Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:    

I- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG    

1- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “hợp đồng đầu tư” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Điều 1 được sửa lại như sau: “Luật này quy định về hoạt động đầu tư, hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

2- Về áp dụng luật và điều ước quốc tế (Điều 3)

Các ý kiến nhất trí chọn Phương án 2: không quy định nội dung khoản 2 Điều 3 tại dự thảo Luật vì cho rằng quy định này vẫn chưa giải quyết triệt để được vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện dự án PPP và không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phạm vi điều chỉnh của Luật PPP tương đối cụ thể, không bị chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác nên không cần thiết có quy định về ưu tiên áp dụng pháp luật. Trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật PPP so với các luật khác tại các nội dung cụ thể của Luật PPP thì cần chỉ rõ tại điều khoản quy định về nội dung đó.

Các ý kiến này đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định tại dự thảo Luật phù hợp Hiến pháp, các luật khác và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tránh mâu thuẫn, xung đột, gây khó khăn khi thực hiện hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

Có 03 ý kiến chọn Phương án 1:  Qui định như khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật vì thời gian áp dụng cho một dự án PPP  thường kéo dài nhiều năm, trong điều kiện hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện và sửa đổi bổ sung thường xuyên thì Luật PPP phải là luật được ưu tiên thực hiện, nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để đảm bảo các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của nhà nước về mặt pháp lý dối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.  Đây cũng là điều kiện hợp lý để thu nhỏ dần tính độc quyền và bao cấp, thông qua tính hiệu quả của dự án PPP để dần chuyển giao từ lĩnh vực công sang hoạt động tư, nhà nước chỉ tham gia vào quản lý hành chính, và thực hiện điều tiết nền kinh tế như hoạt động của việc cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước trong những năm qua.

3- Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP (khoản 1 Điều 5)

Có ý kiến đề nghị cân nhắc không bao gồm nhiệt điện/thủy điện, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện sạch như điện gió, điện mặt trời, điện sóng. Bên cạnh đó, cân nhắc bổ sung quy định khuyến khích đầu tư vào các công trình trọng điểm có lợi ích quốc gia.

4- Về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 3 Điều 5)

Hầu hết các ý kiến chọn Phương án 1 quy định tại khoản 3 Điều 5 “Căn cứ nhu cầu, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng trừ dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh – Quản lý” để phù hợp với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP, đảm bảo có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

Có ý kiến đề nghị kết hợp nội dung của cả hai phương án, quy định theo hướng giữ hạn mức 200 tỷ trong Luật và giao Chính phủ quy định hạn mức tối thiểu cho một số lĩnh vực. Sự kết hợp này có ưu điểm vừa đảm bảo có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân; bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ theo từng thời kỳ kinh tế - xã hội không phải điều chỉnh sửa đổi luật; đồng thời đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế -xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội, giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.

Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng không giới hạn mức tối thiểu (theo các phương án đang xây dựng là giới hạn mức tối thiểu của dự án là 100 tỷ đồng hoặc 200 tỷ đồng) đối với việc quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 5, giao Chính phủ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể cũng như điều kiện thực tế để chủ động quyết định.

5- Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 13)

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ thẩm quyền trong việc quyết định chủ trương đầu tư của từng cấp: Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cần phân định rõ thông qua quy mô dự án, tổng nguồn vốn dự án, ảnh hưởng của tính liên kết dự án nội bộ tỉnh hay liên tỉnh. Cần có thông số tiêu chí cho từng cấp độ.

6- Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 19)

Một số ý kiến chọn Phương án 1, sửa đổi bổ sung quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP tại khoản 1 điều 19, trong đó có trường hợp tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP để phù hợp với Luật Đầu tư công và trường hợp tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên trong một số trường hợp (sự kiện bất khả kháng, quy hoạch, chính sách pháp luật thay đổi; điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi…).

Có 02 ý kiến chọn Phương án 2. Ý kiến này cho rằng với quy định như Phương án 2 sẽ tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức  lập, trình dự án PPP đối với cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; ngoài ra, quy định tăng không quá 10% tổng mức đầu tư (theo Phương án 1) mà không phải điều chỉnh là chưa đủ căn cứ, trong khi sơ bộ tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu tiền khả thi đã bao gồm cả chi phí dự phòng.

7- Về các quy định đối với hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT)

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật đã có tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 15, khoản 6 Điều 20, khoản 3 Điều 42 và khoản 3 Điều 43 theo phương thức mới, chặt chẽ hơn nhưng vẫn chưa bảo đảm minh bạch, xử lý được các vấn đề tiêu cực, nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất thanh toán khi triển khai thực hiện dự án áp dụng loại hình hợp đồng BT thời gian qua, đây là phương thức thực hiện chủ yếu (56% số dự án – theo báo cáo giải trình trong các phương thức PPP. Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật có quy định về áp dụng luật và điều ước quốc tế. Ý kiến này đề nghị cần nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, hợp đồng, thủ tục sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án,… khi thực hiện dự án theo phương thức BT.

8- Về một số chế định cần bổ sung vào dự thảo Luật

8.1-  Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật đã quy định chi tiết về dự án thực hiện theo phương thức PPP từ các bước ban đầu là lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến việc lựa chọn nhà đầu tư và triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật  chưa quy định về các dự án đang thực hiện theo phương thức đầu tư công do thay đổi các yếu tố cơ bản dẫn đến việc đầu tư theo phương thức PPP có lợi hơn so với phương thức đầu tư công. Vì vậy, đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về trình tự, quy trình cho trường hợp dự án chuyển đổi từ phương thức đầu tư công sang phương thức đầu tư PPP.

8.2- Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung thông tin của dự án phải công bố. Tuy nhiên, cần quy định công bố thêm nhiều thông tin nữa để bảo đảm quyền giám sát của người dân.  Cụ thể: công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ (các thông tin này được che mờ hoặc bôi đen); công khai các báo cáo thẩm định dự án; công khai các báo cáo hoạt động của dự án; công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng. Về vấn đề này, kiến nghị theo hướng cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và cách thức tiếp nhận ý kiến góp ý trên website của mình ít nhất 60 ngày trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp từ người sử dụng thì cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương phải gửi văn bản lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc các tổ chức đại diện. Ví dụ, các dự án đường bộ cần lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải, người dân trong khu vực; các dự án sân bay cần lấy ý kiến các doanh nghiệp hàng không…

Nội dung thông tin cung cấp khi lấy ý kiến phải bao gồm thông tin cơ bản về dự án, những ích lợi mang lại cho người sử dụng, mức phí/giá, thời gian thu, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo hợp đồng…Các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung các nội dung thông tin phải công bố gồm: công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ; công khai các báo cáo thẩm định dự án; công khai các báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng.

8.3- Có ý kiến cho rằng Điều 13 dự thảo Luật quy định 3 cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là (1) Quốc hội, (2) Thủ tướng Chính phủ, và (3) cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 7 dự thảo Luật giải thích cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gồm cấp bộ và cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại thiếu quy định phân định thẩm quyền giữa cấp bộ và cấp tỉnh. Như vậy, dễ dẫn đến nguy cơ không rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án do tư nhân đề xuất. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư giữa cấp bộ và cấp tỉnh.

8.4- Có ý kiến cho rằng về nguyên tắc, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư. Hợp đồng này ràng buộc trách nhiệm của toàn bộ Nhà nước Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cơ quan hay người đại diện ký hợp đồng, trừ khi chứng minh được có gian dối khi ký hợp đồng. Đây là nguyên tắc được thừa nhận đương nhiên trong pháp luật hợp đồng và thực tiễn xét xử các tranh chấp hợp đồng PPP.

Tuy nhiên, thực tế nhiều chủ đầu tư phản ánh tình trạng thiếu tôn trọng hợp đồng PPP từ các cơ quan nhà nước. Một số cơ quan đưa ra yêu cầu với chủ đầu tư trái với nội dung hợp đồng và cho rằng hợp đồng đó do cơ quan khác ký nên không ràng buộc cơ quan mình. Điều này gây rất nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư vì họ lại mất thời gian giải thích cho các cơ quan nhà nước pháp luật hợp đồng. Nguy hại hơn, thực tế này khiến môi trường đầu tư các dự án PPP rất rủi ro, khó thu hút nhà đầu tư.

Để tránh tình trạng này, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc các cơ quan nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

8.5- Về triển khai thực hiện dự án, không nên giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án PPP tự tổ chức giám sát, quản lý về chất lượng. Đề nghị đối với tất cả các dự án PPP nên quy định theo hướng giao cho các tổ chức độc lập giám sát. Bên cạnh đó, cần có quy định về cơ chế lựa chọn tổ chức giám sát và thay đổi tổ chức giám sát.

8.6- Chương III (Lựa chọn nhà đầu tư)

Có ý kiến cho rằng nội dung Chương III đã có sự phân tách về đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đấu thầu và dự thảo Luật.  Theo đó, Luật Đấu thầu quy định về lựa chọn nhà thầu, dự thảo Luật quy định về lựa chọn nhà đầu tư PPP. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo Luật chỉ mới quy định tổng quát quy trình lựa chọn nhà đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, để việc lựa chọn nhà đầu tư hiệu quả, tránh kéo dài thời gian chờ hướng dẫn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án PPP, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết quy trình lựa chọn nhà đầu tư.

8.7- Chương IV (Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng)

Có ý kiến cho rằng về nội dung cơ bản của hợp đồng nguyên tắc cơ bản của hợp đồng là thỏa thuận không trái với qui định do đó có thể xem hợp đồng hợp tác công tư như loại hợp đồng hợp tác khác. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể sự khác biệt của loại hợp đồng này về giới hạn hợp tác của từng nhóm đầu tư, về thời hạn tối đa, thay đổi bên hợp tác, tiêu chí hợp tác

8.8- Chương VI (Nguồn vốn thực hiện dự án PPP)

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ vốn góp do PPP là dự án hợp tác công tư với mục đích là huy động vốn và nguồn lực tư nhân. Tuy nhiên, tất cả các dự án PPP là các dự án có tính quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung, do đó tùy vào khả năng huy động các bên tham gia dự án mà quyết định tỷ lệ vốn nhà nước góp không giới hạn tỷ lệ, và không loại trừ việc thoái vốn nhà nước. Vì vậy, không cần qui định giới hạn đối với tỷ lệ vốn nhà nước

8.9-  Chương VII (Ưu đãi và bảo đảm đầu tư)

Có ý kiến cho rằng nội dung Chương VII của dự thảo Luật đã thể hiện nhiều quy định bảo đảm đầu tư, nhưng thiếu quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. Nội dung về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư. Trong khi đó, các dự án PPP luôn đòi hỏi sự ổn định về môi trường đầu tư cao hơn rất nhiều.

Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. Cụ thể, trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có quyền lợi và ưu đãi cao hơn thì nhà đầu tư được áp dụng văn bản pháp luật mới.

Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được áp dụng văn bản pháp luật trước đó. Nguyên tắc này không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường. 

Trong trường hợp nhà đầu tư phải áp dụng pháp luật mới thì được bồi thường. Nhà đầu tư phải có yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành.

II- GÓP Ý MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ

1- Về giải thích từ ngữ (Điều 4)

- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4 giải thích thế nào là: độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính; cơ quan ký kết hợp đồng; nhượng quyền;

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “tư nhân” trong nội dung khoản 1 vì   nhà đầu tư trong trường hợp này có thể là liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài… Bỏ cụm từ “tư nhân” để  thống nhất quy định tại khoản 6 Điều 4 dự thảo Luật. Khoản 1 viết lại như sau: “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp

2- Về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP (Điều 5)

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 2 quy định theo hướng “…Trường hợp  dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, trình tự thủ tục của dự án thực hiện theo qui định của Luật này”, như vậy sẽ cụ thể và nhất quán hơn về trình tự.

3- Về các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 11)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 11 quy định về hành vi như sau: ”.Sử dụng nguồn vốn đầu tư dự án PPP không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật”.

4- Về thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Điều 16)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 16 quy định về thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Việc quy định thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giúp tránh trường hợp kéo dài thời gian làm trễ tiến độ dự án.

5- Về trình tự chuẩn bị dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất (Điều 28)

Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”  vào nội dung khoản 4 nhằm giảm thiểu rủi ro về chi phí cho nhà đầu tư đề xuất dự án cũng như tăng khả năng thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia nghiên cứu tính khả thi của các dự án PPP, đề xuất việc nhà đầu tư trúng thầu sẽ hoàn trả chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi cho nhà đầu tư đề xuất dự án không được chọn. Khoản 4 viết lại như sau: “Trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án không được lựa chọn, nhà đầu tư trúng thầu sẽ hoàn trả chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi cho nhà đầu tư đề xuất dự án”.6- Về đàm phán cạnh tranh (Điều 38)

Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ tính chất, mức độ liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia của các dự án được thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đàm phán cạnh tranh để tránh trường hợp tùy tiện trong việc áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đàm phán cạnh tranh thay vì các hình thức lựa chọn nhà đầu tư khác.

7- Về chỉ định nhà đầu tư (Điều 39)

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trường hợp chỉ định thầu khi chỉ đến hết thời hạn mời thầu mà có một nhà đầu tư đăng ký đấu thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển và chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

8- Về phân loại hợp đồng dự án PPP (Điều 45)

Khoản 3: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 3 Điều 45 quy định về hợp đồng BT chưa chặt chẽ, thiếu quy định liên quan đến việc thanh toán theo hợp đồng BT trong khi thời gian qua, việc thực hiện hợp đồng BT là một trong những kẽ hở gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước thông qua việc xác định giá trị tài sản hoán đổi (tài sản thanh toán cho hợp đồng BT) một cách chưa hợp lý. Ý kiến này đề nghị cần xem xét, quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc trong việc thanh toán theo hợp đồng BT trong dự thảo Luật.

9- Về nội dung cơ bản của hợp đồng (Điều 47)

Điểm e khoản 1: có ý kiến cho rằng nếu chỉ quy định “…trách nhiệm bảo trì dài hạn, hỗ trợ vận hành của nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hình hợp đồng BT” là chưa chặt chẽ. Đề nghị nghiên cứu bổ sung áp dụng đối với các hình thức hợp đồng dự án PPP khác, gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư đối với dự án.

10- Về thời hạn hợp đồng dự án PPP (Điều 52)

Điểm d, đ khoản 3: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về thời điểm, hoặc thời gian cụ thể của việc phát sinh tăng/giảm doanh thu thực tế so với cam kết tại hợp đồng PPP là bao lâu để được thực hiện việc điều chỉnh thời hạn hợp đồng.

 Vì Điều 83 dự thảo Luật có quy định việc chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được áp dụng “sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại Điều 52” của Luật này; và “Định kỳ hàng năm, các bên xác nhận doanh thu thực tế của dự án PPP. Định kỳ 03 năm, các bên xác định phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng của dự án PPP căn cứ số liệu hàng năm, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền để xem xét áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu”.

Việc quy định rõ về thời gian cụ thể của việc phát sinh tăng/giảm doanh thu thực tế so với cam kết tại hợp đồng PPP để làm cơ sở cho việc đàm phán, điều chỉnh thay đổi hợp đồng PPP cũng như là cơ sở để thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu (nếu có) theo quy định tại Điều 83.

11- Về quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (Điều 62)

Khoản 3: có ý kiến cho rằng vai trò của kiểm toán độc lập trong việc kiểm toán hoạt động của doanh nghiệp dự án là quan trọng vì căn cứ dự thảo Luật, trong một số trường hợp dự án có sự thay đổi doanh thu sẽ phát sinh cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP và Nhà nước (quy định tại Điều 83) cũng như điều chỉnh thời gian hợp đồng (quy định tại Điều 52).

Việc điều chỉnh sự thay đổi doanh thu chủ quan của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP theo hướng có lợi cho mình có thể ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội và Nhà nước. Vì vậy, ý kiến này đề nghị cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong việc kiếm toán quá trình hoạt động và vận hành của doanh nghiệp dự án trong dự thảo Luật.

12- Về thu xếp tài chính thực hiện dự án (Điều 77)

Có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề Điều 77 như sau “Nguồn vốn thực hiện dự án”.

13- Về ưu đãi đầu tư (Điều 80)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 80 quy định trường hợp “Nhà đầu tư có báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đối với dự án ứng dụng công nghệ cao), thiết kế, dự toán (đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT hoặc dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế và dự toán) được phê duyệt, nhà đầu tư đó được hưởng ưu đãi trong đấu thầu khi đánh giá về tài chính - thương mại” nhằm khuyến khích nhà đầu tư thực hiện đề xuất dự án PPP.

14. Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (Điều 83)

Có ý kiến cho rằng về bản chất, các sản phẩm, dịch vụ được thực hiện thông qua dự án PPP là các sản phẩm, dịch vụ mà nhà nước có nghĩa vụ phải cung cấp. Tuy nhiên, nhà nước giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án và nhà đầu tư được hưởng các quyền lợi nhất định nhằm giải quyết, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, nhà đầu tư và nhà nước trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Vì vậy, trong trường hợp dự án PPP tăng doanh thu so với phương án tài chính, việc chia sẻ phần tăng doanh thu này với nhà nước là không hợp lý. Đối tượng cần được chia sẻ trong trường hợp này là người dân, những người đã chia sẻ gánh nặng ngân sách với nhà nước khi phải bỏ thêm một khoản tiền để được hưởng thụ những sản phầm, dịch vụ mà lẽ ra nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp cho họ. Cơ chế chia sẻ tăng doanh thu có thể được thực hiện thông qua việc giảm thời gian hoạt động, thu phí của dự án.

15- Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 86)

- Một số ý kiến đề nghị nên ưu tiên kiểm toán độc lập uy tín cho việc kiểm toán dự án PPP , kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán một vài nhóm dự án chi tiết do Chính phủ qui định, đồng thời chỉ tham gia kiểm toán khi có dấu hiệu phạm tội trong hoạt động đầu tư.

- Có ý kiến cho rằng Điều 86 quy định Kiểm toán nhà nước vào 4 giai đoạn triển khai dự án PPP. Ý kiến này đề nghị cần xem xét lại việc kiểm toán khâu nào là quan trọng và phù hợp nhất để đảm bảo tính khả thi cũng như tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư. Sự tham gia của kiểm toán nhà nước đối với 1 dự án PPP theo quy định trên dẫn đến có thể hiểu là kiểm toán nhà nước có quyền kiểm toán trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp dự án (để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án theo như khoản 3 Điều 86); và việc thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi chuyển giao cho nhà nước theo khoản 4 có thể hiểu là kiểm toán việc sử dụng, quản lý tài sản trong thời gian vận hành của nhà đầu tư để xác định được giá trị hợp lý còn lại của tài sản. 

Trong khi đó, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP, bản chất dự án PPP là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Vì vậy, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.

Ngoài ra, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công.

16- Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án (Điều 90)

Theo quy định tại Điều 90 thì các dự án PPP chịu sự giám sát của cộng đồng trên địa bàn thực hiện dự án. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện giám sát của cộng đồng và phản biện xã hội. Nội dung giám sát tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi; giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư…

Các ý kiến đề nghị cần quy định rõ vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc lập kế hoạch, thành lập đoàn giám sát và thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với dự án PPP. Cần làm rõ sự khác biệt giữa đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dânỦy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư đối với ý kiến kết luận từ hoạt động giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng vì thực tế hiện nay, ở một số nơi, ý kiến của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng gửi đến chủ đầu tư không được giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân và dẫn đến hiện tượng khiếu kiện kéo dài.

16- Về giải quyết tranh chấp (Điều 104)

Có ý kiến đề nghị viết gọn lại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 104 quy định theo hướng: Tranh chấp được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài của Việt Nam. Trường hợp có ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài, có thể lựa chọn trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế hoặc trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970348




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn