Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1- Về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật
Hầu hết các ý kiến nhất trí cho rằng việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là thật sự cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng trong lĩnh vực người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nhân lực cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2- Về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước
Có ý kiến cho rằng quy định về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là cần thiết để có quỹ hỗ trợ đối với người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, về mức đóng góp của người lao động đề nghị quan tâm đến khả năng của người lao động để có quy định cho phù hợp.
3- Về chính sách của Nhà nước
Dự thảo Luật cần có các quy định đồng bộ, chặt chẽ hơn, để các tổ chức không lợi dụng chính sách để đưa người ra nước ngoài lao động trái phép. Cần phân biệt rõ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng và xuất cảnh trái phép; phân biệt rõ việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng và hoạt động đưa người ra nước ngoài trái phép với các hình thức như đi du lịch, đi thăm thân rồi ở lại lao động. Phải xem việc đưa người lao động ra nước ngoài là một hình thức tạo việc làm ngoài nước cho người lao động, giải quyết được việc làm và thu nhập cho người lao động.
Trong điều kiện hiện nay, những lao động giản đơn sẽ được dùng robot để thay thế, những ngành nghề thâm dụng lao động sẽ giảm, chuyển sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Vì vậy, phải giảm dần lao động đi làm việc giản đơn mà cần khuyến khích lao động đi làm việc ở những ngành nghề có năng suất lao động, giá trị gia tăng cao, đào tạo lao động có kỹ năng quản lý. Ngoài ra, dự thảo Luật cần tạo cơ chế gắn kết giữa việc làm trong nước và ngoài nước để làm sao có thể tận dụng được tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực lao động ở nước ngoài khi họ về nước.
4- Về đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Có ý kiến đề nghị cần phải làm rõ hơn quy định đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương được quyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc đưa thêm hình thức đi làm việc ở nước ngoài vào dự thảo Luật đối với đối tượng xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải thuần túy lao động thì nên cân nhắc có nên đưa vào dự thảo Luật hay không, tính khả thi thế nào? Việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh các doanh nghiệp cần phải quy định thống nhất để phù hợp với Luật Doanh nghiệp đang sửa đổi và Bộ luật Dân sự nếu xảy ra tranh chấp. Dự thảo Luật liên quan đến một số luật được sửa đổi và sắp tới sẽ sửa đổi trong thời gian gần đây như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phí lệ phí, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động... do đó, cần phải rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất những nội dung có liên quan.
II- GÓP Ý CỤ THỂ CHO DỰ THẢO LUẬT
1- Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4)
Khoản 7: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về “có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động nữ làm việc ở nước ngoài trong những công việc và nơi làm việc nhạy cảm về giới”.
2- Về các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 5)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng cần có tổng kết về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thực hiện hoạt động trong lĩnh vực này thời gian qua. Vì thực tế, hoạt động của đơn vị sự nghiệp đã xuất hiện tình trạng “dẫm chân” với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ. Ý kiến này đề nghị cân nhắc về quy định tại khoản 1 Điều 5 không nên vì tình trạng địa phương xúc tiến việc ký thỏa thuận với các địa phương đơn lẻ ở nước ngoài để đưa lao động đi làm thời vụ ở nước ngoài để luật hóa. Nếu duy trì tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động hoặc phát sinh bất khả kháng như chiến sự, dịch bệnh…
3- Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp hợp (Điều 7)
Có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung một số hành vi có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, nhất là các quy định về nghĩa vụ mới để hoàn thiện quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
4- Về nội dung hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 9)
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người làm việc ở nước ngoài.
Khoản 5: có ý kiến cho rằng để chặt chẽ hơn, đề nghị sửa nội dung khoản 5 như sau: “Đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động; bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp không có Giấy phép dạy nghề thì phải có hợp đồng liên kết với Cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ”.
5- Về điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10)
Có ý kiến cho rằng Điều 10 dự thảo Luật quy định thêm một số điều kiện mới liên quan hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng so với Luật số 72 năm 2006. Ý kiến này đề nghị cân nhắc kỹ một số điều kiện sau:
(1) Quy định doanh nghiệp phải duy trì số vốn chủ sở hữu không thấp hơn 05 tỷ đồng trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp là không cần thiết và gây khó khăn cho doanh nghiệp vì nhiều lý do: Thứ nhất, trong quá trình hoạt động thì số vốn của doanh nghiệp luôn biến động nên quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp; thực tế cho thấy, hầu như các cơ quan chức năng không thể kiểm tra, giám sát việc duy trì số vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thứ hai, đã có quy định về ký quỹ cho hoạt động này nên đã đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động. Đề nghị bỏ quy định này.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét quy định theo hướng có vốn chủ sở hữu không thấp hơn từ 03 - 10 tỷ đồng tùy theo quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Vì không nên quy định điều kiện cào bằng giữa các doanh nghiệp mà nên tùy theo quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp hoạt động quy mô nhỏ nếu điều kiện 05 tỷ đồng thì quá cao, đối với doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn điều kiện 05 tỷ đồng không đủ để bảo đảm cho hoạt động.
(2) Quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm tối thiểu là 05 năm. So với Luật số 72 năm 2006 thì quy định của dự thảo Luật khắt khe hơn đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Cụ thể là tăng số năm kinh nghiệm từ 03 lên 05 năm và chỉ giới hạn kinh nghiệm trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nên cần cân nhắc có những đánh giá kỹ lưỡng. Đề nghị nên giữ nguyên điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như Luật số 72 năm 2006.
(3) Dự thảo Luật quy định “Có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Đề nghị cần quy định rõ các tiêu chí để xác định như thế nào là có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngay trong luật.
Khoản 4 quy định điều kiện dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là có nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc bổ sung điều kiện này là cần thiết vì hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đòi hỏi phải có nhân viên có nghiệp vụ, có tay nghề, có kinh nghiệm.
6- Về giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 11).
Khoản 2: các ý kiến đồng ý với quy định giới hạn thời hạn Giấy phép là 05 năm vì thực tế do Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 không quy định thời hạn nên các doanh nghiệp không nỗ lực thực hiện đảm bảo các điều kiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn của Giấy phép bởi quy định thời hạn như dự thảo chỉ tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp, không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
7- Về điều chỉnh thông tin Giấy phép (Điều 14)
Các ý kiến cho rằng quy định tại Điều 14 dự thảo Luật phù hợp với Điều 32 Luật Doanh nghiệp, quy định thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề nghị quy định doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo bằng văn bản gửi đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vì nghĩa vụ này phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp dịch vụ.
8- Về cấp lại Giấy phép (Điều 15)
Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định cấp lại giấy phép trong trường hợp bị mất, bị cháy hoặc bị hư hỏng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép và nếu như có quy định về thời hạn của giấy phép thì cũng cần quy định rõ thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp lại tính lại từ đầu hay chỉ có hiệu lực trong thời hạn còn lại của giấy phép bị mất.
9- Về nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép (Điều 17)
Điểm c khoản 2: có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể thế nào là gây thiệt hại nghiệm trọng về vật chất và tinh thần để tránh áp dụng tùy tiện.
Luật số 72 năm 2006 có quy định cấp lại giấy phép sau khi bị thu hồi nếu đáp ứng được các điều kiện nhất định trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, dự thảo luật mới lại không có quy định này. Vậy nếu doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép nhưng sau đó đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật này thì có được cấp lại giấy phép không ?
10- Về giao nhiệm vụ cho đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp dịch vụ (Điều 18)
Một số ý kiến đề nghị không nên quy định hạn chế đơn vị phụ thuộc không quá 03 đơn vị vì nếu hạn chế không qua 03 đơn vị thì vi phạm quyền tự chủ của doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 khoản 2 Luật Doanh nghiệp và không phù hợp với chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân được quy định tại Điều 51 Hiến pháp năm 2013.
11- Về chuẩn bị nguồn lao động (Điều 19); Về thông báo chuẩn bị nguồn lao động (Điều 20)
Có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 19 và Điều 20 là hai quy định bổ sung trong dự thảo Luật nhằm giúp cho doanh nghiệp dịch vụ có nguồn lao động liên tục trong hoạt động của mình. Khoản 3 Điều 19 quy định doanh nghiệp dịch vụ không được thu tiền của người lao động trong quá trình chuẩn bị nguồn lao động. Có ý kiến đề nghị cần quan tâm đến các chi phí hành chính mà doanh nghiệp dịch vụ phải chi trong giai đoạn chuẩn bị nguồn lao động.
Khoản 1 Điều 19: có ý kiến đề nghị xem lại quy định “… bên tiếp nhận lao động nước ngoài” để chỉ về bên nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam nhưng tại Điều 3 dự thảo Luật lại giải thích “bên nước ngoài tiếp nhận lao động là người sử dụng lao động ở nước ngoài, tổ chức dịch vụ việc làm ở nước ngoài”. Để thống nhất việc sử dụng thuật ngữ, đề nghị thay “bên tiếp nhận lao động nước ngoài” bằng “bên nước ngoài tiếp nhận lao động” trong quy định tại khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật. Khoản 1 viết lại như sau: “Chuẩn bị nguồn lao động là hoạt động sơ tuyển và bổ túc nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động của doanh nghiệp dịch vụ để người lao động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của bên nước ngoài tiếp nhận lao động”.
Khoản 3 Điều 19: có ý kiến đề nghị xem lại quy định tại khoản 3 Điều 19 vì đây là giai đoạn quan trọng, doanh nghiệp dịch vụ cần phải có kinh phí để bổ túc nghề, ngoại ngữ cho người lao động để đảm bảo chất lượng người lao động. Ý kiến này đề nghị quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được thu một khoản phí nhất định trong giai đoạn này.
12- Về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động (Điều 22)
Khoản 3 : có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định “nếu sau thời hạn 10 ngày làm việc mà doanh nghiệp chưa nhận được văn bản trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì doanh nghiệp dịch vụ được thực hiện hợp đồng” nhằm đảm bảo cơ quan chức năng giải quyết hồ sơ đúng hạn tránh trường hợp kéo dài thời gian trả lời ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.
13- Về tiền dịch vụ (Điều 25)
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiền dịch vụ, theo đó cần phải công khai, minh bạch về các khoản thu, chứng từ thu và các trường hợp hoàn trả lại hay không phải hoàn trả lại vì thực tiễn đã phát sinh nhiều vụ tranh chấp về tiền dịch vụ giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng.
Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định trường hợp hết thời gian xuất cảnh như đã cam kết mà người lao động chưa được xuất cảnh thì giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người lao động, tránh trường hợp doanh nghiệp dịch vụ sau khi nhận tiền dịch vụ kéo dài thời gian không giải quyết xuất cảnh cho người lao động.
14- Về tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ (Điều 26)
Khoản 2: các ý kiến nhất trí với quy định khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ bị phá sản sử dụng để ưu tiên thanh toán nghĩa vụ phát sinh đối với người lao động đến thời điểm chuyển giao là phù hợp với quan hệ giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động nhất là phù hợp với ý nghĩa tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ.
15- Về tiền ký quỹ của người lao dộng (Điều 27)
Các ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 27 dự thảo Luật. Theo đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng cần phải có tiền ký quỹ là đúng nhưng phải chú ý đến hoàn cảnh khó khăn của người lao động, đồng thời dự thảo đã quy định về người bảo lãnh. Do đó, quy định về mức tiền ký quỹ phải đảm bảo hợp lý để người lao động có thể thực hiện dược.
16- Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ (Điều 28)
- Khoản 1: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung khoản 1 điểm đ quy định “Các quyền khác được quy định tại luật này”
Điểm c khoản 1: có ý kiến đề nghị xem lại thời gian “…150 ngày…” để thống nhất với quy định “…180 ngày…” (khoản 2 Điều 28) và “…150 ngày…” (khoản 7 Điều 47) trong nội dung dự thảo Luật.
- Điểm a khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung điểm a khoản 2 như sau: “Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 16, các Điều 18, 21, 29, 30, 31 và các nghĩa vụ khác được quy định tại Luật này”
17- Về trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp không được gia hạn Giấy phép, nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép (Điều 29)
Khoản 3 quy định: “Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không được gia hạn Giấy phép, nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật này”. Tuy nhiên, Điều 27 chưa quy định cách thức xử lý tiền ký quỹ của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không được gia hạn Giấy phép, nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép. Đề nghị cần bổ sung quy định cách thức xử lý tiền ký quỹ của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không được gia hạn Giấy phép, nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép vào Điều 27 dự thảo Luật.
18- Trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp không được gia hạn Giấy phép, nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép (Điều 29); Trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp bị giải thể (Điều 30); Trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp bị phá sản (Điều 31)
Các ý kiến cho rằng các quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31 là cần thiết đối với hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng. Tuy nhiên, Điều 31 trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ bị phá sản, đề nghị cần bổ sung quy định ngoài ra doanh nghiệp dịch vụ bị phá sản phải thực hiện theo đúng Luật Phá sản.
19- Về điều kiện tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc cho dự án đầu tư ra nước ngoài (Điều 35)
Khoản 1: có ý kiến đề nghị cần quy định theo hướng “Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài” cần phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư ra nước ngoài.
Khoản 2: có ý kiến đề nghị cần quy định theo hướng “Có phương án sử dụng, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 36 của Luật này” cần phải được Bộ Lao động – thương binh và Xã hội xem xét và có ý kiến.
20- Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (Điều 42)
Có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ khi phải thực hiện 02 hợp đồng lao động.
21- Về khai báo trực tuyến thông tin đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng (Điều 55)
Các ý kiến đồng ý quy định về khai báo trực tuyến thông tin của người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh vì quy định này tăng cường quản lý nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng Đồng thời là cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định hồ sơ khai báo trực tuyến cần phải được xác định phạm vi cung cấp thông tin của việc khai báo trực tuyến. Phiếu khai báo cần phải xác định rõ các nội dung để nhằm không vi phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phù hợp với Điều 21 Hiến pháp năm 2013.
22- Về nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 70)
Có ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp người lao động không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài.
23- Về điều khoản áp dụng đối với doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 77)
Có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 77 sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp dịch vụ đang hoạt động. Đề nghị quy định theo hướng cho các doanh nghiệp được xem xét cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài nếu doanh nghiệp hội đủ điều kiện quy định tại Điều 10, thực hiện theo hồ sơ, thủ tục và lệ phí đề nghị cấp Giấy phép quy định tại Điều 12. Hoặc đề nghị cho các doanh nghiệp này gia hạn Giấy phép theo Điều 13.