Đăng nhập

 

 

Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc  thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:

I- Điếu 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai

1- Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 5 Điều 3

Có ý kiến đề nghị bổ sung cháy rừng là loại hình thiên tai (không phân biệt nguyên nhân tự nhiên hay do con người) vì nguyên nhân gây cháy rừng thường được các cơ quan chức năng điều tra sau vụ cháy trong khi cháy rừng cần có biện pháp chủ động phòng ngừa và huy động nguồn lực từ bộ máy của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn để ứng phó và khắc phục hậu quả.

2- Sửa đổi, bổ sung Điều 5

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung Điều 5 quy định “Chủ động hội nhập quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai”.

3- Sửa đổi, bổ sung Điều 6

Khoản 1, khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai có lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai vào khoản 1, khoản 2 Điều 6.

Điểm b khoản 1: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ” thành cụm từ “dân quân tự vệ tại chỗ” cho phù hợp với quy định của Luật Dân quân tự vệ. Điểm b khoản 1 viết lại như sau: “Dân quân tự vệ tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền”;

4- Sửa đổi, bổ sung Điều 8

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 8 quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính cho phòng chống thiên tai; quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như cho chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời có cơ chế huy động thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào chương trình phòng chống thiên tai; làm rõ được các nguồn tài chính khác cho phòng chống thiên tai. Các nội dung này cần được quy định cụ thể trong dự thảo Luật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai trong thực tiễn.

5- Sửa đổi, bổ sung Điều 9

Có ý kiến cho rằng thiên tai thường là những sự cố ngoài ý muốn và không dự báo trước hậu quả cũng như tác động, đòi hỏi phải có những phản ứng linh hoạt và kịp thời. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu thiết kế Điều 9 dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi hoặc quy định mở để có thể sử dụng ngân sách nhà nước trong những tình huống cấp bách.

Có ý kiến đề nghị sửa theo hướng quy định thành một khoản chi riêng cho hoạt động phòng chống thiên tai, để tập trung nguồn lực, tạo sự chủ động trong phòng chống thiên tai. Vì ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai chỉ đáp ứng được một phần của kế hoạch phòng chống thiên tai, việc sử dụng còn thiếu tập trung nên thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn chưa cao, việc cấp phát ngân sách Nhà nước còn chậm. Hiện nay, ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai thiếu lại phân tán nhiều đầu mối quản lý ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống thiên tai. 

6- Sửa đổi, bổ sung Điều 13

Điều 13 dự thảo Luật quy định bổ sung nội dung về quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi trong quy định phòng chống thiên tai. Nội dung phòng chống thiên tai được tích hợp trong các loại quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Đề nghị cần cân nhắc lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

7- Bổ sung Điều 13a

Có ý kiến cho rằng ý thức người dân và cộng đồng trong phòng chống, thiên tai đóng một vai trò quan trọng. Ý kiến này đề nghị xem xét bổ sung quy định này vào Điều 13a để làm cơ sở cho các chính sách thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai.

8- Sửa đổi, bổ sung Điều 15

Điểm c khoản 4 và điểm c khoản 6: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông” thành “xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp lũ lưu vực sông” để thể hiện được ý xây dựng kế hoạch nhằm quản lý một cách tổng hợp các loại lũ.

Điểm c khoản 4 viết lại như sau: “Xác định nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp lũ lưu vực sông thuộc tỉnh, kế hoạch phòng chống bão mạnh, siêu bão, kế hoạch phòng chống lũ quét sạt lở đất, kế hoạch phòng chống hạn hán xâm nhập mặn, kế hoạch phòng chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển”.

Điểm c khoản 6 viết lại như sau: “Xác định nội dung, biện pháp tổng thể, chương trình đề án, dự án phòng chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp lũ lưu vực sông, kế hoạch phòng chống bão mạnh hạn hán xâm nhập mặn, kế hoạch phòng chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển”.

9- Sửa đổi, bổ sung Điều 26

Khoản 5: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “cháy rừng” bằng cụm từ “cháy rừng do tự nhiên” cho phù hợp với khoản Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Khoản 5 viết lại như sau: “Đối với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng do tự nhiên và các loại thiên tai khác thì căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, chủ động triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với tình huống cụ thể”.

10- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 44

Có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm trưởng ban; Căn cứ điều kiện tình hình thực tiễn địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng bộ phận chuyên trách hiện có của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh” vì bộ phận thường trực của các Ban này có thể là tổ chức kiêm nhiệm hay bộ phận chuyên trách còn phụ thuộc vào tình hình thực tiễn nguy cơ thiên tai của từng địa phương để tránh lãng phí nhân lực.

II- Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều

1- Sửa đổi, bổ sung Điều 7

Khoản 10: có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, bỏ cụm từ “nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục” vì đây là những hành vi bị nghiêm cấm dù có biện pháp xử lý khắc phục hay không cũng không được thực hiện. Khoản 10 viết lại như sau: “Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoảng sản khác, đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều; các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ”.

2- Sửa đổi, bổ sung Điều 42

Khoản 4: có ý kiến cho rằng để phù hợp với khoản 5 Điều 3 Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 về quản lý, an toàn, đập, hồ chứa nước. Đề nghị bổ sung khoản 4 Điều 42 như sau: “Bộ Công thương chủ trì, phối với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, chỉ đạo thực hiện vận hành đập, hồ chứa thủy điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về vận hành đập, hồ chứa thủy điện”. 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh



Thông cáo Báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV



Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (2016 - 2021)



Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2020


tin nổi bật
Liên kết website
Số lượt truy cập
07970395




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn