Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:                                 

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1- Về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật

Các ý kiến nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Những vấn đề sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp và cơ bản tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

2- Về bố cục dự thảo Luật

2.1- Về đánh giá tác động môi trường (Mục 2 Chương II): có ý kiến cho rằng đã bổ sung nhiều quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư”. Như vậy, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án này phải được tiến hành hai bước: “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” và “Đánh giá tác động môi trường”. Mặt khác, tại điểm c khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật quy định “Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ phải được lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát quy định này để bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính và không gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.

2.2- Chương II  Mục 4

Có ý kiến đề nghị xem lại cụm từ “cảnh quan thiên nhiên” trong tiêu đề của Mục 4 là chưa phù hợp. Cảnh quan của hồ chứa nhân tạo có là thiên nhiên không? rừng Cần Giờ do con người trồng và phát triển có gọi là thiên nhiên không? Ý kiến này đề nghị cảnh quan nên được quy định rộng hơn bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo (cảnh quan đô thị cũng là hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cũng cần được bảo vệ).

Có ý kiến cho rằng bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học được quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 là vấn đề mới của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đây là nội dung đang được quan tâm, đặc biệt là vấn đề đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, đề nghị cần phải quy định cụ thể về đa dạng hóa sinh học, về kỹ năng và nguồn lực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

2.3- Mục 3 Chương VI

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung Mục 3 quy định về thu gom, vận chuyển, lưu chứa chất thải công nghiệp thông thường.

2.4- Chương VII

Có ý kiến cho rằng trong tình hình hiện nay, việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các giải pháp hướng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo góp phần giảm phát thải khí nhà kính thì Chương II dự thảo Luật cần xem xét giữ lại quy định phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất tiêu thụ thân thiện với môi trường tại Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Đồng thời, đề nghị bổ sung vào Chương VII các quy định theo hướng:

 (1) Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho quốc gia và địa phương.

(2) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực và khu vực.

(3) Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.

(4) Trách nhiệm của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

2.5- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với các vấn đề bảo vệ môi trường.

 II- GÓP Ý CỤ THỂ CHO DỰ THẢO LUẬT

1- Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

- Có ý kiến đề nghị bổ sung giải thích rõ thế nào là: sức khỏe môi trường; cơ sở xử lý chất thải; đồng xử lý chất thải; chất thải công nghiệp phải kiểm soát;

- Khoản 3: có ý kiến đề nghị cần xem lại cụm từ “sự cố môi trường” thường là sự cố do con người gây ra có tác động xấu đến môi trường, không nên bao gồm cả “thiên tai” (biến đổi tự nhiên) (khoản 8). Đề nghị cần định nghĩa rõ hơn, tránh trùng lắp hoặc hiểu lầm với “quản lý thiên tai”.

- Khoản 6: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “không phù hợp” bằng cụm từ “vượt ngưỡng quy định” để tính pháp lý được chặt chẽ hơn. Khoản 6 viết lại như sau: “Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường vượt ngưỡng quy định với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật”.

- Khoản 7: có ý kiến cho rằng nếu quy định như khoản 7 thì đặt con người và sinh vật là đối tượng trung tâm và chịu tác động (bị hại) và các thành phần môi trường trong định nghĩa sẽ được hiểu là “môi trường vật lý”. Vậy khi đa dạng sinh học suy giảm do con người có gọi là “suy thoái môi trường” hay không? Hay bản thân sức khỏe con người bị suy giảm do các hoạt động thiên tai tự nhiên gây ra cho con người thì có gọi là suy thoái không? Ngoài ra nói đến suy giảm tức là phải so sánh với một mức nào đó, mà mức này không nên do con người đặt ra. Vì vậy, cần định nghĩa về “Suy thoái môi trường” theo hướng là sự suy giảm về chất lượng và số lượng các thành phần môi trường so với quy luật diễn biến dài hạn trong quá khứ.

- Khoản 9: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “chất ô nhiễm” bằng cụm từ “chất gây ô nhiễm” và bỏ cụm từ “cao hơn ngưỡng cho phép”. Quy định như dự thảo Luật  có thể hiểu là những chất độc hại do con người xả vào môi trường dưới ngưỡng cho phép là được chấp nhận và thực tế có những chất vô cùng độc hại gây tác động dài hạn và tích lũy, mặc dù chưa quá ngưỡng (do chủ quan về nhận thức con người chưa đủ), nhưng rủi ro tác động đến môi trường và con người cao. Đồng thời ở đây có thể quy định theo quan điểm “rủi ro sức khỏe môi trường (và con người)”, như vậy cũng phù hợp với quy định tại Khoản 10 về “Khả năng chịu tải của môi trường”. Khoản 9 viết lại như sau: “Chất gây ô nhiễm môi trường là chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường làm cho môi trường bị ô nhiễm”.

- Khoản 12: có ý kiến đề nghị sửa khoản 12 như sau: “Quy hoạch môi trường là các giải pháp, định hướng phân bố không gian phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để đảm bảo chất lượng (hoặc sức khỏe) môi trường tốt, an toàn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định”.

- Khoản 21: có ý kiến đề nghị xem lại cụm từ “tốt nhất hiện có” trong nội dung khoản 21 vì có tính chung chung không cụ thể.

- Khoản 29: có ý kiến cho rằng quy định cụ thể hơn nữa nội dung khoản 29 để tránh gây tác động tiêu cực cho con người, thông qua việc dán nhãn sinh thái cho sản phẩm không phù hợp và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

- Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung quy định tại khoản 32 và khoản 21 Điều 3 vì có sự trùng lắp.

 2- Về nguyên tắc bảo vệ môi trường (Điều 4)

- Khoản 2: có ý kiến cho rằng cần xem lại cụm từ “môi trường trong lành” trong nội dung khoản 2 vì chưa thể hiện hết được ý nghĩa của Điều 4. Đề nghị sửa lại như sau: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an ninh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và đảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường sạch, không bị ô nhiễm và an toàn cho sức khỏe của con người và sinh vật”.

-  Khoản 6: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “các đối tượng được hưởng lợi từ môi trường” bằng cụm từ “toàn dân”. Khoản 6 viết lại như sau: “Toàn dân có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường. Các đối tượng gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

3- Về quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt (Điều 6)

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “định kỳ” sau từ “đánh giá” để định lượng về thời gian, việc này quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến chi ngân sách. Khoản 2 viết lại như sau: “Chất lượng nước, trầm tích và hệ sinh thái thủy sinh của các nguồn nước mặt phải được theo dõi, đánh giá định kỳ. Khả năng chịu tải của môi trường nước mặt phải được tính toán, xác định và công bố”.

- Khoản 3: có ý kiến cho rằng theo quy định hiện nay, nguồn thải lớn và các khu công nghiệp, khu chế xuất khi xả thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên vẫn còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. Đề nghị bỏ nội dung “trừ trường hợp nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước” tại cuối khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật.

- Khoản 4: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “khai thác và sử dụng nguồn nước” bằng cụm từ “khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước”. Khoản 4 viết lại như sau: “Bảo vệ môi trường lưu vực nước mặt phải gắn liền với bảo tồn đa dạng, sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước”.

4- Về bảo vệ môi trường nước dưới đất (Điều 9)

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa quy định tại khoản 1 như sau Việc khai thác, sử dụng nước dưới đất phải dựa trên nguyên tắc khai thác và sử dụng hợp lý hoặc bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất”.

- Khoản 7: có ý kiến đề nghị sửa quy định tại khoản 7 như sau: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nước dưới đất phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm nước dưới đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định hiện hành”.

5- Về quản lý chất lượng môi trường không khí (Điều 12)

- Khoản 5: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng không khí để đánh giá chất lượng môi trường không khí, lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí”.

6- Về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí (Điều 13)

Có ý kiến cho rằng ô nhiễm không khí hiện đang là vấn đề bức xúc tại nhiều khu đô thị trong khi các quy định hiện hành chưa đủ mạnh để giải quyết các nhu cầu trong quản lý chất lượng không khí. Trên thực tế, ô nhiễm không khí là vấn đề khu vực, các chất gây ô nhiễm có khả năng phát tán qua các tỉnh, thành phố trên diện rộng. Vì vậy, cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực, quy định các quy chuẩn chất lượng không khí bị ô nhiễm trên một khu vực rộng lớn. Ý kiến này đề nghị bổ sung vào Điều 13 dự thảo Luật nội dung “Quy định về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh, thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực”.

 

7- Về nội dung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất (Điều 18)

Khoản 2: có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu quy định theo hướng phân loại thành 04 mức độ bao gồm: không ô nhiễm, ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng và ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

8- Về trách nhiệm quản lý sức khỏe môi trường (Điều 28)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 28 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân dân các cấp trong quản lý sức khỏe môi trường..

9- Về chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia (Điều 29)

- Khoản 1: có ý kiến đề nghị cụm từ “quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội” bằng “phát triển bền vững kinh tế- xã hội”. Khoản 1 viết lại như sau: “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia là hệ thống quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên về bảo vệ môi trường của đất nước trong từng giai đoạn để bảo đảm phát triển bền vững; làm cơ sở để xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.

10- Về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia (Điều 30)

Điểm a khoản 3: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “cảnh quan thiên nhiên” bằng cụm từ “cảnh quan sinh thái”. Điểm a viết lại như sau: “Hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan sinh thái và đa dạng sinh học; hiện trạng và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai; tình hình quản lý và bảo vệ môi trường”;

11- Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 42)

Khoản 2: các ý kiến chọn Phương án 1: đề nghị giao thẩm quyền thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Khoản 4: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường…” làm cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền, giao thẩm quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, một số tỉnh đã ủy  quyền cho Ban Quản lý Khu công nghiệp thẩm định báo cáo tác động môi trường, đảm bảo cơ chế “một cửa tại chỗ” hỗ trợ nhanh chóng các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp – Khu chế xuất giải quyết thủ tục hành chính kịp thời.  

12- Về đăng ký môi trường (Điều 53)

Khoản 1: có ý kiến cho rằng quy định giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm đăng ký môi trường là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải quan tâm đến việc đào tạo cho công chức cấp xã chuyên trách về môi trường.

Các ý kiến nhất trí phương thức đăng ký môi trường trực tiếp qua bưu điện hoặc điện tử. Tuy nhiên, đề nghị thay cụm từ “qua đường bưu điện” bằng cụm từ “qua dịch vụ bưu chính”. Khoản 1 viết lại như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc nhân bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đăng ký môi trường của đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật này”.

13- Về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (Điều 55)

Điểm d khoản 2: có ý kiến cho rằng để thống nhất với điểm d khoản 2 Điều 63 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, đề nghị sửa lại điểm d khoản 2 như sau: “Phát hiện kịp thời vi phạm của tổ chức, cá nhân; tiến hành lấy mẫu chất thải đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân; lập biên bản vụ việc và chuyển hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật”.

14- Về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình (Điều 62)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 62 quy định về tiêu chí hộ gia đình đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.

15- Về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế (Điều 65)

Các ý kiến cho rằng công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, nội dung Điều 65 chưa quy định cụ thể về trách nhiệm kiểm tra giám sát về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế.

16- Về Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng (Điều 75)

- Khoản 1 quy định khu vực mai táng, hỏa táng phải đảm bảo các yêu cầu: có vị trí, khoảng cách đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư. Đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về khoảng cách đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường và khu dân cư là bao nhiêu?

17- Về yêu cầu quản lý chất thải (Điều 76)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về “giảm thiểu” vì hoạt động giảm thiểu xảy ra cùng lúc với hoạt động phát sinh. Nếu hiểu theo nội hàm này thì quy định chu trình quản lý chất thải theo trình tự phát sinh, giảm thiểu … là chưa hợp lý.

Khoản 3: có ý kiến đề nghị xem lại quy định tại khoản 3 vì đối tượng được quy định là chất thải nhưng nội dung về công nghệ thì chỉ đề cập đối với chất thải rắn, thiếu nước thải, khí thải.

Khoản 16: có ý kiến đề nghị điều chỉnh lại nội dung khoản 16 theo trình tự hợp lý: Danh mục chất thải công nghiệp phải kiểm soát, chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp thông thường.

 

18- Về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương (Điều 77)

Có ý kiến cho rằng nội dung Điều 77 chưa đầy đủ vì chỉ quy định đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm tác thải nhựa đại dương. Đề nghị bổ sung về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế đối với các loại chất thải khác. 

19- Về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (Điều 79)

- Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu Điều 79 theo hướng: quy định chủ trương chung về phân lại chất thải rắn sinh hoạt. Các nội dung cụ thể về nhóm chất thải phân loại giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ động căn cứ công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương để quy định nhóm phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Khoản 5: có ý kiến cho rằng dựa vào hoạt động thu gom xử lý chất thải thực tế, đề nghị thay từ “miễn” thành cụm từ “miễn, giảm”. Khoản 5 viết lại như sau: “Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn, giảm nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý”.

- Khoản 6:  có ý kiến đề nghị đưa nội dung “phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý” vào khoản 7 quy định về giá bao bì.

- Khoản 10: có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 10 quy định việc khuyến khích các hoạt động tận dụng, tái chế chất thải thực phẩm thành thức ăn chăn nuôi và làm phân compost thay vì buộc các hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải lưu chứa chất thải và bàn giao cho đơn vị thu gom xử lý.

20- Về phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (Điều 84)

- Điểm e khoản 1: có ý kiến đề nghị cân nhắc về “chợ” có nằm trong nhóm chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác hay không?.

- Khoản 2: có ý kiến đề nghị viết lại khoản 2 cho đầy đủ như sau: “Chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường tại nguồn có trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường tại nguồn….”

21- Về xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường (Điều 85)

Khoản 4: có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 4 quy định về trách nhiệm lưu giữ hồ sơ/nhật ký đối với lượng chất thải phát sinh tại chủ nguồn thải.

Khoản 5: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể 300kg/ngày là áp dụng cho những loại chất thải nào? Toàn bộ lượng chất thải phát sinh hay chỉ bao gồm chất thải sinh hoạt, văn phòng.

22- Về khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại (Điều 86)

Khoản 1: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong trường hợp chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân có phân loại và không thể bàn giao cho các cá nhân, tổ chức tại địa phương thì sẽ xử lý như thế nào?

23- Về quản lý và kiểm soát bụi, khí thải (Điều 92)

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 92 quy định về quản lý và kiểm soát mùi hôi, mùi khó chịu đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

24- Về bồi hoàn đa dạng sinh học của cảnh quan thiên nhiên quan trọng (Điều 149)

Có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi của quy định vì rất khó định lượng trong thực tế.

25- Về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường (Điều 166)

- Có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề Điều 166 như sau “Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường”.

- Khoản 2:

+ Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “ứng dụng chuyển giao công nghệ” bằng “ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến và hiệu quả”. Khoản 2 viết lại như sau: “Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến và hiệu quả về  bảo vệ môi trường được ưu đãi và hỗ trợ gồm:…”

+ Có ý kiến đề nghị cần bổ sung về các hoạt động được ưu đãi và hỗ trợ như: phát triển công nghệ xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng ít tác động đến môi trường, phát triển nông nghiệp và công nghiệp xanh.

26- Về nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (Điều 180)

Có ý kiến cho rằng việc áp dụng thu thuế môi trường nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm. Thuế môi trường làm tăng chi phí đối với những chủ thể gây ô nhiễm, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm phương thức sản xuất mới thân thiện hơn với môi trường.

Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 180 nội dung theo hướng  “Quy định thu thuế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường trong rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh”.

 

27- Về kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (Điều 185)

Điểm b khoản 3: có ý kiến cho rằng lực lượng cảnh sát môi trường có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thông qua các biện pháp công tác nghiệp vụ để phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; bên cạnh đó theo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu đối với các tội phạm về môi trường quy định tại chương XIX Bộ luật hình sự năm 2015. Do đó, nếu lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sẽ không đảm bảo tính khách quan yêu cầu nghiệp vụ của ngành. Để đảm bảo tính nghiệp vụ và thuận lợi trong công tác, đề nghị sửa đổi điểm b khoản 3 như sau:“Lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu tội phạm, có tố giác, tin báo tội phạm về môi trường; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt” .

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970400




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn