên cư trú quản lý”, vì tại khoản 1, Điều 11 của Luật Cư trú số 68/2020/QH14 quy định “Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú”; và theo khoản 1, Điều 40 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Dự thảo luật quy định “nơi người đó thường xuyên cư trú” là chưa cụ thể, rõ ràng, khó xác định.

10. Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Điều 30)

- Khoản 2 Điều 30 dự thảo luật quy định: “Người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà thực hiện đầy đủ các giai đoạn quy định tại khoản 2, Điều 29 của Luật này thì được hỗ trợ kinh phí”. Theo khoản 2, Điều 29 dự thảo luật quy định: “…việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải bảo đảm thực hiện ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này”

Có ý kiến cho rằng, đối với cai nghiên ma túy tự nguyện tại nhà thì sẽ không thực hiện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 29 tức không thực hiện việc tiếp nhận, phân loại. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại khoản 2, Điều 30 cho phù hợp. Ngoài ra, đề nghị làm rõ khái niệm cộng đồng trong cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng, cộng đồng ở đây được hiểu như thế nào? là cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào chịu trách nhiệm thực hiện việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 5, Điều 30 như sau: “Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; mức hỗ trợ kinh phí đối với người tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cán bộ làm công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”.

11. Về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 32)

Điểm a, b khoản 1, Điều 32 dự thảo luật quy định:

a) Người nghiện ma túy không đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện;

b) Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điêu trị nghiện;

- Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định cụm từ “đăng ký…” sẽ không rõ ràng có nhiều cách hiểu khác nhau, đối tượng có thể lách luật. Cụ thể đối tượng đăng ký cai nghiện tự nguyện mà không thực hiện. Do đó, đề nghị điều chỉnh điểm a, b khoản 1, Điều 32 lại như sau:

a) Người nghiện ma túy không đăng ký và thực hiện cai nghiện tự nguyện”.

b) Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký và thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc vào khoản 1, Điều 32 như sau:

+ Người thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện mà tự ý chấm dứt điều trị và tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Vì trong thực tế cai nghiện tự nguyện nhiều trường hợp tự ý chấm dứt cai nghiện và tiếp tục vi phạm, nếu không quy định sẽ gây khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý.

+ Người đã chấp hành xong hoặc bị chấm dứt biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Vì theo quy định tại khoản 46, Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi quy định đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã. phường, thị trấn: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời gian 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” và theo quy định tại Điều 23, khoản 6, điểm b của dự thảo luật đối với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ dừng việc quản lý để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi tái sử dụng ma túy. Do đó trường hợp không bổ sung đối tượng người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn vào đối tượng bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là thiếu sót và không có tính khả thi đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

12. Về cơ sở cai nghiện ma túy công lập (Điều 35)

- Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 35 quy định: Tùy vào tình hình thực tế về số lượng các cơ sở cai nghiện ma túy và số lượng người nghiện ma túy của địa phương mà có thể quyết định thành lập các khu cho phù hợp hoặc các cơ sở cai nghiện ma túy tiếp nhận theo từng loại đối tượng theo khoản 2 Điều này. Việc bổ sung này nhằm tạo sự linh hoạt trong công tác thực hiện do đặc điểm tâm lý người nghiện diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là người nghiện ma túy tổng hợp nếu xây dựng một cơ sở cai nghiện ma túy mà tiếp nhận tất cả các hình thức cai nghiện như quy định tại khoản 2 sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, bất ổn về tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện. Đồng thời theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, trong đó có chỉ đạo “Chuyển đổi toàn bộ các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội hiện có thành các cơ sở điều trị nghiện ma túy với các mô hình khác nhau để tiếp nhận người nghiện ma túy theo quy định” và “Tổ chức lại các Trung tâm 06 thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, cơ sở xã hội, cơ sở đa chức năng, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Có ý kiến đề nghị điều chỉnh điểm b, khoản 4: “Thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy” thành “Tiếp nhận và thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy”.

- Điểm b, Khoản 5 Điều 35 dự thảo luật quy định: “Người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy công lập được quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế và các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật để quản lý, giáo dục, chữa trị cho người cai nghiện ma túy”. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thực hiện đúng và tránh việc tùy tiện, lạm quyền làm ảnh hưởng, xâm hại đến sức khỏe, thân thể, tính mạng và tinh thần của người nghiện ma túy.

13. Về áp dụng biện pháp cai nghiện cho người Việt Nam bị các nước trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam (Điều 37)

Khoản 2, Điều 37 dự thảo luật quy định: “Việc cai nghiện ma túy đối với người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy và có thu phí theo quy định

Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã quy định rõ các biện pháp cai nghiện có thu phí và không thu phí. Trường hợp nếu quy định cai nghiện bắt buộc đối với người nước ngoài mà có thu phí thì không đảm bảo tính khả thi và gây khó khăn trong quá trình thực hiện nếu họ không đóng phí. Do đó, đề nghị sửa đổi khoản 2, Điều 37 lại như sau: “Việc cai nghiện ma túy đối với người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy”.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07844164




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn