Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1- Về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật
Các ý kiến cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế và hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế, thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
2- Về bố cục dự thảo Luật
2.1- Chương II
Có ý kiến cho rằng nội dung Chương II chưa phân biệt rõ ràng giữa: chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế; chủ thể có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế; chủ thể có thẩm quyền đại diện ký thỏa thuận quốc tế. Cụ thể:
- Chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế: bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài (theo Khoản 2, 3 Điều 2 dự thảo Luật).
- Chủ thể có thẩm quyền quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế: chủ thể được quy định tại Điều 9, Điều 13, Điều 15, Điều 17, Điều 19, Điều 21, Điều 24 và Điều 26 dự thảo Luật (có thể là cá nhân hoặc tổ chức).
- Chủ thể có thẩm quyền đại diện ký thỏa thuận quốc tế: là cá nhân - người ký vào văn bản thỏa thuận quốc tế: Thẩm quyền đương nhiên (theo pháp luật); Theo ủy quyền.
Ý kiến này đề nghị cần quy định cụ thể chủ thể có thẩm quyền đại diện ký thỏa thuận quốc tế theo hướng như sau:
(1) Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ: Thẩm quyền đương nhiên: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Theo ủy quyền: Lãnh đạo của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
(2) Thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội: Thẩm quyền đương nhiên: Chủ tịch Quốc hội, Thủ trưởng của cơ quan của Quốc Hội. Theo ủy quyền: Được người có thẩm quyền đương nhiên ủy quyền ký.
(3) Thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Thẩm quyền đương nhiên: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. Theo ủy quyền: Được người có thẩm quyền đương nhiên ủy quyền ký.
(4) Thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Thẩm quyền đương nhiên: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ. Theo ủy quyền: Được người có thẩm quyền đương nhiên ủy quyền ký.
(5) Thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp Tỉnh: Thẩm quyền đương nhiên: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo ủy quyền: Được người có thẩm quyền đương nhiên ủy quyền ký.
(6) Thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan Trung ương và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức: Thẩm quyền đương nhiên: Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức, người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh của tổ chức. Theo ủy quyền: Được người có thẩm quyền đương nhiên ủy quyền ký.
2.2- Một số ý kiến cho rằng việc ký kết thỏa thuận quốc tế có liên quan mật thiết đến việc triển khai thực hiện các chính sách trong ngành, lĩnh vực, địa phương, tuy nhiên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì cấp quận - huyện, phường - xã - thị trấn không có chức năng xây dựng chính sách, việc xây dựng chính sách chỉ được thực hiện từ các cơ quan cấp tỉnh trở lên. Bên cạnh đó, thực tế cấp quận - huyện, phường - xã - thị trấn chủ yếu có vai trò quản lý địa phương và tổ chức triển khai, thực thi các chính sách do cấp trên xây dựng, do đó việc giao cho “Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã” thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế không phù hợp với vị trí, chức năng, vai trò của các cấp chính quyền địa phương này.
Mặt khác, theo nội dung dự thảo thì trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế cần phải thông qua ý kiến của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, phải đáp ứng các yêu cầu, chính sách về ngoại giao, chuyên môn cấp Bộ, do đó “Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã” khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Các ý kiến này đề nghị không quy định thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế đối cho “Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã”.
2.3- Chương II của dự thảo Luật quy định về ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó các trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế đều bắt buộc phải lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao. Quy định này nhằm đảm bảo các thỏa thuận quốc tế được ký kết phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia. Tuy nhiên, thỏa thuận quốc tế không chỉ cần thiết phù hợp với chính sách đối ngoại mà còn phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, do đó việc lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp của thỏa thuận quốc tế cũng hết sức cần thiết, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật.
Mặt khác, theo Báo cáo của Bộ Ngoại giao về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về việc ký kết và thực hiện thỏa thuận không phải là điều ước quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới bắt buộc phải lấy ý kiến của cả Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đối với các thỏa thuận quốc tế để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp về chính sách ngoại giao, thể thức văn bản như: Nga, Australia...
2.4- Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật thiếu quy định về cơ chế để ràng buộc trách nhiệm trong việc một bên vi phạm hoặc không thực hiện đầy đủ thỏa thuận quốc tế đã ký kết giữa hai bên, thì cơ quan tài phán nào đứng ra giải quyết hoặc quy định trong dự thảo Luật cơ chế giải quyết vi phạm thỏa thuận giữa các bên trong nội dung ký kết thỏa thuận quốc tế để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên khi vi phạm thỏa thuận.
2.5- Về lấy ý kiến ký kết thỏa thuận quốc tế
Dự thảo Luật có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành trong trường hợp cơ quan được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội (khoản 4 Điều 13); Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước (khoản 4 Điều 16); Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (khoản 4 Điều 18); Cơ quan cấp tỉnh (khoản 4 Điều 20) nhưng không quy định quy định trình tự, thủ tục tương tự đối với trường hợp cơ quan được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ (Điều 10); Tổng cục, cục thuộc bộ (Điều 22). Đề nghị xem xét bổ sung để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện.
2.6- Về hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế
Dự thảo Luật quy định cụ thể về Hồ sơ lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan về việc ký kết thỏa thuận quốc tế tại Điều 30 nhưng không quy định cụ thể về Hồ sơ lấy ý kiến bao gồm những văn bản nào đối với trường hợp ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng cục, cục thuộc bộ (Điều 22); Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã (Điều 23). Đề nghị xem xét bổ sung để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện.
II- GÓP Ý CỤ THỂ VÀO DỰ THẢO LUẬT
1- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Khoản 1: Có ý kiến đề nghị sửa như sau “Luật này quy định về việc ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế”.
Khoản 2: có ý kiến đề nghị nghiên cứu điều chỉnh thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Vì đây là khoảng trống pháp lý chưa được điều chỉnh.
2- Về giải thích từ ngữ (Điều 2)
- Có ý kiến đề nghị bổ sung giải thích thế nào là: thông qua thỏa thuận quốc tế; trao đổi văn kiện thỏa thuận quốc tế;
- Khoản 2: có ý kiến cho rằng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế của các cá nhân, tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam rất nhiều nhưng chưa được điều chỉnh tại dự thảo Luật. Ý kiến này đề nghị bổ sung chủ thể (Bên ký kết Việt Nam) gồm có: cá nhân, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng nội dung giải thích về “Thỏa thuận quốc tế” chưa rõ nghĩa, dễ gây hiểu nhầm. Đề nghị làm rõ về khái niệm này.
- Khoản 4: có ý kiến cho rằng ký kết là một chuỗi các hành vi pháp lý như: đàm phán, thông qua, ký hoặc trao đổi văn kiện của các chủ thể ký kết. Vì vậy, đề nghị sửa khoản 4 như sau: “Ký kết là hành vi pháp lý do bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài thực hiện, bao gồm đàm phán, thông qua, ký hoặc trao đổi văn kiện thỏa thuận quốc tế”.
- Khoản 6 và khoản 7: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 6, khoản 7 Điều 2 chỉ xác định việc chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế căn cứ trên hành vi đơn phương của bên ký kết Việt Nam và không xem xét ý chí và hành vi của bên ký kết nước ngoài. Tuy nhiên, thực tiễn có thể phát sinh trường hợp bên ký kết Việt Nam không có hành vi pháp lý cụ thể chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, mà do bên ký kết nước ngoài thực hiện. Luật Thỏa thuận quốc tế cần phải điều chỉnh cả trường hợp này để giải quyết đầy đủ các vấn đề pháp lý liên quan đến trường hợp chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Ý kiến này đề nghị điều chỉnh khoản 6 và khoản 7 Điều 2 dự thảo Luật theo hướng điều chỉnh tất cả các trường hợp chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế để giải quyết hệ quả pháp lý của những trường hợp này.
3- Về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Điều 3)
Có ý kiến cho rằng nội dung về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong dự thảo Luật khá dài dòng và trùng lặp. Đề nghị sửa lại như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
1. Không trái với Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và điều ước quốc tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
3. Phù hợp với thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế;
4. Ký kết thỏa thuận quốc tế đảm bảo về yêu cầu đối ngoại, hiệu quả và trong phạm vi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao hoặc tự chủ theo quy định của pháp luật;
5. Thỏa thuận quốc tế không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
6. Tuân thủ thỏa thuận quốc tế đã ký kết”.
Có ý kiến đề nghị chuyển nội dung khoản 6 Điều 3 “Không ký kết thỏa thuận quốc tế về…” sang Điều 8 (Hành vi bị nghiêm cấm).
4- Về cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế (Điều 5)
Khoản 3: có ý kiến cho rằng cụm từ “cơ quan trung ương của tổ chức” trong nội dung khoản 3 là chưa chính xác. Đề nghị sửa như sau: “Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan và tổ chức đó”.
5- Về tên gọi, ngôn ngữ, hình thức của thỏa thuận quốc tế (Điều 6)
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 6 quy định ngôn ngữ sử dụng để ký thỏa thuận quốc tế ngoài sử dụng tiếng Việt, cần phải sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Anh (ngôn ngữ chung) và quốc ngữ của bên ký kết nước ngoài để phù hợp quy định pháp luật của nước sở tại.
6- Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8)
Có ý kiến đề nghị sửa lại nội dung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Ký kết thỏa thuận quốc tế làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc Hội;
2. Thành lập, tham gia tổ chức quốc tế nếu việc thành lập, tham gia tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính tiền tệ;
3. Ký kết thỏa thuận quốc tế không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này;
4. Các vấn đề khác phải thực hiện thông qua việc ký kết điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật”.
7- Về ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ (Điều 11)
Có ý kiến đề nghị sửa lại nội dung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Thẩm quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ
1. Thẩm quyền đương nhiên ký thỏa thuận quốc tế gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
2. Ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế do Chính phủ quyết định theo đề xuất của cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trên cơ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ”.
8- Về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội (Điều 14)
- Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa khoản 1 như sau: “Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản…”
- Khoản 3: có ý kiến đề nghị cần sửa theo hướng cơ quan quy định tại Điều 13 là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế; Quốc hội và cơ quan thuộc Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Quá trình ký kết đã chứa đựng thủ tục ký thỏa thuận quốc tế. Ý kiến này đề nghị sửa nội dung khoản 3 như sau: “Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Luật này quyết định và giao cho Quốc hội và cơ quan thuộc Quốc hội tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này”.
- Điềm c khoản 4: có ý kiến cho rằng cơ quan của Quốc hội tiến hành ký kết đã bao gồm thủ tục ký (kể cả theo thẩm quyền đương nhiên hay theo ủy quyền). Ý kiến này đề nghị sửa lại nội dung điểm c khoản 4 như sau: “Cơ quan của Quốc hội tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi có quyết định đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Quốc hội quy định tại điểm b khoản này”.
9- Về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước (Điều 16)
Khoản 3: có ý kiến đề nghị sửa theo hướng cơ quan quy định tại Điều 15 là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Quá trình ký kết đã chứa đựng thủ tục ký thỏa thuận quốc tế. Khoản 3 viết lại như sau: “Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 15 của Luật này quyết định và giao cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này”.
Điểm c, khoản 4: có ý kiến đề nghị cần sửa theo hướng cơ quan quy định tại Điều 15 là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Quá trình ký kết đã chứa đựng thủ tục ký thỏa thuận quốc tế. Điểm c khoản 4 viết lại như sau: “Ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để cơ quan quy định tại Điều 15 của Luật này ra quyết định và giao cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế”.
10- Về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 18)
Khoản 3: có ý kiến đề nghị cần sửa theo hướng cơ quan quy định tại Điều 17 là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Quá trình ký kết đã chứa đựng thủ tục ký thỏa thuận quốc tế. Khoản 3 viết lại như sau: “Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 của Luật này quyết định và giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này”.
Điểm c khoản 4: có ý kiến đề nghị cần sửa theo hướng cơ quan quy định tại Điều 17 là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Quá trình ký kết đã chứa đựng thủ tục ký thỏa thuận quốc tế. Điểm c khoản 4 viết lại như sau: “Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để cơ quan quy định tại Điều 17 của Luật này ra quyết định và giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế”.
11- Về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh (Điều 20)
Khoản 3: có ý kiến đề nghị cần sửa theo hướng cơ quan quy định tại Điều 19 là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế. UBND, HĐND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Quá trình ký kết đã chứa đựng thủ tục ký thỏa thuận quốc tế. Khoản 3 viết lại như sau: “Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 19 của Luật này quyết định và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này”.
Điểm c khoản 4: có ý kiến đề nghị cần sửa theo hướng cơ quan quy định tại Điều 19 là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Ủy ban nhân dân,Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Quá trình ký kết đã chứa đựng thủ tục ký thỏa thuận quốc tế. Điểm c khoản 4 viết lại như sau:“Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để cơ quan quy định tại Điều 19 của Luật này ra quyết định và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế”.
12- Về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức (Điều 25)
Khoản 1: có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Trước khi trình cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức về việc ký kết thỏa thuận quốc tế” trong nội dung khoản 1 vì đã được quy định tại khoản 3 Điều 25. Khoản 1 viết lại như sau “Cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực hợp tác và tổ chức có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế”.
13- Về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (Điều 26)
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ chủ thể có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức và bổ sung quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.
14- Về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan tổ chức (Điều 27)
Khoản 1: có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về vai trò và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thành viên trong việc phối hợp lấy ý kiến trình cơ quan có thẩm quyền. Khoản 1 sửa như sau: “Trường hợp hai hoặc nhiều cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài, các cơ quan, tổ chức này thống nhất bằng văn bản chọn ra cơ quan, tổ chức đầu mối ký kết và cơ quan, tổ chức thành viên tham gia ký kết”.
15- Về Ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao (Điều 34)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 1 Điều 12 quy định chưa chặt chẽ. Đề nghị sửa như sau: “Cơ quan Nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký thỏa thuận quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký trong chuyến thăm của đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam”.
16- Về sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế (Điều 36)
Khoản 1: có ý kiến cho rằng nếu quy định như khoản 1 Điều 36 là thiếu ghi nhận cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 26 (Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức). Đề nghị sửa khoản 1 như sau: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại các Điều 9, 13,15,17, 19, 21, 24 và Điều 26 của Luật này có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thỏa thuận quốc tế đó”.
17- Về chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế (Điều 37)
Khoản 2: có ý kiến cho rằng nếu quy định như khoản 2 là thiếu ghi nhận cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 26 (Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức). Đề nghị sửa khoản 2 như sau: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại các Điều 9,13,15,17, 19, 21, 24 và Điều 26 của Luật này có thẩm quyền quyết định chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế đó”.
Có ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế để đầy đủ hơn, tạo cơ sở pháp lý trong áp dụng.
18- Về các trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn đối với việc ký kết thỏa thuận quốc tế (Điều 38)
Điểm c khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Bên hoặc các bên ký kết nước ngoài không yêu cầu giấy ủy quyền cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế”.
19- Về thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế (Điều 39)
Khoản 2: có ý kiến cho rằng nếu quy định như khoản 2 thì chưa dự liệu trường hợp: Nếu các cơ quan được lấy ý kiến đồng ý với phương án thì thủ tục ký kết và báo cáo sẽ như thế nào? Nếu cơ quan được lấy ý kiến cho ý kiến khác nhau thì cơ quan nhà nước được quy định tại điểm a khoản 2 của điều này sẽ phải tiến hành thủ tục gì tiếp theo. Ý kiến này đề nghị bổ sung vào khoản 2 quy định theo hướng:
(1) Nếu cơ quan được lấy ý kiến đồng ý, các cơ quan quy định tại điểm a, khoản 2 của điều này tiến hành thủ tục ký kết rút gọn;
(2) Nếu cơ quan được lấy ý kiến cho ý kiến khác nhau, cơ quan quy định tại điểm a, Khoản 2 của điều này trình Bộ Ngoại giao quyết định. Hồ sơ trình bao gồm các tài liệu được ghi nhận tại Điều 31 của Luật này.