Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ngày 14/10/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1- Về sự cần thiết ban hành Luật

Hầu hết các ý kiến cho rằng giám định tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong tố tụng, kết luận giám sát chính xác, khách quan và kịp thời góp phần giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các vụ án, đặc biệt là trong tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. Vì vậy, việc ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp là yêu cầu cấp thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

2- Về tên gọi

Hầu hết các ý kiến nhất trí với tên gọi Luật sửa đổi. bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp vì phù hợp với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật.

3- Một số chế định cần bổ sung vào dự thảo Luật

3.1- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về tiến hành giám định thương tật qua hồ sơ bệnh án để tránh bỏ lọt tội phạm.

3.2- Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động giám định tư pháp thông qua việc sửa đổi, mở rộng quyền tự yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng để đảm bảo điều kiện, phương tiện tìm kiếm chứng cứ phục vụ cho việc bảo vệ quyền và lợi ích các bên khi tham gia tố tụng theo tinh thần mở rộng dân chủ, tăng cường tranh tụng tại Tòa. Vì thực tế hiện nay, khi phát sinh các trường hợp cần giám định, mà sau 07 ngày cơ quan có thẩm quyền không trưng cầu giám định thì cá nhân, tổ chức mới được yêu cầu giám định, việc này làm mất đi các dấu vết, chứng cứ quan trọng trong giải quyết vụ án, nhất là các vụ án xâm hại tình dục.

3.3- Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định mà kết quả trái ngược với kết luận giám định lần đầu cụ thể hơn về việc sử dụng kết luận giám định trong các trường hợp giám định lại mà kết quả trái ngược với kết luận giám định lần đầu để tạo sự thống nhất cho các cơ quan tố tụng khi thực thi nhiệm vụ.

3.4- Có ý kiến đề nghị cần sửa đổi, bổ sung rút ngắn thời gian cơ quan ban hành kết luận giám định đảm bảo phù hợp với thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như thời hạn điều tra vụ án hình sự, nhất là đối với các vụ án ít nghiêm trọng, có thời hạn điều tra ngắn để giúp các cơ quan tố tụng có cơ sở kịp thời giải quyết đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với vụ án, vụ việc.

3.5- Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện và quy định trình cụ thể đối với những trường hợp người bị hại từ chối hoặc không hợp tác giám định tư pháp.

3.6- Một số ý kiến cho rằng Luật Giám định tư pháp hiện hành không quy định việc cấp thẻ cho Giám định viên tư pháp, nhưng dự thảo Luật có quy định việc cấp Thẻ giám định viên tư pháp tại khoản 4 Điều 9 và khoản 4 Điều 41 việc cấp thẻ là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật thiếu quy định chuyển tiếp việc cấp thể cho các Giám định viên tư pháp được hành nghề theo Luật này kể từ ngày 01/01/2019. Đề nghị cần bổ sung “Điều khoản chuyển tiếp” cho việc cấp thẻ giám định viên tư pháp theo hướng quy định cụ thể kể từ ngày Luật này có hiệu lực thì việc cấp thẻ phải được thực hiện đồng bộ cho Giám định viên đã được công nhận trước đây.  

3.7- Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giám định tư pháp, cần quy định thành  một Điều riêng, đồng thời cần chú ý hơn đối với công tác này trong thời gian tới để có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước.

II- GÓP Ý CỤ THỂ

1- Bổ sung khoản 4 Điều 9

Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung “...Bộ, cơ quan ngang b bổ nhiệm và cấp thẻ cho giám định viên tư pháp thẩm quyền quản lý” quy định này khó hiểu, đề nghị sửa lại như sau: “...Bộ, cơ quan ngang b bổ nhiệm và cấp thẻ cho giám định viên tư pháp thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ quan ngang bộ”.

2- Sửa đổi khoản 1 Điều 10

Điểm đ khoản 1:

Có ý kiến cho rằng giám định viên tư pháp là người có chuyên môn sâu, do đó cần nghiên cứu quy định của Bộ Luật lao động về kéo dài thời gian làm việc đối với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để quy định cho phù hợp, không lãng phí vì hiện nay số lượng người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao làm công tác giám định tư pháp còn rất ít, đội ngũ kế thừa, bổ sung còn hạn chế cả số lượng, chất lượng.

Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung quy định tại khoản 1 Điều 10, vì quy định như vậy là bất hợp lý. Theo đó, căn cứ vào quy định này, Giám định viên tư pháp đang làm việc tại cơ quan công lập sẽ phải thể hiện “nguyện vọng” thành lập hoặc không thành lập Văn phòng giám định tư pháp để xét hoặc không xét miễm nhiệm giám định viên tư pháp. Ý kiến này đề nghị cần nghiên cứu quy định theo hướng Giám định viên tư pháp đủ điều kiện, tiêu chuẩn, sức khỏe tiếp tục có nguyện vọng thành lập Văn phòng giám định tư pháp thì được hoạt động đến một độ tuổi nhất định, đảm bảo huy động được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, có sức khỏe đáp ứng được công việc tiếp tục tham gia công tác giám định tư pháp.

3- Sửa đổi khoản 2 Điều 11

Có ý kiến cho rằng cần rút ngắn thời gian thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định về từ chối giám định từ 07 ngày xuống còn từ 3 ngày  đến 05 ngày làm việc là phù hợp.

4- Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 15

Có ý kiến cho rằng quy định như điểm a khoản 1 Điều 15 chưa đầy đủ vì còn có trường hợp được cấp thẻ giám định viên 3 năm trở lên nhưng không hoạt động. Đề nghị sửa lại như sau: “Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động trong lĩnh vực giám định tư pháp đề nghị thành lập Văn phòng”.

5- Sửa đổi Điều 20

Khoản 2 quy định “...Trong trường hợp cần trưng cầu đối với những lĩnh vực không có người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thì người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu. Có ý kiến băn khoăn cho rằng cơ s nào để biết được người trưng cầu giám định là người có chuyên môn vì đây này cơ sở để xem xét giải quyết vụ án. Đề nghị xem xét cách thức để đảm bảo giá trị pháp lý của kết luận giám định trong trường hợp giám định đối với những lĩnh vực không có người giám định tư pháp theo vụ việc.

            6- Sửa đổi khoản 2 Điều 24

Điểm b khoản 2: có ý kiến cho rằng  thế nào là “… nếu có nội dung mới hoặc vấn đề phát sinh…” thì có thể dẫn đến thay đổi trưng cầu giám định, quy định như vậy khó hiểu dễ phát sinh tranh luận tại Tòa. Đề nghị cần quy định cụ thể thành một khoản riêng và bằng thủ tục chặt chẽ trong Luật Giám định tư pháp.

 Điểm d: tương tự như khoản 2 Điều 11, để nghị rút ngắn thời gian từ 07 ngày xuống còn từ 03 ngày đến 05 ngày làm việc.

7- Sửa đổi, bổ sung Điều 25

 Khoản 1Điều 25 quy định “…; trong trường hợp đã có chứng cứ, tài liệu xác định được nội dung cần chứng minh theo quy định của pháp luật tố tụng thì không tiến hành trưng cầu giám định tư pháp” Quy định như dự thảo Luật là không rõ ràng, dễ phát sinh tranh chấp. Đề nghị cần quy định cụ thể hơn

Khoản 6: có ý kiến đề nghị cần xem lại quy định tại khoản 6 vì dễ dẫn đến sự tùy tiện trong giải quyết vụ việc.

8- Bổ sung Điều 26a

Các ý kiến nhất trí với nội dung Điều 26a, đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn thời hạn tối thiểu, thời hạn tối đa, trường hợp nào có thể được kéo dài. Cũng có ý kiến cho rằng nên quy định cụ thể theo hướng không chỉ trong thời gian điều tra xét xử mà quy định luôn trong xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Có 02 ý kiến cho rằng không cần thiết phải quy định Điều 26a trong dự thảo Luật vì Bộ Luật tố tụng hình sự đã có quy định rất cụ thể các trường hợp này.

9- Sửa đổi khoản 2 Điều 32

- Có ý kiến đề nghi bỏ từ “còn” trong nội dung khoản 2Điều 32. Khoản 2 viết lại như sau: “Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định thì người đứng đầu tổ chức phải ký tên…”

- Khoản 2 quy định “Trường hợp Hội đồng giám định quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này thực hiện giám định thì người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.” Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về Hội đồng giám định.

10- Bổ sung Điều 41a sau Điều 41

Có ý kiến cho rằng nếu quy định như nội dung Điều 41a cần xem lại không quy định về nội dung này trong Luật Kiểm toán nhà nước.

11- Sửa đổi Điều 46

Khoản 2: có ý kiến cho rằng cần sửa đổi Luật Thanh tra để tạo sự  thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 46 dự thảo Luật./.

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970398




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn