Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ngày 03/10/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1- Về sự cần thiết ban hành Luật

Hầu hết các ý kiến cho rằng với nền kinh tế đất nước luôn giữ được ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao; đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và đang có rất nhiều dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia với tổng nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nếu không thực hiện phương thức đối tác công tư thì sẽ không đảm bảo nguồn lực, trước hết là nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng. Vì vậy,  việc ban hành luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư là rất cần thiêt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật dài, chỉ tập trung vào thủ tục,  thiếu các quy định pháp lý cần thiết cho lĩnh vực đầu tư này. Nội dung dự thảo Luật chủ yếu được luật hóa từ Nghị định số 63/CP/2018, chưa tạo ra sự đột phá về chính sách huy động vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… mà các loại dự án đầu tư này có thuộc tính hệ số sinh lời thấp, thời gian thu hồi vốn chậm, nhưng bù lại rủi ro thị trường thấp hơn các lĩnh vực khác. Dự thảo Luật chưa khuyến khích thu hút đầu tư theo hình thức này, mà thủ tục phức tạp hơn Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong 102 Điều của dự thảo Luật chủ yếu liên quan đến thủ tục, trong khi các vấn đề quan trọng về chính sách khác biệt so với các dạng đầu tư khác và nhất là mối quan hệ bình đẳng  mang tính đối tác công tư chưa rõ, cụ thể.

Nghĩa vụ của đối tác Nhà nước trong hợp đồng đối tác công tư đề cập thiếu rõ ràng, trên thực tế những rủi ro xuất phát từ sự thực hiện nghĩa vụ không nghiêm túc từ phía cơ quan Nhà nước.  Lợi thế của phương thức đầu tư theo đối tác công tư là ngoài sự đóng góp vật chất của Nhà nước vào dự án, còn yếu tố sử dụng uy tín của Nhà nước rất quan trọng để gọi vốn đầu tư như: bảo lãnh tín dụng; phát hành trái phiếu dự án…

 

            2- Về bố cục dự thảo Luật

2.1- Một số ý kiến cho rằng bố cục dự thảo Luật còn nặng về hình thức thiếu những nội dung cần thiết, vì vậy đề nghị xem xét các vấn đề sau:

- Dự thảo Luật cần điều chỉnh để vừa tạo điều kiện hấp dẫn nhà đầu tư theo hướng rõ ràng, thuận lợi và chủ động trong áp dụng; đồng thời đảm bảo chặt chẽ, tránh các hiện tượng tiêu cực trong các dự án BT, BOT trong thời gian vừa qua.

- Xác định mô hình đầu tư “đối tác công tư ”; loại hình doanh nghiệp hoạt động; đồng thời cần xác định lĩnh vực thực hiện mô hình này.

- Chính sách bù đắp cho nhà đầu tư để bảo đảm sinh lời trong quá trình đầu tư như về đất đai; thuế; tín dụng ưu đãi; bảo lĩnh tín dụng; tham gia vốn của nhà nước; cơ chế thu phí hoàn vốn và sinh lời…

- Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư.

- Quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan: dự án thuộc bộ ngành Trung ương, thuộc chính quyền địa phương.

- Cơ chế vận hành của dự án như quy trình thủ tục, ký kết hợp đồng…

2.2-  Hiện nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp thường gặp khó khăn về thời gian làm các thủ tục đầu tư, thường kéo quá lâu và không có thời hạn rõ ràng.Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định rõ thời hạn thực hiện các bước theo quy trình thực hiện dự án PPP – hiện nay có thể làm kéo dài thời gian thực hiện dự án PPP, giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách và dự án. Vì vậy, đề nghị bổ sung một Điều quy định rõ thời hạn thực hiện các bước trong quy trình, đặc biệt là các bước thẩm định hồ sơ.

2.3- Hiện tại khung pháp luật có liên quan (trực tiếp và gián tiếp) PPP bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật về phí và lệ phí, Luật Quy hoạch. Trong đó, Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu là hai Luật liên quan trực tiếp đến phương thức đầu tư PPP.

Nếu quy định về PPP có 5 nội dung cơ bản thì đã có 2 nội dung trong Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu. Cụ thể (1) Hoạt động chuẩn bị đầu tư đã được quy định chi tiết trong Luật Đầu tư công. (2) Hình thức, phương thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP đã được quy định chi tiết trong Luật Đầu thầu 2013. Và hai nội dung này được quy định trong Chương II, Chương III của dự thảo Luật. Tuy nhiên, Điều 101 dự thảo Luật quy định bỏ toàn bộ nội dung liên quan về đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong Luật Đấu thầu 2013 chuyển sang áp dụng theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong việc thực thi. Vì vậy, đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 101 dự thảo Luật theo hướng  không bãi bỏ các quy định đấu thầu dự án PPP trong Luật Đấu thầu, mà khi thực hiện đấu thầu thì áp dụng theo Luật Đấu thầu.

            2.4- Về giám sát của cộng đồng (Mục 3 Chương VII)

Có ý kiến cho rằng nhằm tránh trường hợp phản ứng tiêu cực từ người dân đối với dự án làm cho tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài hoặc dẫn tới tình trạng phải đàm phán lại về hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư thì công tác lấy ý kiến trước khi ký kết hợp đồng thật sự rất cần thiết. Vì vậy, đề nghị bổ sung Mục 3 Chương VII nội dung lấy ý kiến về đầu tư dự án quy định theo hướng:

“Cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và cách thức tiếp nhận ý kiến góp ý trên website của mình và mạng đấu thầu quốc gia ít nhất 60 trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp từ người sử dụng thì cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương phải gửi văn bản lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc các tổ chức đại diện của họ trong khoảng thời gian 60 ngày.

Nội dung thông tin cung cấp khi lấy ý kiến phải bao gồm: Thông tin cơ bản về dự án; Những ích lợi mang lại cho dân cư, cộng đồng, khu vực; đánh giá tác động với môi trường; Mức phí/giá dự kiến sẽ thu khi dự án hoạt động (nếu có), thời gian thu; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi; Dự thảo hợp đồng…”

 II- GÓP Ý CỤ THỂ

1- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2)

 Có ý kiến đề nghị nội dung Điều 1, Điều 2 cần làm rõ: (1) Lĩnh vực được thực hiện theo hình thức đối tác công tư. (2) Quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. (3) Quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan.

          Điều 1:

            Khoản 1: có ý kiến đề nghị viết lại như sau: “Luật này quy định về hoạt động đầu tư phát triển công trình hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo phương thức đối tác công tư”. 

            Điều 2:

Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng cho thống nhất, đồng bộ với Điều 1. Cụ thể, Điều 1 phân làm 2 nhóm (Hoạt động đầu tư và hoạt động quản lý nhà nước) nhưng Điều 2 chỉ quy định “tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư”. Vì vậy, Điều 2 viết lại như sau: “ Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư ”.

Có ý kiến đề nghị sửa Điều 2 như sau: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

2- Về áp dụng luật và điều ước quốc tế (Điều 3)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư phải tuân thủ quy định của Luật khác có liên quan”.

3- Về giải thích từ ngữ (Điều 4)

- Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4 giải thích các khái niệm: Hợp đồng PPP; Sản phẩm dịch vụ công; Nhà đầu tư liên doanh; Hợp đồng tư vấn giải quyết kiến nghị; Độc lập về pháp lý; Độc lập về tài chính; Sản phẩm công; Dịch vụ công;  

- Khoản 2, Khoản 5:  có ý kiến cho rằng cần xem lại cụm từ “Dự án” và “Báo cáo nghiên cứu khả thi” trong nội dung khoản và khoản 5 Điều 4 vì chưa có  quy định để phân biệt hai thuật ngữ này. Bên cạnh đó, toàn bộ nội dung của dự thảo Luật đang sử dụng thuật ngữ “dự án” như thẩm định dự án, hợp đồng dự án,…. Vì vậy, đề nghị  sử dụng  thống nhất cụm từ “dự án” trong quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật.

- Khoản 6: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “cá nhân” vào sau cụm từ “tổ chức” để phù hợp với Điều 2. Khoản 6 viết lại như sau: “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật, tham gia đầu tư theo phương thức PPP”.

Tương tự  như vậy, đề nghị bổ sung cụm từ “cá nhân” vào nội dung khoản 7, khoản 8 Điều 4.

- Khoản 13: có ý kiến cho rằng hiệu quả của đấu thầu không chỉ có kinh tế mà còn nhiều mặt về văn hóa, xã hội. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “kinh tế” trong nội dung khoản 13. Khoản 13 viết lại như sau: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng PPP trên nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả”.

3- Về lĩnh vực vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP (Điều 5)

Có ý kiến cho rằng việc đề xuất lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP phụ thuộc vào tình hình an sinh xã hội, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như năng lực kinh tế của từng địa phương, địa điểm triển khai dự án, nên việc liệt kê như Điều 5 làm hạn chế lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Đề nghị  bỏ nội dung Điều 5 dự thảo Luật.

Khoản 1: có ý kiến cho rằng cần xem lại nội dung khoản 1 Điều 5 vì nếu quy định như  vậy thì khi Luật  có hiệu lực, các dự án sẽ gặp khó về pháp lý, không triển khai được. Đề nghị quy định lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP thành 03 nhóm chính, đó là: (1) dự án hạ tầng kỹ thuật, (2) dự án hạ tầng kinh tế - xã hội và (3) nhóm dự án khác.

Khoản 2:  có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung hai tiêu chí là nguồn vốn và lĩnh vực, tính chất của ngành nghề và kết hợp hai tiêu chí này để chọn phương án thực hiện theo dự án PPP sẽ khoa học hơn. Vì sẽ có trường hợp những dự án dưới 200 tỷ nhà nước không có nhu cầu đầu tư nhưng về tính chất lại hấp dẫn nhà đầu tư khác.

4- Về Hội đồng thẩm định dự án PPP (Điều 6)

Khoản 2: có ý kiến cho rằng giám sát chỉ là một trong những nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định vì còn có thanh tra, kiểm tra. Đề nghị nghiên cứu bổ sung hai nhiệm vụ này vào khoản  2 Điều 6.

5- Về cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Cơ quan ký kết hợp đồng (Điều 7)

Khoản 2: có ý kiền đề nghị cần quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền ký kết. Vì nếu quy định như  khoản 2 rất khó để thực hiện và dễ dẫn đến tình trạng chủ thể ký kết hợp đồng không đúng, dẫn đến hợp đồng vô hiệu.

6- Về nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP (Điều 8)

- Có một nguyên tắc quan trọng mà nhà đầu tư rất quan tâm trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay đó là nguyên tắc “cạnh tranh”, nhưng thiếu nội dung này trong dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị bổ sung nguyên tắc “cạnh tranh” vào Điều 8 dự thảo Luật, vì có cạnh tranh mới bảo đảm quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, mới làm tăng hiệu quả đầu tư và đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành.

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “pháp luật về quy hoạch” bằng cụm từ “Luật Quy hoạch”. Khoản 1 viết lại như sau: “Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch”.

- Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung khoản 4 như sau: “Bảo đảm đầu tư minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả, cạnh tranh công bằng”.

- Khoản 5: có ý kiến đề nghị bổ sung khoản 5 như sau: “Bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và cộng đồng”.   

7- Về công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 10)

Điểm c khoản 1: có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “nếu có” để tính pháp lý của quy định được chặt chẽ hơn. Điểm c viết lại như sau: “Thông tin về nhà đầu tư trúng thầu doanh nghiệp dự án”.

Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung quy định theo hướng công bố trên trang thông tin điện tử của Cơ quan ký kết hợp đồng PPP.

8- Về quy trình thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP (Điều 11)

Khoản 2: thế nào là dự án về Công nghệ cao? Cần quy định cụ thể để dễ áp dụng.

9-  Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 12)

Khoản 3: có ý kiến đề nghị quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều 12  vì quy định chủ trương là yếu tố quyết  định trong dự án PPP. Ý kiến này cho rằng, cần quy định theo hướng của Nghị định 63 Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...”

10- Về trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 13)

Điểm b Khoản 1:  có ý kiến cho rằng cần xem lại nội dung “trường hợp dự án sử dụng vốn đầu tư công” vì trong trường hợp này sẽ được quy định trong Luật Đầu tư công. Vì vậy, đề nghị bỏ nội dung này trong điểm b khoản 1 để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

11- Về lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP (Điều 14)

Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung Điều 14 dự thảo Luật vì theo Nghị định số  40/2018 thì việc đánh giá tác động môi trường không cần thực hiện trong bước báo cáo tiền khả thi vì không thể thực hiện được.    

12- Về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi (Điều 20)

Có ý kiến cho rằng do báo cáo nghiên cứu khả thi là cơ sở quan trọng để xác định tổng mức đầu tư, phương án tài chính của dự án. Vì vậy, đề ng hị bổ sung nội dung khoản 4, Điều 20 như sau:

a) Lập thiết kế xây dựng gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trước khi phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Lập thiết kế khác gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trước khi phê duyệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

 13- Về điều kiện đề xuất dự án của nhà đầu tư (Điều 26)

- Điểm b khoản 1: có ý kiến cho rằng cần xem lại nội dung điểm b khoản 1 vì không nên đặt ra giới hạn như dự thảo, nên quy định theo nguyên tắc khuyến khích nhiều nhà đầu tư lập đề xuất dự án thì sẽ chọn được dự án tốt nhất và sẽ chọn đề xuất dự án đó để làm bước tiếp theo.

- Khoản 3: có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 chỉ nên áp dụng trong trường hợp: (1) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không được phê duyệt dẫn đến không chấp thuận chủ trương đầu tư; (2) Báo cáo nghiên cứu khả thi không được phê duyệt (đối với dự án không qua thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư). Những trường hợp còn lại nên có cơ chế hoàn trả chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

14- Về quy trình tổng quát lựa chọn nhà đầu tư (Điều 29)  

Có ý kiến cho rằng Điều 29 dự thảo Luật quy định về lựa chọn nhà đầu tư nhưng thiếu quy định rút gọn. Đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể về quy trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhóm dự án PPP (trên hoặc dưới 200 tỷ hoặc theo loại hình hợp đồng PPP hoặc theo lĩnh vực) để tránh trường hợp cào bằng, gia tăng chi phí hoặc thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với những dự án có giá trị không lớn.

  13- Thành lập và hoạt động doanh nghiệp dự án (Điều 38)

- Khoản 1: có ý kiến cho rằng cần xem lại nội dung khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật vì quy định như vậy chưa rõ ràng. Cụ thể là doanh nghiệp chỉ thực hiện 01 dự án, nếu chủ đầu tư thực hiện hợp đồng dự án khác được hay không hay một chủ đầu tư thực hiện nhiều hợp đồng dự án thì phải thành lập nhiều doanh nghiệp. Mỗi hợp đồng là một doanh nghiệp như vậy là quá rườm rà, tốn kém và không cần thiết. Nghị định 15 có quy định doanh nghiệp dự án của một chủ đầu tư có thể thực hiện nhiều dự án, vấn đề là phải độc lập trong hoạch toán tài chính.

Việc quy định nhà đầu tư thành lập doanh nghiệpmục đích duy nhất để thực hiện dự án theo hợp đồng nhằm dễ kiểm soát và kiểm tra hoạch toán nhà đầu tư nhưng việc kiểm tra hoạch toán của nhà đầu tư có nhiều phương thức khác nhau nếu quy định chỉ thực hiện dự án theo hợp đồng sẽ ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh. Chỉ nên quy định vấn đề tài chính phải hoạch toán độc lập nguồn thu từ dự án với hoạch toán nguồn thu từ các nguồn khác của doanh nghiệp.

  Bên cạnh đó, cần làm rõ về chủ thể của hợp đồng dự án này và không nên áp dụng mô hình công ty cổ phần, vì công ty cổ phần sẽ giới hạn số lượng cổ đông, có thể phát hành cổ phiếu và có thể niêm yết khi đó đã không còn phù hợp với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư ban đầu.

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị bỏ nội dung khoản 2 vì  quy định hạn chế chức năng hoạt động và quyền tự do kinh doanh của công ty cổ phần vì theo khoản 1 Điều 38 thì doanh nghiệp dự án có thể được thành lập theo mô hình cổ phần.

- Có ý kiến cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư để giao dự án đầu tư PPP căn cứ vào năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư nhưng khi thực hiện dự án thì là một doanh nghiệp hoàn toàn mới. Tuy nhiên, dự thảo Luật thiếu quy định về quy trình, thủ tục chuyển giao tiếp nhận (nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án) các quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ đầu tư PPP cũng như chưa có các quy định ràng buộc về trách nhiệm liên đới của doanh nghiệp (Nhà đầu tư) với doanh nghiệp dự án theo hợp đồng dự án.

14- Về phân loại hợp đồng PPP (Điều 39)

Điểm c khoản 1: các ý kiến cho rằng cần xem lại cụm từ Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh”, quy định sở hữu ở đây là sở hữu có thời hạn hay vô thời hạn, nếu sở hữu công trình vô thời hạn thì là tư nhân hóa chứ không phải là đối tác công tư. Nếu có thời hạn thì thời hạn sở hữu này quy định trong hợp đồng, có bằng thời gian kinh doanh công trình dự án hay không. Nếu nhà đầu tư được sở hữu công trình dự án thì có quyền định đoạt theo Luật dân sự, có được bán tài sản liên quan giữa yếu tố công và tư này hay không. Ý kiến này đề nghị  cần  làm rõ thời gian sở hữu ở đây là sở hữu vô hạn hay hữu hạn, thời hạn đó được quy định như thế nào?

Điểm c khoản 3: có ý kiến cho rằng để việc thực thi quy định tại điểm c khoản 3 đạt hiệu quả đề nghị cần sớm quy định cụ thể hơn về “sử dụng tiền thuộc ngân sách nhà nước, trong đó có tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công; và đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu thầu quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ; hoặc đấu giá quỹ đất, trụ sở làm việc để nhà đầu tư thực hiện dự án khác” để thanh toán dự án BT.

15- Về điều kiện ký kết hợp đồng (Điều 42)

Khoản 3: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 3 cụm từ cơ quan ký kết hợp đồng PPP vào sau cụm từ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Khoản 3 viết lại như sau “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng PPP phải bảo đảm các điều kiện về vốn Nhà nước trong dự án PPP,….”.    

16- Về chấm dứt hợp đồng PPP (Điều 46)

Khoản 1: có ý kiến cho rằng  cần làm rõ như thế nào là lâm vào tình trạng mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ? có tương ứng với quy định trong Luật Phá sản hay không? và ai là người xác định vấn đề này.

17- Về Luật áp dụng trong hợp đồng PPP (Điều 49)

Một số ý kiến  cho rằng quy định này chỉ điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam, tuy nhiên trong hợp đồng đối tác công tư có nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo thông lệ Quốc tế thì khi hợp đồng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì các bên vẫn có thể chọn Luật nước ngoài để áp dụng. Vì cơ quan nhà nước tham gia hợp đồng chỉ là một chủ thể của hợp đồng cho nên khi tham gia hợp đồng với tư cách là chủ thể công hoặc chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. vậy, cần quy định có thể áp dụng pháp luật nước ngoài nhưng Luật nước ngoài đó không trái quy định của Luật Việt Nam và hệ quả áp dụng cũng không trái với quy tắc cơ bản của Luật Việt Nam.

18- Về lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế (Điều 52)

Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung Điều 52 vì giai đoạn này là bước triển khai dự án, tổng mức đầu tư và phương án tài chính đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, lựa chọn được nhà đầu tư, ký kết hợp đồng PPP, việc thay đổi thiết kế sẽ làm thay đổi kết cấu, thay đổi dự toán, thay đổi tổng mức đầu tư, thay đổi phương án tài chính, xem như dự án trở lại điểm xuất phát, kéo dài dự án đầu tư theo phương thức PPP không hiệu quả về kinh tế.

Hơn nữa, nội dung điều này đã bổ sung trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

19- Về quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (Điều 55)

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định rõ đối với trường hợp nếu có sự khác nhau trong việc quyết toán giữa quy định tại luật này và quy định tại Luật Đầu tư công thì sẽ áp dụng quy định nào cho phù hợp, chẳng hạn việc quyết toán vốn nhà nước theo Luật Đầu tư công căn cứ trên cơ sở khối lượng và giá trị phát sinh thực tế, trong khi quy định tại dự thảo Luật đầu tư theo phương thức PPP thì chi phí đầu tư được quyết toán là chi phí xác định tại Hợp đồng.

Hơn nữa, việc quyết toán giá trị công trình quy định tại dự thảo căn cứ theo chi phí đã được xác định tại Hợp đồng thì việc thực hiện quyết toán chỉ mang tính thủ tục. Trong khi đó, dự án đầu tư PPP từ bước chuẩn bị dự án (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi), lựa chọn nhà đầu tư đều có cơ quan chuyên môn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia thẩm định.

Vì vậy, đề nghị nên bỏ nội dung quyết toán giá trị công trình đối với dự án sử dụng vốn nhà đầu tư tư nhân, và cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tập trung vào việc giám sát chất lượng công trình và sự tuân thủ của nhà đầu tư đối với các nghĩa vụ quy định tại Hợp đồng PPP.

20- về thu xếp tài chính thực hiện dự án (Điều 70)

Khoản 2: có ý kiến sửa nội dung khoản 2 theo hướng sau:

(1) Đối với phần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp dự án: nên thống nhất theo quy định của Luật Doanh nghiệp đối với phần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp dự án, cụ thể Doanh nghiệp dự án giai đoạn này phải thực hiện góp vốn theo quy định khoản 2, Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và khoản 1, Điều 112 Luật doanh nghiệp 2014 đối với công ty cổ phần.

(2) Đối với các phần vốn khác ngoài vốn chủ: Nhà đầu tư, Liên danh nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm khi tham gia sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, trong đó vốn chủ sở hữu doanh nghiệp dự án không thấp hơn 15%, phần còn lại có chứng thư cam kết của ngân hàng.

21- Về góp vốn chủ sở hữu (Điều 71)

Khoản 1:

- Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “nhà đầu tư” bằng cụm từ “doanh nghiệp dự ánđể tránh nhầm lẫn với nhà đầu tư quy định tại Điều 4. Khoản 1 viết lại như sau: “Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án không được thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án”

- Một số ý kiến cho rằng đây là quy định thụt lùi về tỷ lệ vốn chủ sở hữu vì Nghị định số 108, Nghị định số 15, Nghị định số 63 đang quy định theo hai hướng nếu tổng vốn đầu tư đến 1500 tỷ thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20%, còn đối với dự án trên 1500 tỷ  sẽ áp dụng theo phương pháp lũy tiến từng phần trên 1500 tỷ là 10%. Theo các ý kiến thì  quy định trên  là linh hoạt và phù hợp hơn đối với những dự án có số vốn đầu tư lớn, đề nghị cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật theo hướng như trên.

22- Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án (Điều 72)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị cần xem lại nội dung khoản 1 Điều 72, nên quy căn cứ vào Luật Chứng khoán để có quy định phù hợp hơn.

23-  Về ưu đãi đầu tư (Điều 73)

Có ý kiến cho rằng nên có ưu đãi nhằm khuyến khích nhà đầu tư thực hiện đề xuất dự án PPP (theo quy định tại Mục 2 Chương II). Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 73 quy định theo hướng:“Trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi có báo cáo nghiên cứu khả thi được Bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”.

24- Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu (Điều 76)

Khoản 2:  có ý kiến cho rằng Nhà nước chỉ nên chia s rủi ro tài chính với nhà đầu tư trong các trường hợp bất khả kháng hoặc do các biến động có phần “lỗi” của nhà nước; các trường hợp còn lại thì theo nguyên tắc “lời ăn – lỗ chịu”, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào kết quả tài chính của dự án PPP. Vì doanh thu từ dự án do nhà đầu tư quản lý thì nhà nước làm sao biết tăng bao nhiêu mà yêu cầu chia, hụt bao nhiêu để cấp bù?

25- Về trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP (Điều 82)

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định về nguyên tắc giám sát; nhưng chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giám sát cũng như trách nhiệm báo cáo giám sát, Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong từng giai đoạn nhất định. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giám sát cũng như trách nhiệm báo cáo giám sát, Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư vào Điều 82 dự thảo Luật.

26- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính (Điều 88)

Có ý kiến cho rằng ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính tại Điều 88, đề nghị cần bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan về vấn đề môi trường vì vai trò của công nghệ và môi trường trong đầu tư PPP rất quan trọng.

27- Về giải quyết tranh chấp (Điều 96); Về giải quyết tranh chấp trong lựa chọn nhà đầu tư tại tòa án (Điều 97)

Có ý kiến cho rằng quy định khoản 1, khoản 2 (Điều 96) mâu thuẫn với bản chất của thương lượng, hòa giải, theo thông lệ Quốc tế thì thương lượng, hòa giải là phương pháp tùy chọn, tự nguyện không bắt buộc tiền tố tụng. Ngoài ra việc hòa giải hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các bên.

Quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 khoản 6 Điều 96 và nội dung Điều 97 đã được quy định trong Luật Tố tụng dân sự.

Vì vậy, các ý kiến đề nghị bỏ Điều 96 Điều 97 dự thảo Luật này vì hiện nay cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư được xem là 1 cơ chế giải quyết tranh chấp trong thương mại, hiện nay đã có Luật Trọng tài thương mại, Luật Tố tụng dân sự chúng ta không cần thiết quy định lại giải quyết tranh chấp về đầu tư vấn đề này đã được quy định tốt trong Luật chuyên ngành là Luật Trọng tài thương mại và Luật Tố tụng dân sự./.

28- Về các hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 98)

Khoản 13: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể việc chuyển nhượng quyền; hành vi cấm trong việc chuyển nhượng quyền là như thế nào? 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970313




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn