Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hóp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi)

 

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:                                 

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1- Về nội dung dự thảo Luật

1.1-  Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật với 7 Chương; 78 Điều  thay thế Luật đầu tư hiện hành về cơ bản khắc phục được một số bất cập hiện nay và có đủ điều kiện để để thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này vẫn chưa đổi mới cơ bản về tư duy quản lý nhà nước về đầu tư kinh doanh và chưa khắc phục được những điểm nghẽn về thủ tục đầu tư, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công và còn quá bao biện về thẩm quyền của các cơ quan hành chính trung ương do chưa thật sự mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương về những nội dung mang tính thủ tục hành chính.

1.2- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nội dung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cần thực hiện đối với các dự án chậm triển khai để có chế tài tránh tình trạng các dự án triển khai chậm và đọng vốn nhà nước.

1.3- Có ý kiến cho rằng Luật Cạnh tranh năm 2018 có các quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Ý nghĩa của các quy định này hướng đến bảo vệ sự cạnh tranh của thị trường, nguồn lực được sử dụng hiệu quả và khách hàng có nhiều lựa chọn. Để thống nhất với Luật Cạnh tranh năm 2018, ý kiến này đề nghị cần xem xét bổ sung vào dự thảo Luật quy định về cơ chế ưu đãi đầu tư cho những ngành, lĩnh vực, địa bàn có sự độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của một số ít doanh nghiệp. Những quy định về hợp đồng BCC trong dự thảo Luật có xem xét thêm về cơ chế xử lý khi có các tác động hạn chế cạnh tranh.

 2- Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

Các ý kiến cho rằng dự thảo Luật cũng như Luật Đầu tư hiện tại không quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, lý do được Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra là “theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các chính sách chung về phát triển kinh tế xã hội và Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định các trường hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao trên cơ sở chiến lược, kế hoạch kinh tế xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Do đó, Luật giao thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là phù hợp với thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong lĩnh vực kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật cần làm rõ tính tương thích trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan Quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án[1] . Làm rõ việc Quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án của Hội đồng nhân dân chỉ áp dụng với các dự án đầu tư công hay đối với toàn bộ các dự án đầu tư. Nếu thực hiện áp dụng với toàn bộ các dự án đầu tư thì cần xem xét điều chỉnh các quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp.

II- GÓP Ý VÀO CÁC ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ

1- Về đối tượng áp dụng (Điều 2)

Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “cơ quan, tổ chức” bằng cụm từ “pháp nhân” vì trong quan hệ pháp luật chỉ có hai chủ thể: thể nhân và pháp nhân. Điều 2 viết lại như sau: “Luật này áp dụng đối với nhà đầu tư và pháp nhân, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh”.

2- Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích khái niệm thế nào là: ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường;

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “… theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này” trong nội dung  khoản 1 Điều 3 vì đây là định nghĩa “Chấp thuận chủ trương đầu tư. Khoản 1 viết lại như sau: Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn, nhà đầu tư hoặc phương thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.

- Khoản 18: có ý kiến đề nghị xem lại nội dung giải thích về “nhà đầu tư” để tạo sự thống nhất với khái niệm “chủ đầu tư” được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành.

3- Nguyên tắc áp dụng (Điều 4)

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế vào nội dung Điều 4: Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó..

4- Về chính sách đầu tư (Điều 5)

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 1 như sau: “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm” vì kinh doanh trong ngành, nghề có điều kiện thì đương nhiên phải đáp ứng đầy đủ điều kiện mới được cấp phép kinh doanh.   

- Khoản 3: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “môi trường” vì hiện nay chủ trương của Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế và nhất là trong bối năng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước ta. Thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư vì lợi nhuận, trong quá trình đầu tư bỏ qua nhiều bước đầu tư các hệ thống xử lý chất thải, hủy hoại môi trường xung quanh nơi đầu tư nhằm thu lợi nhuận nhưng việc xử lý còn hạn chế dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của con người và tự nhiên, để lại hậu quả lớn và lâu dài, do đó cần phải quy định cụ thể trong luật này để có thêm chế tài. Khoản 3 viết lại như sau: “Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và môi trường”.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 5 nội dung quy định  Thủ tướng Chính phủ có quyền ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu xét thấy việc chuyển nhượng đó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia”.

- Có ý kiến đề nghị cần làm rõ thẩm quyền trong việc quyết định chủ trương đầu tư của từng cấp: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cần phân định rõ thông qua quy mô dự án, tổng nguồn vốn dự án, ảnh hưởng của tính liên kết dự án nội bộ tỉnh hay liên tỉnh. Đồng thời cần có thông số tiêu chí cho từng cấp độ.

            5- Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6)

Có ý kiến chọn Phương án 2, giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì những lý do sau:

Một là, quan hệ giữa bên cho vay bên vay, hoặc công nợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng là quan hệ dân sự đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền nghĩa vụ của các bên theo quyên tắc nhà nước pháp quyền hiện đại các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Trong trường hợp tranh chấp về nợ không thể hòa giải thương lượng có quyền tiến hành khởi kiện, nhờ người có chuyên môn pháp luật thông qua khởi kiện để buộc trả nợ và thông qua cơ quan thi hành án để thực thi thu hồi nợ.

Hai là, thời gian qua, mặc dù đã có qui định về hoạt động kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội dẫn tới nhiều hệ quả xấu, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và thúc đẩy nhiều loại tội phạm phát triển ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung.

Ba là đóng góp của ngành nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội, trong khi nguồn lực nhà nước để khắc phục và trấn áp xử lý hậu quả tội phạm.

Bốn là dễ làm tha hóa một bộ phận cán bộ tiêu cực bảo kê lợi ích nhóm hỗ trợ cho các tổ chức lợi dụng hoạt động thu hồi nợ để phạm pháp và bành trướng quyền lực.

            Một số ý kiến chọn Phương án 1: Không quy định cấm “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành và đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trình tự, thủ tục tiến hành bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

6- Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 7)

            - Các ý kiến nhất trí với quy định giảm bớt số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hiện nay các Nghị định, Thông tư cụ thể hóa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn còn rất nhiêu khê. Vì vậy, để việc thực thi Luật có hiệu quả cần rà soát lại các văn bản hướng dẫn có liên quan về kinh doanh có điều kiện để đáp ứng tình hình mới.

            - Khoản 3 quy định “…Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trừ thủ tục hành chính được giao trong luật”. Quy định này đang được thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2014 có ý nghĩa tích cực trong việc loại bỏ các rào cản trong kinh doanh. Tuy nhiên, ở những địa bàn lớn và phức tạp thì các tình huống phát sinh từ thực tế, các tác động không lường trước được, những rủi ro tiềm ẩn cho cộng đồng dân cư… có thể vượt khỏi khuôn mẫu quản lý được định sẵn. Vì vậy, có ý kiến đề nghị cần xem lại nội dung này để tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện dự thảo Luật.

- Có ý kiến cho rằng về bản chất, ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành nghề mà pháp luật không cấm hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, vì những lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng mà đỏi hỏi nhà nước phải đặt ra những điều kiện nhất định đối với chủ thể đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, các cam kết mở cửa thị trường kéo theo sự cần thiết phải thay đổi trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có sự thay đổi về các điều kiện đầu tư kinh doanh. Thực tế, năm 2014, sau khi ban hành Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 (Luật số  67/2014/QH13) và có hiệu lực ngày 01/07/2015 thì đến ngày 22 tháng 6 năm 2016 – tức chưa đầy một năm sau ngày Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành, Quốc hội đã phải ban hành Luật số 03/2016/QH14 để sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13. Cho đến nay, Chính phủ lại  tiếp tục đề nghị bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, sửa đổi 19 ngành nghề và bổ sung 06 ngành nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành nghề này và đảm bảo tính thống nhất của các luật có liên quan.

Điều này thể hiện rằng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có tính ổn định không cao, thường xuyên phải được điều chỉnh bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu thực tế của việc quản lý nhà nước và không đáp ứng được yêu cầu về tính ổn định của Luật.

Vì vậy, ý kiến này đề nghị xem xét quy định cho Chính phủ, căn cứ vào quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và cam kết trong các điều ước quốc tế ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để đảm bảo tính linh động trong việc quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Chính phủ cũng như nhanh chóng giải quyết các yêu cầu, thay đổi mà mà điều kiện kinh tế xã hội đặt ra.

            7- Về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9)

            Có ý kiến cho rằng Điều 9 dự thảo Luật quy định các cơ sở về hình thức khi thiết kế danh mục và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Những cơ sở về nội dung cần được làm rõ, nhất là về nguyên tắc, để cân đối với việc đặt ra các điều kiện đầu tư kinh doanh trên cơ sở các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Về kỹ thuật, cần xem lại khi quy định danh mục được Chính phủ công bố và điều kiện tiếp cận thị trường có thể làm căn cứ theo các nghị định của Chính phủ. Tính ổn định của các nghị định của Chính phủ là thấp hơn luật, pháp lệnh, từ đó dễ dẫn đến sự so sánh trong ứng xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. 

            8- Về bảo đảm quyền sở hữu tài sản (Điều 10)

            Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “bằng với giá thị trường tại thời điểm đó” vào cuối khoản 2. Khoản 2 viết lại như sau: “Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan bằng với giá thị trường tại thời điểm đó”.

            9- Về đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 11)

            Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa lại điểm d, đ khoản 1 như sau:

            “d) Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước trừ các dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao.

            đ) Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước trừ các dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao”.  

10- Về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp có thay đổi pháp luật (Điều 14)

Có ý kiến cho rằng việc đảm bảo môi trường đầu tư cũng như đảm bảo tính ổn định của chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện dự án đầu tư là một trong những vấn đề quan trọng trong việc quyết định đầu tư dự án của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện cam kết của nhà nước Việt Nam đối với việc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư khi thực hiện dự án.

Chính sách pháp luật thay đổi, không chỉ làm ảnh hưởng đến các “ưu đãi” nhà đầu tư được hưởng theo các quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện dự án đầu tư, mà còn làm thay đổi các quyền khác (ví dụ về điều kiện đầu tư, kinh doanh, tỷ lệ vốn góp của các bên trong liên doanh…). Việc thay đổi, nếu không vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường thì cơ quan quản lý, cơ quan ban hành và sửa đổi các quy định pháp luật cần phải thể hiện trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thông qua những quy định đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trong trường hợp có thay đổi pháp luật.

Do đó, trường hợp này, ngoài việc đảm bảo về “ưu đãi” trong quá trình thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về việc đảm bảo các điều kiện khác (ví dụ về điều kiện đầu tư, kinh doanh, tỷ lệ vốn góp của các bên trong liên doanh…) của nhà đầu tư khi pháp luật có thay đổi.

11- Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 16)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 16 quy định hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư “Hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

12- Về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 17)- Có ý kiến đề nghị rà lại chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các dựa án khởi nghiệp (startup), các đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và chính sách ưu đãi đặc biệt đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.

- Điểm b khoản 2:  

Theo điểm b khoản 2 thì địa bàn ưu đãi đầu tư gồm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Theo Điều 74 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó. Đề nghị đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nếu được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt thì nên xem đây như địa bàn ưu đãi đầu tư để tránh chồng lấn về cơ chế ưu đãi. 

- Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào nội dung điểm b khoản 2 như sau: “Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu kinh tế”.

13- Về hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (Điều 20)Có ý kiến đề nghị sửa lại tiêu đề của Điều 20 như sau: “Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu kinh tế”.

14- Về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (Điều 22)

Có ý kiến cho rằng theo Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không yêu cầu  nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể những trường hợp nào được xem là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

15- Về hình thức và điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế (Điều 25)

Có ý kiến cho rằng tiêu đề Điều 25 quy định về hình thức và điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, nội dung Điều 25 chỉ mới quy định về “hình thức” thiếu nội dung về “điều kiện”. Đề nghị bổ sung nội dung quy định về điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế cho phù hợp tên gọi của Điều 25 dự thảo Luật.

16- Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31)

Theo điểm h khoản 1 “Xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế”. Có ý kiến cho rằng nếu quy định như vậy sẽ chồng chéo với phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các khu công nghiệp dù quy mô nào muốn triển khai kêu gọi đầu tư đều đã được Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch (địa điểm, quy mô, chức năng…).Việc chấp thuận cho nhà đầu tư vào đầu tư khai thác theo nội dung đã được phê duyệt quy hoạch, thì tại sao phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định 1 lần nữa? Thực tế thì chính quyền địa phương và nhà đầu tư phải 2 lần “xin” với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều bộ ngành khác, mà thời gian phải tính theo năm (có dự án xin mất 4 năm). Bất hợp lý này có từ Luật Đầu tư hiện hành, trước đó không có. Ý kiến này đề nghị bỏ điểm h khoản 1 Điều 31 của dự thảo Luật.

17- Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 37)

Điểm đ khoản 2: có ý kiến cho rằng nội dung điểm đ khoản 2 chưa rõ nghĩa, đề nghị sửa lại như sau: “Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư khác”.

18- Về điều chỉnh dự án đầu tư (Điều 40)

- Khoản 1, khoản 2: có ý kiến đề nghị sửa như sau:

1. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư được điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc tách một dự án thành nhiều dự án và các nội dung khác nhau.

2. Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp”.

- Điểm c khoản 3: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Tăng vốn đầu tư từ 10% trở lên làm thay đổi quy mô, công suất của dự án đầu tư. Trừ trường hợp đội vốn đầu tư do vượt giá hoặc do các biến động kinh tế xã hội”.

- Điểm a khoản 4: có ý kiến cho rằng để mở rộng điều kiện nhằm thu hút đầu tư khắc phục hậu quả bất khả kháng, đề nghị sửa điểm a khoản 4 như sau: “Để khắc phục hậu quả bất khả kháng theo quy định của pháp luật”  

19- Về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (Điều 42)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung như sau: “Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:…”

20- Về chuyển nhượng dự án đầu tư (Điều 45)

Có ý kiến cho rằng Điều 45 dự thảo Luật quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư có quy định về các điều kiện để nhà đầu tư được quyền chuyển dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, lại chưa đề cập đến điều kiện của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, như vậy có thể dẫn đến trường hợp dự án đầu tư bị chuyển nhượng cho nhà đầu tư không đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án, dẫn đến tình trạng dự án treo, chuyển nhượng nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện dự án một cách không cần thiết. Do đó, đề nghị cần bổ sung quy định về điều kiện để nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng dự án đầu tư.

21- Về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (Điều 48)

Điểm g khoản 1: có ý kiến cho rằng để thống nhất với quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2014 đề nghị bổ sung điểm g khoản 1 Điều 48 dự thảo Luật như sau: “Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ thực hiện dự án 24 tháng so với tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án;” .

22- Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài (Điều 55)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung Điều 55, khoản 3 quy định theo hướng “Những trường hợp dự án không thuộc khoản 1, khoản 2 Điều này Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài” để phù hợp với khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật.

23- Điều khoản chuyển tiếp (Điều 76)

Khoản 6: có ý kiến cho rằng nội dung quy định tại khoản 6 Điều 76 là chưa phù hợp với  điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư. Trường hợp mặc dù Luật Đầu tư đã ban hành ngành nghề đầu tư, kinh doanh có kiện nhưng các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được ban hành thì nhà đầu tư không thể “đáp ứng các điều kiện bổ sung (nếu có) trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.

Ý kiến này đề nghị sửa khoản 6 như sau Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong ngành, nghề được bổ sung tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật này chỉ phải đáp ứng điều kiện bổ sung (nếu có) trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày điều kiện đầu tư, kinh doanh được ban hành”.

III- GÓP Ý CHO PHỤ LỤC DANH MỤC NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

1- Có ý kiến đề nghị bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện với lý do sau:

1.1- Ngành xăm hình vĩnh viễn: lĩnh vực xăm hình hiện nay một số cá nhân coi đó là nghệ thuật, cũng một số cá nhân xem hình xăm là thể hiện tính chất của người trong giới xã hội đen, việc xăm hình vĩnh viễn cũng là loại hình có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu người hoạt động nghề này không có chuyên môn.

1.2- Chăm sóc người cao tuổi: cần có tiêu chí rõ ràng tránh việc vì lợi nhuận tối đa không tổ chức tốt việc chăm sóc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi.

1.3- Sản xuất kinh doanh máy bay không người lái: là hoạt động đặc biệt máy bay không người lái ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng.

2- Có ý kiến đề nghị cần có quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư vì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, việc xâm hại đến các vấn đề riêng tư này là vi phạm Hiến pháp và pháp luật hiện hành.



[1] Điểm b khoản 3 điều 19, điểm b khoản 2 Điều 26, khoản 4 Điều 33, khoản 4 Điều 47, khoản 2 Điều 54, khoản 3 Điều 61, khoản 3 Điều 68 Luật Tổ chức chính quyền địa phương

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970459




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn