Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ngày 19/9/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1- Về sự cần thiết ban hành Luật
Các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, để đảm bảo cho Luật được thực thi có hiệu quả cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác thanh niên; tăng cường công tác nghiên cứu về thanh niên để có thể xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thanh niên quốc gia phục vụ cho nghiên cứu và xây dựng các chính sách cho thanh niên.
Một số ý kiến cho nội dung dự thảo Luật chủ yếu quy định về quyền của thanh niên; nghĩa vụ và trách nhiệm của Thanh niên còn ít. Đề nghị bổ sung các quy định thể chế hóa quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước trong vấn đề này, theo hướng quy định về nghĩa vụ trước rồi đến quyền nhằm thể hiện rõ trách nhiệm và vai trò của thanh niên đối với đất nước trong tình hình hiện nay.
2- Về bố cục dự thảo Luật
2.1- Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định một Điều về giải thích từ ngữ. Đồng thời, cần giải thích cụ thể về các khái niệm: tổ chức thanh niên; thanh niên tình nguyện;
2.2 - Chương II
- Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu quy định bổ sung chính sách cho đối tượng thanh niên lực lượng vũ trang thành một nội dung riêng. Vì thanh niên lực lượng vũ trang là lực lượng thanh niên ngoài các hoạt động về chức năng nhiệm vụ chuyên môn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng trong thời bình; khi tham gia các hoạt động tình nguyện nếu phát sinh các vấn đề sẽ khó giải quyết chế độ do không phải thực hiện nhiệm vụ của quân đội.
II- GÓP Ý CỤ THỂ
1- Về thanh niên (Điều 1)
Một số ý kiến đề nghị chuyển nội dung Điều 1 vào nội dung giải thích từ ngữ sẽ phù hợp hơn.
Có ý kiến đề nghị cần xem lại nội dung Điều 1 dự thảo Luật vì chưa phù hợp với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình…quy định độ tuổi của thanh niên là từ 18 tuổi; dưới 18 tuổi là thanh thiếu niên.
Theo quy định của Luật Thanh niên thì độ tuổi giới hạn là 30 tuổi. Tuy nhiên trong một số cơ quan, tổ chức đơn vị có nhiều thanh niên lớn hơn độ tuổi này vẫn tham gia sinh hoạt thanh niên, như vậy nếu như các thanh niên này tham gia tình nguyện có được hưởng các chính sách như thế nào? Đề nghị cần làm rõ nội dung này trong dự thảo Luật.
2- Về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 3)
- Khoản 6: có ý kiến cho rằng quy định như khoản 6 Điều 3 “Thanh niên có thành tích, mang lại các vinh dự vẻ vang cho quốc gia thì được tôn vinh và miễn một số nghĩa vụ theo quy định của Chính phủ” là chưa phù hợp, vì thanh niên là bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ trừ một số trường hợp như thanh niên khuyết tật.
3- Về đối thoại với thanh niên (Điều 9)
Các ý kiến cho rằng quy định về đối thoại với thanh nhiên là nội dung cần thiết và thiết thực trong giai đoạn hiện nay để lấy ý kiến của Thanh Niên về các vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề của thực trạng xã hội và giải quyết các nguyện vọng chính đáng cho thanh niên. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về số lần đối thoại trong năm theo hướng tăng lên và thực hiện băng nhiều hình thức khác nhau để dễ dàng tiếp cận.
4- Về áp dụng Công ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi (Điều 10)
Có ý kiến đề nghị cần xem lại Điều 10, đã là quyền trẻ em thì không thể quy định trong Luật Thanh niên và áp dụng đối với thanh niên.
5- Về quyền học tập (Điều 11)
Có ý kiến cho rằng ngoài việc được lựa chọn loại hình học tập, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định được lựa chọn hình thức học tập vì hiện nay cùng với sự phát triển đa dạng phương tiện truyền thông ngoài hình thức học tập truyền thống tại các cơ sở đào tạo, người học còn học offline, online trên mạng, học từ xa, học trực tuyến …
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “nghiệp vụ” sau cụm từ “kiến thức chuyên môn” và cụm từ “trau dồi kỹ năng nghề nghiệp” vào cuối Điều 11. Điều 11 viết lại như sau: “Thanh niên được học tập, rèn luyện đạo đức, nhân cách, trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; được lựa chọn loại hình, hình thức học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tay nghề, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp”
6- Về nghĩa vụ học tập (Điều 12)
Khoản 2: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 2 thể hiện là nghĩa vụ mang tính bắt buộc có từ “phải”, vì vậy đề nghị bổ sung cụm từ “phẩm chất”, “lành mạnh” vì trong mỗi thanh niên ai có phẩm chất tốt thì cũng phải tu dưỡng rèn luyện để tiếp tục phát huy; ngoài ra thanh niên cũng phải rèn luyện lối sống văn hóa lành mạnh để có sức khỏe tham gia bảo vệ Tổ quốc. Khoản 2 viết lại như sau: “Thanh niên phải tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống văn hóa, lành mạnh, ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống tiêu cực và tệ nạn xã hội”.
7- Về chính sách về học tập đối với thanh niên (Điều 13)
- Các ý kiến thống nhất với Điều 13 quy định về chính sách về học tập đối với thanh niên, tạo ra hành lang pháp lý để giúp thanh niên phát triển. Đề nghị bổ sung quy định về mô hình mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Chính sách học tập của thanh niên hiện nay thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và nhà trường rất nhiều, song song đó xã hội – gia đình cũng có vai trò rất lớn. Tuy nhiên, các quy định pháp luật chưa thể hiện được nội dung này.
- Khoản 5: một số ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung vào nội dung khoản 5 quy định theo hướng thanh niên trong độ tuổi học sinh, sinh viên được đào tạo về kỹ năng sống và kỹ năng thực hành xã hội.
8- Về quyền lao động (Điều 14)
Khoản 3: có ý kiến cho rằng cần hiểu nội dung “được đối xử công bằng trong lao động” được quy định trong nội dung khoản 3 chính là thanh niên được bình đằng về cơ hội việc làm, trả công tương xứng với công sức, hiệu quả lao động.
9- Về chính sách về lao động đối với thanh niên (Điều 16)
Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về đối tượng thanh niên, hình thức về chính sách lao động mà thanh niên được ưu đãi trong quá trình khởi nghiệp.
10- Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Điều 17)
Khoản 4: có ý kiến cho rằng thực tế thanh niên không chỉ dừng lại muốn tiếp cận quỹ khởi nghiệp, mà còn có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Đề nghị nghiên cứu theo hướng quy định có Quỹ để thanh niên được tiếp cận Quỹ nghiên cứu khoa học, không chỉ trong góc độ khởi nghiệp mà cả trong chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học để áp dụng vào thực tế cuộc sống.
11- Về nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe (Điều 19)
- Có ý kiến đề nghị cần xem lại cụm từ “không sử dụng ma túy và các chất gây nghiện” trong nội dung Điều 19 vì theo Luật Phòng, chống ma túy thì chất ma túy cũng là chất gây nghiện.
- Có ý kiến cho rằng ngoài quy định không lạm dụng rượu bia, đề nghị không lạm dụng “thuốc lá” vào trong dự thảo vì đây là chất có hại gây ung thư không chỉ cho người hút mà còn cho người khác hít phải khói thuốc thường xuyên.
12- Về nghĩa vụ về hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao (Điều 22)
Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “vui chơi, giải trí” vào nội dung khoản 2. Khoản 2 viết lại như sau: “Thanh niên phải có trách nhiệm tích cực tham gia và ủng hộ các hoạt động, các phong trào văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh”.
13- Về chính sách về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao đối với thanh niên (Điều 23)
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung Điều 23 quy định khoản 6 như sau: “Nâng cao chất lượng và mô hình tổ chức văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cho thanh niên nhất là thanh niên nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, miền núi, vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn” vì hiện nay nội dung này vừa tạo sân chơi, giải trí cho thanh niên, hạn chế việc vi phạm pháp luật và tham gia các tệ nạn xã hội.
14- Về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc (Điều 24)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng cụm từ “cung cấp” trong nội dung khoản 1 được hiểu là cung cấp thông tin, kiến thức còn việc xử lý thông tin, kiến thức như thế nào thì người cung cấp không chịu trách nhiệm. Theo Luật Quốc phòng năm 2014, về quyền và nghĩa vụ của công dân, thì công dân được giáo dục về an ninh quốc phòng và trong Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh cũng quy định về nội dung tương tự như vậy. Đề nghị thay cụm từ “cung cấp” bằng cụm từ “giáo dục” trong nội dung khoản1. Khoản 1 viết lại như sau “Thanh niên được giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật; được huấn luyện, đào tạo kỹ năng cơ bản về quốc phòng và an ninh”
15- Về quyền về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường (Điều 26)
Khoản 1: có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung vào khoản 1 quy định theo hướng thanh niên được tiếp cận các giải thưởng sáng tạo về khoa học công nghệ.
16- Về nghĩa vụ tham gia quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội (Điều 33)
Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung vào cuối nội dung khoản 2 cụm từ “chấp hành quy định pháp luật và đấu tranh sai phạm trên không gian mạng” vì hiện nay đa số người sử dụng internet ở nước ta là người trẻ do đó khi tham gia môi trường không gian mạng việc đầu tiên là phải chấp hành quy định pháp luật. Khi phát hiện sai phạm, quan điểm sai trái khác trên môi trường này thì đấu tranh, bày tỏ ý kiến. Khoản 2 viết lại như sau “Thanh niên phải tích cực tham gia đấu tranh với các hoạt động có âm mưu gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; chấp hành quy định pháp luật và đấu tranh sai phạm trên không gian mạng”
17- Về chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số (Điều 35)
- Khoản 2: có ý kiến cho rằng hiện nay vẫn còn tình trạng thanh niên dân tộc thiểu số không được thụ hưởng các chính sách của Trung ương vì thực tế các chính sách Trung ương đa phần đều ưu tiên cho thanh niên dân tộc thiểu vùng kinh tế khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo mà theo chuẩn của Trung ương. Vì vậy, đề nghị sửa khoản 2 quy định theo hướng “Nhà nước cấp học bổng và hỗ trợ chỗ ở cho thanh niên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ chỗ ở cho thanh niên dân tộc thiểu số của hộ nghèo, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi được cử theo học các chương trình đào tạo sau đại học”
- Khoản 3: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa về nội dung khoản 3 Điều 35 để có sự cân bằng trong chính sách cũng mục tiêu chiến lược phát triển ở các vùng dân tộc thiểu số. Thanh niên dân tộc thiểu số sau khi đi học cử tuyển cần đảm bảo thêm một số điều kiện khác nữa mới được vào công chức, viên chức. Quy định như vậy, nếu đi cử tuyển mà không đạt kết quả thì sẽ như thể nào?Thanh niên dân tộc thiểu số đi học cử tuyển ở địa phương này mà địa phương khác tuyển vào sẽ thực hiện như thế nào? Người có thẩm quyền và chính sách như thế nào?.
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 3 nội dung “Chính phủ quy định chi tiết điều này”.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về chính sách cho thanh niên dân tộc thiểu số được vào học hệ dự bị của các trường đại học.
- Khoản 4: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Nhà nước bảo đảm chính sách trợ cấp xã hội và các chính sách hỗ trợ khác đối với thanh niên dân tộc thiểu số được cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên tại các cơ sở dạy nghề công lập; các doanh nghiệp đóng trên địa bàn địa phương ưu tiên tuyển dụng các trường hợp này khi có nhu cầu sử dụng lao động”. Trong thực tế, có nhiều chương trình đào tạo không đến 03 tháng và hơn 3 tháng. Khi đó lại không áp dụng được chính sách này.
18- Về chính sách đối với thanh niên tình nguyện (Điều 37)
Nhiều ý kiến nhất trí với quy định của Điều 37 về chính sách đối với thanh niên tình nguyện. Tuy nhiên, các ý cho rằng khi tham gia tình nguyện, thanh niên có thể gặp nhiều rủi ro nhất định, vì vậy cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về các chính sách đặc biệt đối với thanh niên trong hoạt động tình nguyện .
19- Về chính sách đối với thanh niên có tài năng (Điều 38)
- Có ý kiến đề nghị cần bổ sung vào Điều 38 quy định về chính sách đối thanh niên có tài năng trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật; thể dục – thể thao.
- Điếm khoản 1: có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “các môn khoa học cơ bản” quy định như vậy giới hạn vì các em thi rất nhiều môn. Khoản 1 viết lại như sau: “Đạt giải thưởng cấp quốc tế, quốc gia về nghiên cứu khoa học, cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật, kỳ thi học sinh giỏi”.
20- Về chính sách đối với thanh niên khuyết tật (Điều 39)
Các ý kiến đồng tình với Điều 39 dự thảo Luật về chính sách đối với thanh niên khuyết tật, nội dung này phù hợp với quy định trong các Luật của người khuyết tật và công ước về người khuyết tật. Tuy nhiên, để các chính sách đối với thanh niên khuyết tật thật sự có hiệu quả, đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa về nội dung “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên khuyết tật tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao phù hợp với khả năng” vì thực tê vẫn còn tình trạng người khuyết tật ít được tiếp cận với các chương trình, công trình dành cho người khuyết tật.
21- Về chính sách đối với thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo (Điều 40)
Có ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng đang ở các Trung tâm bảo trợ vì thực tế ở đây có rất nhiều đối tượng trong độ tuổi thanh niên.
Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể đối với thanh niên sau cai nghiện ma tuý về việc làm, vay vốn, nhất là đối với đối tượng sau cai nghiện di cư, liên quan đến vấn đề xác định nơi ở để xác nhận có thể vay vốn lập nghiệp, việc làm và học nghề.
22- Về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (Điều 44)
Có ý kiến đề nghị bỏ Điều 44 dự thảo Luật vì Tòa án và Viện Kiểm sát là cơ quan ngang bộ, quy định thành một Điều riêng trong dự thảo Luật có phù hợp không? Dự thảo Luật đã có Điều 46 quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ đối với thanh niên.
23- Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ (Điều 45)
Có ý kiến cho rằng chức năng quản lý nhà nước về thanh niên giao cho Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ các cấp là khó khả thi cho đơn vị chủ trì. Hiện nay, có quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nhiệm vụ của cơ quan này thêm chức năng quản lý nhà nươc về thanh niên tạo thuận lợi trong thực hiện và giám sát.
24- Về trách nhiệm của nhà trường (Điều 57)
Khoản 6: có ý kiến đề nghị bổ sung quy định theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức về thanh niên khác trong triển khai tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí và các hoạt động ngoại khoá khác không nên chỉ quy định là Hội sinh viên.
25- Về trách nhiệm của các tổ chức xã hội (Điều 58); Về trách nhiệm của các tổ chức kinh tế (Điều 59)
Có ý kiến cho rằng không nên tách riêng quy định về trách nhiệm của các tổ chức xã hội và trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đề nghị nên gộp chung thành một Điều về Trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị ngoài Nhà nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các tổ chức Đoàn, Hội như vậy vừa phù hợp vừa tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng thanh niên hoạt động trong lĩnh vực mình làm việc.