Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bố sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:                                 

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1-Về số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu Đại biểu Quốc hội (Điều 22)

- Hầu hết các ý kiến đề nghị giữ quy định tổng số Đại biểu Quốc hội không quá 500 đại biểu như hiện nay.

- Các ý kiến nhất trí giữ nội dung quy định Đại biểu Quốc hội có 1 Quốc tịch là Quốc tịch Việt Nam tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội để thống nhất với quy định về tiêu chuẩn của Đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

- Về cơ cấu Đại biểu, các ý kiến nhất trí với đề nghị giảm Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp, tăng hợp lý Đại biểu Quốc hội là đại diện các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể xã hội, cân nhắc việc cơ cấu Đại biểu Quốc hội dựa trên các tiêu chí ngành nghề.

2- Về Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Điều 23, Điều 43)

- Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: các ý kiến nhất trí chọn Phương án 1: Quy định tỷ lệ Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40%, trong đó dành tỷ lệ 3% đến 5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác và uy tín tham gia làm Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

- Về thẩm quyền và quy trình phân loại, đánh giá đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách: có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về thẩm quyền và quy trình phân loại, đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách. Mặc dù, Luật Tổ chức Quốc hội đã có các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội như tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; trách nhiệm với cử tri; trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, nhưng trong trường hợp đại biểu Quốc hội không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chất lượng hoạt động thấp thì xử lý như thế nào? Nếu pháp luật chỉ có khung tiêu chuẩn mà thiếu các quy định về thẩm quyền và quy trình phân loại, đánh giá riêng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội không chuyên trách thì không tạo động lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả của các đại biểu Quốc hội. 

3- Về Ủy ban thường vụ Quốc hội

Các ý kiến nhất trí với nội dung bổ sung của khoản 4, khoản 5 Điều 44 dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ đáp ứng yêu cầu về phát huy vai trò của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai kỳ họp của quốc hội. Thực tiễn trong thời gian qua có nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay nhưng vì thẩm quyền của  Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa được quy định rõ nên không thể thực hiện được, phải chờ đến kỳ họp Đại biểu Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội phát huy vai trò của mình góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả về hoạt động của Quốc hội.

Các ý kiến nhất trí với ý kiến của Ủy ban Thường vự Quốc hội không quy định “kết luận” ở thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội” vì không phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

4- Về việc Đại biểu Quốc hội tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Các ý kiến nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 4 Điều 53 và bổ sung khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật.

5- Về việc chuyển sinh hoạt của Đại biểu Quốc hội (Khoản 1 Điều 38)

Các ý kiến nhất trí giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

6- Về phụ cấp và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đại biểu Quốc hội (Điều 41 và Điều 42)

Các ý kiến nhất trí với đề nghị cần khẩn trương xem xét, sửa đổi, bổ sung các chế độ lương, phụ cấp và các điều kiện làm việc của đại biểu Quốc hội vì xét theo hệ thống bảng lương và chế độ theo quy định tại Nghị quyết 353/2017/UBTVQH14 ngày 17/4/2014 thì điều kiện đảm bảo cho hoạt động của đại biểu Quốc hội còn rất khiêm tốn. 

7- Về Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (khoản 3 Điều 43)

Các ý kiến nhất trí với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung qui định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng và phê chuẩn Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giữ quy định Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn phải là đại biểu Quốc hội chuyên trách cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Xác định Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là tổ chức hành chính hoạt động theo nguyên tắc Thủ trưởng, do đó không qui định cụ thể tiêu chuẩn của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong Luật.

8- Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Điều 67)

Các ý kiến chọn Phương án 2 là nội dung được quy định trong dự thảo Luật.

9- Về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.

Các ý kiến nhất trí chọn Loại ý kiến thứ nhất, đặc biệt là ý kiến thành lập cơ quan Thanh tra Quốc hội (đối với Ban Dân nguyện) để có thể xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến kiến nghị của công dân; thông qua đó, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội. 

Có 01 ý kiến đề nghị xem xét thành lập Ủy ban Thanh tra Quốc hội để xử lý giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân, góp phần tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

10- Về kinh phí bảo đảm hoạt động và bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội (khoản 4 Điều 43; điểm d khoản 1 Điều 99 và Điều 101)

Các ý kiến nhất trí với nội dung khoản 4 Điều 43; điểm d khoản 1 Điều 99 và Điều 101 của dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ tăng cường tính chủ động của Quốc hội trong việc chi ngân sách theo Luật Ngân sách, đảm bảo tính khách quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan chuyên trách của Quốc hội (Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội).

II- GÓP Ý MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ

1- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 26

Khoản 3 Điều 26 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ít nhất 02 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong một năm để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội…”. Có ý kiến cho rằng quy định nội dung này trong Chương II (Đại biểu Quốc hội) là chưa phù hợp. Đề nghị xem xét đưa vào Chương III, Điều 54 (Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội)

   2- Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điểu 30           

   Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “Hội đồng” trước cụm từ “Ủy ban”. Khoản 1a sửa lại như sau: “Đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm dành thời gian tham gia các hoạt động của Hội đồng, Ủy ban theo phân công...”.

   3- Sửa đổi, bổ sung một số khoản 3a của Điều 43

Khoản 3a Điều 43 quy định “…Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình về việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ; trước khi điều động, luân chuyển, bố trí công việc khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Có ý kiến cho rằng nếu quy định nội dung này trong phần Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ không đảm bảo được tính logic của văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị nên đưa vào các điều khoản quy định về đại biểu Quốc hội sẽ phù hợp hơn.

4- Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 44

Có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 5 như sau: “Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo sơ kết công tác năm của mình đến đại biểu Quốc hội…

5- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 53

Có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 2 như sau: “Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc…;”.

6- Có ý kiến cho rằng nội dung khoản 2 Điều 53 mâu thuẫn với nội dung điểm đ khoản 1 Điều 85. Nếu căn cứ khoản 2, Điều 53 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; có thẩm quyền quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc/Ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc/Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội. Nếu căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 85 thì Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có thẩm quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; có thẩm quyền quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng dân tộc, của Ủy ban mà mình làm Chủ tịch, Chủ nhiệm. Đề nghị cần xem lại quy định này để tạo sự thống nhất trong dự thảo Luật.

7- Bổ sung khoản 1a vào Điều 80

Theo quy định khoản 1a Điều 80 thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật. Có ý kiến đề nghị cần xem xét quy định cụ thể hơn về các công cụ, phương tiện, cách thức… đảm bảo cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện được trách nhiệm này. 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970316




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn