Đăng nhập

 

 

Liên kết website
Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

             I. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

1. Cử tri đồng tình với kết quả kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng: thông qua (Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam,..) và cho ý kiến nhiều dự án luật (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi),…); xem xét cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; công tác chất vấn và trả lời chất vấn đi vào trọng tâm các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Cử tri đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

2. Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội nghiên cứu tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiều hơn trong khóa tới của Quốc hội.

3- Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, có giải pháp thu hút các chuyên gia giỏi, có kiến thức rộng và có kinh nghiệm thực tế để soạn thảo các dự án luật.

4. Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát hoạt động của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; về công tác phòng chống tham nhũng, công tác quản lý đất đai, tài sản công; việc giải quyết kiến nghị phản ánh của cử tri và khiếu nại, tố cáo của người dân.

5. Cử tri đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các vấn đề mà các Bộ trưởng đã hứa trong trả lời chất vấn và thông báo kết quả thực hiện như thế nào để người dân quan tâm theo dõi được biết.

6. Cử tri kiến nghị Quốc hội tiếp tục xem xét sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan đến quy hoạch nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị đưa vào quy hoạch. Hiện nay, có nhiều quy hoạch treo ảnh hưởng rất  lớn đến đời sống của người dân.

7. Cử tri tiếp tục đề nghị cần sớm xây dựng và thông qua Luật biểu tình nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này và xử lý nghiêm việc lợi dụng biểu tình để chống phá chính quyền, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

II. VỀ KINH TẾ

1. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách điều hành hiệu quả để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, bình ổn giá cả thị trường; tập trung cải cách hành chính, tăng cường tính minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển; quan tâm kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công; tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng sâu vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo phát triển đồng bộ.

2. Cử tri đề nghị cần có chính sách khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời với cơ cấu hợp lý, phù hợp với việc phát triển lưới truyền tải điện; mức độ khuyến khích phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; nên xem xét kỹ việc xã hội hóa lưới truyền tải điện quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng.

3. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ trong việc thành lập Đoàn thanh tra để kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện tăng lên, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua để cử tri được biết.

4. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, đặc biệt là vấn đề thất thoát thuế và thất thoát trong đầu tư công của các doanh nghiệp Nhà nước.

5. Cử tri phản ảnh một số quy định pháp luật về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này chưa được triển khai thực hiện kể từ khi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực. Đề nghị sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Luật này để các doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm được thụ hưởng.

6. Cử tri đề nghị cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng trễ tiến độ thi công và đội kinh phí; tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với dự án giao thông BOT, lựa chọn giải pháp quản lý nhà nước phù hợp cho từng trạm thu phí, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp và hiệu quả tài chính của Dự án.

7. Cử tri đề nghị Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc phát triển giao thông đường bộ, đường thuỷĐồng bằng sông Cửu Long, cần lưu ý đặc điểm sông nước, thổ nhưỡng, tình trạng sụt lún… để có kế hoạch phát triển phù hợp, bền vững góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho các tỉnh ở khu vực này.

8. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn cả nước nhằm đảm bảo nhu cầu thực tiễn lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp lễ, tết.

9.  Một số cử tri kiến nghị khi sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cần đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, cần buộc các hãng xe công nghệ như Grab phải gắn “mào” (hộp đèn) để nhận dạng và quản lý.

10. Cử tri kiến nghị Trung ương xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách phần giữ lại cho Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện tốt hơn cho Thành phố trong đầu tư phát triển.

11. Cử tri đề nghị cần xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đối với việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông và thông tin công khai đến cử tri và nhân dân.

III. VỀ CÁC VẤN  ĐỀ XÃ HỘI

1.    Về văn hoá, giáo dục

1.1- Cử tri đồng tình việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành sẽ quyết định lựa chọn sử dụng sách giáo khoa nào cho học sinh của tỉnh, thành mình được thông qua là phù hợp, đồng thời cử tri tiếp tục đề nghị việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa phải chặt chẽ, đảm bảo nội dung mỗi bộ sách không trái với chương trình chung quốc gia và tiết kiệm, tránh lãng phí.

1.2- Cử tri phản ánh hiện nay chưa có một trường học chuyên biệt nào để đào tạo nhân tài đặc biệt trong các lĩnh vực khác nhau cho đất nước. Đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu xây dựng một trung tâm đào tạo nhân tài chuyên biệt, tránh chảy máu chất xám.

1.3- Cử tri phản ánh tình trạng quá tải, vượt sĩ số lớp ở các cấp học nhất là đối với trường học ở khu vực trung tâm các đô thị lớn làm những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Đề nghị ngành giáo dục cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng này.

1.4- Cử tri đề nghị Quốc hội rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan đến giáo dục để đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi các quy định ngành giáo dục. Cần kiểm tra các chương trình, nội dung trước khi đưa vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên.

 1.5- Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các văn bản quy định về việc đặt tên cho các trường học quốc tế, khách sạn, nhà hàng, chung cư,… là tên nước ngoài khi mà hiện nay số lượng tên nước ngoài được đặt cho các địa điểm trên rất nhiều.

2. Về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường:

2.1- Cử tri kiến nghị ngành Y tế quan tâm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ danh mục các loại thuốc điều trị cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới; đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn, kỹ năng mềm và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế để góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

2.2- Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu  điều chỉnh giá khám bệnh cho phù hợp; xem xét lại định mức chi trả cho sát thực tế và khả năng chi trả của người bệnh.

2.3- Cử tri kiến nghị Chính phủ cần tăng cường đầu tư cở sở vật chất cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống y tế dự phòng các cấp; có các kế hoạch dài hạn trong chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm đảm bảo chăm lo tốt sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt là các hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất độc hại, sử dụng để chế biến thực phẩm bẩn, hành vi làm hàng gian, hàng giả.

2.4- Cử tri tiếp tục kiến nghị xem xét lại quy định bắt buộc mua BHYT cả hộ gia đình vì chưa phù hợp, cần tạo điều kiện và khuyến khích cho người dân tham gia mua BHYT phù hợp với khả năng, mức thu nhập của từng hộ.

2.5- Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng nhất là ở các thành phố lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống của người dân. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng triển khai đề án kiểm soát khí thải các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; tăng mức xử phạt đối với các xe lưu hành không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, quá hạn bảo hành, bảo dưỡng định kỳ làm tăng lượng khí thải ra môi trường với mức độ độc hại nghiêm trọng; có giải pháp khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, trồng nhiều cây xanh ven các tuyến đường.

2.6- Cử tri cho rằng tình trạng xả thải đầu nguồn các sông vẫn tiếp diễn trong thời gian qua. Cử tri đề nghị phải tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và xử lý mạnh đối với cơ sở kinh doanh có các hành vi xả thải trái phép. Cần kiểm tra định kỳ các cơ quan cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để xảy ra sự cố như Nhà máy nước sông Đà.

2.7- Cử tri kiến nghị cần ban hành quy định hạn chế tối đa việc  đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa và nấu ăn bằng than đá, than tổ ong vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến môi trường.

2.8- Cử tri tiếp tục đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn và xử lý, tái chế rác; đầu tư trang bị xe chuyên dụng quét dọn đường.

2.9- Cử tri đề nghị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường, đảm bảo tính chính xác, là cơ sở cho việc đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường, xây dựng mô hình dự báo ô nhiễm môi trường không khí và nước và cảnh báo sớm ô nhiễm để người dân chủ động có kế hoạch tự bảo vệ bản thân.

3. Về chế độ, chính sách :

3.1- Cử tri kiến nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục phối hợp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

3.2- Cử tri kiến nghị Bộ, ngành chức năng xem xét miễn phí tiền đóng bảo hiểm xã hội các tháng còn lại trong năm đối với trẻ nhập học vào lớp 1 nhưng chưa tròn 6 tuổi để đảm bảo thực hiện tốt chính sách miễn phí bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.

3.3- Cử tri kiến nghị cần có chính sách tăng phụ cấp đặc thù, nâng cao chế độ ưu đãi phù hợp với địa bàn công tác, yêu cầu nhiệm vụ cho các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, biển đảo.

3.4-  Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng quan tâm đến chế độ, chính sách lương cho cán bộ, công chức, bộ đội xuất ngũ về hưu trước năm 1993 vì hiện nay còn thấp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

3.5- Cử tri kiến nghị quan tâm nâng mức trợ cấp ưu đãi chính sách người có công và thân nhân người có công để nâng cao đời sống cho đối tượng này. Đồng thời, thực hiện việc rà soát, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công để phát hiện những trường hợp hưởng chế độ không đúng quy định, lợi dụng chính sách ưu đãi với người có công để làm giả hồ sơ được hưởng chế độ trợ cấp thương binh, chất độc da cam; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp thích hợp để xử lý, đình chỉ chế độ và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước.

3.6- Cử tri đề nghị không nên quy định cứng về số tuổi của người đứng đầu các tổ chức Đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội văn học nghệ thuật,… là 65 đến 70 tuổi. Đề nghị chỉ nên quy định người còn đủ sức khỏe, minh mẫn, có năng lực, khả năng lãnh đạo và được sự tín nhiệm thì đảm nhiệm vị trí này vì hiện nay việc tìm kiếm nhân sự cho các tổ chức trên còn gặp nhiều khó khăn.

            IV. THỰC THI PHÁP LUẬT

1. Cử tri tiếp tục đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết. Cử tri đề nghị cần thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng; giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

2. Cử tri đề nghị Quốc hội đánh giá nguyên nhân vì sao thời gian qua có nhiều cán bộ lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo cấp cao vi phạm, phải xử lý kỷ luật, có trường hợp bị cơ quan chức năng khởi tố.

3. Cử tri kiến nghị cần tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ, lựa chọn cán bộ có phẩm chất và năng lực chuyên môn cao vào các vị trí quan trọng của đất nước.

4. Cử tri kiến nghị cần tăng cường số lượng cán bộ, công chức làm công tác cơ sở hơn nữa vì đây là đội ngũ gần với dân nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở.

5. Cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác cải cách tư pháp; giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan tư pháp kể cả trong khâu tổ chức bộ máy và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm.

6. Cử tri kiến nghị đối với quy định cho phép người nước ngoài được miễn thị thực khi họ đến các “khu kinh tế đặc biệt” và “khu kinh tế ven biển” trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được thông qua, cần có các văn bản hướng dẫn quy định chặt chẽ, bổ sung các điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ, đảm bảo quản lý của Nhà nước, không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

7. Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, nhất là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp kéo dài. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác này.

8. Cử tri kiến nghị xây dựng và triển khai đồng bộ ở các cơ quan nhà nước phần mềm quản lý việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo một cách nhanh chóng, khoa học, tiện lợi hơn so với việc thụ lý thông thường, đồng thời cập nhật kết quả giải quyết kịp thời, chính xác, phục vụ tốt hơn cho công tác tiếp công dân.

9. Cử tri kiến nghị cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách, pháp luật  trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, đặc biệt phát triển các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống xâm hại và tham vấn tâm lý nhằm góp phần bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị xâm hại, tạo ra môi trường học tập, vui chơi lành mạnh tốt nhất cho sự phát triển toàn diện nhân cách ở trẻ. Đồng thời, xử lý thật nghiêm khắc đối với các hành vi bạo hành và xâm phạm trẻ em, phụ nữ.

10. Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng kẹt xe, ngập lụt, lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra thường xuyên tại các địa phương. Các vấn đề về xã hội như mại dâm, đánh bạc, bảo kê, cho vay nặng lãi, tín dụng đen, kinh doanh đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen; chặn xe, chống đối người thi hành công vụ vẫn đang diễn ra phức tạp, gây tâm lý bất ổn cho người dân làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Cử tri đề nghị các ngành, các cấp phải có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn các vấn đề trên, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe.

11. Cử tri đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tác phòng chống tội phạm ma túy, xem xét tăng nặng hình phạt đối với tội phạm ma túy để đảm bảo răn đe cho toàn xã hội.

12. Cử tri tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn giao thông; kiểm tra chặt chẽ việc đào tạo cấp bằng lái xe; xử lý nghiêm đối với những tài xế có nồng độ cồn điều khiểu phương tiện giao thông.

13. Cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư cụ thể trong công tác bảo trì chung cư, công tác phòng cháy chữa cháy và việc cấp chủ quyền cho các hộ dân, mặc dù hệ thống pháp luật quản lý, vận hành nhà chung cư đã không ngừng được hoàn thiện, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân và chủ đầu tư tại một số dự án. 

14. Cử tri phản ánh nước ta đang trong phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, các khu đô thị, chung cư mới đã và đang được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, gây quá tải trong công tác quản lý quy hoạch, hạ tầng đô thị. Đề nghị Nhà nước cần có quy hoạch, chiến lược phát triển bền vững đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc đảm bảo diện tích đất phục vụ cho các công trình công cộng.

14. Cử tri cho rằng theo Điều 19 Luật Căn cước công dân thì số căn cước công dân là số định danh cá nhân, tuy nhiên, số định danh cá nhân này so với số chứng minh nhân dân cấp trước đây gần nhưng không có sự liên kết, kế thừa nào về nguyên tắc đánh số. Do đó, số căn cước công dân và số chứng minh nhân dân là hoàn toàn khác nhau, mặc dù Bộ Công an đã quy định việc cấp Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân cho công dân, tuy nhiên việc này gây ra nhiều khó khăn khi thực hiện các giao dịch và thủ tục hành chính. Kiến nghị sớm giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch và thủ tục hành chính.

16. Cử tri phản ánh công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thuỷ điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Trong khi đó, về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ vẫn diễn ra. Cử tri đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý thật nghiêm đối với các hành vi sai phạm để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái.

17. Cử tri kiến nghị rà soát kỹ lưỡng lại việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã công bố để giảm thiểu tình trạng các dự án treo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị ảnh hưởng. Thực hiện việc công bố công khai và cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch treo để người dân biết và giám sát.

18. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân Thành phố để giải quyết khó khăn của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các quy hoạch này.

19. Cử tri kiến nghị tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ bưu chính chuyển phát…hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đảm bảo theo theo kịp sự phát triển xã hội.

20. Cử tri kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường hơn nữa thời lượng đưa tin, bài và xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam để mọi người dân dễ dàng tiếp cận.

21. Cử tri kiến nghị sớm ban hành các văn bản pháp luật nhằm triển khai hiệu quả Luật An ninh mạng và thiết lập quy định chung để điều chỉnh các hành vi, mối quan hệ xã hội trên không gian mạng, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng và phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Hiện nay có nhiều thông tin trên các trang mạng không đúng sự thật, bôi nhọ lãnh đạo. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý, đồng thời Đảng, Chính phủ có giải pháp tuyên truyền phù hợp, đảm bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân có thông tin chính xác kịp thời.

22. Cử tri đề nghị Nhà nước cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức xuất khẩu lao động trái phép.

23. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định tại khoản 9, Điều 3, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuế mặt nước vì mâu thuẫn với quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 và Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 sửa đổi Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, vi phạm nguyên tắc bất hồi tố gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Doanh nghiệp.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
  Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020
  Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá XIV
  Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
  Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII
  Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến đóng góp các luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIII
Hình ảnh hoạt động
tin nổi bật
Số lượt truy cập
08394227




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn