Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễm dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:
I- GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT
1- Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung giải thích cụ thể thế nào là “người di biến động” (điểm i khoản 2 Điều 11) vào Điều 1 dự thảo Luật.
2- Điều 4
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4 về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ khám tiền hôn nhân, khám tiền thai có tải lượng virus thấp, hiện nay các đối tượng này đang bị hạn chế về quyền được tiếp cận thông tin và được điều trị bằng thuốc kháng HIV.
3- Điều 11
Khoản 2:
- Điểm b: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Người nghiện ma túy” vì theo pháp luật hiện hành sử dụng ma túy là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định pháp luật (Luật Xử lý vi phạm hành chính)
- Điểm l: có ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung điểm l khoản 2 đối tượng là học viên trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc và cơ sở bảo trợ xã hội. Vì hai đối tượng cũng có khả năng bị nhiễm HIV/AID, vì vậy cần bổ sung hai đối tượng trong dự thảo Luật để có cơ sở triển khai thực hiện.
Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “người bị tạm giữ” trong nội dung điểm l vì thời gian tạm giữ rất ngắn (24 giờ; 03 ngày; 09 ngày) không đủ điều kiện để tiếp cận truyền thông phòng chống HIV/AIDS.
- Điểm e: đề nghị bỏ cụm từ “vợ, chồng của người nhiễm HIV” vì đã được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11. Điểm e viết lại như sau: “Các đối tượng quy định tại điểm b,c,d và đ khoản này”.
- Điểm m: có ý kiến đề nghị xem xét lại nội dung điểm m khoản 2 Điều 11 để tránh lãng phí trong công tác phòng, chống HIV/AIDS vì có nhiều vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhưng không có tình trạng trồng cây thuốc phiện, buôn bán và sử dụng ma túy, mại dâm nên chưa cần thiết phải thực hiện các chính sách ưu tiên. Ý kiến này đề nghị viết lại điểm m như sau: “Người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV”.
4- Điều 12
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 12 quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Trong tình hình hiện nay, để công tác phòng chống HIV/AIDS thực sự có hiệu quả cần nâng cao hơn nữa nội dung giáo dục công dân ở các cấp học trong nhà trường.
5- Điều 18
Khoản 1 quy định “Người đứng đầu cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội và giám thị trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm tổ chức quản lý, chăm sóc, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV ở cơ sở do mình quản lý.” Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị đang tiếp nhận cai nghiện cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy khi thực hiện các quyết định của Tòa án thì không có bước thực hiện xét nghiệm, đây là một vấn đề khó khăn trong việc thực hiện chăm sóc và quản lý, điều trị người nhiễm HIV, chỉ nắm thông tin qua người nghiện và chuyển đến các đơn vị có chức năng để xét nghiệm điều trị. Mặt khác, các đơn vị cai nghiện không được bố trí nhân viên y tế cũng như tập huấn kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho người nhiễm HIV trong việc điều trị.
6- Điều 21
Điểm d khoản 1: có ý kiến cho rằng thực tế đối tượng nghiện thuốc phiện ngày càng giảm nhưng người nghiện ma túy đá thì tăng cao, chiếm tỷ lệ cao hơn người nghiện ma tuý. Đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 1 những người nhiễm ma túy tổng hợp được điều trị nghiện bằng các thuốc thay thế. Ý kiến này đề nghị sớm có phác đồ điều trị riêng cho người bị nhiễm ma túy đá, ma túy tổng hợp.
7- Điều 29
Khoản 4: một số ý kiến cho rằng quy định người được xét nghiệm HIV/AIDS cung cấp thông tin về nơi ở nhân thân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi họ thực hiện xét nghiệm để nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính, như vậy sẽ dẫn đến một số khó khăn (1) Nếu người đến xét nghiệm phải cung cấp thông tin có thể dẫn đến họ e ngại không đến xét nghiệm, không tiếp cận hệ thống hỗ trợ điều trị gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. (2) Nếu họ cung cấp thông tin không chính xác thì cách giải quyết như thế nào vì bản thân cán bộ cơ sở xét nghiệm không thể biết được thông tin đó có chính xác hay không, nếu không chính xác thì họ cũng không có nghiệp vụ, điều kiện để xác minh thông tin.
Ý kiến này đề nghị định đưa nội dung này quy định về trách nhiệm nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS tại Điều 4 của dự thảo Luật sẽ phù hợp hơn.
8- Điều 30
Điều 30 dự thảo Luật quy định về các đối tượng được nhận thông báo về kết quả nhiễm HIV, việc mở rộng đối tượng để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc về đối tượng được nhận thông tin vì vấn đề bảo mật thông tin của người nhiễm HIV/AIDS để tránh trường hợp bị kỳ thị.
Điểm b: có ý kiến đề nghị không đưa đối tượng người chuẩn bị kết hôn của người được xét nghiệm vào điểm b khoản 1 Điều 30 vì hiện nay chưa có quy chế để xác định được đối tượng này. Bên cạnh đó, Điều 4 dự thảo Luật đã quy định nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS trong việc cung cấp thông tin cho đối tượng này.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “người ăn ở như vợ chồng” vào nội dung điểm b khoản 1 Điều 30 vì thực tế vẫn có một số trường hợp chung sống như vợ chồng.
9- Điều 35
Có ý kiến đề nghị viết lại khoản 1 Điều 35 theo hướng:
(a) Đối với người có bảo hiểm y tế, được bảo hiểm y tế chi trả 100% phí khi tự nguyện xét nghiệm HIV/AIDS;
(b) Đối với người không có bảo hiểm y tế sẽ được miễn phí khi tự nguyện xét nghiệm HIV/AIDS.
10- Điều 39
Điểm b khoản 2: có ý kiến đề nghị bỏ điểm b trong nội dung điểm b vì quy định “... do tai nạn rủi ro nghề nghiệp” tại điểm a khoản 2 đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của “...rủi ro của kỹ thuật y tế”.
Điểm đ khoản 2: có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “cơ sở cai nghiện và cơ sở bảo trợ xã hội” vào cuối nội dung điểm đ khoản 2 Điều 39.
11- Điều 43
Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo cho việc phòng chống HIV/AIDS đạt được mục tiêu bền vững cần thiết phải bổ sung vào dự thảo Luật quy định quỹ bảo hiểm y tế là một trong những nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, xem đây là nguồn lực quan trọng trong công tác điều trị HIV/AIDS sau khi nguồn tài trợ quốc tế không còn nữa.
II- GÓP Ý CHO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS)
1- Điều 4
Đề nghị bổ sung quy định biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” vào Điều 4 để phù hợp với nội dung Điều 21 dự thảo Luật.
2- Điều 5
Đề nghị điều chỉnh nhóm đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV để phù hợp với Điều 21 dự thảo Luật
3- Điều 10
Khoản 2: đề nghị điều chỉnh độ tuổi từ 16 tuổi thành 15 tuổi để thống nhất với quy định của dự thảo Luật.
4- Điều 13
Có ý kiến đề nghị bỏ cụm “miễm phí” trong tiêu đề Điều 13: Phân phối thuốc kháng HIV.
Ý kiến này cho rằng cụm từ “miễn phí” dễ gây nhầm lẫn, hiện nay đa số người nhiễm HIV được điều trị theo bảo hiểm y tế. Chỉ thực hiện miễn phí thuộc kháng HIV trong một số trường hợp phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp hoặc khi thi hành công vụ sẽ phù hợp hơn.
III- GÓP Ý CHO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC VÀ SAU PHƠI NHIỄM VỚI HIV
1- Đề nghị điều chỉnh cụm từ “người có nguy cơ cao” trong nội dung dự thảo Thông tư thành “người có hành vi nguy cơ cao” để thống nhất với quy định của dự thảo Luật.
2- Điều 3
Khoản 1: đề nghị bổ sung quy định biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” vào nội dung khoản 1 Điều 3 để phù hợp với Điều 21 dự thảo Luật.
3- Điều 4
Điểm e khoản 2: đề nghị điều chỉnh, bổ sung đối tượng nhận thông báo tình trạng nhiễm HIV của người được xét nghiệm đề phù hợp quy định tại Điều 11 và Điều 30 dự thảo Luật.
4. Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn trình tự thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV cho các đối tượng được quy định tại khoản 1 (trừ điểm a), khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật để các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TPHCM