Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:    

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1- Về tên gọi

Hầu hết các ý kiến nhất trí với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

2- Về quy hoạch xây dựng

Một số ý kiến cho rằng quy hoạch xây dựng là vấn đề hết sức quan trọng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Thực trạng hiện nay còn nhiều trường hợp người dân ở trong khu vực đã quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện. Có những dự án triển khai thực hiện, qui mô dân số tăng lên rất nhiều, mật độ dân cư cao sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng về điện, nước, hệ thống xả thải, mật độ giao thông…Tuy nhiên, những vấn đề này không được quy định cụ thể trong Luật Xây dựng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Các ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sớm bổ sung các quy định chi tiết hơn liên quan đến quy hoạch xây dựng vào dự thảo Luật.

3- Một số chế định cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật

3.1 - Có ý kiến đề nghị xem lại Điều 4 của dự thảo của Luật vì “Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13” là chưa phù hợp với nội dung cần sửa đổi, bổ sung và tên gọi của dự thảo Luật.

Ý kiến này đề nghị xem xét bỏ Điều 4 trong dự thảo Luật, nội dung này nên  xem xét sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở (nếu có) để đồng bộ về tên gọi. Trong trường hợp vẫn giữ Điều 4 trong dự thảo Luật cần xem lại tên gọi của dự thảo Luật.

3.2- Theo khoản 2 Điều 115 Luật Xây dựng thì chủ đầu tư phải thông báo kịp thời với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người. Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 34 Luật An toàn vệ sinh lao động thì quy định trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 115 để tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật.

3.3- Theo khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng hiện hành, đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Có ý kiến cho rằng quy định này chưa công bằng với các doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp công trình xây dựng bằng vốn nhà nước, nhà thầu thi công xây dựng là tư nhân, có sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, nếu chủ đầu tư chậm thanh toán, nhà thầu phải vay ngân hàng để thanh toán vật tư, trả lương và mua bảo hiểm cho nhân công…nợ quá hạn thì không phải 12% mà nhiều hơn nữa như vậy sự thiệt thòi về tư nhân. Đề nghị cần xem lại mức phạt này để phù hợp với các quy định lãi suất của ngân hàng mà không phân biệt công trình vốn nhà nước hay vốn tư nhân để đưa vào sửa đổi lần này.

3.4- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 128 Luật Xây dựng năm 2014 để thống nhất với cách đặt tên “Công trình khẩn cấp” như dự thảo Luật và Luật Đầu tư công năm 2019.

3.5- Các điều khoản  về thẩm định dự án và thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được quy định tại các Điều 56, Điều 57, Điều 58, Điều 82, Điều 83, Điều 83a dự thảo Luật. Đề nghị tách riêng một Điều quy định về thẩm quyền thẩm định dự án.

3.6- Có ý kiến cho rằng hiện nay có các Chứng chỉ hành nghề cá nhân về xây dựng do quốc tế ban hành và có hiệu lực toàn cầu. Vì vậy, đề nghị xem xét công nhận các Chứng chỉ này tương đương với chứng chỉ hành nghề các nhân cấp 1 về Xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành. Đồng thời, đề nghị cần đơn giản hóa hồ sơ thủ tục và quy trình cấp Chứng chỉ hành nghề.

II- GÓP Ý CHO MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ

1- Về sửa đổi, bổ sung Điều 3

- Khoản 4: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của Luật này” .

- Khoản 13:

+ Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “chuyên môn” trong nội dung khoản 13. Khoản 13 sửa lại như sau: “Cơ quan chuyên môn về xây dựng là cơ quan trực thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành;…”.

+ Có ý kiến cho rằng để phù hợp với Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đề nghị sửa khoản 13 Điều 3 như sau: “Cơ quan chuyên môn về xây dựng là cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ban quản lý khu chức năng

- Khoản 33a: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý công trình chuyên ngành theo quy định của Luật này.”

2- Về sửa đổi, bổ sung Điều 7

Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra các tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu, nhà thầu phụ và đơn vị phân phối khi để xảy ra tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, công trình, tiến độ bàn giao làm ảnh hưởng và gây thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư đối với khách hàng mua, thuê nhà ở, văn phòng làm việc… chế độ bảo đảm, bảo hành và chất lượng công trình xây dựng.

3- Về sửa đổi, bổ sung Điều 49

Điểm d khoản 4 quy định “Dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này (sau đây gọi tắt là dự án sử dụng vốn khác)” là chưa đầy đủ. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng hỗn hợp vốn của các loại vốn quy định từ điểm a đến điểm c khoản 4 Điều 49.

4- Về sửa đổi Điều 56

Khoản 3:

- Điểm b: có ý kiến cho rằng nếu quy định như điểm b khoản 3 thì đối với các dự án chỉ yêu cầu lập “báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng” đã giao thẩm quyền thẩm định cho người quyết định đầu tư không còn là của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Trong khi chưa đề cập đến thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với các công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Để tránh mâu thuẫn trong quy định của pháp luật và bảo đảm sự đồng bộ khi thực hiện, đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 3 Điều 56 quy định theo hướng sau: “Đối với các dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng là của người quyết định đầu tư”.   

- Điểm c: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về loại dự án “có yêu cầu” về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng , an ninh phải được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cho ý kiến hoặc thẩm duyệt... Ý kiến này cho rằng nếu quy định như điểm c khoản 3 Điều 56 sẽ khó khăn cho chủ đầu tư vì không biết công trình nào thuộc diện “có yêu cầu”.  Đồng thời cần công bố trước các tiêu chí, điều kiện đảm bảo phòng chống cháy, nổ, môi trường, quốc phòng, an ninh cho chủ các công trình bắt buộc phải thực hiện. Mặt khác, trong quy hoạch đã xác định vùng cấm, hạn chế chiều cao... để đảm bảo quốc phòng, an ninh mà không cần phải thẩm duyệt cho từng công trình như hiện nay.

 

 

5- Về sửa đổi, bổ sung Điều 57

            Điều 57 quy định những nội dung thuộc quyền của người quyết định đầu tư thẩm định gồm những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, công năng, sự phù hợp và tính khả thi của dự án... mang tính nội bộ kiểm tra kết quả theo mục đích đầu tư dự án. Nội dung thẩm định không mang tư cách của cơ quan Nhà nước kiểm tra các tiêu chí pháp lý trong dự án. Đề nghị nên thay bằng việc cam kết chịu trách nhiệm của chủ đầu tư để có thể giảm bớt công đoạn thẩm định này.

            6- Về sửa đổi, bổ sung Điều 58

            Khoản 2 Điều 58 quy định về nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công... liên quan đến nhiều cơ quan tham gia thẩm định, dự án mất nhiều thời gian và chi phí nhất. Vì vậy, đề nghị sửa theo hướng :

            + Rút gọn điểm a, điểm c, điểm e, điểm g thành một nội dung quy định có chung các yếu tố về tuân thủ quy định của pháp luật. Mọi vi phạm pháp luật đều có quy định để xử lý mà không nên quy định phải thẩm định.

            + Bỏ điểm b, điểm đ vì tất cả những thông tin trong nội dung điểm b, điểm đ nên công khai minh bạch trước để tất cả đối tượng phải thực hiện. Chủ đầu tư có quyền thuê  tư vấn nghiên cứu trước để lập thiết kế phù hợp và cam kết tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

            Đồng thời, ý kiến này đề nghị sửa quy định tại Điều 82, Điều 83, Điều 83a dự thảo Luật theo hướng: các giai đoạn thẩm định thiết kế cần được rút gọn lại thành một lần trừ những trường hợp quy mô lớn, sử dụng vốn ngân sách... để giúp các thành phần kinh tế có dự án tận dụng được thời cơ kinh doanh hiệu quả.

            7- Về sửa đổi, bổ sung Điều 59

            Điều 59 quy định về thời gian thẩm định dự án phụ thuộc các điều khoản về nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, các cơ quan hữu quan và gần như chưa thực hiện được. Đề nghị bổ sung quy định theo hướng cho duy nhất một cơ quan chủ trì thực hiện thẩm định dự án phải chịu trách nhiệm về thời gian thẩm định và không phụ thuộc vào thời gian tham khảo các cơ quan hữu quan.

8- Về sửa đổi, bổ sung Điều 82

Có ý kiến cho rằng đối với những công trình cần các cơ quan chuyên môn có ý kiến thì cần quy định rõ thời gian có ý kiến góp ý văn bản thẩm duyệt phải trước thời hạn có kết quả thẩm định dự án, thiết kế là bao nhiêu ngày.

9- Về sửa đổi, bổ sung Điều 87

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 87 nội dung quy định theo hướng “Giải trình, hướng dẫn và làm rõ kết quả thẩm định đối với những thông tin, hồ sơ không đạt yêu cầu theo nội dung quy định của Luật này”.

 10- Về sửa đổi, bổ sung Điều 89

- Điểm d khoản 2 quy định: “Công trình sửa chữa mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc; nội dung sửa chữa cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hường đến an toàn của kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với yêu cầu bảo vệ nuôi trồng và an toàn phòng chống cháy nổ”.

Quy định này có sửa đổi so với quy định trước đây là “không làm thay đổi kết cấu chịu lực”. Như vậy, đối với công trình sửa chữa, gia cố móng, đá bê tông cốt thép, sàn gỗ thành sàn bê tông thì không phải xin phép. Cần có quy định cụ thể như thế nào là không ảnh hưởng kết cấu chịu lực công trình.

- Điểm h khoản 2 Điều 89 “Nhà ở thuộc dự án đầu tư xây dựng đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt

Quy định này không cần thiết phải khống chế quy mô tầng và diện tích sàn. Đối với dự án đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt quy định chi tiết 1/500 thì không cần thiết phải cấp phép xây dựng.

- Điểm i khoản 2 quy định: Công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy định xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, trừ công trình được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa.

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ về “quy hoạch đô thị”. Đồng thời, bổ sung quy định đô thị hiện hữu hay đô thị phát triển mới, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu hay quy hoạch chung (quy hoạch định hướng) để tạo thuận lợi khi thực hiện.

11- Về sửa đổi, bổ sung Điều 94

Có ý kiến cho rằng theo tên gọi của Điều 94 chỉ mới quy định đến điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn còn hậu quả của việc này nên bố trí ở một điều khác. Nếu vẫn giữ nguyên thì nên thêm cụm từ “và hậu quả khi hết thời hạn” vào sau Điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Đối với các dự án thương mại thì Nhà nước cần kiên quyết xử lý khi chậm triển khai thực hiện. Khi hết thời hạn triển khai dự án mà vẫn chưa thực hiện thì cần phải chấm dứt thực hiện và thay đổi quy hoạch sử dụng đất. Nhiều trường hợp Ủy ban nhân dân phường và đơn vị tư vấn xây dựng tổ chức cuộc họp đưa ra dân xin ý kiến về quy hoạch sử dụng đất của dự án nhưng thực tế chủ đầu tư đã tiến hành  xây dựng, có khi đã lên tầng thì việc lấy ý kiến của người dân chỉ là hình thức, chính quyền địa phương thiếu kiên quyết, dân phản ảnh thì dừng công trình, như thế lại kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch. Do cần phải chỉnh trang nhà ở thì được cấp giấy phép có thời hạn, hết thời hạn nếu có quyết định thu hồi đất thì phải tự tháo dỡ công trình, nếu không có quyết định thu hồi đất , quy hoạch chưa thực hiện thì người dân được tiếp tục kéo dài cho đến khi có quyết định thu hồi đất; việc hỗ trợ khi phá dỡ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định của Chính phủ. Nội dung như vậy thì người dân vẫn bị thiệt thòi. Cần nên quy định đã hết thời hạn theo giấy phép mà quy hoạch chưa thực hiện, quy hoạch được kéo dài, nếu là dự án thương mại thì chủ đầu tư dự án phải bồi thường công trình xây dựng cho người dân nếu tiếp tục thực hiện dự án. Như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người dân, mới là đạo lý trong kinh doanh khi người dân đã hi sinh quyền lợi nhường đất cho chủ đầu tư xây dựng công trình và điều đó phải được bảo vệ bằng quy định của pháp luật. Nếu chỉ quy định việc hỗ trợ phá dỡ công trình là chưa phù hợp với nguyện vọng của người dân.

12- Về sửa đổi, bổ sung Điều 102

Điểm d, e khoản 1 Điều 102 quy định:

“d) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối đối chiếu các điều kiện theo quy định của Luật này... lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp về các nội dung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 83a của Luật này.

e) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời hạn 15 ngày đối với nhà riêng lẻ...”

Có ý kiến cho rằng vì thời hạn thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng 20 ngày nên việc quy định phải lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng sẽ không đảm bảo thời gian thủ tục hành chính. Việc lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý các công trình xây dựng chuyên môn về nội dung theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 83a dự thảo  Luật  nên yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư phải lấy ý kiến trong bước thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ bản và trước khi phê duyệt đối với các dự án vốn khác.         

13- Về sửa đổi, bổ sung Điều 115

Khoản 4: có ý kiến cho rằng an toàn trong thi công xây dựng công trình  thuộc về nhà thầu xây dựng bởi vì nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào khoản 4 quy định theo hướng “Nhà thầu thi công xây dựng và chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cơ quan chuyên môn về xây dựng biện pháp an toàn đã được chấp thuận…” quy định này thể hiện tính chuyên môn của nhà thầu thi công xây dựng.

Khoản 5: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ thi công xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn cần phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ theo quy định”.

            14- Về sửa đổi, bổ sung Điều 118

            Có ý kiến cho rằng cần xem xét cụm từphá dỡtrong nội dung khoản 2, khoản 3 Điều 118 dự thảo Luật. Theo đó, cụm từ tháo dỡ” hay phá dỡ” là hai hoạt động khác nhau, vì thực tế cho thấy có một số công trình có quy mô lớn ảnh hưởng đến kết cấu công trình, thiệt hại đến tài sản của người vi phạm. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thực thi quyết định nếu thực hiện không đúng có phải chịu trách nhiệm khi thực thi công vụ. Đề nghị cần xác định rõ nội dung các thuật ngữ trên để có sự thống nhất khi thực hiện.

15- Về sửa đổi, bổ sung Điều 130

Theo khoản 5 Điều 130 thì người được giao xây dựng công trình khẩn cấp phải thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình; phục vụ hồ sơ… Tuy nhiên, lại thiếu quy định về thời hạn để cá nhân, tổ chức thực hiện quy trình trên. Việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức và tác động đến môi trường xung quanh nếu người giao xây dựng công trình khẩn cấp kéo dài thời gian thực hiện các quy định trên. Ý kiến này đề nghị cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật quy định về thời hạn thực hiện các quy trình tại khoản 5 Điều 130.  

16- Về sửa đổi, bổ sung Điều 157

Khoản 2: có ý kiến đề nghị sửa như sau:“Chỉ huy trưởng công trình phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực hành nghề thi công xây dựng công trình phù hợp” và làm rõ kinh nghiệm công tác là bao lâu? Đã quản lý bao nhiêu dự án và quy mô như thế nào?

17- Về sửa đổi, bổ sung Điều 164

 Điểm a khoản 1: có ý kiến đề nghị cần bổ sung về việc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời đề nghị bổ sung “khu chế xuất, khu công nghệ cao” vào nội dung điểm a khoản 1.

Điểm d khoản 1: có ý kiến đề nghị cần xem xét bỏ chỉ số giá xây dựng theo tháng vì thời gian theo tháng quá ngắn để ban hành các thông tin về giá, chỉ số giá

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970384




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn