Đăng nhập

 

 

Liên kết website
Tổng hợp ý kiến xây dựng các dự án luật
Tổng hợp kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

 I. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

1.Cử tri đồng tình với kết quả kỳ họp thứ 9 trong việc đổi mới hình thức hoạt động của Quốc hội đã đảm bảo được các điều kiện đối với công tác phòng, chống đại dịch và có những quyết sách kịp thời giúp Chính phủ khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, với nhiều nội dung quan trọng: thông qua và cho ý kiến nhiều dự án luật; xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Cử tri đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

2. Cử tri kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hình thức họp trực tuyến đã được tổ chức vừa qua, đây là phương thức hoạt động mới giúp giảm ngân sách của nhà nước, giúp các đại biểu bớt áp lực về việc tập trung trong kỳ họp Quốc hội.

3. Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và có những giải pháp nhằm thực thi hiệu quả các Luật đã được Quốc hội vừa thông qua.

4. Cử tri kiến nghị không nên hiệp thương bầu lại các Đại biểu Quốc hội chưa thực sự hoàn thành hết nhiệm vụ đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ này của Quốc hội tiếp tục làm Đại biểu Quốc hội ở nhiệm kỳ sau.

5. Cử tri đề nghị khi giới thiệu người ra ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm đặc biệt vào những vị trí quan trọng trong các cơ quan của bộ máy Nhà nước, của hệ thống chính trị nước ta cần chú trọng, quan tâm hơn nữa để lựa chọn được người có đủ đức, đủ tài, đủ uy tín, hạn chế những sai sót như vừa qua gây mất lòng tin của nhân dân.

6. Cử tri kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế đảm bảo Đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp Quốc hội được chuẩn bị chu đáo, chuẩn mực hơn, tránh tình trạng Đại biểu Quốc hội phát biểu đụng chạm đến lợi ích nhóm sẽ bị phản bác quy chụp trong hoạt động chất vấn.

7. Cử tri đề nghị các Đại biểu Quốc hội cần thể hiện vai trò, trách nhiệm là đại diện của cử tri, khi phát biểu nên đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, không sợ va chạm.

8. Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; về công tác phòng chống tham nhũng, công tác quản lý đất đai, tài sản công; công trình giao thông trọng điểm; việc giải quyết kiến nghị phản ánh của cử tri và khiếu nại, tố cáo của người dân.

9. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét sớm sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan đến quy hoạch nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị đưa vào quy hoạch, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

10. Cử tri cho rằng các giải pháp mà các đại biểu Quốc hội nêu khi phát biểu về các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước chỉ dừng lại ở ý tưởng, đề nghị có những hành động quyết liệt cụ thể để thực hiện các giải pháp đó nhằm tạo động lực phát triển mọi mặt của đời sống xã hội.

II. VỀ KINH TẾ

1. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục có các giải pháp để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân sau dịch bệnh, đồng thời quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch năm 2020.

2. Cử tri cho rằng Việt Nam cần tích cực tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và khu vực trên vấn đề Biển Đông, do hiện nay Việt Nam vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, chính vì vậy Việt Nam có nhiều cơ hội để thể hiện vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

3. Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ trong việc thành lập Đoàn thanh tra đểkiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện tăng lên, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua để cử tri được biết.

4. Cử tri ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh thông qua hình thức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay có tới 1/3 số doanh nghiệp ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19 và rất nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, mà không phát sinh doanh thu thì việc giảm thuế chưa mang lại hiệu quả. Do đó, bên cạnh việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì cần có các giải pháp khác có tác dụng lớn và trực tiếp để giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh.

5. Cử tri ý kiến cho rằng, quy định tiêu chí để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh thu không quá 50 tỷ đồng là chưa hợp lý, vì có nhiều doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng nhưng lợi nhuận rất thấp và gặp nhiều khó khăn, nếu áp dụng quy định này thì các đối tượng thực sự khó khăn trên sẽ không được hỗ trợ.

6. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành, sửa đổi các chính sách để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn, đồng thời giảm lãi suất vay và cung cấp các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch bệnh trong thời gian qua.

7. Cử tri tiếp tục kiến nghị về tỉ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho thành phố Hồ Chí Minh là chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với thành phố Hồ Chí Minh, cần tạo nhiều điều kiện hơn cho Thành phố trong đầu tư phát triển.

8. Cử tri kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai và đồng bộ hệ thống thu phí tự động không dừng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, không để xảy ra các tồn tại, khuyết điểm như thời gian qua nhằm tạo sự minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội, góp phần quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

9. Cử tri kiến nghị cần các giải pháp quản lý, bình ổn kịp thời, phù hợp với từng địa phương để không gây nên những xáo trộn lớn trên thị trường trước diễn biến giá cả thịt heo biến động tăng cao.

10. Cử tri tiếp tục đề nghị cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng trễ tiến độ thi công và đội kinh phí; tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với dự án giao thông BOT, lựa chọn giải pháp quản lý nhà nước phù hợp cho từng trạm thu phí, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp và hiệu quả tài chính của Dự án.

11. Cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm nhiều trong việc phát triển bền vữngĐồng bằng sông Cửu Long, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho các tỉnh ở khu vực này.

12. Cử tri kiến nghị Chính phủ thông tin về đặc khu kinh tế Vân Đồn.

III. VỀ CÁC VẤN  ĐỀ XÃ HỘI

1.Về văn hoá, giáo dục:

1.1- Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành có liên quan đảm bảo công tác xét tuyển Đại học, Cao đẳng được thực hiện một cách trung thực, khách quan, đánh giá công bằng năng lực của từng thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất các học sinh, tránh để xảy ra tình trạng gian lận điểm thi như ở Sơn La, Hòa Bình.

1.2- Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các trường thực hiện tự chủ từng bước, có lộ trình tăng học phí rõ ràng để không gây ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh và sinh viên.

1.3- Cử tri kiến nghị cần quan tâm, chấn chỉnh trong việc biên soạn sách giáo khoa, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình để tránh các hiện tượng tiêu cực trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

1.4- Cử tri kiến nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ; tích cực xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất, trí tuệ và nhân cách nhằm không để xảy ra các tiêu cực như trong thời gian qua.

1.5- Cử tri kiến nghị nhiều bộ sách giáo khoa sử dụng trong giảng dạy hiện nay có hình thức, cấu trúc hấp dẫn, tuy nhiên nội dung kiến thức vượt quá khả năng hiểu của trẻ ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh, việc truyền đạt của giáo viên cần xem xét lại việc điều chỉnh, thay sách giáo khoa mới.

1.6- Cử tri đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh chất lượng hơn. Đảm bảo việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động xã hội.

1.7- Cử tri kiến nghị triển khai nhanh chóng và đồng bộ việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt trong giáo dục nhằm đem lại chính sự tiện lợi cho người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thị trường

2. Về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường:

2.1- Cử tri tiếp tục kiến nghị ngành Y tế quan tâm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ danh mục các loại thuốc điều trị cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới; đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn, kỹ năng mềm và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế để góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

2.2- Cử tri kiến nghị đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động kinh doanh thuốc tân dược và thành lập nhiều đoàn thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thường xuyên và đột xuất việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh nhằm khảo sát thực trạng việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; kiểm tra, rà soát các đại lý thuốc, cơ sở, nhà thuốc bán lẻ và quầy thuốc tư nhân.

2.3- Cử tri kiến nghị để góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân đòi hỏi chính quyền các cấp và các ngành chức cần có những giải pháp đột phá để xây dựng, phát triển công viên và tạo lập mảng xanh đô thị…

2.4- Cử tri kiến nghị Quốc hội cần phải ban hành một Nghị quyết chi tiết cụ thể về phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường thiên nhiên.

2.5- Cử tri kiến nghị những năm gần đây, tình trạng phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên có chiều hướng gia tăng, đặc biệt khi các vụ phá rừng bị phát hiện, các đối tượng đã không ngần ngại tiến công gây thương tích cho lực lượng kiểm lâm. Do đó, cần xử lý kiên quyết hơn đối với các đối tượng vi phạm. Nếu cao vai trò của các cá nhân, đơn vị vốn được Nhà nước giao trách nhiệm bảo vệ, tái tạo, phát triển rừng lại tham gia phá rừng.

2.6- Cử tri tiếp tục kiến nghị đảm bảo thực hiện đúng và đồng bộ công tác bảo vệ mội trương, nhất là trong việc hướng dẫn cho các đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn khu dân cư phải thực hiện thu gom đảm bảo đúng theo quy định.

2.7- Cử tri kiến nghị các lực lượng chức năng thường xuyên thanh kiểm tra và xử lý nghiêm, công khai thông tin rộng rãi đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về Luật An toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể. Đẩy mạnh tuyên truyền,  nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng bếp ăn an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho công nhân lạo động và học sinh.

3. Về chế độ, chính sách:

3.1- Cử tri kiến nghị Bộ Quốc phòng đảm bảo giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách đối với quân nhân xuất ngũ tại chiến trường biên giới theo đúng quy định.

3.2- Cử tri đề nghị quan tâm hơn đến đối tượng người có công đối với các quân nhân, sỹ quân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì không có chế độ BHXH và nằm trong đối tượng được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP của Chính phủ.

3.3- Cử tri kiến nghị Trung ương xem xét và chú ý đến việc thực hiện lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức và viên chức đảm bảo không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế.

3.4- Cử tri kiến nghị công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới; tăng cường khen thưởng đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp ở cấp cơ sở.

3.5- Kiến nghị xem xét lại chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với lực lượng Thanh niên xung phong.

   IV. THỰC THI PHÁP LUẬT

1. Cử tri rất ủng hộ về việc Việt Nam ta đã hành động rất kịp thời công tác chăm lo cho người dân khó khăn do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và được quốc tế đánh giá cao, nhân dân đoàn kết, đồng lòng ủng hộ chính phủ.Tuy nhiên hiện nay Chính phủ cần nghiên cứu, có biện pháp ứng phó làn sóng Covid thứ 2.

2. Cử tri đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay, đã xuất hiện tình trạng lơ là, mất cảnh giác khi tình hình dịch bệnh các nước vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước có biên giới với nước ta.

3. Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng kẹt xe, ngập lụt, lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra thường xuyên tại các địa phương. Các vấn đề về xã hội như mại dâm, đánh bạc, bảo kê, cho vay nặng lãi, tín dụng đen, kinh doanh đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen; chặn xe, bạo hành gia đình vẫn đang diễn ra phức tạp, gây tâm lý bất ổn cho người dân làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Cử tri đề nghị các ngành, các cấp phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn các vấn đề trên, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe.

4. Cử tri kiến nghị Quốc hội cần xây dựng chương trình giám sát đối với các công trình xây dựng quan trọng của Thành phố như Metro, chương trình chống ngập… để nâng cao hiệu quả đầu tư công, chống lãng phí.

5. Cử tri kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có sự quan tâm đối với việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Nam, do hiện nay có nhiều khó khăn, liên kết vùng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, các tuyến đường cũ xuống cấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển vượt bậc của Thành phố; việc triển khai các dự án trọng điểm còn vướng mắc về các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng cũng như bố trí vốn.

6. Cử tri kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đúng mức, sớm triển khai Dự án trục giao thông động lực kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang, kết nối từ ngã ba Trung Lương đến đường Phạm Hùng (thành phố Hồ Chí Minh), tổng chiều dài toàn tuyến khoảng, vì trục giao thông này sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai và chiếm lưu lượng giao thông lớn giữa thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau khi kết nối với đường vành đai 3, 4 của thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cũng ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, tập trung cho tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau; Quốc lộ N2 từ Củ Chi đi Kiên Giang và nâng cấp Quốc lộ 1, Quốc lộ 60 trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh.

7. Cử tri kiến nghị xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể; do hiện nay việc quản lý loại hình cho thuê này hết sức khó khăn; nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao,..

8. Cử tri cho rằng hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức sai phạm trong những năm gần đây là đúng người, đúng tội, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp kỷ luật còn mang tính hình thức bởi có nhiều trường hợp chỉ cách chức một nhiệm kỳ trong khi các cán bộ, công chức bị xử lý đã về hưu thì việc cách chức không thực sự hiệu quả.

9. Cử tri tiếp tục đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết. Cử tri đề nghị cần thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng; giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

10. Cử tri kiến nghị Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử, trước mỗi cuộc bầu cử phải chú trọng xây dựng Đề án chuẩn bị bầu cử trên cơ sở quy định các tiêu chí chung có tính phổ biến của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các quy định về tiêu chuẩn cụ thể cho phù hợp với yêu cầu mới.

11. Cử tri đề nghị trong các hội nghị ứng cử viên bầu cử các cấp sắp tới trình bày chương trình hành động nên có nhiều hình thức thông báo rộng rãi để cử tri tham gia.

12. Cử tri đồng tình về việc Quốc hội thông quy quy định cấm kinh doanh ngành nghề đòi nợ thuê, thời gian qua vấn nạn đòi nợ thuê không chỉ làm ảnh hưởng cho chính người vay nợ mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương và đặc biệt là lòng tin của người dân vào hệ thống tòa án dân sự và thi hành án dân sự. Kiến nghị cần phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính để tạo cơ sở, hành lang pháp lý nhằm củng cố xây dựng niềm tin pháp luật trong nhân dân, thông qua đối thoại giải thích pháp luật dân sự cho người dân trong việc đòi nợ.

13. Cử tri kiến nghị nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể trước tình trang khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường và mở rộng hợp tác về chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các quốc gia thành viên nhằm hướng tới đạt được một cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu toàn diện cho hợp tác ở lưu vực Mê Kông.

14. Cử tri đề nghị các bộ, ngành liên quan hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, để phát triển bền vững toàn lưu vực sông Mê Kông, nhất là việc xây dựng, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn trong việc bảo đảm nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn, hạn chế suy giảm phù sa, nguồn lợi cho đồng bằng sông Cửu Long.

15. Cử tri kiến nghị Trung ương sớm thông qua đề án xây dựng đô thị sáng tạo, hiện đại tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minhvà tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về pháp lý trong vấn đề về việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố chưa có trong Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

16. Cử tri đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

17. Cử tri kiến nghị cần sớm có quy phạm pháp luật cụ thể để ngăn chặn các chiêu thức của người Trung Quốc lách luật bằng cách thông qua việc bỏ tiền nhờ người Việt Nam mua đất và đứng tên hoặc lợi dụng hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó thì quyền sở hữu đối với tài sản là đất rất lớn, việc này nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập và gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

18. Cử tri kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp cưỡng chế, xử lý nghiêm các công trình xây dựng trái phép do tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng phổ biến nhất là trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành. Nhiều khu vực đất chưa được quy hoạch rõ ràng giữa đất nông nghiệp và đất xây dựng, người dân xây dựng nhà ở không cần giấy phép, cơ quan quản lý thì không có cơ sở để xử phạt.

19. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn và trang bị cho lực lượng cơ sở các trang thiết bị phục vụ việc xử phạt các trường hợp sử dụng loa di động gây tiếng ồn ở các khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

20. Cử tri tiếp tục kiến nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.

21. Cử tri kiến nghị đẩy mạnh thực hiện các nội dung về chính sách đặc thù của Thành phố, tiến đến xây dựng mô hình chính quyền đô thị, cải cách thể chế mạnh mẽ,  để Thành phô Hồ Chí Minh xứng đáng là đầu tàu giúp cả nước khôi phục mạnh mẽ sau đại dịch và trong tương lai sắp tới Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số tỉnh, thành được áp dụng từ thực tiễn Nghị quyết chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, chính sách đó giúp thành phố chủ động, đạt nhiều thành tựu.

22. Cử tri kiến nghị rà soát lại toàn bộ các dự án đã triển khai để đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện và cần có cơ chế thông tin, công khai tiến độ, lộ trình thực hiện các dự án để người dân nắm rõ và an tâm ổn định cuộc sống, do hiện nay có một số dự án đã triển khai nhưng công tác thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân, gây ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân, nhất là các hộ dân trong diện quy hoạch giải tỏa; đảm bảo việc kiến thiết, quy hoạch đô thị  đạt hiệu quả góp phần thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

23. Cử tri tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng lại việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã công bố để giảm thiểu tình trạng các dự án treo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị ảnh hưởng.Thực hiện việccông bố công khai và cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch treo để người dân biết và giám sát.

24. Cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên sông. Đồng thời nghiên cứu đề xuất bổ sung chế tài xử phạt, tăng nặng hình phạt đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát, sỏi trái phép nhằm đảm bảo tính răn đe.

25. Cử tri kiến nghị các bộ, ngành có liên quan tạo điều kiện, đầu tư cung cấp công cụ, phương tiện hỗ trợ bắt giữ các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát, sỏi trái phép nhằm đảm bảo tính răn đe.

26. Cử tri kiến nghị sửa đổi tại điểm d, khoản 2, Điều 106Luật Đất đai 2013 do: Theo điểm c khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với “Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng…”. Tuy nhiên, tại điểm d, khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai 2013 lại quy định “…trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai” (tức là không thu hồi Giấy chứng nhận đối với trường hợp này).Quy định này chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất, dễ gây ra nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, đây cũng là nguyên của nhiều cuộc tranh chấp, khiếu nại kéo dài.

27. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm có quy định, chế tài quản lý   quản lý chặt chẽ;xây dựng quy hoạch cụ thể vùng nuôi chim yến, tuyệt đối không để tiếp diễn việc nuôi chim yến trong khu dân cư, gần trường học, bệnh viện; mở loa phát âm thanh ầm ĩ cả ngày lẫn đêm. Người dân không chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn mà còn hứng chịu ô nhiễm từ phân thải, lông, mùi hôi…

28. Cử tri kiến nghị thanh tra việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khácđối với Đất Quốc phòng (Z751).

29. Cử tri kiến nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện hỗ trợ các đối tượng là người lao động tự do chịu ảnh hưởng của dịch covid19 để đảm bảo hỗ trợ cho người dân kịp thời, thuận lợi, công khai minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng trục lợi chính sách.

30. Cử tri kiến nghị cải cách hành chính phải cụ thể từ cơ sở trở lên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt đẩy mạnh giám sát của báo chí, của tổ chức đoàn thể, của nhân dân để kịp thời phát hiện những cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và có biện pháp ngăn chặn và xử lý ngay.

31. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng cần thống kê, kiểm tra và quản lý chặt chẽ những căn nhà hoang, không để tội phạm làm nơi trú ẩn để gây án, trốn tránh khi bị truy bắt, điển hình như vụ án Tuấn Khỉ ở huyện Củ Chi xảy ra vừa qua.

32. Cử tri đề nghị đẩy mạnh việc cấp số định danh cá nhân để có cơ sở trong việc đơn giản thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí.

33. Cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát các dự án giao thông quan trọng như đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Bến Thành – Suối Tiên, dự án mở rộng Quốc lộ 1, dự án Sân bay Long Thành phải bảo đảm tiến độ, chất lượng.

34. Cử tri tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn giao thông.

35. Cử tri tiếp tục kiến nghị cần tăng cường công tác cải cách tư pháp; giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan tư pháp kể cả trong khâu tổ chức bộ máy và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, khi mà trong thời gian qua Tòa án các cấp đã xét xử nhiều vụ án gây nhiều dư luận trong trong nhân dân như: vụ án Hồ Duy Hải, vụ án tại tòa án tỉnh Bình Phước,

36. Cử trị đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành có liên quan đã tăng cường bảo vệ an ninh mạng và đẩy mạnh công tác truyền thông trước tình trạng vẫn còn một số đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng tình hình đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước, gây hoang mang dư luận.

37. Cử tri kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó xây dựng đoàn kết toàn Đảng, toàn dân đồng lòng trong bảo vệ biển đảo quê hương.

38. Cử tri kiến nghị Bộ Công an cần đánh giá, nghiên cứu lại vấn đề tín dụng đen, dự báo các phương thức thủ đoạn tín dụng đen trá hình, mang tính chất thu hồi nợ, kinh doanh đòi nợ thuê nhằm hạn chế tối đa việc bùng phát tệ nạn này gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội; đồng thời nghiên cứu bổ sung hình thức xử phạt đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

39. Cử tri bức xúc trước việc giá điện tăng đột biến gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, đặc biệt các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cử tri không đồng tìnhcách tính giá điện luỹ tiến 6 bậc như hiện nay, khách hàng sử dụng càng nhiều điện thì giá thành điện sẽ càng cao. Cử tri đề nghị không được đưa các khoản đầu tư vào hạch toán giá điện.

40. Cử tri không đồng tình với cách tính hoán đổi điện nặng lượng Mặt trời trên mái nhà và điện do Tổng Công ty điện lực cung cấp như hiện nay, cử tri phải chịu hai lần phí chuyển khoản và thuế giá trị gia tăng. Đề nghị xem xét có cách tính hợp lý hơn.

41. Cử tri đề nghị xem xét lại định mức điện được cấp hiện nay cho hộ dân, trước đây mỗi hộ là 100kw, hiện nay chỉ còn 50 kw, đề nghị tăng lên theo mức cũ là 100 kw, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân khi mà hâu hết các hoạt động của người dân đều sử dụng điện.

42. Cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm xây đội ngũ cán bộ, công chức viên chức tại cơ sở cần có bản lĩnh, đạo đức, tri thức và khắc phục tình trạng tham nhũng vặt vì hiện nay công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức.

43.  Cử tri đề nghị các cơ quan, đơn vị nơi có những cán bộ gây ra oan sai cần phải có biện pháp bắt buộc những cán bộ, nhân viên gây ra oan sai, ngoài việc phải bồi thường theo đúng quy định, bị xử lý kỷ luật đúng mực, còn phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với dân, tránh tình trạng những buổi lễ "xin lỗi" chỉ là hình thức và không tạo niềm tin cho người dân vào công lý.

44. Cử tri kiến nghị cần sớm nghiên cứu, ban hành Luật về tình trạng khẩn cấp để thay thế cho pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp trước đây để tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật; trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, để đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế. Ở nước ta hiện nay, đang song song tồn tại 2 hệ thống văn bản pháp luật quy định về tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch gây ra lúng túng trong áp dụng.

45. Về lĩnh vực giao thông đường bộ:

- Kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp với tình hình mới.

- Kiến nghị Quốc hội, sửa đổi các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ để khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

- Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên bố trí vốn đầu tư các tuyến giao thông vành đai, mở rộng tuyến Quốc lộ qua địa bàn Thành phố, kết nối giao thông khu vực; có cơ chế, chính sách phù hợp để Thành phố có nguồn lực mở rộng hệ thống đường giao thông, nâng mật độ đường giao thông theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam nhằm phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, khu vực và việc đi lại của người dân của thành phố.

- Kiến nghị sửa đổi, bổ sung ngành nghề có điều kiện đối với các ngành kinh doanh tập trung đông người, theo đó yêu cầu phải đảm bảo diện tích đỗ xe cho khách, đảm bảo các khu vực tiếp cận và không được phép thành lập các trụ sở kinh doanh tại các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

- Kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư ngân sách và có cơ chế chính sách để tạo nguồn lực tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như của Vùng; nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp và đồng bộ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, cung ứng dịch vụ bến bãi vận tải.

- Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định hướng dẫn về công tác tổ chức giao thông theo Điều 37, Luật Giao thông đường bộ (quy định về cách thức, trình tự, thủ tục, phương án tổ chức giao thông, thẩm quyền phê duyệt và cơ quan, đơn vị thực hiện) để các Sở Giao thông vận tải thực hiện công tác tổ chức giao thông đúng quy định pháp luật.

- Kiến nghị Chính phủ xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm, đường truyền dữ liệu liên thông giữa tất cả các đơn vị về công tác xử lý vi phạm hành chính trên phạm vi toàn quốc; bổ sung quy định bắt buộc về việc khai báo cụ thể nơi cư trú đối với người được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với trường hợp tái vi phạm.

- Kiến nghị Chính phủ cần đầu tư trang bị các thiết bị công nghệ trong quản lý, xử lý trật tự an toàn giao thông, như: lắp đặt hệ thống camera ở các giao lộ trọng điểm để kiểm tra an toàn giao thông, phát hiện vi phạm về giao thông và thông báo rộng rãi việc trang bị camera trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết.

- Kiến nghị Chính phủ bổ sung hình thức“tháo biển kiểm soát” trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, việc tháo biển kiểm soát sẽ giúp cho lực lượng chức năng thuận lợi trong công tác xử lý vi phạm, đối với các trường hợp tài xế vi phạm khi thấy lực lượng chức năng thường né tránh bằng việc khóa xe và đi nơi khác đến khi thấy lực lượng chức năng điều xe cẩu để cẩu xe về nơi tạm giữ thì mới xuất hiện và xuất trình các giấy tờ theo quy định gây khó khăn cho lực lượng chức năng. 

- Kiến nghị Chính phủ xây dựng, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp và đồng bộ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, cung ứng dịch vụ bến bãi vận tải. Cụ thể: các loại hình bến bãi đầu tư xây dựng mới hoặc được cải tạo nâng cấp theo quy hoạch, được miễn tiền thuê đất đối với phần diện tích các hạng mục công trình dịch vụ, bao gồm: khu vực đón, trả khách; bãi đỗ xe ô tô vào vị trí đón khách; khu vực bãi đỗ xe công cộng; khu vực dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện; khu bán vé; khu quản lý điều hành; khu vực phòng chờ khách; khu phục vụ vệ sinh công cộng; khu rửa xe; khu vực kho lưu trữ hàng hóa; khu vực bố trí mảng xanh, vườn hoa và đường giao thông nội bộ. Đối với vị trí bến bãi theo quy hoạch có công trình là bãi đậu xe ngầm hoặc bãi đậu xe cao tầng, hoặc kết hợp cả hai thì phần diện tích đất được miễn được xác định bởi tỉ lệ giữa số tầng cung ứng chỗ đậu xe công cộng và tổng số tầng xây dựng so với diện tích khu đất. Xem xét đưa nhóm các dự án đầu tư xây dựng các bến bãi (mặc dù có trung tâm thương mại) vào nhóm hạ tầng để được khuyến khích cho vay vốn đầu tư; cho phép công trình bến bãi đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch (có thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

- Kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định về việc đấu nối giao thông từ các dự án khu dân cư, điểm tập trung đông người vào đường đô thị tại Điều 29 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ để hoàn thiện cơ sở pháp lý chặt chẽ đối với công tác thỏa thuận đấu nối giao thông.

- Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định bắt buộc các loại phương tiện tham gia giao thông phải triển khai ứng dụng công nghệ do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Đồng thời bổ sung quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy (hiện nay chưa có quy định kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này) nhằm hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

- Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với thẩm quyền tổ chức giao thông trên các tuyến đường hẻm kết nối ra đường giao thông do Sở Giao thông vận tải quản lý, các tuyến đường thuộc dự án khu dân cư chưa bàn giao cơ sở hạ tầng cho cơ quan Nhà nước quản lý. Đối với các phương án tổ chức giao thông đơn giản như: lắp đặt biến cấm tải, cấm dừng, đỗ xe trên các tuyến đường được phân cấp cho Ủy ban nhân dân quận – huyện quản lý nhằm kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn, góp phần đảm bảm trật tự an toàn giao thông.

- Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thống nhất với Bộ Giao thông vận tải các nước quy định liên thông dữ liệu giữa các nước về: giấy phép lái xe, biển kiểm soát phương tiện,… và phương thức kiểm soát nhằm tăng cường công tác quản lý xe ô tô vận tải quốc tế.

- Kiến nghị Bộ Công an ban hành Quy chế hoạt động quy định chức năng, nhiệm vụ tạo sự chủ động cho lực lượng cảnh sát giao thông – trật tự quận, huyện trong công tác tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông; xây dựng hệ thống liên kết thông tin về xử phạt vi phạm trong ngành Cảnh sát giao thông để cập nhật thông tin vi phạm của đối tượng vi phạm hành chính.

- Kiến nghị Bộ Công an ban hành Quy chế phối hợp, quy định trách nhiệm cụ thể giữa các Đội Cảnh sát giao thông địa bàn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt với các lực lượng của Công an quận – huyện trong công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trê địa bàn quản lý.

46. Đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, các giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị:

- Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung "Danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để có nguồn ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

 - Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách ưu đãi thuế, đối với:  Dự án nhà ở thương mại giá thấp được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và  Dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê (100% căn hộ dùng để cho thuê) được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, để thống nhất với Khoản (1.b) Điều 58 Luật Nhà ở và Khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

- Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, hoàn thiện điểm c, khoản 5, Điều 16  Luật Đầu tư, theo hướng thực hiện “ưu đãi đầu tư” đối với “dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp”, như sau: “c) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp theo quy định của Chính phủ”.

- Đề nghị Chính phủ tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước hàng năm, nếu có thể được, thì bố trí khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm hỗ trợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

- Đề nghị cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay tín dụng ưu đãi.

- Đề nghị bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

- Đề nghị Chính phủ thống nhất một chính sách về tiết kiệm nhà ở xã hội và lãi suất vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và mở rộng cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định cũng được nhận tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội.

- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước quy định tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng với mức lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại, đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng, để khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

- Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Chính sách xã hội) xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng, có thể ở mức không quá 01 triệu đồng/tháng, để dễ thực hiện và phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập thấp đô thị.

- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank.

- Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất như lãi suất trên đây, đối với cả người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.

- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước thống nhất quy định thời hạn cho vay vốn ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội trong từng thời kỳ. Hiện nay, đang là 15 năm. Đề nghị quy định thời hạn 20 năm cho giai đoạn 2021-2025.

- Đề nghịquy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc, hoặc lãi vay, để thực hiện thống nhất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và 04 tổ chức tín dụng được chỉ định.

- Đề nghị quy định khoản tiền đặt cọc thuê nhà ở xã hội bằng 1-3 tháng tiền thuê nhà, như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội và  sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, như sau: "Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 03 tháng, tối thiểu không thấp hơn 01 tháng tiền thuê nhà ở để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà".

- Đề nghị quy định quyền của người mua, thuê mua nhà ở xã hội là được bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội sau khi đã nhận nhà và cư ngụ trong thời hạn tối thiều 05 năm.

 - Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, chỉ để phát triển nhà ở xã hội.

- Đề nghị sử dụng hiệu quả quỹ đất công, thực hiện đấu giá các mặt bằng có vị trí đắc địa, để tạo vốn phát triển quỹ đất nhà ở xã hội; và phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để thực hiện thiết chế nhà ở công đoàn cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp.

 - Đề nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thi hành Luật Đất đai”, để giải quyết vướng mắc về giao đất dự án nhà ở xã hội cho doanh nghiệp.

 - Đề nghị Chính phủ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội, kể cả dự án từ 2.500 căn trở lên. Đề nghị giao cho Sở Xây dựng thẩm duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1 (trên 24 tầng, trên 74m). Đề nghị giao cho Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy tất cả công trình kể cả dự án nhóm A; dự án công trình có chiều cao từ 100m trở lên. Đề nghị giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc thỏa thuận chiều cao tối đa công trình (trên cơ sở Cục Tác chiến thống nhất với Sở Xây dựng, hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc, hoặc Bộ Tư lệnh thành phố về bản đồ phễu bay, và cao độ tĩnh không).

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng và Khoản (2.b) Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định: “Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế đối với nhà ở xã hội hiện hành”, đảm bảo sự thống nhất với Khoản (1.b) Điều 58 Luật Nhà ở và Khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, theo hướng, không cần thiết quy định lợi nhuận định mức dự án nhà ở xã hội, Nhà nước chỉ nên tập trung quản lý về quy hoạch, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án và kiểm soát, khống chế giá bán nhà ở xã hội của dự án.

- Đề nghị được tính đúng, tính đủ chi phí giải phóng mặt bằng của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội,hiện nay, doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường, nhưng lại chưa được hạch toán đầy đủ chi phí giải phóng mặt bằng thực tế vào giá thành dự án nhà ở xã hội, nên lợi nhuận định mức 10% không đủ bù chi phí đầu tư.

- Đề nghị Bộ Tài chính cho phép hạch toán đầy đủ chi phí thực tế để giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội, hiện đang chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành, để góp phần làm giảm giá thành nhà ở xã hội, bởi vì hiện nay doanh nghiệp chỉ được tính chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp, chỉ bằng khoảng 20-30% chi phí thực tế của doanh nghiệp.

- Đề nghị bãi bỏ quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở và Khoản 4, Khoản 5 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, không quy định “bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở”, để cho bên bán nhà được hưởng đầy đủ chính sách phúc lợi nhà ở xã hội một lần trong đời. Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội, tránh việc trục lợi chính sách, thì có thể xem xét cho phép áp dụng chính sách không thu tiền sử dụng đất khi bán nhà ở xã hội đối với những trường hợp đã sử dụng nhà ở xã hội tối thiểu 10 năm kể từ ngày được nhận nhà và đã có “sổ đỏ”.

 - Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 53 Luật Nhà ở theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê, như sau: "3. Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình; Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình để cho thuê".

- Đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2016/TT-BXD theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê, để khuyến khích các hộ kinh doanh cho thuê chuyển thành doanh nghiệp.

- Đề nghị Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán các dự án nhà ở xã hội của các doanh nghiệp không sử dụng trực tiếp nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư.

- Đề nghị có chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

- Đề nghị cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.Quy hoạch các khu vực đô thị để phát triển các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại giá thấp, hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền, nhưng có đầy đủ các hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, các tiện ích, dịch vụ, thân thiện môi trường. Trong đó, cho phép tỷ lệ căn hộ nhỏ cao hơn. Tích hợp và kết nối các hình thức giao thông đô thị(TOD), tạo thuận lợi cho cư dân đi lại, làm việc, sinh sống. Có chính sách được chậm nộp, hoặc được giảm tiền sử dụng đất tùy theo loại dự án nhà ở thương mại giá thấp, như được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án nhà ở thương mại cho thuê giá thấp. Có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%. Riêng, đối với loại nhà ở xã hội chỉ để cho thuê và loại nhà ở thương mại chỉ để cho thuê giá thấp, thì được giảm đến 70% thuế suất. Có chính sách tín dụng ưu đãi đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp, và đối với người mua nhà, thuê mua nhà ở thương mại giá thấp, đặc biệt là người trẻ mua căn nhà đầu tiên và được thế chấp bằng chính căn nhà mua. Đề nghị xem xét áp dụng lãi suất cho vay thương mại thấp hơn khoảng 20-25% so với lãi suất thông thường. Có quy trình rút gọn về đầu tư và cấp Giấy phép xây dựng, để tạo điều kiện sớm triển khai thực hiện dự án nhà ở thương mại giá thấp.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì “Hội nghị phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, đảm bảo an sinh xã hội” (sau đại dịch CoViD-19), để tạo cú huých phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền ngay trong năm 2020 và cho những năm tiếp theo, để đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

47. Đề nghị Quốc hội xem xét cho phép quy định tại khoản 4, Điều 29 và khoản 1, Điều 75 của Luật Đầu tư có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020, tương tự như khoản 2, Điều 76 Luật Đầu tư đã “Quy định tại khoản 3, Điều 75 của Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020”, để tháo gỡ ách tắc, vướng mắc hàng trăm dự án nhà ở, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại sau đại dịch covid19, góp phần vào sự phát triền của nền kinh tế.

48. Đối với quy định liên quan đến dự án Hợp xây dựng – chuyển giao (BT)

- Đề nghị Quốc hội xem xét bỏ khoản 3, Điều 45 của Luật PPP quy định về loại “Hợp đồng xây dựng – Chuyển giao (BT)”; việc điều chỉnh “Hợp đồng xây dựng – Chuyển giao (BT)” thực hiện theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai,…

- Đề nghị bổ sung quy định đấu thầu Dự án BT và đồng thời đấu thầu hoặc đấu giá “quỷ đất” thanh toán Dự án BT để lựa chọn đồng thời nhà đầu tư và dự án BT và nhà đầu tư dự án khác.

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản để quy định trường hợp đấu thầu (kết hợp cả đấu giá), đồng thời Dự án BT và “quỹ đất” thanh toán Dự án BT.

- Đề nghị Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quy định thí điểm việc thực hiện đấu thầu (kết hợp cả đấu giá) đồng thời Dự án BT và “quỹ đất” thanh toán dự án BT.

-  Đề nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản,… để hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh loại hình các dự án theo hình thức hợp đồng BT.

- Đề nghị Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội giải quyết các bất cập, vướng mắc để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, không làm thất thoát tài sản nhà nước và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch.

- Đề nghị bổ sung phương thức sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Dự án BT vào Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định 69/2014/NĐ-CP. 

- Do Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã quy định số tiền thu được từ khai thác "quỹ đất" được dùng để thanh toán Dự án BT, đề nghị bổ sung "Dự án BT" vào Khoản (1.b) Điều 6 Luật Đầu tư công 2014 “b. Dự án không có cấu phần xây dụng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, m. cấp trang thiết bị, máy móc, dự án BT và các dự án khác không quy định tại điểm a khoản này”, và đề nghị bổ sung thêm các quy định về sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Dự án BT vào Luật Đầu tư công để thống nhất thực hiện. 

- Kiến nghị cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa quy định khai thác "quỹ đất" để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai) và quy định sử dụng "quỹ đất" để thanh toán Dự án BT (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

- Đề nghị thực hiện phổ biến việc bán đấu giá "quỹ đất" công đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc, để tạo nguồn "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Hợp đồng BT.

- Đề nghị việc sử dụng tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Hợp đồng BT, được thực hiện theo quy định về mua tài sản công theo khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công, và bổ sung thủ tục, cơ chế phù hợp với Dự án BT. 

- Đề nghị hạn chế tối đa việc sử dụng "quỹ đất" đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán Hợp đồng BT và chỉ thực hiện phương thức thanh toán này, khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đúng như quy định tại Khoản (1.c) Điều 5 Nghị định 69/2012/NĐ-CP.

- Hiệp hội đề nghị chỉ nên sử dụng "quỹ đất" chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán Hợp đồng BT trong trường hợp nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng cho Nhà nước, như đã quy định tại Điều 8 Nghị định 69/2012/NĐ-CP.

- Đề nghị giải thích khái niệm "vùng phụ cận"để thống nhất với Luật Đất đai. 

- Kiến nghị cần phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá khi Nhà nước sử dụng "quỹ đất" để thanh toán Dự án BT 

- Đề nghị hạn chế tối đa trường hợp sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT. Đề nghị chỉ sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT, trong trường hợp Nhà nước chưa bố trí được "tiền thuộc ngân sách nhà nước", hoặc chưa thể tổ chức đấu giá quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT.

- Đề nghị chỉ sử dụng "quỹ đất" chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Dự án BT, trong trường hợp nhà đầu tư ứng tiền cho Nhà nước để giải phóng mặt bằng như đã quy định tại Điều 8 Nghị định 69/2012/NĐ-CP.

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung các phương pháp xác định giá đất để xác định "giá đất cụ thế" của Nghị định 44/2013/NĐ-CP để đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp giá thị trường. 

- Đề nghị số tiền do nhà đầu tư ứng trước để giải phóng mặt bằng công trình thuộc Dự án BT "được tính vào giá trị của Hợp đồng BT và được tính lãi suất"

- Đề nghị số tiền do nhà đầu tư ứng trước để giải phóng mặt bằng quỹ đất thanh toán Dự án BT để thực hiện "dự án khác", được khấu trừ vào giá trị quỹ đất thanh toán Dự án BT và không được tính lãi suất trong thời gian thực hiện Dự án BT; nhung được tính lãi suất kể từ sau thời điểm thanh toán Dự án BT. 

- Trong trường hợp sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán Dự án BT, đề nghị vẫn thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án BT với điều kiện kèm theo là nhà đầu tư ứng vốn cho Nhà nước để giải phóng mặt bằng quỹ đất thanh toán Dự án BT. 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
thông tin cần biết
  Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020
  Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá XIV
  Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
  Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII
  Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến đóng góp các luật Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIII
Hình ảnh hoạt động
tin nổi bật
Số lượt truy cập
08353127




                                             Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

                                             2Bis Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
                                             ĐT: 028.38295353 - Fax: 028.38291574
                                             Email:
vpddbqh@tphcm.gov.vn - hcm@qh.gov.vn