Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, ngày 02/3/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1- Về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa và tên gọi của dự thảo Luật
Hầu hết các ý kiến nhất trí với tên gọi của dự thảo Luật vì: Hòa giải tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính theo quy định của dự thảo Luật được thực hiện khi có đơn khởi kiện, khiếu kiện tại Tòa án, do Hòa giải viên trực tiếp thực hiện nhưng có vai trò tham gia tổ chức của Tòa án (nhận đơn, xem xét đơn và phân công thực hiện, hòa giải viên do Tòa án tuyển chọn, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, diễn ra tại trụ sở của Tòa án, trừ khi các bên lựa chọn địa điểm khác).
Có 01 ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc khi thông qua dự thảo Luật vì thực tiễn hoạt động tố tụng tại Tòa án đã thể hiện hòa giải, đối thoại là trách nhiệm của Tòa án xuyên suốt trong quá trình tố tụng ở tất cả các giai đoạn, thậm chí đến giai đoạn Giám đốc thẩm, Tòa án vẫn khuyến khích hai bên tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó có thể nâng hiệu quả của hòa giải, đối thoại theo các luật hiện hành. Nếu ban hành Luật này, theo quy định nếu hòa giải không thành lại thụ lý giải quyết tiếp. Như vậy, vụ việc sẽ kéo dài, mất thêm nhiều thời gian và có trường hợp đóng phí hai lần. Bên cạnh đó, để thực hiện Luật này sẽ phát sinh tổ chức Trung tâm hòa giải, đối thoại thì ngân sách sẽ chi thêm trong khi chủ trương chung là tinh giảm bộ máy.Trường hợp dự thảo Luật được ban hành, đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể việc thành lập bộ máy Trung tâm hòa giải, kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa.
2- Về quan hệ giữa dự thảo Luật với các luật tố tụng
Các ý kiến nhất trí với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của dự thảo Luật, theo đó hoạt động hòa giải, đối thoại theo dự thảo Luật được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý theo trình tự tố tụng và với quy định như dự thảo Luật thì không mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
3- Về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật theo hướng: Các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong 03 trường hợp: (1) Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại có giá ngạch; (2) Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (3) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hay thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm ngân sách nhà nước.
Khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”. Việc hòa giải, đối thoại thành sẽ làm giảm đáng kể các vụ, việc Tòa án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó cũng làm giảm các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho công tác xét xử của Tòa án, công tác Thi hành án của cơ quan Thi hành án, do vậy quy định nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại là phù hợp. Tuy nhiên, những khoản chi cho hoạt động của tổ hòa giải, đối thoại là rất lớn, để đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả và hạn chế các khoản chi phát sinh thêm từ ngân sách nên quy định về việc thu từ lệ phí hòa giải, đối thoại của các bên tranh chấp vì họ là những người được hưởng lợi từ công tác này. Vì vậy, đề nghị cần xem xét bổ sung quy định mức thu lệ phí phù hợp để thúc đẩy các bên tranh chấp tham gia hòa giải, đối thoại.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng thực tế có tình trạng doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhưng cần phải khởi kiện và muốn được thực hiện việc hòa giải, đối thoại để giảm bớt chi phí. Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung quy định theo hướng có cơ chế hỗ về chi phí hòa giải, đối thoại cho doanh nghiệp khó khăn hay một số doanh nghiệp hiện nay đang được hưởng một số ưu đãi của Nhà nước.
Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định miễn chi phí đối với người khuyết tật, chi phí chuyển ngữ đối với người khuyết tật, câm điếc, kể cả việc phiên dịch tiếng nước ngoài cho người khuyết tật.
4- Chương III
Hầu hết các ý kiến đề nghị cần thiết quy định thật cụ thể, minh bạch về quá trình triển khai thực hiện công tác hoà giải đối thoại đặc biệt là mốc thời gian thực hiện, để tránh bị lợi dụng kéo dài quá trình hoà giải đối thoại ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên trong tham gia tố tụng.
Các ý kiến cũng đề nghị xem xét việc sử dụng thông tin tại các cuộc hoà giải vừa đảm bảo được tính bảo mật nhưng có thể sử dụng được các thông tin này phục vụ cho quá trình tố tụng nếu như các bạn hoà giải đó không thành để giảm bớt thời gian cho các quan tố tụng khi tiếp tục giải quyết vụ việc.
5- Một số chế định cần bổ sung vào dự thảo Luật
5.1- Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần phát huy thêm sự tham gia của đội ngũ Luật sư vào phương thức giải quyết tranh chấp mới (hòa giải, đối thoại tại Tòa án) bằng việc quy định thêm Luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thủ tục tham gia, quyền, nghĩa vụ... Vai trò, chức năng của Luật sư, nguyên tắc hoạt động hành nghề, quyền, nghĩa vụ của Luật sư theo pháp luật về luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam… sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
5.2- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm về “Quản lý nhà nước” đối với cấp Tòa án bổ nhiệm, chỉ định Hòa giải viên (Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện) nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan giới thiếu, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Tòa án khi chỉ định, bổ nhiệm Hòa giải viên.
5.3- Có ý kiến đề nghị chuyển Điều 37 và Điều 38 vào ngay sau Điều 32 dự thảo Luật, vì Điều 37 quy định “Chấm dứt hòa giải, đối thoại”, Điều 38 “Xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại”; Điều 32 “Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành”. Giai đoạn này, sau khi Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì phần việc của Tòa án đã xong, sau đó chuyển qua giai đoạn thi hành án. Sau khi quyết định có hiệu lực thi hành mà phát hiện quyết định đó có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác mà không có mặt họ tại phiên hòa giải và họ cũng không có ý kiến bằng văn bản nên đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác thì các đương sự, viện kiểm sát được quyền thực hiện đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành.
Cái thứ hai thì băn khoăn muốn thêm một chỗ nữa là gì là quá trình hoà giải đối thoại này nó có làm kéo dài quá trình giải quyết các vụ khiếu kiện đó không, thì cũng là một điểm mà cảm thấy là lo lắng, nhưng hôm nay thì cái tiếp thu giải trình của UBTVQH thì rõ rồi, tức là làm một bước riêng không nằm trong quy trình tố tụng, rồi là thời hạnlà không cho kéo dài khoảng hai tháng thôi, v…v và được đặt vấn đề trước là có đồng ấy thì tôi đưa qua hoà giải không đồng ý thì tôi giải quyết theo trình tự tố tụng luôn thì nó rất rõ so với dự thảo lần trước, thì cũng ổn đâu một chuyện.
II- GÓP Ý CỤ THỂ
1- Về giải thích từ ngữ (Điều 2)
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 2 giải thích thế nào là: nhà chuyên môn; chuyên gia; người có uy tín cao trong xã hội; trái đạo đức xã hội; hợp lệ.
2- Về bảo mật thông tin (Điều 4)
Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung điểm b khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật. Theo khoản 2 Điều 4, trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản mà chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải và đối thoại. Như vậy, lời trình bày của các bên không thể nào được xem là nguồn chứng cứ, và nếu ghi chép lại được xem là chứng cứ thì không có xác thực.
3- Về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại (Điều 8)
Khoản 1:
- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 1 quy định theo hướng các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền yêu cầu luật sư tư vấn hoặc bảo về quyền lợi hợp pháp của mình.
- Điểm đ: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Hoà giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hoà giải đối thoại là người không biết tiếng Việt và người khuyết tật như nghe, nói, nhìn”
4- Về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên (Điều 10)
Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện Kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên viên nghỉ hưu, Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác và có trình độ cử nhân luật trở lên, nếu có đủ điều kiện quy định sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên:” Vì hoạt động hòa giải, đối thoại phụ thuộc vào rất nhiều chất lượng của Hòa giải viên (trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết, phẩm chất đạo đức, sự gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, sức khỏe của Hòa giải viên). Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải đương nhiên có chất lượng cao hơn các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định thì mới phát huy được ý nghĩa của sự cần thiết ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và những giá trị mà Luật này mang lại.
Mặt khác, một trong những nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án (khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật) là: Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành này có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; được thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự, pháp luật tố tụng hành chính (Điều 32 của dự thảo Luật). Do đó, để bảo đảm nguyên tắc trên và giá trị của quyết định công nhận hòa giải thành theo quy định của dự thảo Luật thì tất yếu những đối tượng đó cũng phải có sự am hiểu pháp luật ở trình độ cử nhân luật mới được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên, Đối thoại viên.
Ý kiến này đề nghị bỏ nội dung “Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, nếu có đủ điều kiện quy định sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên” tại cuối khoản 1 vì: là tiêu chuẩn rất chung chung, khó định lượng được cụ thể và cũng là kẽ hở cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên. Thế nào là người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư khi mà chúng ta chưa có các văn bản xác định hệ thống và giá trị pháp lý của phong tục tập quán và chưa có cách xác định thế nào là người có uy tín trong cộng đồng dân cư? Người có hiểu biết về phong tục tập quán với số lượng, có uy tín trong cộng đồng dân cư ở mức độ nào thì được xem đã đạt một trong những tiêu chuẩn để có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên? Mặt khác, nếu cần đến người có hiểu biết về phong tục tập quán thì các đối tượng khác như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên về hưu, Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác theo quy định của khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật, có người cũng đáp ứng được do quá trình công tác của họ có có liên quan nên có hiểu biết về phong tục tập quán.
Có 02 ý kiến cho rằng cần xem lại quy định “Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác” là quá cao vì tại điểm b, d khoản 1 Điều 10 đã quy định “Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; có chứng chỉ bồi dưỡng, nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án”, như vậy khi đã đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn nêu trên thì họ cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, hơn nữa đối với Luật sư là những người được đào tạo bài bản, am hiểu pháp luật, có nhiều kinh nghiệm trong công tác hòa giải, tư vấn pháp luật ... nếu quy định tiêu chuẩn phải có 10 năm kinh nghiệm là không phù hợp và trên thực tế có rất ít người đủ điều kiện tham gia, do vậy tính khả thi không cao. Đề nghị xem xét giảm số năm kinh nghiệm công tác xuống 5 năm sẽ phù hợp hơn.
- Điểm a quy định hòa giải viên, đối thoại viên phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Bộ Luật dân sự. Tuy nhiên, đối với trường hợp người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi như người khuyết tật thì có đủ tiêu chuẩn làm hòa giải viên, đối thoại viên hay không? Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trường hợp này trong dự thảo Luật.
- Điểm d: có ý kiến cho rằng có bắt buộc tất cả Hòa giải viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại không trong khi nhiều người là chuyên gia, luật sư… chỉ nên quy định yêu cầu các ứng viên phải tham gia tập huấn nghiệp vụ hòa giải viên trước khi tham gia hoạt động hòa giải, đối thoại. Ý kiến này đề nghị cần xem lại quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10.
5- Về bổ nhiệm hòa giải viên (Điều 11)
Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung vào Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm có thêm “Bản thẩm tra, xác minh về quá trình công tác của người đề nghị bổ nhiệm hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện”. Như vậy sẽ đảm bảo lựa chọn được Hòa giải viên thật sự có năng lực, phẩm chất; gắn trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp huyện trong lựa chọn, quản lý Hòa giải viên.
6- Về bổ nhiệm lại Hòa giải viên (Điều 12)
Theo điểm b, điểm c khoản 1 Điều 12 trường hợp không được bổ nhiệm lại Hòa giải viên “Không hoàn thành nhiệm vụ; Thuộc 10% Hòa giải viên có 02 năm mà mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất so với các Hòa giải viên khác tại nơi họ làm việc”.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về người theo dõi, đánh giá, xếp loại Hòa giải viên; việc lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hòa giải viên tại nơi họ làm việc để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và không xét để bổ nhiệm lại Hòa giải viên là không phù hợp, không đảm bảo công bằng, vì thực tế khối lượng công việc ở mỗi địa phương là khác nhau, có thể ở địa phương này nhiều việc mức, độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên là thấp hơn so với các hòa giải viên khác, nhưng so với các địa phương khác với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của họ lại là cao. Do vậy cần phải có quy định các tiêu chí cụ thể để đánh giá, xếp loại Hòa giải viên cũng như chủ thể thực hiện việc theo dõi, đánh giá, xếp loại Hòa giải viên.
7- Về quyền của Hòa giải viên (Điều 14)
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của Hòa giải viên trong trường hợp không nhất trí việc bổ nhiệm, miễn nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các trường hợp trên.
Điểm d khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa nội dung điểm d khoản 1 theo hướng việc mời các đối tượng như quy định tại điểm d tham gia hòa giải hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn cần có sự thống nhất giữa các bên tham gia, tránh trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại không đồng ý với năng lực, uy tín của người được Hòa giải viên mời.
8- Về thủ tục lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên (Điều 15)
Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định trong trường hợp các bên chọn Hòa giải viên khác nhau sẽ xử lý như thế nào?
Trong trường hợp hòa giải thành nhưng sau đó có bên đề nghị xem xét lại thì thẩm phán Tòa án cấp trên xem xét giải quyết ngoài Tòa án (tức không theo thủ tục Phúc thẩm, Giám đốc thẩm) thì có hạn chế quyền công dân khi chấp thuận hòa giải hay không bởi vì khi chấp nhận hòa giải và hòa giải thành thì không thay đổi được nữa.
9- Về khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên (Điều 17)
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về cơ chế bảo vệ đối với Hoà giải viên khi thực hiện nhiệm vụ.
10- Về những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại (Điều 19)
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 19 qui định trường hợp một trong các bên chết hoặc mất tích thì không tiến hành hòa giải, đối thoại.
11- Về thời hạn hòa giải, đối thoại (Điều 20)
Khoản 2: có ý kiến đề nghị xem lại quy định tại khoản 2 vì thời gian hòa giải, đối thoại kéo dài không quá 2 tháng có dài quá không? Nếu hòa giải không thành, người khiếu kiện sẽ mất rất nhiều thời gian.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được thi hành theo luật về thi hành án, tuy nhiên trong trường hợp một bên tham gia hòa giải, đối thoại thành nhưng vì lý do nào đó họ thay đổi ý kiến, không chấp hành kết luận hòa giải thành, thì chấp hành viên được tổ chức thi hành án không?
12- Về phương thức hòa giải, đối thoại (Điều 22)
Khoản 2: có 01 ý kiến đề nghị không thực hiện việc hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án như quy định tại khoản 2 Điều 22.
13- Về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 30)
Khoản 4: có ý kiến đề nghị cần xem lại nội dung khoản 4 Điều 30 vì thực tiễn cũng có những vụ ly hôn mà chỉ giải quyết mối quan hệ hôn nhân; còn việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con các bên tự thỏa thuận.
14- Về hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 32)
Khoản 1: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “kháng cáo, kháng nghị” bằng cụm từ “đề nghị” để phù hợp với quy định tại Điều 33,34,35 dự thảo Luật và không mâu thuẫn với khoản 2 Điều 32. Khoản 1 viết lại như sau: “Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị đề nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”.
15- Về đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 33)
Một số ý kiến đề nghị xem lại quy định tại Điều 33 vì liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của bên thứ 3 trong quá trình hòa giải, đối thoại tại tòa. Cần xem xét bổ sung quy định về việc thông tin cho bên thứ 3 biết về đề nghị, kiện nghị xem lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng hợp pháp của các bên.
16- Về thủ tục giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 35).
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 35 quy định theo hướng Thẩm phán có quyền từ chối hoặc bị thay đổi khi thực hiện giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Điều 35 trong trường hợp Thẩm phán là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ.
17- Về chấm dứt hòa giải, đối thoại (Điều 37)
Khoản 5: có ý kiến cho rằng nếu trong trường hợp có ủy thác tư pháp thì sao, đây cũng là một vấn đề cần lưu ý và xem xét bổ sung vào dự thảo Luật.
18- Về xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại (Điều 38)
Khoản 2: có ý kiến đề nghị xem lại nội dung “Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”. Vì việc Thẩm phấn tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại là công việc thực hiện ngoài tố tụng, trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ… Quy định cho phép Thẩm phán tham phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại được phép tham gia giải quyết vụ việc đó theo tố tụng dân sự, tố tụng hành chính sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho Tòa án khi xử lý việc việc.