Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

                Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, ngày 3/3/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật: 

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1- Sửa đổi khoản 1 Điều 2

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 2 dự thảo Luật giải thích thế nào là: cố ý, lợi dụng nhằm tránh áp dụng tùy tiện.

2- Sửa đổi khoản 3 Điều 6

3- Sửa đổi khoản 1, khoản 3 Điều 8

-        Khoản 3: một số ý kiến cho rằng cần xem lại quy định  loại trừ đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên đang là công chức viên chức sĩ quan đội,  công nhân quốc phòng thì không cần có phiếu lý lịch tư pháp, quy định như vậy là không phù hợp.  Nếu quy định viên chức “không cần có Phiếu lý lịch tư pháp” sẽ tạo ra một khe hở pháp lý và các cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ Giám định viên tư pháp có thể vi phạm Điểm b Khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp vì không có cơ sở để đối chiếu, xác minh.

 4- Sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 10

Khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức miễn nhiệm giám định viên tư pháp đối với trường hợp mất việc. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu hướng bổ nhiệm giám định viên tư pháp cho lực lượng chuyên gia có chuyên môn nhưng hết tuổi lao động nhằm tận dụng hết chất xám, tấm lòng và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ này phục vụ cho công tác giám định tư pháp.

 

5- Sửa đổi khoản 2 Điều 11

- Một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn từ chối giám định từ 05 ngày xuống còn 03 ngày làm việc để thông báo lý do từ chối bằng văn bản tránh tình trạng kéo dài vụ việc không cần thiết.

- Có ý kiến đề nghị tách khoản 2 thành hai nội dung như sau: “2. Từ chối giám định thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Nội dung yêu cầu giám định vượt quá khả năng chuyên môn; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định lý do từ chối bằng văn bản.

b) Đối với yêu cầu giám định mà các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định sau khi đã đề nghị người trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đề nghị bổ sung, cung cấp mà không được đáp ứng đủ phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định lý do từ chối bằng văn bản”

6- Điều 12:

- Phương án 1: một số ý kiến chọn Phương án 1. Ý kiến này cho rằng việc bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nhân sự. Việc bổ sung này chưa phù hợp với chủ trương tình giảm biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

- Phương án 2: có nhiều ý kiến chọn Phương án 2. Như vậy sẽ giảm tải cho Bộ Công an, đồng thời sẽ tạo sự khách quan hơn khi Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ.

7- Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 15

Có 02 ý kiến cho rằng quy định về điều kiện muốn thành lập Văn phòng giám định tư pháp thì  giám định viên tư pháp  Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên” như vậy quá ngắn vì thành lập và chịu trách nghiệm cho một Văn phòng giám định là rất nặng nền, đòi hỏi chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp vì vậy cân nhắc quy định theo hướng “Có từ đủ 5 năm trở lên là giám định viên” để phù hợp với đặc thù của nghề giám định.

8- Sửa đổi Điều 20

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về không quy định một điều riêng về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về giám định tư pháp của Kiểm toán nhà nước vào dự thảo Luật. Các ý kiến nhất trí với nội dung quy định về kiểm toán nhà nước tại Điều 20 dự thảo Luật.

Theo khoản 1 Điều 20: “…..lựa chọn cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 18,19 của Luật này để ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.

Danh sách kèm theo thông tin về chuyên ngành giám định, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định theo vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gởi Bộ tư pháp để lập danh sách chung và phải được bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, cập nhật”.

Có ý kiến cho rằng trong thực tế người thực hiện giám định tại các cơ quan nhà nước thường không chuyên trách, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan và khi có danh sách đề cử thì thực hiện nhiệm vụ giám định kể cả những vụ mình đã thanh tra, xử lý trước đây, như vậy là không khách quan.

Hơn nữa trong những năm gần đây, do tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tăng cao, nên vụ việc cần trưng cầu giám định cũng tăng, nội dung yêu cầu giám định phức tạp, thời gian để thực hiện giám định kéo dài. Mặt khác, số lượng công chức đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật về giám định tư pháp có hạn, bên cạnh đó các cán bộ này vẫn phải triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Do đó, gặp khó khăn trong việc cử cán bộ, công chức để thực hiện các quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan tố tụng.

Ý kiến này đề nghị cần bổ sung quy định theo hướng người thực hiện nhiệm vụ giám định phải là người chuyên trách về công tác giám định. Khi các cơ quan đơn vị cử người thực hiện nhiệm vụ giám định phải là những người chuyên trách về công tác giám định.

Có ý kiến đề nghị bổ sung xác định rõ mốc thời gian cần phải tiến hành cập nhật để đảm bảo thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử không quá lạc hậu. Đề nghị mốc thời gian này là  trước ngày 10 của tháng đầu tiên của mỗi quý” vì nếu 1 năm hay 6 tháng cập nhật một lần thì thông tin sẽ quá cũ, ảnh hưởng đến cơ quan cần sử dụng giám định tư pháp.

9- Sửa đổi khoản 2 Điều 21

Có ý kiến đề nghị tách quy định về bảo vệ giám định viên thành một điều riêng trong dự thảo Luật. Theo đó, cần thể hiện cụ thể quy định về bảo vệ người giám định và cơ quan tổ chức giám định.

Điểm d khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung như sau: “Tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định hoặc tiền bồi thường giám định tư pháp theo quy định  như vậy nhằm đảm bảo nguyên tắc nghĩa vụ của người trưng cầu giám định sẽ là quyền của người giám định.

 

10- Bổ sung điểm e khoản 1 Điều 23

Điểm e khoản 1: “Đề nghị người trưng cầu giám định có nghĩa vụ tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định hoặc tiền bồi thường giám định tư pháp theo quy định như vậy nhằm đảm bảo nguyên tắc nghĩa vụ của người trưng cầu giám định sẽ là quyền của người giám định

10- Sửa đổi điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b, điểm d khoản 2 Điều 24

Điểm a khoản 2: có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn phân công từ 05 ngày xuống 03 ngày vì không cần thiết phải kéo dài thời gian này.

Điểm b khoản 2: có ý kiến đề nghị cần bổ sung cụ thể về thời gian là bao nhiêu ngày để thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định khi có nội dung mới hoặc có vấn đề phát sinh khác.

11- Sửa đổi, bổ sung Điều 25

Khoản 2 Điều 21 và khoản 1, 2 Điều 25 của dự thảo Luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng từ ngữ của 2 Điều này chưa thống nhất với nhau. Đề nghị:

+S ửa điểm c khoản 2 Điều 21 theo điểm đ khoản 2 Điều 25, cụ thể là sửa “nội dung cần giám định” tại điểm c khoản 2 Điều 21 thành “nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định” cho thống nhất với điểm đ khoản 2 Điều 25;

+ Sửa “thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến tổ chức, cá nhân thực hiện giám định” tại khoản 1 Điều 25 thành “thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan  đến đối tượng giám định (nếu có) đến tổ chức, cá nhân thực hiện giám định” để thống nhất điểm c khoản 2 Điều 21.

12- Điều 26a

Khoản 3Điều 26a quy định “Thời gian giám định tư pháp đối với các trường hợp khác tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn hoặc điều kiện thực hiện giám định có khó khăn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng  và trong trường hợp đặc biệt thì thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá phân nửa thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó, thì thời hạn tối đa là 06 tháng.  Nhưng nếu đến hết thời hạn 06 tháng mà vụ việc chưa xong và phát sinh thêm vấn đề thì sao?

Một số ý kiến cho rằng không nên quy định thời hạn giám định cụ thể như trong dự thảo Luật mà giao cho Cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan được trưng cầu giám định, căn cứ vào thời hạn và mức độ phức tạp của vụ án mới định thời hạn giám định nhưng vẫn đảm bảo theo khung quy định. 

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về thời gian giám định tư pháp tối đa là cần thiết sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức có liên quan.

13- Sửa đổi, bổ sung Điều 31

Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 2 Điều 31 theo hướng văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định còn phải nêu rõ phương pháp thực hiện giám định tư pháp vì đây là yếu tố quan trọng trong quá trình giám định tư pháp.

14-  Bổ sung khoản 2 Điều 37

Có ý kiến cho rằng theo quy định của pháp luật, người trưng cầu giám định là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và kinh phí thanh toán chi phí giám định được chi trả từ ngân sách Nhà nước. Vì vậy, để góp phần đảm bảo quyền lợi cho người giám định tư pháp không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Ý kiến này đề nghị thay từ “người” ở cuối đoạn 2 khoản 2 Điều 37 bằng cụm từ “cơ quan trưng cầu giám định”. Khoản 2 viết lại như sau: “…Người giám định tư pháp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp trên cơ sở thỏa thuận với cơ quan trưng cầu giám định

15- Một số chế định cần bổ sung vào dự thảo Luật

15.1- Một số ý kiến cho rằng Luật Giám định tư pháp và dự thảo Luật có quy định về nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp (Điều 3 Luật Giám định tư pháp) và các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6 Luật Giám định tư pháp) nhưng thiếu quy định về trách nhiệm pháp lý trong trường hợp cá nhân, tổ chức giám định tư pháp vi phạm các quy định này. Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung nội dung về trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khi thực hiện hoạt động giám định tư pháp.

15.2- Có ý kiến cho rằng theo quy định pháp luật, kinh phí thanh toán cho hoạt động giám định tư pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đảm bảo chi trả từ ngân sách Nhà nước theo dự toán hàng năm của cơ quan đó (Khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật). Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng, giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính hay vụ việc dân sự, cũng như góp phần bảo vệ quyền con người trong hoạt động giám định tư pháp. Đề nghị cần có đánh giá kết quả thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp thời gian qua và nghiên cứu, rà soát bổ sung thêm quy định về cơ chế hoạt động, điều kiện hỗ trợ để đẩy mạnh chủ trương  xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong một số trường hợp, trên một số lĩnh vực nhất định. Việc đẩy mạnh xã hội hóa vừa phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, vừa giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

15.3-  Điều 10 Luật Giám định tư pháp có quy định về việc miễn nhiệm chức danh giám định viên tư pháp và dự thảo Luật có bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp và về hồ sơ có liên quan. Để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về việc thu hồi thẻ giám định viên tư pháp khi miễm nhiệm.     

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970301




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn