Đăng nhập

 

 

Liên kết website
Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

              I. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

1- Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội nghiên cứu tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác giám sát hoạt động của Chính phủ.

2- Cử tri cho rằng một số Luật hiện nay còn thiếu tính ổn định lâu dài, chưa đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, các văn bản dưới Luật chưa ban hành kịp thời, thiếu tính khả thi khi áp dụng trong thực tế. Đề nghị Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản dưới Luật để đảm bảo Luật ban hành sớm đi vào cuộc sống để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân.

3- Cử tri cho rằng, kỳ họp thứ mười một là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, vì vậy yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ kết quả thực hiện những điều đã hứa trước Quốc hội và nhân dân cả nước (nhất là các vấn đề về bảo vệ môi trường, về nâng cao chất lượng giáo dục, về các dự án giao thông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long …)

4- Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục tạo điều kiện phát huy vai trò của từng đại biểu trong phát biểu, tranh luận tại nghị trường; nắm sát tình hình nhân dân và tình hình đất nước, địa phương để kiến nghị các vấn đề phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng cử tri và nhân dân cả nước.

II. VỀ KINH TẾ

1- Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả cao của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhằm đảm bảo đời sống nhân dân và ổn định chính trị; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp duy trì, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng trong nước, xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid – 19 và diễn biến phức tạp. Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục nâng cao trách nhiệm trước nhân dân; tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm giám sát chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng của đất nước, tránh gây lãng phí tài sản nhà nước.

2- Cử tri kiến nghị trong vấn đề phát triển kinh tế, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, làm nòng cốt trong giải quyết lao động, phát triển kinh tế tự chủ; cần tập trung cải cách các thủ tục hành chính trong xây dựng nhà xưởng, tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thu hút khởi nghiệp và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.

3- Kiến nghị liên quan đến dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) của Bộ Công thương:

3.1- Kiến nghị Bộ Công thương bổ sung đánh giá về tác động ô nhiễm không khí, đặc biệt là phát thải PM2.5 và các chất tiền thân của PM2.5’ và tính toán gánh nặng bệnh tật, tử vong sớm gây nên làm cơ sở đưa ra quyết định về lựa chọn các nguồn năng lượng trong tương lai (trước mắt là Quy hoạch điện VIII).

3.2- Kiến nghị Bộ Công thương ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kết hợp với năng lượng tái tạo để thay thế gần 30.000MW điện than chưa xây dựng. Điều này cũng phản ánh tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngảy 11/02/2020 của Bộ Chính trị.

3.3- Kiến nghị Bộ Công thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện Mặt trời phân tán và điện gió.

3.4- Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cấp các quy chuẩn/tiêu chuẩn phát thải liên quan tới nhiệt điện than tiệm cận quốc tế (tham khảo kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu). Đồng thời tham khảo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về giới hạn cho phép các chất ô nhiễm không khi môi trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

3.5- Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và công bố số liệu phát thải của các nhà máy nhiệt điện than từ hệ thống quan trắc tự động theo thời gian thực. Điều này sẽ hỗ trợ công tác đánh giá tác động môi trường và sức khỏe được chính xác hơn đồng thời giúp tăng cường công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước, tăng tính thực thi các quy định về bảo vệ môi trường của các nhà máy.

4- Kiến nghị Quốc hội tiếp tục xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013, đồng thời, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Du lịch; Bộ Luật Dân sự; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông của hệ thống pháp luật.

5- Góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP):

- Kiến nghị hoàn thiện điểm d Khoản 3 Điều 17 “Dự thảo Nghị định PPP”, sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và bổ sung (mới) Khoản 3 Điều 17 Nghị định 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyên giao, như sau:

d) Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và bổ sung Khoản 3 Điều 17 Nghị định 69/2019/NĐ-CP như sau:

“2. Đối với các Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trong đó có điều khoản sử dụng tài sản công để thanh toán được thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật có liên quan và theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

3. Đối với các dự án BT đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc đã có kết quả chọn lựa nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu và đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật PPP, trong đó quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật có liên quan và theo Hợp đồng BT đã ký theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.”

6- Kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết bất cập về hoàn thuế đối với mức trần phí lãi vay được khấu trừ, mà doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thừa) trong năm 2017-2018, cụ thể: đề nghị bổ sung thêm quy định trường hợp doanh nghiệp đến hết năm 2024 chưa nhận được tiền hoàn thuế, hoặc còn một phần tiền hoàn thuế, thì số tiền hoàn thuế này sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp bằng tiền mặt.

7- Đề nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản, như sau: Dự thảo “Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020”; Dự thảo “Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)”; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp, xử lý tài sản công”, tạo điều kiện tái khởi động lại hàng trăm dự án đầu tư, dự án nhà ở có sử dụng quỹ đất có nguồn gốc thuộc Nhà nước quản lý, theo nguyên tắc đảm bảo không làm thất thoát tài sản công và nguồn thu ngân sách nhà nước; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở”, trong đó, có việc lựa chọn, chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại và quy định cơ chế chặt chẽ về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP Về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”, nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, trong đó có các cơ chế, chính sách khả thi để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng lại hàng trăm nhà chung cư cũ, hư hỏng hiện nay và thực hiện tái định cư cho các hộ gia đình có nhà ở tốt hơn chỗ ở cũ; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020” để hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng” để hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020.

8- Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, tiếp cận đất đai, rút gọn thủ tục đầu tư xây dựng…nhằm cung ứng loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp (1-2 phòng ngủ) với mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 đối với các tỉnh và mức giá khoảng 23-25 triệu đồng/m2 đối với các đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt.

III. VỀ CÁC VẤN  ĐỀ XÃ HỘI

1.   Về giáo dục

1.1- Cử tri kiến nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung nâng cao hiệu quả việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế; nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.

2. Về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường:

2.1- Cử tri đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua. Cử tri đề nghị cần tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

2.2- Kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường các biện pháp chế tài xử phạt mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm; tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

3. Về chế độ, chính sách    :

3.1- Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đối với các chính sách cho các đối tượng người có công với cách mạng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục để hưởng chế độ, chính sách cho các đối tượng này.

3.2- Cử tri phản ánh hiện nay công việc của những người hoạt động không chuyên trách cấp phường không thay đổi, có kiêm nhiệm thêm công việc khác do thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó chế độ, chính sách và phụ cấp tiền lương của cán bộ không chuyên trách phường giảm so với trước đây là chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (thấp hơn rất nhiều so với lương vùng I, II, III cho người lao động hiện nay). Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét nâng chế độ phụ cấp tiền lương cho những người hoạt động không chuyên chuyên trách cấp phường để đảm bảo cuộc sống.

3.3- Cử tri tiếp tục đề nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm cải cách tiền lương và thu nhập cho cán bộ, công chức, người lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

IV. THỰC THI PHÁP LUẬT

1- Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm tham nhũng, thực hiện các biện pháp đột phá để thu hồi tài sản tham nhũng và các hình thức tẩu tán tài sản một cách hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp, nội chính trong công tác phòng, chống tham nhũng.

2- Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân tăng cường công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giám sát chặt chẽ các hoạt động của các cơ quan tư pháp; chú trọng công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, nhất là các vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận; xây dựng quy chế quy chế đối thoại,  giám sát hiệu quả về việc giải quyết khiếu nại tố cáo.

3- Cử tri kiến nghị ngành Bảo hiểm cần đơn giản hóa thủ tục bồi thường đối với xe cơ giới hai bánh để người dân yên tâm khi mua giấy chứng nhận bảo hiểm; có giải pháp ngăn chặn tình trạng bán giấy chứng nhận bảo hiểm tràn lan, không đảm bảo điều kiện

4- Cử tri đề nghị Bộ xây dựng có văn bản hướng dẫn các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về việc thành lập hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh để tham mưu, tư vấn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn quản lý và về quy hoạch, quản lý, bảo vệ không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị và quy chế hoạt động của hội đồng để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
  Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020
  Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá XIV
  Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
  Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII
  Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến đóng góp các luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIII
Hình ảnh hoạt động
tin nổi bật
Số lượt truy cập
07812383




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn