Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ngày 9/10/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, sẽ được Quốc hội thông qua  tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

Hầu hết các ý kiến thống nhất với nội dung sửa đổi của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị nghiên cứu, sửa đổi một số quy định:

1- Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước cần quy định cụ thể hơn nữa.

2- Về mối quan hệ giữa kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra, quy định trong dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng trùng lắp chồng chéo, còn mang tính chất khuyến nghị để phối hợp xử lý, việc cơ quan thanh tra, kiểm toán có tiếp tục thanh tra, kiểm toán nội dung đã được cơ quan khác thanh tra, kiểm toán hay không chưa được làm rõ để thực thi.  Dự thảo Luật chưa quy định bắt buộc là các cơ quan không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán quá 01 lần/năm/đơn vị. Đề nghị cần có quy định cụ thể để giúp giảm bớt sự trùng lắp, chồng chéo này.

3- Về thời gian phản hồi của cơ quan, đơn vị trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, đề nghị cần điều chỉnh theo hướng mở rộng thời gian phản hồi ý kiến của đơn vị được kiểm toán, đơn vị được kiểm toán có thể xin gia hạn phản hồi hoặc bổ sung ý kiến trong trường hợp ngoại lệ sẽ đảm bảo sự phản hồi thông tin mang tính chất hai chiều và mang lại hiệu quả tốt hơn. Vì hiện nay, một số đơn vị có nhiều đầu mối trực thuộc được kiểm toán. Do đó việc tổ chức nghiên cứu góp ý phản hồi ý kiến trong 10 ngày thường gặp nhiều khó khăn. 

4- Về thực hiện kết luận kiểm toán, cần bổ sung quy định nội dung thực hiện kết luận kiểm toán, thực tiễn khi thực hiện nội dung kết luận kiểm toán có nhiều nội dung khó thực hiện hoặc không thể thực hiện (do đơn vị đã giải thể chẳng hạn) nhưng không có quy định  nào hướng dẫn cách giải quyết đối với các trường hợp này. Đây là một khó khăn trong thực hiện kết luận kiểm toán.

5- Về kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, cần quy định cụ thể cơ quan kiểm soát chéo với cơ quan thực hiện kiểm toán, phân định, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, giữa các cơ quan cần có sự giám sát lẫn nhau như giữa thanh tra và kiểm toán.

6- Về quyền khiếu nại, cần xem lại quy định về quyền khiếu nại trong dự thảo Luật vì làm cho việc khiếu nại hoặc khởi kiện trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, để có thể khiếu nại thì đơn vị được kiểm toán, bên cạnh việc chứng minh hành vi trái luật của Kiểm toán nhà nước, phải chứng minh về những thiệt hại của mình. Trên thực tế, việc chứng minh thiệt hại là vô cùng khó khăn. Vì có những thiệt hại vô hình thì rất khó cân đo hoặc một thời gian sau thiệt hại mới rõ ràng. Mà không chứng minh được thiệt hại thì không thể khiếu nại. Ngoài ra, căn cứ vào quy định này, đơn vị được kiểm toán nếu muốn khiếu nại, thì phải đợi cho thiệt hại thực tế xảy ra rồi mới khiếu nại, mà không thể khiếu nại để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.

            II- GÓP Ý CỤ THỂ

            1- Sửa đổi, bổ sung Điều 3

            Nhiều ý kiến cho rằng cụm từ “dấu hiệu tham nhũng” được sử dụng nhiều lần, nhưng chưa định nghĩa thế nào là “dấu hiệu tham nhũng”. Dấu hiệu tham nhũng là một phạm trù rất rộng, nếu không xác định được phạm vi của “dấu hiệu tham nhũng” sẽ gây khó khăn cho những cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng luật này. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 cũng không định nghĩa thế nào dấu hiệu tham nhũng, mà chỉ định nghĩa thế nào là tham nhũng.

Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích khái niệm thế nào là: dấu hiệu tham nhũng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán;

- Khoản 5: có ý kiến cho rằng cần thay cụm từ  “hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” thành “hoạt động kiểm toán” và sử dụng xuyên suốt trong toàn bộ nội dung Luật hiện hành và dự thảo Luật. Vì căn cứ vào định nghĩa hoạt động kiểm toán, các đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán như Đơn vị được kiếm toán, Cơ quan, tố chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có những quyền hạn và trách nhiệm tương ứng trong từng hoạt động kiểm toán. Do đó, định nghĩa hoạt động kiểm toán phải gắn kết với từng đơn vị được kiểm toán cụ thể.  Khoản 5 được sửa lại như sau:“Hoạt động kiểm toán là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại một đơn vị được kiểm toán”.

2-  Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6a sau khoản 6 Điều 11

Có ý kiến cho rằng không nên sửa đổi, bổ sung khoản 6a Điều 11 và Điều 71 Luật Kiểm toán nhà nước để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, tránh bị chồng chéo. Vì theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cơ quan hành pháp có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước mới có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, trong khi kiểm toán nhà nước thuộc cơ quan lập pháp, không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước nên không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Có ý kiến cho rằng nên bỏ chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Vì việc trao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho kiểm toán nhà nước không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 (Điều 118).

3- Bổ sung điểm h khoản 2 Điều 39

Có kiến đề nghị đưa nội dung “chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật” tại cuối điểm h khoản 2 vào khoản 3 Điều 39 vì khoản 2 Điều 39 quy định về quyền hạn của Trưởng Đoàn, trong khi khoản 3 Điều 39 quy định về trách nhiệm của Trưởng Đoàn.

4- Bổ sung Điều 64a

Có ý kiến cho rằng không bổ sung Điều 64a vào dự thảo Luật vì kiểm toán nhà nước là một chế định hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán nhà nước, thanh tra và kiểm tra là khác nhau. Vì vậy, quy định bổ sung này là không cần thiết.

5- Sửa đổi, bổ sung Điều 69

- Điểm b, điểm c khoản 1: có ý kiến cho rằng cần xem lại quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 69.  Theo ý kiến này, thì căn cứ theo khoản 4 Điều 3 của Luật Khiếu nại năm 2011 quy định các cơ quan như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước quy định việc thực hiện khiếu nại giải quyết theo các căn cứ của quy định này, như vậy các cơ quan có liên quan phải căn cứ vào Luật Khiếu nại để quy định những vấn đề về khiếu nại của ngành mình. Trên cơ sở đó, Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hoặc được biết đến quyết định hành chính mà mình đang khiếu nại. Trong khi khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước lại quy định trong vòng 30 ngày khi nhận được thông báo kết luận kiến nghị bằng văn bản thì cơ quan, tổ chức có quyền kiến nghị với Tổng kiểm toán nhà nước. Như vậy thời hạn 30 ngày không phù hợp với Luật Khiếu nại, dẫn đến thực tiễn thực hiện sẽ không đảm bảo được thời gian để các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện việc khiếu nại theo đúng quy định. Đề nghị thống nhất về thời hiệu khiếu nại để phù hợp với Luật Khiếu nại năm 2011.

          - Khoản 3: có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 69 chưa chặt chẽ, trong trường hợp hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước chưa thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại thì khiếu nại này có được giải quyết hay không? Nếu hết thời hạn 10 ngày mà Tổng Kiểm toán nhà nước chưa gửi bằng văn bản trả lời, thì có được xem mọi vấn đề khiếu nại đã được chấp thuận bởi Tổng Kiểm toán nhà nước hay không? 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970426




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn