Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ngày 01/10/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Nhiều ý kiến chọn Loại ý kiến thứ hai, đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (khoản 2 Điều 23) theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn.

2. Về bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội

Có 02 ý kiến đề nghị không hợp nhất 3 Văn phòng vì sẽ chồng chéo về chức năng nhiệm vụ chỉ nên hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là phù hợp vì đều có chức năng là phục vụ cơ quan dân cử, không nên sáp nhập thêm Văn phòng Ủy ban nhân dân  

Có 02 ý kiến đề nghị giữ như hiện nay là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; Văn phòng Hội đồng nhân dân; Văn phòng Ủy ban  nhân dân của 63 tỉnh, thành phố.

Có ý kiến đề nghị Quốc hội cần cân nhắc về việc tách ra, nhập vào các cơ quan như hiện nay. Việc sát nhập hay tách các cơ quan cần được nghiên cứu một cách khoa học, không tiến hành sát nhập một cách cơ học. Trong một thời gian ngắn, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội đã sát nhập, tách, sát nhập nhiều lần.

3. Về số lượng cấp phó và tỷ lệ Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Một số ý kiến nhất trí chọn Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị cần quy định cụ thể về số lượng cấp phó, tỷ lệ đại biểu là Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và từng Ủy ban của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội để tạo sự thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước.

Có 01 ý kiến chọn Loại ý kiến thứ hai, giữ như quy định tại Điều 67 Luật Tổ chức Quốc hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về số lượng  cấp phó, tỷ lệ đại biểu là Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và từng Ủy ban của Quốc hội trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền về quản lý cán bộ.

4. Về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội

Hầu hết các ý kiến đề nghị kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội do Quốc hội đảm bảo. Ngân sách địa phương hay ngân sách trung ương đều là chi từ ngân sách, nên để một đầu mối để tạo sự thống nhất về điều kiện hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Nội dung khoản 1, Điều 101 chỉ quy định về kinh phí hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc, chế độ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội, thiếu quy  định về kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội không chỉ hoạt động cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà còn hoạt động theo kế hoạch hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đề nghị bổ sung vào cuối khoản 1 nội dung như sau “Kinh phí hoạt động cho Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương do ngân sách trung ương bảo đảm”.

II- GÓP Ý CỤ THỂ

1. Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 22

Có ý kiến cho rằng để tính pháp lý của quy định tại khoản 6 chặt chẽ hơn, đề nghị sửa lại như sau: “Đang có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không có quốc tịch khác”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 38

Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “và có thẩm quyền” vào nội dung khoản 1 để quy định được chặt chẽ hơn. Khoản 1 viết lại như sau: “Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác. Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu Quốc hội được chuyển đến sinh hoạt có trách nhiệm và có thẩm quyền xác định địa bàn cụ thể để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri và các nhiệm vụ khác của đại biểu Quốc hội tại địa phương”.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần hạn chế việc luân chuyển công tác của đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ vì ở một số địa phương số lượng đại biểu ít (5 - 6 đại biểu), nếu chuyển thì ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương nơi đại biểu ứng cử.

Có ý kiến cho rằng cần xem lại quy định như khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật vì nếu quy định việc điều chuyển sinh hoạt như vậy, đồng nghĩa với việc thay đổi địa bàn tiếp xúc cử tri ban đầu (nơi đơn vị bầu cử ban đầu bầu chọn) thì quy định mới trái với quy định tại khoản 1 Điều 21; hay nói cách khác, đại biểu Quốc hội mới được điều chuyển công tác sẽ không phải là đại biểu Quốc hội do đơn vị mới bầu ra, vì vậy, vừa khó khăn cho đại biểu Quốc hội vì có thể chưa nắm bắt được tình hình “ý chí, nguyện vọng của Nhân dân” tại nơi mới, vừa khó cho cử tri vì chưa có đủ thông tin về vị đại biểu Quốc hội mới tại địa phương, trong khi số đại biểu đại diện cho cử tri tại nơi ứng cử ban đầu của đại biểu giảm đi.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 43

Có ý kiến đề nghị bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 43 như sau: “Chỉ đạo hoạt động của Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại địa phương”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 54

Nhiều ý kiến đề nghị cần xem lại quy định “…định kỳ hằng năm Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá hoạt động của từng đại biểu Quốc hội và từng Đoàn đại biểu Quốc hội”, việc này rất khó khả thi.  Đề nghị cần quy định cụ thể về quy trình thực hiện tránh phát sinh phức tạp và  đảm bảo chất lượng đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

5. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 99

Có ý kiến đề nghị tách nội dung điểm d khoản 1 thành hai khoản riêng, quy định theo hướng như sau:

e) “Tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh” vì đây là công việc quan trọng của Quốc hội.

f) Chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội”.

6. Một số nội dung cần sửa trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014

6.1- Khoản 1, Điều 96:

Khoản 1 Điều 96 quy định “Quốc hội quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng biểu quyết. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết”. Một số ý kiến cho rằng cụm từ “không biểu quyết” có thể được hiệu theo hai cách: (1) Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu trắng; (2) Đại biểu Quốc hội không tham gia bỏ phiếu. Cách hiểu thứ hai không rõ ràng và việc sử dụng cụm từ này gây nhiều cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, cụm từ “bỏ phiếu trắng” thể hiện tính pháp lý chuẩn, đã và đang được sử dụng phổ biến. Ý kiến này đề nghị sửa khoản 1 Điều 96 như sau: Quốc hội quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng biểu quyết. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc bỏ phiếu trắng”.

6.2- Khoản 3, Điều 96

Khoản 3 điều 96 quy định Luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2, khoản 4 Điều 4 và khoản 2 Điều 40 của Luật này”. Nội dung này chưa đầy đủ so với quy định tại khoản 1 Điều 4 về những trường hợp Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ ít nhất 2/3 số đại biểu Quốc hội tán thành. Vì vậy, đề nghị sửa khoản 3 Điều 96 như sau: “Luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2, khoản 1 và khoản 4 Điều 4, khoản 2 Điều 40 của Luật này”.

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970453




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn